Chiến lược năng lượng “xanh”: Đón đầu nền kinh tế Hydro
Nhu cầu Hydro năm 2050 dự báo sẽ tăng 10 lần so với năm 2015, từ 56 triệu tấn lên 54,6 tỷ tấn Hydro. Với ứng dụng Hydro ở quy mô này sẽ tạo ra khoảng 30 triệu việc làm với nguồn doanh thu khoảng 2.500 tỷ USD/năm….
Đó là con số được Ban Chiến lược Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đưa ra trong báo cáo tại buổi tọa đàm “Xu hướng phát triển của Công nghiệp Hydro và triển vọng phát triển cho PVN” vừa qua. Báo cáo cũng nhận định trong tương lai không xa, Hydro “xanh” sẽ dần thay thế các nguồn nhiên, nguyên liệu hóa thạch để hình thành một nền kinh tế hydro.
XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN CỦA CÔNG NGHIỆP HYDRO
Theo Báo cáo được PVN đưa ra, xu hướng chuyển dịch năng lượng bắt đầu diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu. Hiện nay nhiều quốc gia và các Tập đoàn năng lượng, dầu khí trên thế giới đã bắt tay vào xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển Hydro với mục tiêu trở thành những quốc gia, doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành Công nghiệp Hydro trong tương lai.
Với công nghệ hiện nay phần lớn Hydro được sản xuất công nghiệp từ các loại nguyên liệu hóa thạch như khí tự nhiên, dầu, than đá. Với việc sản xuất công nghiệp hiện nay sẽ cho ra Hydro “xám” và Hydro “lam”, quá trình này phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu hữu hạn. Chi phí sản xuất Hydro công nghiệp khá cao nên khó đáp ứng được nhu cầu thương mại.
Xu hướng tương lai là sản xuất Hydro “xanh” từ quá trình điện phân nước bằng năng lượng tái tạo thân thiện với môi trường. Phương thức sản xuất này được dự báo sẽ rẻ hơn sản xuất công nghiệp do chi phí đầu vào chính là điện. Trong khi đó, theo dự báo chi phí đầu tư hệ thống điện phân có thể giảm 40% vào năm 2030 và 70% vào năm 2050.
Cụ thể, PVN cho biết giá điện và chi phí đầu tư hệ thống điện phân nước chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành sản xuất Hydro từ năng lượng tái tạo nên dự báo giá thành sản xuất Hydro “xanh” đến năm 2030 sẽ khoảng hơn 50% do giá điện, chi phí đầu tư sẽ giảm mạnh. Cùng với đó là các yếu tố khác như hiệu suất, tuổi thọ thiết bị, số giờ vận hành tăng lên sẽ góp phần giảm giá thành sản xuất.
Ngoài ra, việc khai thác Hydro tự nhiên là vấn đề mới trên thế giới khi mà gần đây ở một số khu vực lục địa đã phát hiện ra các dòng Hydro tự nhiên liên tục. Còn công nghệ sản xuất Hydro từ các nguồn nguyên liệu sinh khối, tảo và các quá trình chuyển hóa sinh học vẫn còn đang trong quá trình nghiên cứu, thử nghiệm chiến lược Hydro quốc gia và nguồn ngân sách để triển khai.
Điển hình như nước Đức đã đặt mục tiêu trở thành nhà cung cấp năng lượng Hydro số 1 thế giới khi đã quyết định đầu tư 9 tỷ Euro ( khoảng 10,2 tỷ USD) vào việc phát triển năng lượng Hydro, trong đó 7 tỷ Euro để hỗ trợ sản xuất và đưa năng lượng Hydro vào thị trường Đức, 2 tỷ Euro dành cho hoạt động hợp tác quốc tế. Hiện nay Đức có 11 dự án sản xuất Hydro “xanh” và 30 dự án nghiên cứu, thử nghiệm sản xuất Hydro từ năng lượng tái taọ.
Hàn Quốc đặt mục tiêu có 6,2 triệu xe chạy bằng pin nhiên liệu, 1.200 trạm bơm Hydro vào năm 2040. Trung Quốc cũng đã xây dựng chương trình nghiên cứu phục vụ phát triển kinh tế Hydro… Tất cả các quốc gia đi đầu đều hướng tới xuất khẩu Hydro và hiện đã có 15 quốc gia xây dựng các chính sách hỗ trợ để thúc đẩy chuỗi giá trị Hydro.
Trong tương lai Hydro sẽ là nguồn nhiên liệu quan trọng thay thế các nguồn nhiên, nguyên liệu hóa thạch
Tại buổi toạ đàm các đại biểu đều nhận định, trong tương lai Hydro sẽ là nguồn nhiên liệu quan trọng thay thế các nguồn nhiên, nguyên liệu hóa thạch phục vụ cho các lĩnh vực hoạt động của nền kinh tế như sản xuất công nghiệp, giao thông, dân dụng, sản xuất và tích trữ năng lượng…
Đặc biệt, việc Hydro được tìm thấy trong tự nhiên ở một số nơi trên thế giới đang đặt ra cho các nước một cuộc “chạy đua” mới trong tìm kiếm, thăm dò, khai thác Hydro tự nhiên thay vì hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn Hydro sản xuất công nghiệp.
LỢI THẾ VÀ ĐỊNH HƯỚNG CHO VIỆT NAM
Theo báo cáo của PVN, qua quan sát, thăm dò, Việt Nam được đánh giá là có nhiều khu vực có thể xuất hiện Hydro tự nhiên, đó là các khu vực có nhiều hoạt động núi lửa, các bể trầm tích liên quan đến thành tạo than, các thành tạo móng granite…
Cụ thể, Hydro trong tự nhiên ở Việt Nam được cho là sẽ có ở bể Phú Khánh, nơi quan sát có nhiều hoạt động núi lửa, thậm chí khối mantle nhô cao, gần đới tách giãn biển Đông.
Bể Cửu Long, nơi có các thành tạo móng granite, cũng có thể có liên quan đến các phản ứng giải phóng Hydro ở dưới sâu. Bể trầm tích liên quan đến thành tạo than ở một số khu vực cũng có khả năng hấp thụ khí Hydro.
Ngoài ra, qua quan sát một số khu vực như Ninh Thuận, Vĩnh Hy, Cổ Định Thanh Hóa và mốt số khu vực miền Trung cho thấy có thể khai thác Hydro tự nhiên.
Ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch HĐTV PVN, cho rằng ngành công nghiệp Hydro nói riêng hay nền kinh tế Hydro nói chung đang phát triển nhanh và trở nên hiện hữu trên toàn cầu.
Nhiều quốc gia đang chuẩn bị cho việc hình thành nền kinh tế Hydro và các tập đoàn năng lượng, dầu khí trên thế giới bắt đầu triển khai phát triển Hydro “xanh” sản xuất từ năng lượng tái tạo để chuẩn bị cho việc sản xuất thương mại sau năm 2030. Điều này cho thấy Việt Nam phải chuẩn bị cho một xu hướng năng lượng mới từ thời điểm này.
Nhấn mạnh đến vai trò của PVN để bước vào thời kỳ phát triển của nền kinh tế Hydro, ông Hoàng Quốc Vượng nêu rõ điều đầu tiên là phải xây dựng chiến lược, chính sách để tạo khung pháp lý cần thiết cho việc phát triển năng lượng Hydro.
Tập trung nghiên cứu ứng dụng, tiếp cận các công nghệ mới trong chuỗi sản xuất, vận chuyển, lưu trữ và sử dụng, ứng dụng Hydro để đón đầu và sẵn sàng tham gia sản xuất, kinh doanh Hydro khi thị trường có đủ điều kiện…
Đặc biệt, Việt Nam có lợi thế trong việc sản xuất Hydro “xanh” từ nguồn năng lượng tái tạo như điện gió ngoài khơi. Cụ thể, Hydro được sản xuất thông qua quá trình điện phân nước biển sử dụng nguồn điện gió ngoài khơi và được vận chuyển về bờ bằng hệ thống đường ống dẫn khí tự nhiên sẵn có.
Việt Nam có lợi thế trong việc sản xuất Hydro “xanh” từ nguồn năng lượng tái tạo như điện gió ngoài khơi...
Với phương án này, Việt Nam có lợi thế khi tận dụng được cơ sở hạ tầng sẵn có của ngành dầu khí; không phải đầu tư hệ thống truyền tải điện trên biển, giảm chi phí đầu tư; tránh được nguy cơ quá tải của hệ thống truyền tải…
Từ đó, PVN kiến nghị Chính phủ tích cực triển khai các dự án điện gió ngoài khơi có giá cạnh tranh, giá thành điện rẻ nhằm tạo tiền đề để phát triển năng lượng Hydro. Trong đó cần xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể để đảm bảo đến năm 2030 riêng PVN đạt sản lượng 1.400 MW điện gió ngoài khơi.
PVN có những điều kiện thuận lợi để sản xuất Hydro quy mô thương mại sau năm 2030 và tham gia vào trị trường toàn cầu.
Tuy nhiên, Chính phủ cần xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện ở Việt Nam và ngành dầu khí để thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ sản xuất và sử dụng hydro “sạch”.
Đồng thời, giao cho PVN làm đầu mối là doanh nghiệp đi đầu trong việc phát triển ngành công nghiệp Hydro trong nước có hướng tới tham gia vào thị trường Hydro toàn cầu
Bên cạnh đó, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng các hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, các chương trình nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, các chương trình đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ cho việc phát triển ngành công nghiệp hydro trong dài hạn.