13:57 06/08/2021

Doanh nghiệp “3 tại chỗ” và nỗi lo tâm lý người lao động

Khi được yêu cầu áp dụng "3 tại chỗ", một số ít doanh nghiệp có thể đáp ứng được nhưng giờ đây lại đứng trước nguy cơ trở thành ổ dịch. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp khác đang áp dụng "3 tại chỗ" cũng phải băn khoăn, e ngại…

Việc áp dụng mô hình "3 tại chỗ" tại các tỉnh thành phía Nam đã bắt đầu bộc lộ ra những hạn chế đến từ điều kiện nhà xưởng, ký túc xá, số lượng công nhân đông… Hơn thế nữa, một vấn đề chung khiến doanh nghiệp và cả người lao động lo lắng chính là tình hình dịch bệnh đang diễn tiến phức tạp, cùng với đó là việc nhiều địa phương bắt đầu thực hiện đưa người lao động trở về quê tránh dịch. Không ít bộ phận người lao động lo sợ về việc lây nhiễm Covid-19 nên đã không đồng ý ở lại nhà máy.

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương, hiện tại có 204 doanh nghiệp trong khu công nghiệp với số lao động 61.000 người đang xin tạm ngưng thực hiện "3 tại chỗ" vì có F0 trong công ty và không có nguồn nguyên liệu, đơn hàng không ổn định, người lao động không chịu ở lại làm việc. Bên cạnh đó, 15 doanh nghiệp trong cụm công nghiệp thông báo dừng hoạt động với nguyên nhân không còn nguyên liệu sản xuất, không còn đơn hàng hoặc xuất hiện F0…

Tương tự. theo thống kê của Ban quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai (DIZA), toàn tỉnh có hơn 1.150 doanh nghiệp đã đăng ký thực hiện phương án "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường, 2 địa điểm" với khoảng 136.000 lao động tạm trú tại công ty để duy trì sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, thời gian gần đây có hàng chục công ty "3 tại chỗ" xuất hiện F0. Sau khoảng 1 tháng thực hiện phương án “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 địa điểm”, một số doanh nghiệp tại Đồng Nai đề nghị chấm dứt phương án trên, người lao động cũng yêu cầu chấm dứt lưu trú tại doanh nghiệp để về nơi cư trú.

Đại diện một doanh nghiệp dệt may chia sẻ, công nhân khó ăn ở tập trung, sống trong điều kiện thiếu thốn, rủi ro lây nhiễm chéo rất lớn nên tạo áp lực và tâm lý lớn. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất phía Nam đều có quy mô rất lớn, lên tới vài nghìn, thậm chí vài chục nghìn công nhân. Và dù đã thu hẹp quy mô nhà máy để có chỗ trống, song doanh nghiệp cũng không thể bố trí đủ điều kiện để người lao động nghỉ lại trong thời gian dài, bảo đảm các yêu cầu tối thiểu như: tắm giặt, vệ sinh cá nhân, quản lý an toàn… 

Đồng Nai dự đoán tình hình dịch bệnh trên địa bàn sẽ còn phức tạp và khó lường, ít nhiều ảnh hưởng tới các hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của những người lao động. 
Đồng Nai dự đoán tình hình dịch bệnh trên địa bàn sẽ còn phức tạp và khó lường, ít nhiều ảnh hưởng tới các hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của những người lao động. 

Không chỉ vậy, đối với lao động nữ, đội ngũ chiếm phần đông đảo tại các doanh nghiệp dệt may, da giày, bên cạnh việc cố gắng cam kết và thực hiện “3 tại chỗ” để tham gia sản xuất, duy trì thu nhập, ổn định phần nào cuộc sống giữa thời đại dịch… thì canh cánh trong họ là nỗi lo thu vén gia đình, chăm lo con cái về ăn ngủ, học hành sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần cũng như năng suất lao động. Và trên tất cả là nỗi lo về sự an toàn giữa thời dịch bệnh, thứ mà chẳng ai có thể nói trước được điều gì…

Đối với trường hợp doanh nghiệp đề nghị chấm dứt thực hiện phương án trên, chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu doanh nghiệp báo cáo Sở LĐ-TB&XH, DIZA và UBND các huyện, thành phố nắm thông tin, xử lý theo quy định.  Sau khi các sở, ngành trên chấp thuận, doanh nghiệp có trách nhiệm xét nghiệm cho toàn bộ lao động. Người lao động chỉ được rời khỏi doanh nghiệp khi có giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 3 ngày và được UBND cấp huyện đồng ý tiếp nhận.

Chủ tịch tỉnh Đồng Nai yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp giấy giới thiệu, kết quả xét nghiệm Covid-19, văn bản tiếp nhận của UBND cấp huyện cho từng người lao động và hướng dẫn họ chuẩn bị các giấy tờ cần thiết để di chuyển qua các chốt kiểm soát trước khi rời công ty. Người đứng dầu doanh nghiệp chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật nếu cho người lao động về mà không tuân thủ đầy đủ các quy định hoặc để người lao động tự ý rời khỏi doanh nghiệp, nơi tạm trú về địa phương, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu làm lây lan dịch bệnh tại nơi cư trú.

Còn tại Bình Dương, để công nhân lao động thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16, theo tinh thần "Ai ở đâu ở đấy", không di chuyển ra khỏi nơi cư trú từ sau ngày 31/7 cho đến khi hết thời giãn cách, tỉnh đã triển khai nhiều kế hoạch thiết thực chăm lo cho người lao động ở lại tỉnh. Ủy ban nhân dân tỉnh đã thống nhất các chính sách đối với toàn bộ công nhân, người lao động không về quê mà ở lại Bình Dương trong thời gian giãn cách xã hội sẽ được tiêm vaccine, hỗ trợ tiền nhà trọ và nhu yếu phẩm.

 

Tại tọa đàm trực tuyến "Cà phê doanh nhân" do Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM (HUBA) tổ chức, ông Đoàn Võ Khang Duy, Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp Cơ khí - Điện TP HCM, cho biết phương án "3 tại chỗ" chỉ là giải pháp tình thế và có thể kéo dài tối đa khoảng một tháng.

Theo ông Duy, không thể biến các khu công nghiệp, khu sản xuất thành khu dân cư lâu dài bởi tâm lý người lao động phải ở lâu trong nhà máy cũng khiến họ cảm thấy bức bối. Sau hai tuần, mô hình này đã phát sinh nhiều vấn đề về điều kiện an toàn, vệ sinh và tâm lý bất ổn trong người lao động. Bên những khó khăn trên, chi phí duy trình "3 tại chỗ" quá cao, doanh nghiệp không chỉ phải trang bị cơ sở vật chất sinh hoạt mà còn phải lo đời sống cho công nhân và chi phí xét nghiệm Covid-19 định kỳ cho người lao động.