08:18 02/06/2013

Chủ tịch nước thống lĩnh các lực lượng vũ trang: “Khó khả thi”

Nguyễn Lê

Nhiều góp ý về quy định tại Chương Chủ tịch nước tại dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

<span id="div" class="fl w100 mt10 span-detailimages relative">Phủ Chủ tịch tại Hà Nội.</span>
<span id="div" class="fl w100 mt10 span-detailimages relative">Phủ Chủ tịch tại Hà Nội.</span>
Đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc quy định Chủ tịch nước thống lĩnh các lực lượng vũ trang.

Báo cáo hợp ý kiến thảo luận tại tổ của Quốc hội về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 vừa hoàn thành ghi nhận nhiều góp ý về chương Chủ tịch nước.

Rất cụ thể về số lượng, báo cáo cho có hai ý  kiến ở cùng một tổ đề nghị ghi rõ Chủ tịch nước là nguyên thủ quốc gia. Dự thảo Hiến pháp quy định Chủ tịch nước là người đứng đầu quốc gia nhưng trong các quy định khác lại không thể hiện rõ nội dung này là một ý kiến khác.

Có đến 4 ý kiến cùng băn khoăn về khoản 5 của điều 93 của Chương Chủ tịch nước.

Theo khoản này, Chủ tịch nước thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, quyết định phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng trong các lực lượng vũ trang nhân dân, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc hải quân; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam. Căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội hoặc của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, công bố quyết định tuyên bố tình trạng chiến tranh. Căn cứ vào nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, ra lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, công bố tình trạng khẩn cấp; trong trường hợp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội không thể họp được, công bố tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương;

Trong khi chỉ có 2 ý kiến ở cùng một tổ tán thành thì có đến 4 đại biểu tại ba tổ đề nghị cân nhắc nội dung này vì khó khả thi do hiện nay Tổng bí thư đang là Bí thư Quân ủy Trung ương. Ý kiến khác đề nghị làm rõ mối quan hệ giữa thống lĩnh các lực lượng vũ trang với Bí thư Quân ủy Trung ương.

Có ý kiến đề nghị Hiến pháp chỉ quy định Chủ tịch nước thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân. Còn đối với hàm, cấp của lực lượng vũ trang thì Quốc hội sẽ quy định trong luật về hệ thống hàm, cấp của lực lượng vũ trang, căn cứ vào đó, Chủ tịch nước quyết định phong hàm, cấp đối với từng trường hợp cụ thể; đồng thời, căn cứ vào luật của Quốc hội, Chủ tịch nước có thể quyết định phong hàm cấp trực tiếp hoặc ủy quyền

Một số vị đại biểu góp ý cần bổ sung thẩm quyền bổ nhiệm, cách chức, phong hàm các quân hàm cấp tướng để thể hiện vai trò thống lĩnh lực lượng vũ trang, trừ các chức danh do Quốc hội phê chuẩn .

Cùng băn khoăn về khoản này, có vị đại biểu phân tích, thực tế hiện nay cả Chủ tịch nước và Thủ tướng đều có thẩm quyền đối với Quân đội Nhân dân Việt Nam (Thủ tướng có quyền đề nghị Quốc hội phê chuẩn Bộ trưởng và trực tiếp bổ nhiệm thứ trưởng).

Trong khi đó, khoản 5 chỉ quy định Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam mà không quy định rõ những chủ nhiệm tổng cục khác là do ai bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức?

Như vậy, về quân hàm cấp tướng của những chủ nhiệm tổng cục này là do Chủ tịch nước phong, thăng, nhưng Chủ tịch nước lại không có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các chức danh này.

Vì vậy, đề nghị sửa khoản 5 theo hướng: Chủ tịch nước có thẩm quyền phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp thượng tướng, đại tướng trong các lực lượng vũ trang nhân dân, đô đốc hải quân; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đồng thời, Hiến pháp cũng cần quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ trong việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các chức danh tương đương cấp tướng để làm cơ sở cho luật định.

Xem lại quy định về lực lượng vũ trang vì nếu chỉ quy định thống lĩnh lực lượng vũ trang mới chỉ có Quân đội, chưa bao gồm công an cũng là góp ý được tập hợp tại chương Chủ tịch nước.

Với điều 95, dự thảo quy định, Chủ tịch nước có quyền tham dự các phiên họp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, của Chính phủ. Có quyền yêu cầu Chính phủ họp bàn về vấn đề mà Chủ tịch nước xét thấy cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước.

Tuy nhiên, theo góp ý của một số vị đại biểu thì cần giải thích rõ Chủ tịch nước thực hiện quyền này bằng phương thức, mệnh lệnh nào.