Chứng khoán BOS liên can như thế nào trong vụ thao túng giá cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết?
Từ ngày 1/12/2021 đến ngày 10/1/2022, ông Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo các cá nhân có quan hệ gia đình hoặc thân thiết điều hành nhân viên Công ty CP Chứng khoán BOS và các công ty con, công ty vệ tinh sử dụng 20 tài khoản chứng khoán của 11 tổ chức để thông đồng mua, bán chứng khoán với tần suất lớn, nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo.
Như VnEconomy đưa tin, ngày 29/3 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đã tiến hành điều tra, xác minh đối với Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn FLC, các cá nhân thuộc Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS và các công ty có liên quan về hành vi "Thao túng thị trường chứng khoán", "Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán" xảy ra ngày 10/01/2022, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán.
Cơ quan điều tra xác định, hành vi nêu trên của ông Quyết đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam và đủ yếu tố cấu thành tội "Thao túng thị trường chứng khoán".
Theo thông tin ban đầu, từ ngày 1/12/2021 đến ngày 10/1/2022, ông Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo các cá nhân có quan hệ gia đình hoặc thân thiết điều hành nhân viên Công ty CP Chứng khoán BOS (Công ty CK BOS) và các công ty con, công ty vệ tinh sử dụng 20 tài khoản chứng khoán của 11 tổ chức để thông đồng mua, bán chứng khoán với tần suất lớn, nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo.
Các tài khoản nêu trên đã tham gia 28/28 phiên giao dịch, đặt mua chiếm 12% tổng khối lượng đặt mua và khớp mua 2,84% tổng khối lượng khớp mua toàn thị trường; đặt bán chiếm 7% tổng khối lượng đặt bán và khớp bán chiếm 12% tổng khối lượng khớp bán toàn thị trường.
Tại các phiên tăng giá, nhóm 21 tài khoản chứng khoán đặt mua với tổng khối lượng 77% tổng khối lượng đặt mua của nhóm. Tại các phiên giảm giá, nhóm đặt bán với tổng khối lượng 94% tổng khối lượng đặt bán của nhóm.
Mục đích đẩy giá chứng khoán FLC từ 14.650 đồng/cổ phiếu ngày 1/12/2021 lên giá 24.050 đồng/cổ phiếu (tăng 64%).
Sau đó, ông Trịnh Văn Quyết giao cho người thân trong gia đình đặt lệnh bán 175 triệu cổ phiếu FLC và đã khớp lệnh bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC với giá 22.586 đồng/cổ phiếu nhưng không công bố thông tin trước khi giao dịch chứng khoán, với số tiền 1.689 tỷ đồng, thu lợi bất chính số tiền khoảng 530 tỷ đồng.
Công ty CP Chứng khoán BOS thành lập năm 2008 tiền thân là Công ty CP Chứng khoán Artex. Năm 2011-2012, Chứng khoán Artex đổi thành Công ty CP Chứng khoán FLC (FLCS). Đến năm 2019, Chứng khoán FLC lại đổi thành Công ty CP Chứng khoán BOS, chính thức đưa hệ thống giao dịch phái sinh vào hoạt động, mã cổ phiếu niêm yết là ART.
Vốn điều lệ của Chứng khoán BOS 969,2 tỷ đồng, số lượng cổ phiếu lưu hành 96,9 triệu cổ phiếu. Bà Hương Trần Kiều Dung - chủ tịch HĐQT đồng thời là Phó chủ tịch Thường trực Công ty CP Tập đoàn FLC, Chủ tịch FLC Faros nắm giữ 0,52% vốn. Ông Trịnh Văn Quyết nắm giữ 3,26% vốn. Em gái ông Trịnh Văn Quyết là bà Trịnh Thị Thuý Nga giữ chức vụ Thành viên Hội đồng quản trị, Phó Tổng giám đốc Chứng khoán BOS.
Thành viên HĐQT Chứng khoán BOS Lê Bá Nguyên cũng từng là Thành viên HĐQT của Tập đoàn FLC. Bản thân ông Trịnh Văn Quyết cũng từng ngồi "ghế nóng" Chủ tịch HĐQT của công ty chứng khoán này, trước khi ông Doãn Văn Phương được bổ nhiệm thay thế vào tháng 12/2011.
Về tình hình kinh doanh, báo cáo tài chính năm 2021 vừa công bố của chứng khoán BOS cho thấy, doanh thu hoạt động năm 2021 đạt 93 tỷ đồng, giảm mạnh so với năm 2020 ghi nhận 151 tỷ đồng. Hoạt động tự doanh, cho vay margin đều giảm mạnh trong khi môi giới chứng khoán, tư vấn tài chính tăng nhẹ.
Nhờ chi phí hoạt động giảm mạnh nên lợi nhuận kế toán trước thuế của Chứng khoán BOS vẫn tăng 25 lần đạt 37,2 tỷ đồng.
Danh mục tự doanh của Chứng khoán BOS chủ yếu là cổ phiếu thuộc hệ sinh thái FLC. Trong đó, cổ phiếu FLC giá trị mua theo sổ sách kế toán là 1,6 tỷ, chênh lệch đánh giá lại năm nay có lãi gấp đôi 1,9 tỷ đồng. Cổ phiếu HAI giá trị mua năm 2021 là 2,9 tỷ đồng, hiện đang lỗ 866 triệu đồng; cổ phiếu KLF giá trị mua 7,7 tỷ đồng hiện đang lỗ 613 triệu đồng và GAB giá trị mua 74 tỷ đồng hiện đang lãi đến 58,8 tỷ đồng. Các cổ phiếu chưa niêm yêt skhacs như FCA, FHH, CIC, BAV.
Tổng giá trị mua danh mục các tài sản tài chính thông qua lãi lỗ 296,9 tỷ đồng, hiện đang có lãi 59,3 tỷ đồng.
Nhờ kinh doanh lãi lớn, thu nhập của ban lãnh đạo BOS cũng rất khá. Trong năm 2021, bà Nguyễn Quỳnh Anh Tổng giám đốc nhận về 1 tỷ đồng, bà Trịnh Thị Thuý Nga Phó TGĐ - em gái ông Trịnh Văn Quyết nhận về gần 700 triệu đồng từ Chứng khoán BOS, bà Hương Trần Kiều Dung nhận riêng khoản thù lao 167 triệu đồng.
Trước khi bị nhắc đến trong việc thông đồng với ông Trịnh Văn Quyết thao túng thị trường, trong quá trình hoạt động Chứng khoán BOS cũng từng bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt.
Cụ thể, vào cuối năm 2019, công ty này bị xử phạt 125 triệu đồng, vì có hành vi cho khách hàng mua chứng khoán khi không đủ tiền.
Tháng 2/2021, công ty này tiếp tục bị xử phạt 125 triệu đồng do cho khách hàng mua chứng khoán khi không có đủ tiền theo quy định. Trong giai đoạn từ ngày 01/9/2019 đến ngày 15/4/2020, tại một số thời điểm, Công ty cho một số khách hàng đặt lệnh mua chứng khoán khi không có đủ 100% tiền. Đồng thời, phạt 85 triệu do không lưu giữ đầy đủ hồ sơ, dữ liệu, tài liệu, chứng từ liên quan đến hoạt động của công ty chứng khoán.