15:45 16/05/2025

Tăng hệ số rủi ro thị trường đối với trái phiếu doanh nghiệp thời gian đáo hạn từ 3 năm trở lên

Thu Minh

Dự thảo Thông tư theo hướng tăng hệ số rủi ro thị trường thêm 5% đối với trái phiếu doanh nghiệp có thời gian đáo hạn còn lại từ 03 năm trở lên.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 91/2020/TT-BTC ngày 13/11/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chỉ tiêu an toàn tài chính và biện pháp xử lý đối với tổ chức kinh doanh chứng khoán không đáp ứng chỉ tiêu an toàn tài chính.

Trong đó, dự thảo sửa đổi, bổ sung nhiều thông tin quan trọng. Về hệ số rủi ro thị trường đối với trái phiếu doanh nghiệp, Dự thảo bổ sung quy định về xếp hạng tín nhiệm đối với trái phiếu doanh nghiệp: Việc lựa chọn quy định về tổ chức xếp hạng đã được tham khảo theo thông lệ quốc tế và từng bước tiếp cận việc tính toán rủi ro đối với các trái phiếu phát hành có xếp hạng tín nhiệm khác nhau.

Thực tế hiện nay có nhiều tổ chức xếp hạng với các tiêu chí, cách thức, mức xếp hạng khác nhau. Trên cơ sở quy định tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2020/NĐ-CP, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước dự thảo Thông tư theo hướng sử dụng kết quả xếp hạng tín nhiệm của 3 tổ chức xếp hạng quốc tế gồm Standard & Poor’s, Fitch Rating và Moody và tổ chức xếp hạng tín nhiệm độc lập khác được Bộ Tài chính cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.

Giảm hệ số rủi ro đối với các trái phiếu có thời gian đáo hạn còn lại dưới 1 năm đối với các trái phiếu niêm yết có kết quả xếp hạng tín nhiệm cao, theo đó đối với loại trái phiếu này được coi như tiền và tương đương tiền của công ty chứng khoán có mức rủi ro bằng 0.

Tăng mức rủi ro đối với các trái phiếu của các tổ chức tín dụng có thời gian đáo hạn dưới 1 năm trong trường hợp tổ chức tín dụng không có mức xếp hạng hoặc xếp hạng ở mức thấp.

Tăng hệ số rủi ro đối với trái phiếu có thời hạn từ 03 năm trở lên. Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thực tế trong thời gian qua, nhiều trái phiếu doanh nghiệp chậm (không) trả lãi mất khả năng thanh toán, gây ảnh hưởng đến nhà đầu tư. Do vậy, dự thảo Thông tư theo hướng tăng hệ số rủi ro thị trường thêm 5% đối với trái phiếu doanh nghiệp có thời gian đáo hạn còn lại từ 03 năm trở lên.

Đồng thời, tăng hệ số rủi ro đối với các chứng khoán bị hạn chế giao dịch (từ 30- 80% lên 50-100%). Theo quy định tại khoản 3 Điều 39 Quy chế niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành kèm theo Quyết định số 17/QĐ-HĐTV ngày 31/03/2022 của Hội đồng thành viên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, chứng khoán niêm yết thuộc diện bị hạn chế giao dịch tại HOSE chỉ được giao dịch phiên chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh tập trung và phương thức giao dịch thỏa thuận; đối với cổ phiếu đăng ký giao dịch chỉ được giao dịch vào phiên thứ sáu hàng tuần.

Theo đó, khả năng chuyển đổi thành tiền của các chứng khoán này thấp, do vậy, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đề xuất tăng hệ số rủi ro tương ứng.

Về hệ số rủi ro thị trường đối với khoản đầu tư vào quỹ thành viên, công ty đầu tư chứng khoán riêng lẻ, theo quy định hiện hành, quỹ thành viên thành lập trên cơ sở hợp đồng góp vốn của nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp (tổ chức, cá nhân) và do công ty quản lý quỹ quản lý. Bản chất khoản đầu tư vào quỹ thành viên là khoản đầu tư góp vốn mang tính chất trung và dài hạn (theo thời gian hoạt động của quỹ).

Ngoài ra, theo quy định hiện hành, quỹ thành viên không phải là quỹ đại chúng, quỹ được đầu tư vào chứng khoán chưa niêm yết và không có hạn chế về đầu tư.

Thực tế hiện nay các quỹ thành viên đang đầu tư chủ yếu vào trái phiếu doanh nghiệp, cổ phiếu của công ty cổ phần chưa niêm yết, phần vốn góp tại công ty.

Tham khảo theo thông lệ quốc tế, đối với loại hình quỹ như quỹ thành viên được xếp vào loại tài sản không niêm yết, không đăng kí giao dịch hoặc thanh khoản thấp có hệ số rủi ro là 100%. Tuy nhiên để từng bước điều chỉnh thích nghi với thực tế thị trường, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước dự thảo Thông tư theo hướng tăng hệ số rủi ro thị trường đối với khoản đầu tư vào quỹ thành viên từ 30% lên 80%.

Bên cạnh đó, theo quy định tại điểm đ khoản 21 Điều 10 Thông tư số 99/2020/TT-BTC, công ty quản lý quỹ được sử dụng nguồn vốn huy động hợp pháp, kể cả vốn vay để đầu tư làm trụ sở công ty. Theo quy định tại khoản 1 Điều 28 Thông tư 121/2020/TT-BTC, công ty chứng kháon không được mua, góp vốn mua bất động sản trừ trường hợp để sử dụng làm trụ sở chính, chi nhánh, phòng giao dịch phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ của công ty chứng khoán.

Thực tế đã có trường hợp đặt cọc mua bất động sản nhưng qua nhiều năm chưa có bất động sản hiện hữu. Do vậy, Uỷ ban Chứng khoán dự thảo Thông tư theo hướng tính tăng mức rủi ro từ 100% lên 150%.