Chủ tịch VCCI: Doanh nghiệp không thể áp dụng mãi mô hình “3 tại chỗ”
Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI), những biện pháp mang tính tức thời, ngắn hạn như “3 tại chỗ” gặp nhiều thách thức bởi chỉ thích hợp với những doanh nghiệp có quy mô nhỏ và chỉ có thể diễn ra trong 1-2 tuần...
Thời gian qua, việc nhiều tỉnh, thành phố phải thực hiện giãn cách để phòng chống dịch bệnh lây lan đã gây ra sự ách tắc lớn cho việc sản xuất cũng như lưu thông hàng hóa.
Trước thực trạng này, hàng loạt giải pháp đã được đưa ra nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và duy trì sản xuất, ngăn chặn đứt gãy chuỗi cung ứng. Trong đó, mô hình “3 tại chỗ” - sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ - đang được triển khai tại nhiều đơn vị sản xuất.
Tuy nhiên, theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI), những biện pháp mang tính tức thời, ngắn hạn như “3 tại chỗ” gặp nhiều thách thức bởi chỉ thích hợp với những doanh nghiệp có quy mô nhỏ và chỉ có thể diễn ra trong 1-2 tuần.
“3 tại chỗ nếu áp dụng lâu dài thì không thể chịu nổi. Có hai vấn đề. Một là bản thân người lao động không chịu được về mọi mặt. Hai là với doanh nghiệp, chi phí để áp dụng mô hình này rất lớn”, ông Lộc nhận định tại Tọa đàm trực tuyến "Giải pháp cấp bách và lâu dài chống đứt gãy chuỗi cung ứng" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy tổ chức tối ngày 7/8.
Theo Chủ tịch VCCI, với tình hình hiện tại, vaccine là giải pháp cứu cánh, nhưng có thể phải mất vài tháng nữa mới có thể triển khai rộng rãi. Và kể cả khi đạt được tỷ lệ tiêm chủng 60-70% dân số, dịch bệnh vẫn có thể kéo dài với những biến thể phức tạp. Do đó, phải xác định đây là cuộc chiến trường kỳ - cuộc chiến về cả y tế và kinh tế, đòi hỏi phải có những giải pháp lâu dài, có tính chiến lược.
“Chúng ta phải xác định tinh thần là cuộc chiến sẽ trường kỳ, không ai có thể đưa ra dự báo lạc quan lúc này. Do đó, cả Chính phủ và doanh nghiệp đều phải chuyển trạng thái. Các biện pháp cấp bách không thể kéo dài được, mà phải tính phương án từng bước mở cửa nền kinh tế như thế nào, làm sao để doanh nghiệp vừa phòng dịch vừa sản xuất kinh doanh. Việc này cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải sáng tạo để đưa ra các phương thức mới, thích ứng với yêu cầu của giai đoạn hiện nay”, ông Lộc nhận định.
Đề cập sâu hơn về các mô hình sản xuất, kinh doanh an toàn trong đại dịch, ông Lộc cho rằng cần phải đề cao vai trò, tính sáng tạo, tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp. Đồng thời, nhà nước cũng phải tạo điều kiện để doanh nghiệp thực hiện các giải pháp đó và nên có những tiêu chuẩn, quy định rõ ràng, minh bạch áp dụng cho cả nước.
“Không thể có chuyện mỗi địa phương thực hiện một kiểu, mỗi địa bàn áp dụng các biện pháp hạn chế khác nhau, quy định hoàn toàn không thống nhất và bất hợp lý. Ví dụ như xác định mặt hàng nào là thiết yếu hay không thiết yếu. Trong một chuỗi sản xuất, rất khó để xác định cái nào là thiết yếu, cái nào không”, Chủ tịch VCCI chỉ ra. “Chỉ áp dụng cứng các biện pháp thì nền kinh tế sẽ không chịu được. Do đó, cần có sự chuyển trạng thái linh hoạt hơn, đề cao vai trò và sự sáng tạo của cơ sở, chấp nhận sự rủi ro. Tất nhiên sinh mệnh là trên hết nhưng cũng không thể coi thường sinh kế”.
Mặt khác, ông Lộc cũng cho rằng giai đoạn khó khăn do đại dịch này cũng là cơ hội tốt để thúc đẩy nhanh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính và thể chế nói chung, bởi đây là lúc dễ tiến tới những đồng thuận hơn trong việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp.
“Cải cách thể chế chính là gói hỗ trợ lớn nhất với doanh nghiệp. Nếu làm tốt trong giai đoạn này, đây sẽ là sự chuẩn bị tốt nhất cho sự bứt phá vươn lên sau đại dịch”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.