10:05 30/07/2021

Doanh nghiệp “3 tại chỗ” nhưng vẫn không hết nỗi lo F0 trong nhà máy

Tuệ Mỹ

Sau chưa đầy một tháng thực hiện “3 tại chỗ”, nhiều nhà máy ở phía Nam đang đối mặt với nguy cơ nhà máy thành ổ dịch, còn doanh nghiệp thì không biết bây giờ nên ưu tiên sản xuất hay tập trung truy tìm F0...

Vissan là một điển hình. Ngày 28/6, công ty bắt đầu áp dụng cho công nhân ăn, nghỉ và làm việc tại nhà máy. Vissan thường xuyên tiến hành xét nghiệm Covid-19 cho công nhân, cán bộ nhân viên. Nhưng 19 ngày sau, tại lần xét nghiệm thứ tư trong một tháng (sau nhiều lần có kết quả âm tính toàn bộ), họ phát hiện 19 ca F0. Vissan đã truy vết nhưng doanh nghiệp thừa nhận, đặc thù công việc phải tiếp xúc rất nhiều, từ nhân viên bán hàng, mậu dịch bên ngoài, phát sinh đổi trả hàng..., virus vẫn có nhiều kẽ hở để vào.

Theo thông tin Sở NN-PTNT, hiện TP.HCM cũng có đến 3 cơ sở giết mổ heo thủ công đang tạm ngưng hoạt động do có công nhân bị nhiễm Covid-19. Ngoài ra, nhà máy giết mổ gia cầm An Nhơn tại TP.HCM cũng đã đóng cửa vì phát hiện F0. An Nhơn là nhà máy giết mổ gia cầm duy nhất của TP.HCM, có công suất trung bình từ 60.000 - 100.000 con gà mỗi đêm.

Cũng tại TP.HCM, Công ty TNHH Việt Thắng Jean thực hiện nghiêm chỉ đạo về việc thực hiện “3 tại chỗ” ngay từ những ngày đầu. Hai lần đầu tiên công ty tổ chức xét nghiệm PCR đối với công nhân tại cả 3 phân xưởng, kết quả đều 100% âm tính. Tuy nhiên, sau 12 ngày sản xuất, một phân xưởng may test nhanh 3 lần đã phát hiện 19/196 công nhân dương tính với SARS-CoV-2. “Nguyên nhân là do có người bán nước trái cây dạo bán qua hàng rào công ty. Người bán nước này bị dương tính và lây bệnh cho công nhân. Rất may công ty đã được tiêm vaccine và thực hiện cô lập từng phân xưởng,” đại diện Việt Thắng Jean cho hay.

Tại Bình Dương, Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA) có gần 60 doanh nghiệp duy trì sản xuất "3 tại chỗ", hầu hết quy mô lao động ở lại khá lớn với 100 - 300 người mỗi nhà máy. Theo bà N.T.X.T. - đại diện một công ty thành viên, công ty vừa kiểm tra nhanh và có thêm 2 ca F0 nhưng phải chờ đợi nhiều ngày để đưa họ ra khỏi nhà máy đi điều trị vì phải chờ quyết định của ngành y tế.

Tương tự, Công ty TNHH Timberland (thị xã Tân Uyên) duy trì "3 tại chỗ" từ giữa tháng 7 với gần 1.500 người (trong đó có 165 lao động nước ngoài). Sau 10 ngày "3 tại chỗ", kết quả xét nghiệm có 233 trường hợp dương tính nhưng đến ngày 27/7 mới chỉ có một số được đưa đi điều trị, còn hơn 100 người phải ở lại ký túc xá của công ty. "Công ty chỉ có thể giải quyết nhu cầu ăn cơ bản, không thể điều trị, trong khi nhiều trường hợp đã có biểu hiện phát bệnh," báo cáo của Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho hay.

Với gần 3.000 doanh nghiệp vẫn đang sản xuất "3 tại chỗ", tỉnh Bình Dương yêu cầu tổ chức biện pháp chặt chẽ hơn đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Với gần 3.000 doanh nghiệp vẫn đang sản xuất "3 tại chỗ", tỉnh Bình Dương yêu cầu tổ chức biện pháp chặt chẽ hơn đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Theo ghi nhận, có cả doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp và doanh nghiệp trong khu công nghiệp tại Bình Dương ghi nhận ca mắc Covid-19 khi thực hiện phương án "3 tại chỗ". Trước mắt, chính quyền địa phương đề nghị người sử dụng lao động và người lao động ở doanh nghiệp xảy ra dịch bệnh giữ bình tĩnh và tổ chức phân loại F0, F1, F2. Công nhân nào ra ngoài nhà máy về nơi ở cần được xét nghiệm lại và phải báo nhà trọ và địa phương quản lý cách ly. Với gần 3.000 doanh nghiệp vẫn đang sản xuất "3 tại chỗ", tỉnh Bình Dương yêu cầu tổ chức biện pháp chặt chẽ hơn đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Còn tại Đồng Nai, các doanh nghiệp “3 tại chỗ” cũng đang lo lắng hoang mang khi những ngày qua phát hiện nhiều trường hợp công nhân dương tính với SARS-CoV-2. Theo Ban quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai (DIZA), có hơn 1.110 doanh nghiệp trên địa bàn với gần 130.000 lao động thực hiện "3 tại chỗ". Trong đó một số doanh nghiệp đã phát hiện ca mắc Covid-19 qua tự test nhanh. Với số lượng F0, F1 ngày càng tăng, người lao động ngày càng lo lắng và không muốn tiếp tục ở lại doanh nghiệp, yêu cầu doanh nghiệp phải cho về, đã xuất hiện tình trạng kích động, dễ dẫn đến khó kiểm soát.

Hiện DIZA có văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Nai đề xuất các cấp nhanh chóng hỗ trợ khoanh vùng, truy vết, cách ly phù hợp; nhanh chóng đưa F0, F1 ra khỏi phạm vi công ty. Sau khi công ty được khử khuẩn, công nhân có xét nghiệm âm tính sẽ tiếp tục sản xuất. Trường hợp doanh nghiệp không thể tiếp tục để người lao động ở lại công ty thì tổ chức xét nghiệm cho người lao động và đề nghị chính quyền địa phương tiếp nhận người lao động trở về.

 

Ông Nguyễn Phúc, Phó chủ tịch Hiệp hội gỗ Bình Dương cho rằng vấn đề sai số trong xét nghiệm sàng lọc đầu vào là đáng lưu ý. "Độ chính xác của test nhanh chỉ 80 - 90%, thậm chí là 95%. Nhưng nếu trong 100 công nhân chỉ cần có 5 ca F0 chẳng hạn, thì trong 1 tuần cả nhà máy sẽ lây nhiễm hết," ông Phúc nói. Theo ông, "3 tại chỗ" chỉ nên áp dụng ở thời điểm dịch bệnh chưa lây lan quá rộng, xác suất công nhân bị nhiễm bệnh thấp, còn bối cảnh hiện tại dường như không còn phù hợp.