Một tuần khởi sắc của chứng khoán Mỹ, giá dầu giảm vì mối lo suy thoái
Tuần này, cả ba chỉ số chứng khoán Mỹ cùng tăng điểm. Bản báo cáo việc làm khả quan và sự “giảm nhiệt” gần đây của giá hàng hoá cơ bản đã giúp gia tăng khả năng “hạ cánh mềm” cho nền kinh tế Mỹ...
Chỉ số Nasdaq của chứng khoán Mỹ tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (8/7), khi thị trường đón nhận báo cáo việc làm tốt hơn dự kiến - một nhân tố củng cố khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục mạnh tay nâng lãi suất. Tuần này chứng kiến sự hồi phục khởi sắc của giá cổ phiếu của Phố Wall, bất chấp mối lo suy thoái kinh tế phủ bóng lên tâm trí nhà đầu tư.
Giá dầu tăng mạnh trong phiên ngày thứ Sáu, nhưng có một tuần đi xuống, khi thị trường lo ngại suy thoái có thể xảy ra và kéo tụt nhu cầu tiêu thụ năng lượng.
Lúc đóng cửa, Nasdaq tăng 0,12%, chốt ở 11.635,31 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,0%, còn 3.899,38 điểm. Chỉ số Dow Jones giảm 0,15%, còn 31.338,15 điểm. Chỉ số Dow Jones giảm 0,15%, còn 31.338,15 điểm.
Đây là phiên tăng thứ 5 liên tiếp của Nasdaq, đánh dấu chuỗi phiên tăng đầu tiên dài như vậy của chỉ số này từ đầu năm.
Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy khu vực phi nông nghiệp của nước này có thêm 372.000 công việc mới trong tháng 6, tốt hơn nhiều so với mức dự báo 250.000 công việc mới mà giới phân tích đưa ra trước đó. Bản báo cáo là sự tiếp nối đà tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường lao động Mỹ trong năm nay.
Tuần này, cả ba chỉ số chứng khoán Mỹ cùng tăng điểm. Bản báo cáo việc làm khả quan và sự “giảm nhiệt” gần đây của giá hàng hoá cơ bản đã giúp gia tăng khả năng “hạ cánh mềm” cho nền kinh tế Mỹ, nhờ đó mở đường cho sự hồi phục của thị trường chứng khoán – theo chiếu lượng gia trưởng Yung-Yu Ma của BMO Wealth Management.
“Mối lo suy thoái kinh tế từ chỗ đang rất căng thẳng đã dịu đi một chút… Tôi cho rằng trong tuần này, thị trường bắt đầu tin vào khả năng này”, ông Ma nói.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng mạnh sau khi báo cáo việc làm được công bố, và điều này có thể đã hạn chế đà tăng của giá cổ phiếu. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm vẫn đang cao hơn lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm - hiện tượng gọi là “đảo ngược đường cong lợi suất”, được nhiều nhà đầu tư và chuyên gia xem là dấu hiệu cho thấy suy thoái kinh tế sắp xảy ra.
Dù báo cáo việc làm là một dấu hiệu tích cực về sức khoẻ của nền kinh tế Mỹ, nhiều nhà đầu tư tin rằng dữ liệu này sẽ cho phép Fed tiếp tục cứng rắn trong cuộc chiến chống lạm phát bằng cách tiếp tục tăng lãi suất trong những tháng tới.
“Tin tốt cũng là tin xấu cho thị trường trong phiên ngày hôm nay. Bản báo cáo việc làm là không thể tốt hơn, từ sự tăng trưởng trên diện rộng, tỷ lệ thất nghiệp thấp, tất cả những con số đều tốt hơn kỳ vọng”, chuyên gia Michael Arone của State Street Global Advisors phát biểu. “Tiền lương đang tăng lên nhưng với tốc độ chậm hơn. Đó là một tin tốt. Nhưng cuối cùng, thị trường vẫn nhún vai vì kết luận ở đây là Fed sẽ nâng lãi suất với bước nhảy 0,75 điểm phần trăm”.
Cả tuần, chỉ số Nasdaq tăng 4,6%; S&P 500 tăng 1,9%; và Dow Jones tăng 0,8%.
CEO Phillip Toews của Toews Corporation cho rằng thị trường có vẻ đang “trôi nổi lên cao hơn” từ tình trạng bị bán quá nhiều, nhưng sự cứng rắn của Fed sẽ cản trở khả năng có được một đợt phục hồi mạnh hơn trong ngắn hạn.
“Không may, Fed thực sự có một mục tiêu ngầm là kiềm chế các tài sản tài chính tăng giá. Chúng ta sẽ rất khó khăn để làm quen với điều đó. Đây là một trong những việc quan trọng nhất mà Fed có thể làm vào lúc này để kiểm soát lạm phát. Sẽ đến một ngày tôi có thể lạc quan về thị trường chứng khoán, nhưng không phải là ngày hôm nay”, ông Toews nói.
Tuần tới, mùa công bố kết quả kinh doanh quý 2 sẽ khởi động bằng loạt báo cáo từ các ngân hàng lớn. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6, dự kiến công bố vào ngày thứ Tư, cũng sẽ là tâm điểm chú ý của giới đầu tư.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 2,37 USD/thùng, tương đương tăng 2,3%, chốt ở 107,02 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 2,06 USD/thùng, tương đương tăng 2%, chốt ở 104,79 USD/thùng.
Mối lo suy thoái kinh tế là nguyên nhân kéo dầu giảm giá trong tuần này, cho dù giá “vàng đen” vẫn được hỗ trợ bởi sự thắt chặt của nguồn cung trên toàn cầu. Cả tuần, giá dầu Brent giảm 4,1% và giá dầu WTI giảm 3,4%.
Tương tự như đối với thị trường chứng khoán, thị trường dầu cũng nhìn nhận bản báo cáo việc làm tháng 6 theo cả hai chiều hướng tích cực và tiêu cực.
“Thị trường dầu xem báo cáo này như một ‘con dao hai lưỡi’. Số liệu việc làm đó mang ý nghĩa tích cực từ phương diện nhu cầu. Nhưng ở góc nhìn khác, thị trường lo ngại rằng nếu thị trường việc làm vững mạnh, Fed có thể cứng rắn hơn trong việc nâng lãi suất”, nhà phân tích Phil Flynn của Price Futures Group nhận định.
Hiện tại, mối lo về thiếu hụt nguồn cung, đặc biệt là việc phương Tây áp hạn chế lên dầu Nga, vẫn đang hỗ trợ giá dầu. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên tiếng cảnh báo phương Tây rằng sự trừng phạt nhằm vào Moscow có thể dẫn tới sự tăng giá năng lượng “thảm hoạ” đối với người tiêu dùng trên toàn cầu.
“Mối lo kinh tế có thể gây biến động giá dầu tuần này, nhưng thị trường vẫn phát đi những tín hiệu giá lên. Đó là bởi từ giờ trở đi, sự thắt chặt nguồn cung nhiều khả năng sẽ gia tăng hơn là giảm bớt”, nhà môi giới Stephen Brennock của PVM Oil nhận định.