Từ cầu Nậm Tôm, chúng tôi phải chuyển quà cứu trợ sang xe công nông, từ đây người và quà phải đi 8 km nữa để đến thôn Kho Vàng của xã Cốc Lầu và thôn Nậm Tông của xã Nậm Lúc dài 9 km. Suốt dọc đường đi, cảnh tượng vô cùng khủng khiếp, không chỉ đất trên núi lở trùm xuống gần hết con đường, mà dưới đường chỗ nào đất cũng nứt toác. Ngồi trên xe công nông luôn thấy bất an, xe nghiêng ngả, cảm giác đất dưới đường sẵn sàng sụt xuống kéo theo người và xe xuống sông bất cứ lúc nào.
Bế đứa con chừng ba tuổi, đứng trước hai ngôi nhà đã bị sập, chị Trương Thị Hoa ở xóm Nậm Dấn, thôn Kho Vàng, cho biết hai ngôi nhà này gồm nhà của Hoa và nhà của mẹ chồng, với tám nhân khẩu. Hiện chồng chị Hoa đã mất tích vẫn chưa tìm được, còn nhà bà cô thì mất hai người chỉ mới tìm thấy thi thể của người em họ, còn ông chú vẫn mất tích.
“Hiện tại, hai gia đình, gồm 5 người phải ở tạm trong một chiếc lán cũ nát ở quả đồi gần đó. Đây là căn nhà cũ của gia đình trước khi chuyển ra bờ sông. Ngôi nhà mới xây bằng gạch đã bị sập đổ, nên đành chuyển về ở tạm lán cũ, nhưng đồi chỗ đó cũng đang bị sạt, ở cũng không an toàn”, chị Hoa lo lắng.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Cốc Lầu, cho biết do chịu ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3 (Yagi), từ đêm 7/9/2024 đến sáng 9/9/2024, trên địa bàn xã Cốc Lầu xảy ra mưa lớn. Trận lũ lớn trên sông Chảy vào rạng sáng ngày 9/9/2024 đã khiến 6 ngôi nhà thuộc xóm Nậm Dẩn của thôn Kho Vàng bị cuốn trôi. Cả 6 hộ dân đều là người Dao. Trận lũ dữ cũng đã khiến ba người bị cuốn trôi. Mưa lũ khiến đường vào xóm Nậm Dẩn và cả ba xóm của thôn Kho Vàng là Bản Vàng, Kho Lạt, Làng Kho đều bị sạt lở, không thể đi qua.
“Hiện 6 hộ dân bị cuốn trôi nhà được di chuyển đến nơi an toàn lánh nạn (trong đó, lực lượng dân quân xã đã làm nhà bạt cho bốn hộ ở tại nơi an toàn trong xóm Nậm Dẩn; một hộ đến ở cùng người nhà trong thôn và một hộ đến ở cùng người nhà trong thôn trung tâm của xã Cốc Lầu). Hiện nay, lực lượng chức năng đã tìm kiếm được hai thi thể; một người mất tích vẫn đang được tìm kiếm”, ông Tuấn cho biết.
Trên đỉnh Nậm Tông, hiện có hàng chục hộ gia đình sinh sống đã mất toàn bộ nhà cửa, tài sản vì sạt lở. Đã có hơn trăm cán bộ, chiến sỹ và các lực lượng khác tham gia tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai. Trước đó, khoảng 13 giờ chiều ngày 10/9/2024, đỉnh núi ở thôn Nậm Tông (xã Nậm Lúc) bất ngờ đổ sập xuống sau những ngày mưa lớn. Trong phút chốc, hàng nghìn khối đất, đá, cây cối theo dòng suối trôi xuống, san phẳng nơi sinh sống của các hộ dân thôn Nậm Tông. Vụ sạt lở cuốn lấp 8 nhà dân, làm 18 người thiệt mạng và mất tích. Do sạt lở, mưa lũ, trong nhiều ngày, nơi đây hầu như bị biệt lập với bên ngoài. Con đường duy nhất lên thôn là phải vượt núi, băng rừng, leo bộ ngược dốc trên 4km mới lên được đến nơi. Tuy vậy, hàng trăm tình nguyện viên cùng nhiều đoàn thiện nguyện từ mọi miền đất nước không quản ngại khó khăn, vất vả, bằng tất cả tình yêu thương đã lên với đỉnh Nậm Tông.
Ông Lý A Thành cho biết gia đình có 13 người thân bị sạt lở vùi lấp, đến nay đã tìm được 5 người, còn 8 người mất tích. Mỗi ngày, ông Thành và người thân đều đi dọc khe suối, cùng lực lượng chức năng tìm nạn nhân. “Anh em, họ hàng đều mất cả, tôi đau xót lắm, không biết lúc nào mới tìm được để an táng”, ông Thành chia sẻ.
Ngoài vụ sạt lở ở thôn Nậm Tông khiến 18 người chết và mất tích, trên địa bàn xã này còn xảy ra vụ sạt lở đất nghiêm trọng khác vùi lấp nhà điều hành Thủy điện Đông Nam Á - Nậm Lúc vào ngày 10/9/2024 khiến 5 người thiệt mạng. Chị Trần Thị Hồng có chồng thiệt mạng trong vụ sạt lở đất ở Thủy điện Nậm Lúc, cho biết bản thân chị đang mắc bệnh ung thư gan giai đoạn đầu, nên giờ chưa biết sau này sẽ nuôi hai con nhỏ như thế nào.
Con đường từ thị trấn Phố Ràng (trung tâm của huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) đến thôn Làng Nủ khoảng 20 km, xe phải đi mất hơn 2 giờ đồng hồ, bởi con đường vốn dĩ đã rất nhỏ hẹp quanh co trên đồi núi, với rất nhiều ngầm tràn và nhiều cung đường bị sạt lở.
Tận mắt thấy Làng Nủ tan hoang sau trận lũ quét, không ai cầm được lòng. Cả một ngôi làng rộng lớn tọa lạc giữa lòng chảo bốn bề núi vây quanh, nay đã thành một mặt phẳng rộng hơn 2-3 km vuông, đỏ quạch màu bùn đất. Những chiếc máy xúc vẫn cần mẫn tìm kiếm người mất tích phía xa xa, lọt thỏm giữa một vùng đất đỏ khồng lồ.
Theo thống kê của chính quyền huyện Bảo Yên, vụ sạt lở đất, lũ ống tại thôn Làng Nủ xảy ra ngày 10/9/2024 đã làm 56 người chết, 11 người mất tích và 14 người bị thương. Hiện tại Làng Nủ còn 87 người sống sót sau cơn lũ dữ. Ông Trần Trọng Thông, Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên, cho biết từ ngay sau khi nhận được thông tin về vụ lũ ống, sạt lở đất ở Làng Nủ, Quân khu 2 đã điều động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường tham gia công tác cứu hộ cứu nạn. Quân đội cũng là lực lượng chủ công trong tìm kiếm các nạn nhân mất tích tại thôn Làng Nủ. Đến ngày 24/9/2024, sau khi thống nhất với các đơn vị quân đội tham gia tìm kiếm cứu nạn, Quân khu 2 đã rút lực lượng gần 400 bộ đội khỏi hiện trường thôn Làng Nủ. Hiện tại công tác tìm kiếm 11 người mất tích đã được giao lại cho khoảng 200 người của Ban Chỉ huy quân sự huyện Bảo Yên, dân quân và một số phương tiện máy móc, thiết bị... tiếp tục hoạt động tìm kiếm.
Rời khỏi thôn làng vừa bị “xóa sổ”, chúng tôi đến khu tạm cư mới cho người dân thôn Làng Nủ, cách đó chừng 2 km. Đây là nơi người dân Làng Nủ ở tạm trong thời gian chờ xây khu nhà mới. Khu tạm cư mới của người dân Làng Nủ với 2 dãy nhà, tổng số hơn 15 căn phòng khá rộng rãi, mang lại nơi ở an toàn và ổn định cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Dự án xây dựng khu tạm cư này là kết quả của sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền địa phương, lực lượng xây dựng, quân đội, dân phòng, thanh niên cùng sự hỗ trợ kịp thời từ Quỹ Thiện tâm thuộc Tập đoàn Vingroup.
Bà Hoàng Thị Dâu, đang sinh sống tại một căn phòng trong khu tạm cư kể lại, ngày 9/9/2024 mưa cả ngày cả đêm, đến 5 giờ rưỡi sáng 10/9/2024, bỗng dưng nghe tiếng nổ của núi sập thì không đến 5 phút sau, dòng đất chảy tràn phủ trùm lấp hết toàn bộ làng Nủ, tất cả nhà cửa, tài sản và con người đã bị vùi lấp. “Từ khi sinh ra đến nay đã hơn 60 tuổi mà tôi chưa từng nhìn thấy cảnh tượng thiên tai như thế này bao giờ, đột ngột quá”, bà Dâu chia sẻ.
Hộ gia đình bà Hoàng Thị Dâu có 5 khẩu, nay chỉ còn 3 người, đã mất 3 người, mới chỉ tìm thấy thi thể con trai, còn cô con dâu và cháu nội thì vẫn chưa tìm thấy thi thể. “Tất cả nhà cửa, tài sản bị vùi hết trong đất, không đem theo được bất cứ thứ gì. Giờ ở chỗ này, người ta đem cho mấy bát hương để tạm thờ tổ tiên, thờ chồng, chứ con trai, con dâu và cháu nội mới mất chưa làm đám tang, nên chưa lập bàn thờ. Di ảnh chồng mất rồi, cũng không còn bất cứ tấm ảnh nào của những người thân vừa mất để mà đưa lên bàn thờ”, bà đau xót cho biết.
Nói về tài sản, bà Hoa chia sẻ, nhà tôi cũng như mọi người dân Làng Nủ, chủ yếu sống bằng nghề trồng quế, mỗi nhà đều có vài ha, mỗi năm cũng thu được từ 500 triệu đồng, đến hàng tỷ đồng tiền từ cây quế. Dưới làng, nhà nào cũng xây dựng khang trang. Thế nhưng, trận lũ đất vừa qua đã vùi chôn hết sạch rồi. Khi được hỏi nếu nhà bà gửi tiền ngân hàng thì vẫn còn chứ, thì bà Hoa cho biết hoạt động kinh tế trong nhà đều do con trai và con dâu đảm nhiệm. Các con bà không gửi tiền ngân hàng, mà cất giữ tiền ở trong nhà. Nay chẳng biết nhà mình chôn vùi chỗ nào. Theo bà Hoa, hiện nay người dân làng Nủ chỉ sống bằng lương thực do chính quyền địa phương và Nhà nước cấp, bát đĩa, thực phẩm tất cả đều do người làm thiện nguyện đến cho, tặng…
Để giúp bà con ổn định cuộc sống mới, ngày 21/9/2024 vừa qua, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai phối hợp với các đơn vị chức năng khởi công tái thiết khu dân cư thôn Kho Vàng (xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà).
Ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai, cho biết khu vực tái thiết có diện tích khoảng 3,5ha, được bố trí cho khoảng 40 hộ dân chuyển đến sinh sống. Trong đó, mỗi căn hộ sẽ có diện tích khoảng 350m2 cùng nhiều công trình phụ trợ, phục vụ đời sống của người dân. Để tạo thuận tiện nhất cho người dân, địa điểm xây dựng khu tái định cư được lấy ý kiến của nhân dân và cách nơi ở cũ không xa, đảm bảo an toàn và sẽ vừa là địa chỉ tụ cư lâu dài của người dân.
Việc thiết kế các căn nhà trong khu tái định cư đảm bảo đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, đời sống và phù hợp với văn hóa, tập quán của nhân dân. Các đơn vị thi công sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ, tổ chức thi công 3 ca, 4 kíp để quyết tâm đến ngày 31/12/2024 hoàn thành toàn bộ công trình, giúp bà con có nơi ở mới. “Địa phương đang khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ, ổn định đời sống và sản xuất cho người dân. Tỉnh Lào Cai quyết tâm hoàn thành ngôi làng mới đẹp hơn, an toàn hơn, tạo điều kiện tốt nhất để người dân an cư, xây dựng cuộc sống mới”, ông Trường khẳng định.
Cũng trong chiều 21/9/2024, chính quyền địa phương phối hợp với các nhà tài trợ khởi công khu tái định cư Làng Nủ của xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên. Theo chính quyền địa phương, khu tái định cư Làng Nủ mới được xây dựng cách vị trí xảy ra trận lũ quét khoảng 2km, việc thi công xây dựng sẽ do Binh đoàn 12 đảm nhiệm. Trong đó, giai đoạn 1 được xây dựng trên diện tích khoảng 10 ha, sắp xếp khoảng 1.000 m2/hộ; 40 nhà ở được xây dựng 2 tầng (diện tích 8x12m), thiết kế theo kiểu nhà sàn truyền thống của người Tày cùng các công trình phụ trợ (bếp, nhà vệ sinh…). Ngoài ra, khu tái định cư sẽ được xây dựng nhà văn hóa, trường học, các công trình hạ tầng (đường, điện, nước…) đảm bảo cho người dân sinh sống ổn định, lâu dài.
Lãnh đạo tỉnh Lào Cai cho biết theo chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ, việc xây dựng, tái thiết các thôn làng vừa bị thiên tai, gồm thôn Làng Nủ và thôn Kho Vàng là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, rất cấp thiết và phải hoàn thành trước 31/12/2024.
VnEconomy 01/10/2024 18:00
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 40-2024 phát hành ngày 30/9/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam