Chủ tịch Dynam Capital: Tăng trưởng GDP của Việt Nam đáng kinh ngạc, nhưng cảnh báo tác động từ suy thoái toàn cầu
Việt Nam nổi bật với mức tăng trưởng GDP đáng kinh ngạc 7,7% cho quý 2 vừa qua - vượt quá kỳ vọng và xếp hạng cao hơn đáng kể so với các quốc gia khác...
Trong cuộc phỏng vấn mới đây với Proactive Investors, ông Craig Martin, Chủ tịch Dynam Capital, đơn vị chủ quản của Quỹ đầu tư Vietnam Holding Limited (VNH), cho rằng suy thoái kinh tế toàn cầu cũng không chỉ ảnh hưởng đến xuất khẩu và tăng trưởng sản xuất ấn tượng của đất nước mà còn có thể ảnh hưởng đến lĩnh vực ngân hàng.
Theo VNH, mặc dù thị trường chứng khoán trong nước và toàn cầu đã trải qua một nửa đầu năm 2022 đáng lo ngại, hoạt động bán lẻ và xuất khẩu của Việt Nam đã cho thấy khả năng phục hồi ngày càng tăng. Nhờ sở hữu lượng lớn cổ phiếu trong nhóm bán lẻ và xuất khẩu, ngược lại hạ tỷ trọng nhóm ngân hàng và bất động sản đã giúp chỉ số quỹ vượt trội hơn so với Vn-Index một lần nữa vào tháng 6.
Hiệu suất VNH âm 6% so với mức âm 8,7% của Vn-Index trong tháng 6 và tính từ đầu năm hiệu suất quỹ âm 16% so với mức âm 24,5% của Vn-Index. So với các quỹ còn lại trên thị trường, đây cũng là mức tương đối ổn.
Theo đánh giá của VNH, tháng 6 lập kỷ lục mới về số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân với 1,2 triệu tài khoản được mở trong quý 2, gấp đôi mức trong quý 1. Sự điều chỉnh của thị trường vào cuối tháng 6 đã dẫn đến mức định giá hấp dẫn hơn và sau hai năm bán ra, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Về vĩ mô, Việt Nam nổi bật với mức tăng trưởng GDP đáng kinh ngạc 7,7% cho quý 2 vừa qua - vượt quá kỳ vọng và xếp hạng cao hơn đáng kể so với các quốc gia khác trên thế giới, bao gồm cả khu vực G20 chỉ tăng 0,7%, theo báo cáo của OECD. Việt Nam tiếp tục phục hồi trên diện rộng đã khiến một số tổ chức tài chính quốc tế nâng cấp dự báo tăng trưởng cho thời gian còn lại của năm 2022 khi các lĩnh vực khác nhau trong nước lấy lại động lực trước đại dịch.
Ví dụ, cả HSBC và United Overseas Bank có trụ sở tại Singapore, gần đây đã nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam cho năm 2022 lên 6,9% từ 6,6% và 7,0% từ 6,5%.
Tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay rất đáng chú ý do lạm phát gia tăng kỷ lục và những giãn đoạn chưa từng có khác ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư trên toàn thế giới. Ví dụ, bất chấp bối cảnh rủi ro toàn cầu gay gắt hiện nay, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã tăng trưởng tháng thứ 9 liên tiếp trong tháng 6. Đơn đặt hàng mới tăng hơn nữa và năng lực sản xuất tiếp tục được cải thiện. Vốn FDI giải ngân cũng đạt mức cao kỷ lục trong nửa đầu năm 2022, đạt 2,9 tỷ USD vào tháng 6, mức cao nhất hàng tháng trong năm nay.
"Trong tương lai, khi việc xử lý đại dịch của Việt Nam có kết quả, chúng tôi kỳ vọng việc mở cửa trở lại hoàn toàn các hoạt động kinh tế sẽ tiếp tục thúc đẩy các sáng kiến đầu tư và đánh giá tính khả thi cho các dự án mới trong 6 tháng cuối năm 2022", ông Craig Martin, Chủ tịch Dynam Capital, đơn vị chủ quản của quỹ VNH nhấn mạnh.
Mặc dù vậy, theo đánh giá của VHM, bước sang nửa cuối năm 2022, tình trạng toàn cầu vẫn yếu. Mặc dù rủi ro suy thoái đối với châu Á vẫn ít nghiêm trọng hơn so với phương Tây, nhưng một cuộc suy thoái toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vào năm 2023 và quỹ sẽ theo dõi chặt chẽ các tác động, bao gồm cả các định hướng và hành động chính sách diễn ra như thế nào. Thương mại là chìa khóa quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt khi có vị trí nổi bật hơn trên bản đồ chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam đạt thặng dư thương mại hơn 700 triệu USD trong nửa đầu năm 2022.
Suy thoái kinh tế toàn cầu cũng không chỉ ảnh hưởng đến xuất khẩu và tăng trưởng sản xuất ấn tượng của đất nước mà còn có thể ảnh hưởng đến lĩnh vực ngân hàng.
Về mặt tích cực, nền kinh tế trong nước có thể được hưởng lợi từ việc gia tăng chi tiêu của Chính phủ cho cơ sở hạ tầng, vốn đã được sử dụng dưới mức ngân sách trong nửa đầu năm 2022. Chi tiêu cho cơ sở hạ tầng có tác động cấp số nhân đến tăng trưởng kinh tế, bao gồm cả việc đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, và dẫn đến tăng trưởng phát triển bất động sản và tăng trưởng thương mại hiện đại.
"Việc hoạch định chính sách linh hoạt sẽ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Như IMF đã báo cáo gần đây, việc Việt Nam xử lý đại dịch và các rủi ro liên quan đã giúp đất nước vượt qua hai năm qua, đặc biệt là việc triển khai tiêm chủng đáng chú ý, do đó, với doanh số bán lẻ tăng, cải thiện sản xuất công nghiệp và tăng đầu tư nước ngoài, có rất nhiều điều cần xem xét khi nói đến chính sách tiền tệ và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam", đại diện quỹ nhấn mạnh.