Chiến lược xây dựng Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan
Để xây dựng Khu kinh tế - Thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo – Densavan như một hình mẫu phát triển mới căn bản và thực chất, cần hướng tới hệ tiêu chuẩn thể chế dành cho khu thương mại tự do đẳng cấp cao của thế giới...
Chiều ngày 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị diễn ra Hội thảo về “Khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị, Việt Nam) - Densavan (tỉnh Savannakhet, Lào): Từ ý tưởng đến hiện thực”.
Hội thảo do tỉnh Quảng Trị và tỉnh Savannakhet nước bạn Lào tổ chức thu hút hơn 200 đại biểu đại diện các cơ quan Bộ, ngành Trung ương, địa phương 2 nước Việt Nam – Lào, chuyên gia, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự.
Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị được thành lập năm 1998, tên gọi ban đầu là Khu vực khuyến khích phát triển kinh tế và thương mại Lao Bảo, được áp dụng các cơ chế chính sách ưu đãi đặc thù, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới Việt Nam và Lào.
26 năm qua, tỉnh Quảng Trị tập trung đầu tư phát triển, từng bước hình thành diện mạo của đô thị vùng biên giới trên Hành lang kinh tế Đông - Tây về phía Việt Nam. Tuy nhiên, Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo chưa phát triển được như kỳ vọng, cơ chế chính sách còn bất cập, hạn chế cần được tháo gỡ, tạo động lực mới cho khu vực biên giới.
Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo (Việt Nam) và Khu Thương mại biên giới Densavan (Lào) được hình thành xuất phát từ lợi thế của khu vực, chủ trương của hai Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào từ năm 1997, xây dựng “Khu vực Thương mại tự do Lao Bảo - Densavan”.
Nghị quyết số 26 năm 2022 của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra chủ trương: “Nghiên cứu thí điểm mô hình khu kinh tế cửa khẩu qua biên giới trên hành lang kinh tế Đông - Tây”.
Tại Thỏa thuận về “Kế hoạch hợp tác giữa Chính phủ nước Việt Nam và Lào năm 2023”, ký ngày 12/01/2023 đã đưa nội dung thí điểm mô hình Khu kinh tế cửa khẩu qua biên giới trên Hành lang kinh tế Đông - Tây vào văn kiện ký kết giữa hai Thủ tướng. Thực hiện chủ trương của lãnh đạo cấp cao hai nước, tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với tỉnh Savannakhet (Lào) xây dựng Đề án thí điểm “Xây dựng Khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan” để tham mưu cho các bộ, ngành Trung ương và Chính phủ hai nước triển khai thực hiện chủ trương quan trọng này.
Hội thảo nhằm giới thiệu nội dung Đề án, đặc biệt là các cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội dự kiến áp dụng tại Khu Kinh tế - Thương mại xuyên biên giới chung để lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, các cơ quan có liên quan, ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Lào.
Đây là cơ sở để tỉnh Quảng Trị và tỉnh Savannakhet tiếp tục hoàn thiện Đề án và dự thảo nội dung Hiệp định giữa hai Chính phủ trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Cơ quan thường trực Ủy ban hợp tác Việt Nam - Lào và các bộ, ngành của hai nước.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý hai bên tập trung làm rõ tính khả thi và đề xuất các cơ chế, chính sách ưu đãi tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh tại Khu kinh tế - Thương mại xuyên biên giới chung.
Các ý kiến tại Hội thảo tập trung đề xuất giải pháp huy động nguồn vốn, đầu tư hạ tầng khu vực cửa khẩu hai nước để phát triển dịch vụ logistics và khu công nghiệp, khu thương mại tự do, khu phi thuế quan, thu hút các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh và thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách vượt trội tại Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan.
Việc xây dựng Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo- Densavan là rất phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế thương mại dịch vụ du lịch hiện nay của cả Việt Nam và Lào; là xu thế tất yếu khi tình hình khu vực và thế giới đang có nhiều thay đổi, phát triển.
Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, để xây dựng Khu kinh tế - Thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo – Đensavan như một hình mẫu phát triển mới căn bản và thực chất, cần hướng tới hệ tiêu chuẩn thể chế dành cho khu thương mại tự do đẳng cấp cao của thế giới.
Hiện nay, một số địa phương khác của Việt Nam đang nỗ lực xây dựng “thí điểm” thể chế phát triển này. Hải Phòng, Đà Nẵng đang tích cực tìm kiếm hình mẫu thể chế cho khu thương mại tự do của mình trong tương lai. Các kinh nghiệm xây dựng thể chế kinh tế vượt trội – như xây dựng đặc khu kinh tế, “xin” áp dụng và thử nghiệm “cơ chế, chính sách đặc thù” của hàng loạt địa phương (Hà Nội, TP. Hồ chí Minh, Thanh Hóa, Nghệ An, Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế) cần được tham khảo để áp dụng vào xây dựng và phát triển Khu Kinh tế - Thương mại Xuyên biên giới Lao Bảo – Đensavan.
Cần xây dựng một chương trình xây dựng và phát triển Khu Kinh tế - Thương mại xuyên biên giới mang tính tổng thể, trong đó bao gồm cả các dự án phát triển các trung tâm và các tọa độ ưu tiên chiến lược khác như sân bay, cảng biển, đô thị Đông Hà.
Bảo đảm tính tương đồng về trình độ, cơ cấu và liên thông về cơ chế, cơ sở của sự thông suốt “xuyên biên giới” giữa hai bộ phận của khu kinh tế. Về cơ chế vận hành của Khu Kinh tế - Thương mại xuyên biên giới Lao Bảo - Densavan, cần định hướng tới hình mẫu “khu thương mại tự do” kiểu mới để xác định các nhiệm vụ cụ thể.
Về cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, Đại diện Tập đoàn Hoành Sơn đề xuất cần nghiên cứu tiếp tục áp dụng mô hình kiểm tra “một cửa, một điểm dừng” với các quy định mới, đơn giản hóa thủ tục hải quan và kiểm tra, kiểm soát hàng hóa, phương tiện vận tải nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các hoạt động thương mại quốc tế, xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu, và có sự kết nối thông tin giữa các bộ phân chức năng ở khu vực cửa khẩu.
Đề nghị Chính phủ 2 nước Việt Nam Lào, chính quyền hai tỉnh Savannakhet và Salavan quan tâm đầu tư và nâng cấp tuyến đường bộ từ thị trấn Taoi đến Bản Đông, kết nối Quốc lộ 15B với Quốc lộ 9 (phía Lào) vì đây sẽ là tuyến vận tải đặc biệt quan trọng và thuận lợi vận chuyển than và các hàng hóa khác từ các tỉnh Nam Lào về cảng biển Việt Nam. Chính phủ Việt Nam và tỉnh Quảng Trị quan tâm đầu tư tuyến đường bộ Cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo để đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa sẽ gia tăng mạnh trong những năm sắp đến.
Tại hội thảo, lãnh đạo hai tỉnh Quảng Trị và Savannakhet đã thống nhất đề nghị các bộ, ngành hữu quan của hai nước tham mưu Chính phủ Việt Nam và Lào ký kết hiệp định về thí điểm xây dựng Khu Kinh tế - Thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo -Densavan làm cơ sở pháp lý để tỉnh Quảng Trị và tỉnh Savannakhet có căn cứ xây dựng các quy chế phối hợp trong quản lý, vận hành Khu Kinh tế - Thương mại xuyên biên giới chung.
Đồng thời tiếp tục phối hợp các bộ, ngành liên quan của hai nước xây dựng, ban hành, tham mưu Chính phủ ban hành các quy định, văn bản hướng dẫn để triển khai thực hiện.
Các doanh nghiệp đầu tư tại Khu Kinh tế - Thương mại xuyên biên giới chung mong muốn được pháp luật hai nước bảo vệ quyền lợi theo giấy chứng nhận đầu tư được cấp trong thời gian hoạt động (thời gian được giao đất, thuê đất). Các cơ chế chính sách áp dụng thí điểm phải quy định thời gian tối thiểu phù hợp để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, mọi thay đổi về chính sách đối với doanh nghiệp phải theo hướng có lợi hơn cho doanh nghiệp đã đầu tư.