15:43 16/05/2025

Áp lực chốt lời tăng vọt, cổ phiếu lớn ép VN-Index lùi sát mốc 1300 điểm

Kim Phong

Các nhà đầu tư cả nội lẫn ngoài đều đồng loạt bán ra mạnh trong phiên cuối tuần khiến độ rộng cổ phiếu áp đảo hoàn toàn ở phía giảm giá. Khối ngoại sau 3 phiên liền trước mua ròng tích cực, hôm nay rút về gần 957 tỷ đồng ròng và bán đặc biệt mạnh ở rổ VN30 tới 1.127 tỷ đồng. Nhóm trụ chỉ còn vài mã lớn giúp VN-Index cầm cự trong khi toàn bộ cổ phiếu ngân hàng lao dốc.

VN-Index đã không thể kiểm định đỉnh cao sau khi bù lại toàn bộ biên độ giảm của cú sốc thuế đối ứng.
VN-Index đã không thể kiểm định đỉnh cao sau khi bù lại toàn bộ biên độ giảm của cú sốc thuế đối ứng.

Các nhà đầu tư cả nội lẫn ngoài đều đồng loạt bán ra mạnh trong phiên cuối tuần khiến độ rộng cổ phiếu áp đảo hoàn toàn ở phía giảm giá. Khối ngoại sau 3 phiên liền trước mua ròng tích cực, hôm nay rút về gần 957 tỷ đồng ròng và bán đặc biệt mạnh ở rổ VN30 tới 1.127 tỷ đồng. Nhóm trụ chỉ còn vài mã lớn giúp VN-Index cầm cự trong khi toàn bộ cổ phiếu ngân hàng lao dốc.

VN-Index đóng cửa giảm 0,9% tương đương mất 11,81 điểm, lùi xuống mức 1301,39 điểm. Đây là mức giảm trong ngày mạnh nhất 16 phiên. Nói cách khác, hôm nay xuất hiện diễn biến điều chỉnh đáng kể nhất trong chuỗi phiên tăng kể từ nhịp rung lắc đột biến tạo “chân sóng” hôm 22/4 vừa qua.

“Lỗi” lớn nhất khiến VN-Index quay đầu giảm mạnh là nhóm cổ phiếu blue-chips, trong đó ngân hàng thất bại trong việc duy trì sức tăng. Sau phiên hôm qua thể hiện khá tốt trong ngày đáo hạn, tất cả cổ phiếu ngân hàng thuộc rổ VN30 phiên này đều đỏ.

Trong 10 cổ phiếu khiến VN-Index mất điểm nhiều nhất cuối phiên, có tới 8 mã ngân hàng. Dẫn đầu là VCB giảm 2,04% thổi bay 2,3 điểm. Tuy nhiên VCB không phải là cổ phiếu ngân hàng yếu nhất: VPB giảm tới 2,7%, VIB giảm 2,4%, STB giảm 2,21%, BID giảm 2,14%, SSB giảm 2,06%. Trong nhóm trụ ngân hàng còn có thêm CTG giảm 1,89%, TCB giảm 1,51% và MBB giảm 1,6%.

VN30-Index đóng cửa bốc hơi 1,22% giá trị và chỉ số này phát tín hiệu thất bại trong việc vượt đỉnh, dù hôm qua vừa đóng cửa cao nhất 36 tháng. Độ rộng của rổ chỉ có 4 mã tăng/24 mã giảm mà tới 19 mã giảm quá 1%. Ngân hàng dĩ nhiên ảnh hưởng tệ nhất nhưng FPT giảm 3,2% BVH giảm 2,72% cũng rất kém. Đặc biệt FPT còn là cổ phiếu vốn hóa lớn thứ 8 trong chỉ số VN-Index.

Chỉ số này khá may mắn khi còn trông cậy được vào VIC và VPL. VIC có lúc giảm 1,38% nhưng kết phiên tăng nhẹ 0,25%. VPB sau 3 phiên kịch trần, khoảng 1 tiếng đầu tiên của phiên hôm nay vẫn tăng hết biên độ nhưng sau đó bị xả. Giá đóng cửa chỉ còn tăng 3,38% với thanh khoản khoảng 117 tỷ đồng. Vốn hóa của VPL đã vượt qua FPT. Vì vậy diễn biến các phiên tới của VPL sẽ có tác động mạnh. VRE cũng mạnh khi tăng 1,45% nhưng 2 cổ phiếu còn lại trong rổ VN30 tăng giá không đáng kể là PLX và SAB.

Nhóm blue-chips suy yếu đã gây tác động mạnh mẽ lên tâm lý thị trường. Sức nặng của các cổ phiếu ngân hàng và nhóm blue-chips nói chung rất lớn. Thêm nữa nhịp tăng khá dài nên tâm lý nhấp nhổm muốn chốt lời cũng thường trực. Độ rộng sàn HoSE cuối phiên chỉ có 123 mã tăng/186 mã giảm, trong đó 117 mã giảm hơn 1% phản ánh sức ép bán hạ giá là đáng kể.

Từ góc độ thanh khoản cho thấy sức ép từ bên bán là vượt trội phiên này.
Từ góc độ thanh khoản cho thấy sức ép từ bên bán là vượt trội phiên này.

Các blue-chips dĩ nhiên chiếm số lớn trong nhóm giảm giá sâu nhất này với thanh khoản cao nhất thị trường. Dù vậy Midcap và Smallcap cũng có không ít cổ phiếu bị bán tháo: VND giảm 1,3% với 207,9 tỷ đồng; DBC giảm 1,89% với 184,5 tỷ; DIG giảm 1,56% với 170,2 tỷ; DGC giảm 1,71% với 155,3 tỷ; VSC giảm 3,15% với 134,8 tỷ… Tính chung nhóm giảm quá 1% hôm nay chiếm khoảng 47,9% tổng giá trị khớp sàn HoSE. Đây là tỷ trọng rất cao và mức giảm giá như vậy phản ánh sự lấn át hoàn toàn từ phía bán.

Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay cũng quay đầu bán ròng mạnh gần 957 tỷ đồng trên sàn này. Riêng cổ phiếu VN30 thậm chí bị bán ròng 1.127 tỷ đồng. VCB là tâm điểm với lượng bán của khối này chiếm xấp xỉ 90% tổng giao dịch, giá trị ròng đạt -420,1 tỷ. Các blue-chips khác bị rút vốn nổi bật là FPT -228,4 tỷ, VHM -188,8 tỷ, MSN -102,6 tỷ, VPB -70,2 tỷ, STB -56,6 tỷ, SSI -56 tỷ, VIC -55,8 tỷ. Phía mua ròng thấp hơn đáng kể với MWG +125,6 tỷ, HSG +95,9 tỷ, TCH +92,8 tỷ, MBB +79,5 tỷ, NLG +53,3 tỷ, CTR +44,8 tỷ, VCI +38,6 tỷ.

Ở phía tăng giá, dòng vốn nội cũng vẫn hoạt động khá mạnh ở một số cổ phiếu và hầu như không chịu áp lực bán của khối ngoại. GEX tăng 3,71% thanh khoản 277,3 tỷ đồng; HSG tăng 3,13% với 275 tỷ; DXG tăng 1,53% với 254,3 tỷ; TCH tăng 2,54% với 249,9 tỷ; DPG tăng 6,81% với 162,9 tỷ; VTP tăng 4,71% với 155,9 tỷ; VPI tăng 1,24% với 135,4 tỷ; GEE tăng 7% với 110,5 tỷ; CTS tăng 2,81% với 100,9 tỷ là những cổ phiếu đáng chú ý nhất. Trong bối cảnh VN-Index suy yếu rõ rệt, blue-chips lao dốc mà khả năng thu hút dòng tiền lớn như vậy để đi ngược dòng là diễn biến nổi bật.

Các cổ phiếu vừa và nhỏ khác có thanh khoản kém hơn cũng rất đáng chú ý như VNE, TV2, TCD kịch trần; TDH, DXS, TLD, ANV, DLG, KHG, NT2, YEG, CTR tăng từ 2% tới 6%. Như vậy dòng tiền vẫn đang hoạt động đơn lẻ và không phải cổ phiếu nào cũng chịu áp lực giống nhau. Khả năng duy trì phân hóa là tín hiệu tích cực thời điểm chỉ số có rủi ro xoay chiều.