“Cặp đôi” VIC, VHM lại giảm mạnh, VN-Index mất trụ
Nhịp lao dốc quyết định ở chỉ số VN-Index xuất hiện trong khoảng 15 phút cuối đợt khớp lệnh liên tục gắn liền với diễn biến sụt giá của nhóm cổ phiếu trụ, tiêu biểu là VIC, VHM, HPG. Rất may các blue-chips còn lại giảm không nhiều, nên điểm mất cũng nhẹ và thị trường duy trì được độ phân hóa tốt...
Nhịp lao dốc quyết định ở chỉ số VN-Index xuất hiện trong khoảng 15 phút cuối đợt khớp lệnh liên tục gắn liền với diễn biến sụt giá của nhóm cổ phiếu trụ, tiêu biểu là VIC, VHM, HPG. Rất may các blue-chips còn lại giảm không nhiều, nên điểm mất cũng nhẹ và thị trường duy trì được độ phân hóa tốt.
VN30-Index đóng cửa giảm 0,48% với 11 mã tăng/16 mã giảm. Ảnh hưởng từ các blue-chips hầu hết dồn vòa nhóm vốn hóa lớn nhất, một phần vì dòng tiền lại rút lui khỏi nhóm này.
Dẫn đầu là VIC giảm 2,3%, tuy chưa thủng đáy thấp nhất trong tháng 7, nhưng nguy cơ đang tăng. VIC sau khi giảm sâu nhất tới 67.500 đồng hôm 6/7 vừa qua đã có 7 phiên đi ngang và không vượt nổi mốc 70.000 đồng. Hôm nay VIC trong phiên cũng không đến nỗi yếu, kết đợt khớp lệnh liên tục mới ở mức 68.900 đồng giảm khoảng 1%, nhưng rồi đợt ATC lại bị xả 313.100 cổ, ép xuống 68.000 đồng.
VHM và HPG cũng là hai trụ khác rất kém. VHM đóng cửa giảm 1,67%, HPG giảm 2,59%. Cả 2 mã này đều giảm suốt cả phiên và không phục hồi được. Thanh khoản của HPG giảm tới 58% so với phiên trước, VIC giảm khoảng 31% còn VHM so với mức bình quân 20 phiên cũng giảm trên 30%. Điều này cho thấy các cổ phiếu nói trên giảm giá do thiếu lực mua. Chỉ 3 cổ phiếu này đã khiến VN-Index mất tới 3,5 điểm, trong tổng mức giảm 2,76 điểm hôm nay.
Ngoài VIC, VHM, HPG, rổ VN30 chỉ có thêm STB giảm trên 1% (-1,96%), còn lại đều nhẹ. Điều này khiến độ rộng của rổ không đến nỗi quá xấu, dù số giảm giá nhiều hơn. Điều gây ảnh hưởng là nhóm giảm giá có các cổ phiếu vốn hóa lớn nhất.
Phía tăng, VN30 có 3 mã tăng trên 1% là BVH tăng 1,42%, MSN tăng 1,38% và PLX tăng 1,13%. Rõ ràng vốn hóa của nhóm tăng này kém hơn nhiều nhóm giảm, chưa kể số tăng còn lại mức độ không đáng kể, bất chấp việc xuất hiện VNM, SAB, GVR.
Độ rộng chung của VN-Index cuối ngày ghi nhận 229 mã tăng/209 mã giảm, không chênh lệch quá nhiều so với phiên sáng (241 mã tăng/174 mã giảm). Tuy nhiên mặt bằng giá cổ phiếu thì thấp hơn. Chẳng hạn rổ VN30 có tới 20 cổ phiếu tụt giá so với phiên sáng, thanh khoản cũng thấp hơn phiên sáng khoảng 8%. Nhóm blue-chips không nhận được dòng tiền đủ tốt và tính chung cả ngày hôm nay, thanh khoản giảm tới 26% so với phiên trước. Trong khi đó Midcap giảm 7% thanh khoản, chỉ số tăng nhẹ 0,19% và Smallcap thanh khoản giảm 4%, chỉ số tăng 0,57%.
Nhóm đi ngược dòng hôm nay tập trung chủ yếu vào các cổ phiếu vừa và nhỏ, thậm chí ngay trong rổ VN30 cũng chỉ có các mã tầm trung là mạnh hơn. Một số mã thanh khoản rất tốt và giá tăng cao, xác nhận có dòng tiền tích cực giữa bối cảnh tổng thanh khoản cực thấp. Có thể kể ra như HNG kịch trần, giao dịch 123 tỷ đồng; FCN trần, thanh khoản 65 tỷ; HHV trần, thanh khoản 54 tỷ; HAG tăng 5,88% giao dịch 231,7 tỷ; VCG tăng 5,28% giao dịch 156,7 tỷ; VHC tăng 4,22% giao dịch 82,1 tỷ; LCG tăng 3,54% giao dịch 80 tỷ; BAF tăng 3,26% giao dịch 154,1 tỷ...
VN-Index mất trụ và rơi xuống 1.176,49 điểm, tiếp tục “bò” sát đáy và không có tín hiệu nào của dòng tiền lớn xuất hiện. Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn niêm yết lại giảm 11%, còn quanh 11,2 ngàn tỷ đồng, kém hơn mức trung bình tuần trước. Điều may mắn là vẫn có cả trăm cổ phiếu tăng giá, những mã hút được dòng tiền tốt vẫn tăng.
Khối ngoại phiên chiều tăng cả mua lẫn bán, giá trị bán trên HoSE khoảng 510,5 tỷ đồng, mua vào 501,5 tỷ đồng. Do đó mức bán ròng gần như không đổi từ sáng, khoảng 115,9 tỷ đồng. VHM và HPG bị tăng bán đáng kể chiều nay, mức ròng tương ứng 44,8 tỷ và 44,1 tỷ. Phía mua có VND tăng mạnh lên gần 62 tỷ đồng ròng và DPM khoảng 35 tỷ. Nhìn chung giao dịch của khối ngoại khá nhỏ so với tổng thanh khoản.