14:39 17/07/2022

Xu thế dòng tiền: Thị trường sẽ thế nào trước “cú sốc” tăng lãi suất tháng 7 của FED?

Nguyễn Hoàng

Thông tin lạm phát tháng 6 của Mỹ cao kỷ lục khiến thị trường chứng khoán toàn cầu đang chuẩn bị tâm lý cho khả năng FED tăng lãi suất tới 1 điểm phần trăm thay vì 0,75 điểm ngay trong tháng 7. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng tác động của lần tăng này sẽ không lớn...

Chỉ số VN-Index.
Chỉ số VN-Index.

Thông tin lạm phát tháng 6 của Mỹ cao kỷ lục khiến thị trường chứng khoán toàn cầu đang chuẩn bị tâm lý cho khả năng FED tăng lãi suất tới 1 điểm phần trăm thay vì 0,75 điểm ngay trong tháng 7. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng tác động của lần tăng này sẽ không lớn.

Lý do được đưa ra là thị trường chứng khoán thường có xu hướng phản ứng nhẹ dần sau nhiều lần lặp lại, chẳng hạn các động thái tăng lãi suất của FED ban đầu khiến thị trường giảm mạnh, nhưng các lần sau lại phản ứng yếu hơn. Ngoài ra, nhiều loại hàng hóa đã giảm trong tháng 7, nhất là giá dầu, nên sức ép lạm phát cũng suy yếu sau khi đạt đỉnh tháng 6. Cùng với đó là mua báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 cũng sẽ làm giảm sự chú ý vào câu chuyện lạm phát.

Hầu hết các chuyên gia đều đánh giá cao cơ hội thị trường phục hồi trong nửa cuối tháng 7 và tháng 8 tới, dù các căn cứ là khác nhau. Các chuyên gia đều cân nhắc mua thêm cổ phiếu, thậm chí có sử dụng margin hợp lý để tận dụng cơ hội này.

Nguyễn HoàngVnEconomy

Thông tin đáng chú ý nhất tuần qua là số liệu lạm phát kỷ lục trong tháng 6 của Mỹ. Số liệu này khiến chứng khoán Mỹ đang sẵn sàng cho một quyết định tăng lãi suất tới 1 điểm phần trăm vào phiên họp của FED cuối tuần tới. Nếu thị trường Mỹ hay thế giới điều chỉnh chiết khẩu rủi ro này, theo anh chị tác động đến thị trường Việt Nam như thế nào?

 
Xu thế dòng tiền: Thị trường sẽ thế nào trước “cú sốc” tăng lãi suất tháng 7 của FED? - Ảnh 1

Tôi đánh giá ít có khả năng thông tin về lạm phát tháng 6 sẽ có thêm những ảnh hưởng mạnh mẽ lên thị trường, dù tác động có thể đến từ các thông điệp của FED liên quan đến tốc độ tăng lãi suất.

Ông Trần Đức Anh

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng

Với số liệu lạm phát kỷ lục trong tháng 6 của Mỹ, sẽ buộc FED tiếp tục hành động nâng lãi suất trong kỳ họp tuần tới, với dự báo là mức tăng vào khoảng 0.75 -1%. Đây là mức tăng khá lớn trong một lần nâng lãi suất của cơ quan này, và cho thấy đà tăng lãi suất đang mạnh lên chứ không hề hạ nhiệt.

Về mặt dài hạn, xu hướng tăng lãi suất luôn tác động tiêu cực tới thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, nếu chỉ xét trong phạm vi ngắn hạn thì không phải lần tăng lãi suất nào thị trường cũng sẽ phản ứng như nhau. Hơn nữa, thị trường chứng khoán thường phản ứng thái quá và mạnh mẽ với những sự kiện trọng yếu mang tính bất ngờ hoặc mới xảy ra lần đầu. Còn với các sự kiện mang tính thường kỳ, thì tác động lên thị trường cũng dần bị triệt tiêu sau mỗi lần sự kiện đó lặp lại.

Nếu FED tiếp tục tăng lãi suất trong kỳ họp tuần tới, thì đây sẽ là tăng lãi suất thứ 4 liên tiếp trong năm nay. Và thị trường chứng khoán đã có ba lần điều chỉnh chiết khấu mạnh trước đó, với mức giảm cũng dần hạ nhiệt sau mỗi lần FED nâng lãi suất.

Dưới góc nhìn đó, tôi cho rằng lần nâng lãi suất tới đây có thể vẫn còn ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán thế giới, cũng như thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng mức độ tác động không còn mạnh nữa.

Ông Trần Đức AnhGiám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS

Thực tế sau khi thông tin CPI Mỹ tháng 6 công bố lên cao nhất 40 năm và cao hơn mức kỳ vọng của thị trường, chứng khoán Mỹ phản ứng không quá xấu như đã được chứng kiến khi số tháng 5 được công bố. Nguyên nhân đến từ việc thị trường đang kỳ vọng lạm phát Mỹ đã đạt đỉnh trong bối cảnh giá lương thực, thực phẩm, hàng hoá nguyên vật liệu đang có xu hướng điều chỉnh rõ nét từ đầu tháng 7 cho đến nay. Bên cạnh đó, mùa báo cáo lợi nhuận quý 2 đang đến gần cũng đang phần nào thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư và giảm nhẹ các tác động từ thông tin CPI.

Do đó, tôi đánh giá ít có khả năng thông tin về lạm phát tháng 6 sẽ có thêm những ảnh hưởng mạnh mẽ lên thị trường, dù tác động có thể đến từ các thông điệp của FED liên quan đến tốc độ tăng lãi suất.

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Theo tôi thấy thị trường Mỹ khi đón nhận thông tin về mức lạm phát kỷ lục trong tháng 6 thì thị trường phản ứng rất nhẹ nhàng. Những nhịp điều chỉnh đều khá yếu và bât lại nhanh và mạnh. Tôi nghĩ động thái đợt tới của Fed sẽ không ảnh hưởng mấy tới thị trường Mỹ hay thế giới.

Riêng Việt Nam thì chúng ta đều thấy thị trường chúng ta giai đoạn vừa rồi giảm mạnh nhất thế giới. Nhiều cổ phiếu chiết khấu về vùng giá rất hấp dẫn rồi nên việc điều chỉnh mạnh nữa theo tôi là khó xảy ra.

Ông Lê Đức KhánhGiám đốc phân tích Chứng khoán VPS

Diễn biến trên thị trường chứng khoán trong ngắn hạn luôn ảnh hưởng bởi những thông tin tin tức vĩ mô. Mối lo của thị trường hiện không chỉ là câu chuyện lạm phát Mỹ mà kể cả vấn đề suy thoái kinh tế và thách thức cho sự phục hồi kinh tế Mỹ hay những khó khăn được dự báo trong giai đoạn tới. Nếu nhìn trạng thái kinh tế Việt Nam thì có những điểm tích cực hơn là tiêu cực khi phân tích các dữ liệu kinh tế vĩ mô. Với thị trường chứng khoán, theo tôi việc tạo đáy tại 1.150 – 1.160 điểm tuần đầu tháng 7 đã rõ nét thì việc phục hồi giai đoạn cuối tháng 7 lên vùng 1.200 – 1.240 điểm không phải là điều khó. Có lẽ diễn biến ngắn hạn thị trường bị ảnh hưởng một phần nhưng nhà đầu tư không vì thế mà quá lo lắng và đưa ra các quyết định cảm tính.

 
Xu thế dòng tiền: Thị trường sẽ thế nào trước “cú sốc” tăng lãi suất tháng 7 của FED? - Ảnh 3

Tôi cho rằng cơ hội thị trường sắp tới có thể có những đợt tăng ngắn do hỗ trợ từ báo cáo kết quả kinh doanh nửa năm của các doanh nghiệp, nhưng xu hướng thị trường sẽ phụ thuộc vào bức tranh toàn cuộc của nền kinh tế và khả năng tăng lãi suất của ngân hàng.

Ông Lê Minh Nguyên

Ông Lê Minh NguyênGiám đốc Khách hàng cá nhân, Chứng khoán Rồng Việt

Tôi thấy hiện tại thanh khoản thị trường đang ở mức thấp và giao dịch diễn biến trong do dự thì việc thị trường Mỹ hay thế giới điều chỉnh chiết khấu rủi ro sẽ ảnh hưởng nhất định đến thị trường Việt Nam. Thêm vào đó việc Mỹ tăng lãi suất sẽ hút các dòng tiền trên thế giới chạy về đây tạo thêm áp lực bán của khối ngoại trên thị trường Viêt Nam.

Nguyễn HoàngVnEconomy

Câu chuyện lạm phát thế giới dường như đang đang gây nỗi lo lắng thái quá cho thị trường trong nước, khi Việt Nam không chịu nhiều áp lực như vậy. Giá hàng hóa thế giới, nhất là giá dầu đã tụt giảm mạnh trong tháng 7 và Việt Nam cũng thực hiện giảm thuế hạ giá xăng dầu. Tuy nhiên thị trường chứng khoán Việt Nam lại cực kỳ thận trọng, thậm chí không thể hiện kỳ vọng nhiều vào mùa báo cáo lợi nhuận quý 2 đang bắt đầu. Quan điểm của anh chị thế nào?

Ông Trần Đức AnhGiám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS

Tâm lý thị trường vẫn đang ở trạng thái mong manh, có thể thấy rõ thông qua phản ứng của thị trường trước các tin đồn về xử lý sai phạm của lãnh đạo doanh nghiệp hay quan chức nhà nước. Trong bối cảnh này, theo tôi rất khó để thị trường có thể bứt phá mạnh mẽ qua khỏi vùng giá hiện tại, trừ khi các số liệu về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trong quý 2 vượt xa kỳ vọng, hay áp lực lạm phát giảm mạnh và bền vững trước diễn biến suy yếu của giá cả hàng hoá nguyên vật liệu.

Ông Lê Minh Nguyên Giám đốc Khách hàng cá nhân, Chứng khoán Rồng Việt

Tuy mức lạm phát của Việt Nam khả quan hơn nhưng tôi nghĩ còn quá sớm để có thể đánh giá chính xác tác động của lạm phát đến “sức khỏe” của doanh nghiệp niêm yết nói riêng và nền kinh tế chúng ta nói chung. Dòng tiền lớn vẫn đứng ngoài quan sát thị trường cho thấy nhà đầu tư vẫn cực kỳ thận trọng và đánh giá kỹ càng trước quyết định giải ngân.

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Tôi thấy giai đoạn vừa rồi nhiều nhà đầu tư thậm chí các quỹ đều có kết quả đầu tư không tốt, từ đó dẫn đến tâm lý thận trọng hơn và điều thể hiện rõ nhất là dòng tiền mua giá cao rất yếu và cần thời gian để nỗi đau và sự thận trọng qua đi. Còn về yếu tố lạm phát thì Việt Nam vẫn đang kiểm soát tốt và giai đoạn này giá cả hàng hóa trên thế giới đang đều điều chỉnh mạnh là điều kiện cho lạm phát hạ nhiệt trên thế giới.

 
Xu thế dòng tiền: Thị trường sẽ thế nào trước “cú sốc” tăng lãi suất tháng 7 của FED? - Ảnh 4

Với việc giá hàng hóa có xu hướng hạ nhiệt cũng như Việt Nam đã thực hiện giảm thuế xăng dầu, thì mới xoa dịu phần nào của hướng tác động thứ nhất, và chưa thể thay đổi được xu hướng tăng lãi suất chung. Vì vậy, sự thận trọng của thị trường là có cơ sở, và chúng ta chưa nên quá lạc quan ở thời điểm hiện tại.

Ông Nguyễn Văn Sơn

Ông Lê Đức KhánhGiám đốc phân tích Chứng khoán VPS

Nhiều nhà đầu tư vẫn hay theo dõi các thông tin kinh tế vĩ mô, diễn biến của các chỉ số chứng khoán rồi đưa ra nhanh các quyết định giao dịch mua bán cổ phiếu mà ít khi đầu tư cân nhắc theo từng cơ hội đầu tư cổ phiếu riêng lẻ xuất hiện. Câu chuyện ở đây đó là: lạm phát thì sao, mà giá dầu giảm mạnh thì sao? Nếu có cơ hội đầu tư hấp dẫn, ít nhất là khả năng sinh lời đầy hứa hẹn cho việc nắm giữ cổ phiếu một thời gian sẽ là sáng suốt hơn việc chạy theo việc phỏng đoán diễn biến thị trường chung và đánh giá xem thông tin gì ảnh hưởng thế nào đến thị trường. Tôi nghĩ có quá nhiều thông tin có thể khiến thị trường biến động trong ngắn hạn, một số vấn đề chỉ nên nhìn nhận tương đối là đủ.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng

Theo tôi, để hiểu đúng về câu chuyện lạm phát gây ra nỗi lo lắng cho thị trường chứng khoán, chúng ta cần nắm được cơ chế tác động chính giữa tình trạng lạm phát tăng cao với sự giảm sâu của thị trường chứng khoán trong giai đoạn vừa qua.

Khi lạm phát tăng cao sẽ thúc đẩy các Chính phủ cũng như các Ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ bằng cách tăng lãi suất lên cao nhằm kiềm chế lạm phát về mức mục tiêu. Và lãi suất tăng thì khiến định giá của cổ phiếu giảm, hay nói cách khác là thị trường chứng khoán kém hấp dẫn đi và dòng tiền có xu hướng rút sang các kênh đầu tư khác, ví dụ như kênh tiền gửi tiết kiệm để hưởng lợi suất cao hơn. Vì vậy, bản chất nỗi sợ của thị trường chứng khoán là sợ chính sách tiền tệ chuyển qua thắt chặt và lãi suất tăng cao.

Việt Nam chịu hai hướng tác động tới lãi suất. Hướng thứ nhất tới từ lạm phát trong nước có xu hướng tăng nhẹ do chịu tác động bởi nhập khẩu lạm phát và chi phí đẩy. Hướng thứ hai là từ chính sách nâng lãi suất của thế giới sẽ tác động tới tỷ giá và buộc ngân hàng nhà nước Việt Nam không thể đứng ngoài xu hướng tăng lãi suất chung của thế giới.

Với việc giá hàng hóa có xu hướng hạ nhiệt cũng như Việt Nam đã thực hiện giảm thuế xăng dầu, thì mới xoa dịu phần nào của hướng tác động thứ nhất, và chưa thể thay đổi được xu hướng tăng lãi suất chung. Vì vậy, sự thận trọng của thị trường là có cơ sở, và chúng ta chưa nên quá lạc quan ở thời điểm hiện tại.

Nguyễn Hoàng VnEconomy

Nhiều quan điểm đang cho rằng lạm phát Mỹ, thậm chí là toàn cầu đã đạt đỉnh trong tháng 6 và có triển vọng hạ nhiệt trong tháng 7 cũng như trong thời gian tới. Điều này cũng có nghĩa là áp lực thắt chặt tiền tệ của FED và các ngân hàng trung ương cũng sẽ nhẹ đi, tạo điều kiện cho thị trường chứng khoán tích cực hơn. Anh chị đánh giá thế nào về cơ hội thị trường sẽ bước vào nhịp tăng rõ ràng hơn trong nửa sau tháng 7 và tháng 8 tới đây?

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Tôi khá đồng tình với quan điểm trên. Thị trường nửa sau tháng 7 và tháng 8 tôi nghĩ sẽ có nhịp hồi phục khá từ 100-150 điểm và nhịp này sẽ đem lại lợi nhuận khá cho nhà đầu tư tham gia vào những cổ phiếu khỏe.

 
Xu thế dòng tiền: Thị trường sẽ thế nào trước “cú sốc” tăng lãi suất tháng 7 của FED? - Ảnh 5

Thị trường Việt Nam giai đoạn vừa rồi giảm mạnh nhất thế giới. Nhiều cổ phiếu chiết khấu về vùng giá rất hấp dẫn rồi, nên việc điều chỉnh mạnh nữa theo tôi là khó xảy ra.

Ông Nguyễn Việt Quang

Ông Lê Minh NguyênGiám đốc Khách hàng cá nhân, Chứng khoán Rồng Việt

Ảnh hưởng của lạm phát không tác động ngay lập tức đối với nền kinh tế thì nó cũng không hạ nhiệt ngay lập tức. Thanh khoản thị trường năm 2022 giảm mạnh so với năm trước chủ yếu do đã qua thời “tiền rẻ” và ngân hàng liên tiếp nâng lãi suất. Tôi cho rằng cơ hội thị trường sắp tới có thể có những đợt tăng ngắn do hỗ trợ từ báo cáo kết quả kinh doanh nửa năm của các doanh nghiệp, nhưng xu hướng thị trường sẽ phụ thuộc vào bức tranh toàn cuộc của nền kinh tế và khả năng tăng lãi suất của ngân hàng.

Ông Lê Đức KhánhGiám đốc phân tích Chứng khoán VPS

Tôi nghĩ quan trọng là xu hướng lạm phát của Mỹ đôi khi có thể đi trước diễn biến lạm phát ở một số nước và không phải nước nào cũng có con số lạm phát tăng kỷ lục như Mỹ. Đồng ý là việc FED tăng nhiều đợt lãi suất với 75 – 100 điểm cơ bản là điều khó khăn, nhưng vẫn phải làm. Tuy nhiên thị trường chứng khoán diễn biến ở một trạng thái khác đi kèm với việc phân hóa ở một vài nhóm cổ phiếu điển hình lại khiến nhà đầu tư nên chú ý theo dõi và sàng lọc cơ hội đầu tư cho dù kể cả trước khi thị trường tạo đáy. Tôi vẫn đang tin về cơ hội hồi phục rõ nét hơn trong nửa cuối tháng 7 và tháng 8 tới.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng

Tôi cũng đồng ý là thị trường đang có cơ hội bước vào nhịp hồi phục rõ ràng hơn trong nữa sau tháng 7 và tháng 8 tới đây. Tuy nhiên, nguyên nhân có thể tới từ việc thị trường có sự “chai lì” nhất định với việc nâng lãi suất của FED, cũng như sau giai đoạn giảm nhanh và mạnh thì thị trường thường xuất hiện một đợt hồi phục trở lại.

Ông Trần Đức AnhGiám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS

Trong bối cảnh nguồn cung đang thắt chặt như hiện nay, rất khó để đánh giá liệu xu hướng suy giảm của giá cả hàng hoá nguyên vật liệu hiện nay có bền vững hay không. Trong kịch bản giá cả hàng hoá giảm mạnh, nỗi lo lạm phát được giải toả và FED phát đi tín hiệu chậm lại trong tốc độ tăng lãi suất, chứng khoán toàn cầu nhiều khả năng sẽ bước vào giai đoạn phục hồi mạnh khi nỗi lo suy thoái hạ nhiệt.

Nguyễn HoàngVnEconomy

Thanh khoản tuần qua đang có tín hiệu phục hồi trở lại và cổ phiếu phân hóa tích cực. Anh chị đã tăng danh mục cổ phiếu lên hay chưa, tỷ lệ phân bổ nên như thế nào lúc này?

 
Xu thế dòng tiền: Thị trường sẽ thế nào trước “cú sốc” tăng lãi suất tháng 7 của FED? - Ảnh 6

Thị trường phân hóa ở một vài nhóm cổ phiếu điển hình khiến nhà đầu tư nên chú ý theo dõi và sàng lọc cơ hội đầu tư cho dù kể cả trước khi thị trường tạo đáy. Tôi vẫn đang tin về cơ hội hồi phục rõ nét hơn trong nửa cuối tháng 7 và tháng 8 tới.

Ông Lê Đức Khánh

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Giai đoạn này tôi có gia tăng tỷ trọng ở những cổ phiếu đang nắm giữ và đánh giá có tăng trưởng kết quả kinh doanh quý 2. Tôi cũng có sử dụng mức margin hợp lý để gia tăng lợi nhuận.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng

Tuần qua, tôi nhận thấy thị trường đã có sự cân bằng trở lại và xuất hiện cơ hội tạo đáy ngắn và trung hạn. Do đó, tôi đã chủ động nâng tỷ trọng lên mức 50%, với ưu tiên là các nhóm cổ phiếu có cơ bản tốt đã bị quá bán mạnh trong giai đoạn vừa qua.

Ông Trần Đức AnhGiám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS

Tôi duy trì tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục ở mức trung bình và sẽ cân nhắc mua thêm nếu giá cả hàng hoá tiếp tục có xu hướng hạ nhiệt.

Ông Lê Đức KhánhGiám đốc phân tích Chứng khoán VPS

Tôi vẫn đang gia tăng vị thế ở một số cổ phiếu và cũng điều chỉnh lại tỷ trọng giảm ở vài cổ phiếu giao dịch ngắn. Cơ hội đầu tư cũng đang rõ nét nhìn ở góc độ ngắn hạn và trung hạn, lợi nhuận kỳ vọng không lớn.

Ông Lê Minh NguyênGiám đốc Khách hàng cá nhân, Chứng khoán Rồng Việt

Mặc dù tín hiệu phục hồi xuất hiện sau một thời gian giảm mạnh nhưng để gia tăng danh mục cổ phiếu lúc này chưa phải nước đi hợp lý. Áp lực lạm phát có thể tác động rõ hơn với doanh nghiệp ở quý 3 và quý 4 năm nay, nhà đầu từ cần đánh giá kỹ càng trước khi ra quyết định giải ngân.