06:00 21/07/2021

Câu chuyện trọng dụng "người ngoài" tại doanh nghiệp gia đình

Thành Trung

Chịu khó quan sát các doanh nghiệp tư nhân có xuất phát điểm gia đình tại nước ta sẽ thấy số lượng doanh nghiệp có CEO là người ngoài gia đình đếm trên đầu ngón tay...

Ông Nguyễn Vũ Anh sinh năm 1971, đi học và ở lại nước Nga làm ăn một thời gian, sau đó ông về nước và tham gia kinh doanh trong nhiều lĩnh vực. Năm 2005, ông thành lập thương hiệu thời trang IVY moda, tập trung vào phân khúc sản phẩm thời trang nữ thể hiện cá tính và có tính thời thượng cao.

Thương hiệu này hiện nay có 81 cửa hàng trên cả nước và một nhà máy sản xuất tại Hưng Yên. Năm 2018, công ty đạt tổng doanh thu 500 tỷ đồng. Câu chuyện chuyển giao ghế CEO tại IVY moda từ ông Vũ Anh sang Lê Linh, tân CEO IVY moda, bắt đầu từ nỗi trăn trở của ông về sự kế nghiệp tại doanh nghiệp tư nhân này.

NỖI TRĂN TRỞ CỦA NHÀ SÁNG LẬP

Ông Vũ Anh  kể lại: “Tôi nhớ như in những ngày Lê Linh mới ra trường, có tư duy năng động và khả năng giao tiếp tự nhiên, là một thế hệ khác hẳn với thế hệ 7X của chúng tôi. Vậy mà giờ đây cô ấy đã 34 tuổi (Linh sinh năm 1987), chính là lứa tuổi khách hàng mà IVY moda quan tâm nhất và cũng là lực lượng chính vận hành xã hội. Rất nhiều chi tiết, những câu chuyện nhỏ xảy ra trong thời gian ấy khiến tôi chợt nhận ra mình đã già, tư duy của mình đã lạc hậu”. 

 
"Trong giai đoạn Covid-19, CEO Lê Linh đã chứng tỏ bản lĩnh của người đứng đầu, biến nguy thành cơ, đẩy mạnh mảng bán hàng online đồng thời tranh thủ để di chuyển những cửa hàng ở vị trí không thuận lợi về vị trí đắc địa hơn. Tôi nghĩ đây là thời điểm chín muồi để tôi bàn giao lại vị trí CEO cho Linh".
Ông Nguyễn Vũ Anh, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Dự Kim - IVY moda

Đó chính là thời điểm mà ông Vũ Anh quyết định cần phải chuyển giao “tay lái”. Tuy nhiên, người kế nhiệm lại không phải hai người con đã trưởng thành của ông. Người được chọn là Lê Linh, vốn là Phó Tổng Giám đốc công ty, đã đầu quân cho IVY moda từ năm 2014.

Dõi theo các doanh nghiệp tư nhân hoặc cổ phần có gốc gác gia đình tại Việt Nam, có thể dễ dàng nhận thấy số lượng doanh nghiệp có CEO là người ngoài gia đình chỉ đếm trên đầu ngón tay, trừ một số ngành đặc thù như ngân hàng. Hầu hết các nhà sáng lập doanh nghiệp gia đình đều canh cánh nỗi lo đặt niềm tin nhầm người, mặc dù họ sẵn sàng trả mức lương và thưởng rất hậu hĩnh để “săn đầu người”. Các nhà sáng lập thường lo lắng CEO được thuê về có thể có những sai lầm trong chiến lược điều hành doanh nghiệp gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh doanh nghiệp mình. Nếu thuê người ngoài quản lý công ty gia đình, các ông bà chủ doanh nghiệp thường có xu hướng “nhúng tay” vào mọi quyết định điều hành từ bé đến lớn của CEO.

Khi VnEconomy bày tỏ sự băn khoăn về quyền lực thực sự trong doanh nghiệp này và liệu những quyết định mang tính chiến lược trong kinh doanh có phải do Lê Linh đưa ra hay không, ông Vũ Anh vui vẻ và thoải mái chia sẻ: “Khác biệt thì mới phát triển được chứ. Chúng tôi thỉnh thoảng vẫn cãi nhau như mổ bò ấy. Lê Linh là người biết bảo vệ quan điểm và kiên trì bảo vệ. Có quyết định tôi bị Linh thuyết phục, cũng có quyết định không thuyết phục được tôi. Sai đúng gì thì cũng là vì IVY moda cho nên những sự khác biệt đều được chúng tôi trân trọng”.

Chủ tịch HĐQT Nguyễn Vũ Anh đã định hướng cho thế hệ F2 trong gia đình học tập bài bản trong ngành thời trang quốc tế từ rất sớm.
Chủ tịch HĐQT Nguyễn Vũ Anh đã định hướng cho thế hệ F2 trong gia đình học tập bài bản trong ngành thời trang quốc tế từ rất sớm.

"NỮ TƯỚNG" MỚI CỦA IVY MODA

Cả hai nhà lãnh đạo đứng đầu IVY moda thuộc hai thế hệ khác nhau đều đã nếm trải những thắng lợi cũng như thất bại. Theo ông Vũ Anh: “Chúng tôi đều thuộc tuýp người thắng không kiêu, bại không nản”.

Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, CEO Lê Linh càng tỏ rõ bản lĩnh của người đứng đầu, biến nguy thành cơ, nhanh chóng thích ứng với tình hình mới bằng cách đưa ra chiến lược đẩy mạnh mảng bán hàng online; đồng thời tranh thủ mặt bằng bán lẻ bị trả nhiều tại trung tâm các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM. Bằng sự nhanh nhạy trong chỉ đạo của người đứng đầu, IVY moda ngay lập tức di chuyển những cửa hàng ở vị trí không thuận lợi về nơi đắc địa hơn. Gia tăng độ phủ sóng và sự hiện diện tại các đô thị lớn trong bối cảnh các hãng thời trang nhanh đa quốc gia đổ bộ vào Việt Nam. 

Lê Linh theo học cao học về kinh doanh quốc tế tại Anh quốc trong 1,5 năm, chuyên ngành bán lẻ thời trang, tập trung sâu vào logistics và chuỗi cung ứng. Ba ưu tiên của cô trong những năm đầu tiên gia nhập công ty là: xây dựng hệ thống bán lẻ, tối ưu kênh bán hàng và kiểm soát tốt vấn đề hàng tồn kho.

Lê Linh chia sẻ với VnEconomy: “Khi nhận được lời mời của ông Nguyễn Vũ Anh về làm việc cho IVY moda năm 2014, tôi khá bất ngờ và cũng có nhiều băn khoăn. Ví như các thương hiệu quốc tế sử dụng nhân sự phát triển nội bộ rất nhiều, tại sao IVY moda không chọn như vậy? Những “vũ khí” tôi có trong tay có phù hợp với IVY không?”

 
Câu chuyện trọng dụng "người ngoài" tại doanh nghiệp gia đình - Ảnh 1
Nhân lực của ngành bán lẻ, đặc biệt bán lẻ thời trang, cực kỳ hạn chế cho nên muốn thương hiệu Việt phát triển được thì việc tiếp nhận nhân sự mới, đào tạo và đi đường dài là câu chuyện quan trọng nhất. 

-Bà Lê Linh, CEO IVY moda-

Cả ông Vũ Anh lẫn Lê Linh đều có khả năng tập trung cao và đưa ra các quyết định lớn nhanh chóng và chính xác. Tuy nhiên, con đường phía trước  còn nhiều thách thức, chông gai không phải ít. Một trong những khó khăn đối với các hãng thời trang, vốn ít ỏi , của Việt Nam đó là nguồn nhân lực. Nguồn lực này của ngành bán lẻ thời trang nội địa rất hạn chế, cho nên muốn ngành thời trang Việt phát triển mạnh mẽ thì việc tuyển dụng nhân sự mới, đào tạo và giữ người để đồng hành trên chặng đường dài là vấn đề cực kỳ quan trọng.

Lê Linh thẳng thắn cho rằng nơi đây không ưu tiên yếu tố gia đình hay sự thân quen mà là sự hiệu quả trong công việc. Linh quả quyết: “Yếu tố gia đình không phải là thách thức,  thách thức lớn nhất đặt ra cho tôi là truyền tải được năng lượng của đội ngũ trẻ đến với thị trường và chinh phục được khách  hàng”.

Lê Linh cũng thừa nhận, IVY moda thật may mắn khi Chủ tịch HĐQT Nguyễn Vũ Anh định hướng cho thế hệ F2 trong gia đình học tập bài bản trong ngành thời trang quốc tế từ rất sớm. Con trai lớn của ông Vũ Anh tốt nghiệp Học viện Thời trang New York, khoa Quản trị thời trang. Anh được học đúng nghề để kế nghiệp bố và đã về IVY moda làm việc được ba năm. Con gái thứ hai đang học thiết kế thời trang tại một trường đại học danh tiếng cũng tại New York, Mỹ và cũng đã bước đầu làm quen với môi trường làm việc tại công ty gia đình. Lê Linh cho biết, trong công việc cô không ngại chuyện con chủ tịch mà ngược lại, càng là con của người sáng lập doanh nghiệp thì càng phải nghiêm khắc.

QUẢN TRỊ TỪ CƠ CHẾ CỨNG SANG CƠ CHẾ DẺO

Ông Đỗ Tiến Long, CEO Công ty tư vấn quản lý OD CLICK, cho rằng xu thế quản trị thế giới đã chuyển từ cơ chế cứng sang cơ chế dẻo từ hơn 20 năm trước.

 “Vài năm trở lại đây, các doanh nghiệp cũng đã làm quen với khái niệm thích ứng nhanh (Agile). Các tổ chức không chỉ “dẻo” mà còn hướng đến sự uyển chuyển, linh hoạt, tốc độ trước những thay đổi của môi trường. Vì vậy, nhu cầu đặt ra với các doanh nghiệp hôm nay là vẫn duy trì được tính hệ thống, đồng thời phải khơi dậy và kích hoạt tính linh hoạt tổ chức để thích ứng với những thách thức đang đặt ra,” ông Long nói với VnEconomy.

Trước năm 2020, IVY moda đã bắt đầu tiến hành quá trình chuyển đối số nhằm thúc đẩy phân khúc bán hàng online nhưng không thực sự tập trung, theo chia sẻ của CEO Lê Linh. Sự tác động quá lớn của dịch Covid kéo dài đã buộc Công ty Dự Kim phải linh hoạt điều chỉnh lại cơ cấu bán hàng, theo tỷ trọng 20% online – 80% offline. 

IVY moda hiện gia tăng độ phủ sóng và sự hiện diện tại các đô thị lớn trong bối cảnh các hãng thời trang nhanh đa quốc gia đổ bộ vào Việt Nam. 
IVY moda hiện gia tăng độ phủ sóng và sự hiện diện tại các đô thị lớn trong bối cảnh các hãng thời trang nhanh đa quốc gia đổ bộ vào Việt Nam. 

Sau khi được bổ nhiệm vào vị trí cao nhất IVY moda, Lê Linh tiết lộ riêng với VnEconomy: Điểm thay đổi được coi là trọng tâm của IVY moda, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh và sự cạnh tranh gay gắt của các thương hiệu thời trang nước ngoài tại Việt Nam, nằm ở hai yếu tố: tinh thần thiết kế của thương hiệu và trải nghiệm khách hàng xuyên suốt từ online tới hệ thống bán lẻ.

Trong khi đó, Chủ tịch Nguyễn Vũ Anh tỏ ra rất ung dung khi được người viết “hỏi xoáy” về chuyện phân chia quyền điều hành trong tương lai: “Cũng có thể, sau này khi con trai lớn tôi đủ vững vàng để chèo lái tốt hơn Lê Linh chẳng hạn, thì lúc ấy cậu ấy sẽ làm CEO, còn Linh lại thay tôi làm chủ tịch và tôi chỉ làm cố vấn thôi. Tôi thích nhất là đi chơi!”