Luật Dầu khí hiện hành đã “lỗi thời”
Luật Dầu khí được Quốc hội thông qua vào năm 1993 và đã trải qua hai lần sửa đổi vào năm 2000 và 2008. Nhưng đến nay, trước sự thay đổi toàn diện của ngành công nghiệp Dầu khí, nhiều quy định trong Luật hiện hành trở nên “lỗi thời”, thậm chí có những quy định vượt khung đã phần nào “trói tay” doanh nghiệp hoạt động trong ngành dầu khí...
Tại buổi tọa đàm trực tuyến: “Thực tiễn thi hành Luật Dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và quá trình xây dựng Luật Dầu khí sửa đổi” mới đây, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh: “Hoạt động dầu khí trên thực tế đang gặp phải nhiều vướng mắc, bất cập, đòi hỏi phải được chuẩn hóa lại, đặc biệt là sửa đổi, bổ sung Luật Dầu khí…”.
LUẬT HIỆN HÀNH NHIỀU BẤT CẬP
Cuối năm 2020, Bộ Công Thương đã đề xuất với Chính phủ cho sửa đổi Luật Dầu khí. Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo triển khai ngay việc này để Luật Dầu khí phải phù hợp với bối cảnh mới, loại bỏ các bất cập, vướng mắc phát sinh và đặc biệt là tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho nhà đầu tư, góp phần cải thiện môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí.
Từ đó đến nay, Petrovietnam đã tích cực xây dựng dự thảo Luật Dầu khí và đang rà soát lại lần cuối trước khi trình Bộ Công Thương để trình Chính phủ.
Luật Dầu khí ra đời cách đây gần 20 năm và lần sửa gần đây nhất cũng đã 13 năm. Trong thời gian đó, bối cảnh quốc tế cũng như trong nước đã có nhiều thay đổi, tác động lớn đến sự phát triển của ngành dầu khí Việt Nam.
Theo báo cáo của Petrovietnam, trong thực tiễn hoạt động, ngành dầu khí đã phát sinh một số bất cập, vướng mắc chưa được điều chỉnh bởi Luật Dầu khí và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành.
Có những thực tiễn mặc dù đã được quy định trong Luật Dầu khí nhưng lại bộc lộ nhiều điểm chưa phù hợp hoặc chưa đồng bộ, chồng chéo với các quy định pháp luật khác. Do vậy, hoạt động của các doanh nghiệp dầu khí cũng như công tác quản lý nhà nước đã gặp nhiều vướng mắc.
Cụ thể, theo Ban soạn thảo, Luật Dầu khí hiện hành chưa có quy định để điều chỉnh việc tiếp nhận tài sản sau khi nhà thầu nước ngoài chuyển giao cho nước chủ nhà vào thời điểm kết thúc hợp đồng.
Bên cạnh đó, chưa có cơ chế khuyến khích phù hợp việc triển khai các mỏ nhỏ cận biên. Chưa có quy định về thời hạn, gia hạn của hợp đồng dầu khí. Chưa có quy định về áp dụng cơ chế linh hoạt để khuyến khích nhà thầu đầu tư lâu dài hơn. Chưa có quy định về quyền tiếp cận của bên thứ ba đối với các hạ tầng cơ sở có sẵn của ngành dầu khí...
Ngoài ra, Luật Dầu khí hiện hành chưa có quy định rõ ràng về các trình tự, thủ tục đầu tư đối với các bước trong hoạt động dầu khí đối với nhà đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Chưa có các quy định cụ thể về việc ưu tiên áp dụng pháp Luật Dầu khí trong việc thực hiện các thủ tục đầu tư dự án dầu khí.
Liên quan đến các doanh nghiệp nhà nước, Luật Dầu khí hiện hành chưa có quy định khung để xác định hình thức đầu tư của các dự án dầu khí trong nước…
LUẬT MỚI SẼ THÔNG THOÁNG HƠN
Ông Lê Ngọc Sơn, Phó Tổng giám đốc Petrovietnam – Tổ Trưởng Tổ soạn thảo dự án Luật Dầu khí, thừa nhận quy trình hệ thống thủ tục đầu tư các dự án dầu khí mới theo các quy định pháp luật hiện hành đã và đang gây ra nhiều khó khăn cho việc triển khai đầu tư hoạt động tìm kiếm, thăm dò trong giai đoạn tới. Vì vậy, mục tiêu của Petrovietnam là mong muốn tìm mọi cách, hình thức để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đó.
Luật Dầu khí mới sẽ có điều chỉnh, bổ sung các quy định về Hợp đồng dầu khí theo hướng thời hạn hợp đồng cần linh hoạt hơn, có chính sách ưu tiên gia hạn cho người điều hành hiện tại.
Đồng thời sẽ bổ sung các quy định nhằm mở rộng phạm vi đầu tư của dự án dầu khí thượng nguồn cho cả một số hạng mục trên bờ. Với quy định hiện hành thì những hạng mục trên bờ thuộc dự án trung nguồn và hạ nguồn và nhà đầu tư dự án thượng nguồn không được tiếp cận.
Như vậy, với việc mở rộng phạm vi đầu tư sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc đầu tư vào chuỗi giá trị của ngành dầu khí, góp phần cải thiện mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí…
Hiện nay, một số dự án sắp kết thúc hợp đồng, nếu không có quy định khung sẽ khó cho công tác tiếp nhận.
Ngoài ra, dự thảo còn bổ sung khung pháp lý cho việc tiếp nhận tài sản sau khi nhà thầu hoạt động khai thác chuyển giao cho nước chủ nhà vào thời điểm kết thúc hợp đồng dầu khí để có thể khai thác tận thu tối đa nguồn tài nguyên trong thời gian còn lại hoặc tiếp tục đầu tư tận thăm dò, gia tăng sản lượng khai thác.
Đặc biệt, dự thảo sẽ đưa ra quy định về dự án đặc biệt khuyến khích đầu tư dầu khí cùng các định hướng về các chính sách thuế phù hợp như thuế tài nguyên, thuế xuất khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp. Đối với các nhà thầu nước ngoài, dự thảo sẽ quy định cụ thể các trình tự, thủ tục đầu tư đối với các bước trong hoạt động dầu khí tránh những vướng mắc như hiện nay.
Với các doanh nghiệp nhà nước sẽ có quy định rõ về hình thức đầu tư dự án dầu khí được phép thực hiện và phân định rõ đâu là đầu tư dự án thông thường và đâu là đầu tư ra ngoài doanh nghiệp. Đây là quy định nhằm tạo ra cơ chế xử lý rõ ràng, tránh đầu tư tràn lan ra ngoài ngành như thời gian qua làm hao hụt tài sản Nhà nước.
Ông Hoàng Quốc Vượng - Chủ tịch HĐTV Petrovietnam
Trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ, việc sửa đổi Luật Dầu khí là cần thiết để từ đó sẽ tạo cơ sở để Petrovietnam thực hiện tốt chiến lược phát triển trong giai đoạn tới, đảm bảo phát triển bền vững của Tập đoàn, tiếp tục đóng góp cho kinh tế đất nước cũng như thông qua các hoạt động dầu khí sẽ góp phần đảm bảo an ninh quốc gia trên biển…
Với nội dung sửa đổi mà Petrovietnam đưa ra, tôi tin tưởng Luật Dầu khí mới sẽ loại bỏ các bất cập, vướng mắc phát sinh, đồng thời tạo được hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho nhà đầu tư, góp phần cải thiện môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí.
TS.Ngô Thường San - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam
Thực tế đã chứng minh những điều khoản ưu đãi của Luật Dầu khí sửa đổi 2008 không còn hấp dẫn các nhà đầu tư vào ngành này. Trong khi các mỏ dầu qua quá trình khai thác đang rơi vào tình trạng suy giảm thì nhiều thủ tục hành chính, đầu tư lại đang gây cản trở, làm chậm sự phát triển của ngành dầu khí. Bên cạnh đó, nhiều quy định trong các luật khác chi phối hoạt động dầu khí như Luật Ðấu thầu, Luật Ðầu tư, Luật Xây dựng cơ bản…
Do đó, Luật Dầu khí mới cần xây dựng cơ chế đặc thù cho Petrovietnam như được tăng quyền chủ động, tự quyết định, tự chịu trách nhiệm, thông thoáng hơn về cơ chế đầu tư ra nước ngoài, về công tác tự tổ chức thực hiện các dịch vụ dầu khí đặc biệt…