“Thời gian qua, câu chuyện chuyển đổi số được nhắc đến trong hầu hết các lĩnh vực. Trong lĩnh vực báo chí, nhiều tòa soạn và phóng viên chưa có nhiều kinh nghiệm và kiến thức về chuyển đổi số. Có những người nghĩ rằng chuyển đổi số chỉ diễn ra ở những cơ quan báo chí lớn, rất quy mô và rất tốn kém; còn những cơ quan báo chí nhỏ thì không thể làm chuyển đổi số. Tuy nhiên, tôi cho rằng chuyển đổi số không phải là vấn đề quá phức tạp, quá rắc rối. Việc chuyển đổi số không hẳn là câu chuyện công nghệ hay tiền bạc.
Chuyển đổi số trước hết phải xuất phát từ nhu cầu tự thân của cơ quan báo chí. Nếu các cơ quan báo chí cảm thấy cần phải làm thì sẽ làm. Phải chuyển đổi số thì mới giữ chân được độc giả, duy trì sự ảnh hưởng và thậm chí có thể tăng doanh thu.
Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xây dựng chiến lược chuyển đổi số mang tính gợi mở, gợi ý, và mỗi cơ quan báo chí sẽ triển khai theo nhu cầu tự thân của mình. Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tổ chức các cuộc đào tạo, trao đổi về các nội dung liên quan chuyển đổi số.
Tôi khẳng định: chuyển đổi số là điều bắt buộc đối với các cơ quan báo chí nếu muốn tồn tại, bởi độc giả đang có xu hướng xa rời các nền tảng truyền thống và chuyển sang các nền tảng mới. Khi độc giả đã chuyển sang các nền tảng mới, các cơ quan báo chí phải đuổi theo và thậm chí đón đầu họ ở các nền tảng mới. Nếu làm được điều này, báo chí sẽ tồn tại, sống sót và sau đó mới có thể phát triển, thậm chí phát triển mạnh mẽ, tạo sức sống mới.
Báo chí trong 5 năm qua đã khác biệt so với hàng trăm năm trước và trong thời gian tới đây sẽ còn tiếp tục khác. Do đó, các cơ quan báo chí phải có tư duy sản phẩm, tạo ra sản phẩm mới sáng tạo thì mới thu hút, giữ chân được độc giả. Khi hành vi, nhu cầu, nhận thức của độc giả đã thay đổi thì cách thức làm báo sẽ phải thay đổi để bắt kịp.
Chuyển đổi số sẽ giúp không còn phân biệt khoảng cách giữa báo lớn và báo nhỏ. Một tờ báo nhỏ vẫn có thể làm ra các sản phẩm mà báo lớn không làm được. Chuyển đổi số không nằm ở công nghệ, kỹ thuật mà ở vấn đề tư duy. Tư duy chuyển đổi số không chỉ ở người lãnh đạo mà phải lan tỏa tới mọi ngóc ngách của cơ quan báo chí.
Mục tiêu cuối cùng vẫn là chuyển đổi để phục vụ độc giả, khán thính giả được tốt hơn. Khi đó, chính các cơ quan báo chí sẽ làm tốt hơn trong thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền cũng như kinh tế báo chí. Nếu các cơ quan báo chí không quyết liệt triển khai ngay, còn chần chừ, với những câu hỏi tại sao phải làm… thì sẽ bị tụt hậu”.
“Vai trò của công nghệ thông tin trong các hoạt động của báo chí đã ngày càng trở nên quan trọng. Nó như dưỡng chất cho sự phát triển của việc ứng dụng các sản phẩm báo chí.
Việc ứng dụng các kỹ thuật và công nghệ như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ thông minh nhân tạo (AI), phân tích và xử lý dữ liệu lớn (Big Data analytics)… trong các sản phẩm báo chí dữ liệu, báo chí di động, báo chí đa nền tảng… sẽ giúp tạo ra các sản phẩm thông minh hơn trước.
Các hệ thống tự động, thông minh sẽ cho phép các tòa soạn tạo ra các bài báo hay tin tức một cách tự động, bán tự động. Việc xuất bản cũng ngày càng đơn giản hơn với các kỹ thuật, công nghệ phụ trợ.
Khái niệm hội tụ nội dung và hội tụ công nghệ được đề cập đến như là một chìa khóa để mở ra một con đường mới cho các nhà báo, các tòa soạn báo hiện đại. Hội tụ được hiểu như là sự tích hợp của các thành phần khác nhau từ khâu lấy tin, in ấn, nhiếp ảnh đến các nội dung của báo mạng điện tử. Một phóng viên có thể thực hiện đưa tin tại hiện trường, đồng thời chuyển các dữ liệu (hình ảnh, âm thanh, video clips...) thu nhận được về trung tâm tích hợp dữ liệu.
Ở đó dữ liệu sẽ được chia sẻ cho các phòng/ban hay phóng viên khác để thực hiện các bài viết sâu hơn, chi tiết hơn, cụ thể hơn. Các bài viết hoặc dữ liệu được tạo ra tiếp tục được lưu trữ tại trung tâm tích hợp dữ liệu để chia sẻ tới các phóng viên (hay đơn vị, phòng/ban) khác…
Để làm được như vậy, chúng ta cần có một nền tảng thống nhất giữa các dữ liệu được sử dụng. Một trung tâm tích hợp là cần thiết trong bối cảnh phát triển của khoa học và công nghệ hiện nay. Trung tâm này sẽ bao gồm các hệ thống như hệ thống tích hợp dữ liệu, hệ thống phân tích nội dung, hệ thống xử lý tin bài thông minh và hệ thống quản trị nội dung. Một thời đại mới sẽ mở ra cho ngành công nghiệp báo chí – truyền thông. Thời đại báo chí “số”!”.
“Một trong những nhiệm vụ chủ yếu của Chính phủ giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện chủ trì xây dựng Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Trong công cuộc chuyển đổi số, báo chí truyền thông đóng vai trò quan trọng, với sứ mệnh tuyên truyền đúng đắn, đầy đủ, kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận, niềm tin của xã hội, tạo động lực thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời, báo chí cũng là một lĩnh vực trong xã hội phải tiến hành chuyển đổi số theo xu hướng phát triển chung, thậm chí phát triển trưởng thành thành một ngành kinh tế truyền thông số.
Mục tiêu cơ bản của chiến lược là phát triển hệ thống báo chí Việt Nam theo hướng đa nền tảng, đa phương tiện, đa dịch vụ, đóng vai trò quan trọng trong định hướng thông tin, định hướng dư luận, phát triển sản phẩm báo chí số, thay đổi cách thức sản xuất nội dung số, truyền thông số, nâng cao chất lượng trải nghiệm của độc giả… để người dân, tổ chức, doanh nghiệp tiếp cận thông tin trong môi trường số theo nhu cầu cá thể hóa ở mọi lúc, mọi nơi, không hạn chế về mặt thời gian, không gian, khoảng cách.
Chiến lược chuyển đổi số báo chí có tác động mạnh mẽ đến toàn bộ hệ thống báo chí Việt Nam trên cả phương diện nghiệp vụ, quản lý nhà nước cũng như vấn đề đào tạo, nghiên cứu báo chí. Việc phân tích những quan điểm, góc nhìn từ lý luận và thực tiễn đối với chuyển đổi số báo chí Việt Nam sẽ góp phần hướng tới một tầm nhìn mới, mục tiêu và các nhiệm vụ giải pháp trọng tâm phù hợp cho cả hệ thống cũng như từng cơ quan tổ chức.
Với bề dày gần 80 năm xây dựng và phát triển, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn là một trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn hàng đầu của đất nước, có sứ mệnh đi đầu trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, nghiên cứu sáng tạo, truyền bá tri thức khoa học xã hội và nhân văn phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Đào tạo, nghiên cứu báo chí-truyền thông là một trong những lĩnh vực quan trọng của nhà trường. Trong bối cảnh bùng nổ truyền thông mạng xã hội, với xu hướng truyền thông hội tụ, đa phương tiện, Cách mạng 4.0 và Internet kết nối vạn vật (IoT), giá trị nhân văn kết nối trái tim càng được đề cao. Báo chí truyền thông Năng động - Sáng tạo - Chính trực - Nhân văn là mạch chảy xuyên suốt trong hoạt động đào tạo nghiên cứu của thầy và trò Khoa Báo chí và Truyền thông (nay là Viện Đào tạo báo chí và Truyền thông).
Sự phát triển của báo chí truyền thông trong bối cảnh số cũng là một trong những chủ đề chính yếu mà Viện Đào tạo báo chí và Truyền thông xây dựng các chương trình đào tạo, các đề tài nghiên cứu cũng như các hoạt động kết nối với cộng đồng.
Hiện nay, bên cạnh chương trình báo chí, báo chí chất lượng cao, chương trình cử nhân quan hệ công chúng, Viện đang xây dựng chương trình báo chí và truyền thông số và dự kiến sẽ tuyển sinh vào năm 2023”.
“Nhờ chuyển đổi số, báo điện tử đã nhanh chóng chứng tỏ được sức hút đối với công chúng, bằng khả năng chuyển tải thông tin tới bạn đọc gần như đồng thời với sự kiện cùng lượng thông tin đồ sộ, thậm chí không có sự giới hạn về dung lượng.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi số cũng còn nhiều khó khăn. Đó là phương thức làm báo truyền thống không còn thu hút độc giả như trước đây. Phần lớn bạn đọc, nghe, xem qua các phương tiện số, cùng với sự lấn át của truyền thông xã hội. Bên cạnh đó cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu, đội ngũ nhân lực, đặc biệt là các kỹ sư công nghệ chưa nhiều, trừ một số tòa soạn có đội ngũ công nghệ đứng sau.
Ngoài ra, việc phát triển sản phẩm nội dung số, truyền thông số, quảng cáo số còn khó khăn. Câu chuyện lợi nhuận quảng cáo về túi các ông lớn Google, Facebook... rồi vấn đề bảo đảm an ninh mạng, chống nạn tin giả; vi phạm bản quyền tràn lan hiện tượng “xào xáo” tin có xu hướng tăng.
Mặt khác, cũng có nhiều đơn vị báo chí nhất là báo ngành, báo địa phương chậm chuyển đổi số vì nhiều lý do khác nhau, trong đó khâu khó khăn nhất là hạ tầng kỹ thuật và nhân sự.
VietnamPlus đã tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất báo chí. Sớm khai thác sử dụng tự động hóa và trí tuệ nhân tạo vào việc sản xuất các sản phẩm báo chí như Infogram, Flourish (sản xuất infographics), Wochit (sản xuất video), Vbee (biến văn bản thành giọng nói - text to speech), công cụ xác thực thông tin (fact-check)…
Đặc biệt, năm 2018, VietnamPlus đã trở thành cơ quan báo chí chính thống đầu tiên sử dụng Chatbot, sử dụng trí tuệ nhân tạo để tương tác với độc giả. Hiện VietnamPlus cũng đang hợp tác với Taboola, công ty Native Ads hàng đầu thế giới, để áp dụng công nghệ tòa soạn thông minh, tự động giới thiệu tin tức cho độc giả dựa trên hành vi của chính người dùng, tiến tới cho phép người dùng tự cá nhân hóa trang tin.
VietnamPlus cũng nghiên cứu khả năng hợp tác với các công ty gamefi nhằm thử nghiệm nền tảng hội thảo thông minh Metaverse, sử dụng công nghệ thực tế tăng cường (VR, AR) để phát triển sản phẩm cũng như hình thức kinh doanh mới của tòa soạn; ứng dụng công nghệ tìm kiếm bằng giọng nói thông qua trợ lý ảo...
Tôi cho rằng, việc chuyển đổi số trong báo chí là điều tất yếu. Các đơn vị báo chí lớn, nhiều tòa soạn sẽ tiếp tục có xu hướng chuyển đổi số. Thay đổi trong tư duy, đầu tư vào nhân lực, đón đầu xu hướng mới của báo chí thế giới. Chủ động chuyển đổi số đó là cách thức hay nhất để báo chí tồn tại và có doanh thu như thu phí báo điện tử chẳng hạn.
Tất nhiên, chuyển đổi số nhưng vẫn có chỗ đứng cho báo in, với thông tin chất lượng, tuyến bài công phu và thiết kế thân thiện, hiện đại.
Nhiệm vụ quan trọng của chuyển đổi số trong báo chí giai đoạn hiện nay là tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong việc tự động hóa các quá trình sản xuất, sáng tạo ra các loại hình sản phẩm thông tin, các loại hình dịch vụ, kênh tiếp cận mới với độc giả.
Tiếp tục hoàn thiện mô hình sản xuất đa phương tiện, sớm xây dựng một mô hình truyền thông hội tụ toàn diện. Xây dựng một “hệ sinh thái” kỹ thuật để phát triển thêm nhiều loại hình thông tin mới, nhiều kênh tiếp cận với công chúng, nhiều gói thông tin, giúp tòa soạn/tổ hợp báo chí chủ động, vững bước trên con đường phát triển và hội nhập với báo chí truyền thông hiện đại thế giới”.
“Một đơn vị báo điện tử sẽ chuyển đổi số về cái gì, từ đâu sang đâu và làm như thế nào khi đang ở trong một môi trường số? Đây là những câu hỏi mà chúng tôi luôn trăn trở xuyên suốt quá trình triển khai chuyển đổi số nhiều năm qua.
Chuyển đổi số nói một cách chung chung thì rất đơn giản, nhưng đi vào thực tiễn lại là một bài toán hóc búa, nhất là với những tòa soạn báo điện tử có quy mô không lớn và bị hạn chế về nguồn lực.
Các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Tik Tok, YouTube... là đối thủ của báo điện tử trong việc cung cấp nội dung. Những nền tảng này tối ưu trải nghiệm cho người dùng, tạo ra ưu thế vượt trội so với báo điện tử, nhất là với những tờ báo hạn chế về nguồn lực kỹ thuật.
Thậm chí, việc cạnh tranh độc giả, khán giả với Facebook, Tik Tok, YouTube... ở nhiều thời điểm gần như là nhiệm vụ bất khả thi.
Vì vậy, việc đầu tiên mà Báo điện tử VTC News phải làm khi hạ quyết tâm thực hiện chuyển đổi số là phải tìm câu trả lời cho 3 vấn đề đã nêu ở trên, đó là xác định xem chuyển đổi số ở mặt nào, hướng đến điều gì và làm như thế nào, thay vì đầu tư dàn trải với sự mơ mộng chuyển đổi số toàn diện.
Sau khi xem xét tất cả các ý tưởng cũng như đánh giá điều kiện thực tế của đơn vị, VTC News lựa chọn 2 giải pháp cho 2 vấn đề riêng biệt làm ưu tiên thực hiện trước tiên, đó là chuyển đổi số trong chiến lược nội dung và trong quản trị nội bộ.
Để cạnh tranh được với các nền tảng xã hội khác, chúng tôi đưa nội dung lên nhiều nền tảng khác nhau, hay nói cách khác, hợp tác với đối thủ. Chúng tôi tranh thủ ưu thế về người dùng của các nền tảng mạng xã hội để đẩy mạnh lan tỏa thông tin. Nhưng đồng thời, trong mối quan hệ cộng sinh này, ưu thế của báo chí là năng lực sản xuất nội dung và tính chính thống của thông tin càng phải được đẩy mạnh.
Ví dụ khi nội dung đã tạo thành xu hướng trên các nền tảng mạng xã hội, tiếp cận được số đông người dùng thì bài toán đặt ra là nội dung đó phải được xử lý như thế nào để giữ người dùng ở lại với nội dung đó lâu hơn và tiếp tục xem các nội dung khác của tờ báo một cách chủ động.
Chúng tôi phải nhấn mạnh rằng phân phối nội dung lên các nền tảng mạng xã hội, chứ không phải thực hiện thao tác vật lý đơn giản để chuyển toàn bộ nội dung trên mặt báo lên mạng xã hội. Những nội dung này phải được tối ưu hóa, tìm được “cách kể chuyện riêng” dựa theo đặc thù của mỗi nền tảng và kể thêm “những câu chuyện mới” từ thông tin báo chí đơn thuần ban đầu.
Bên cạnh sự hợp tác, coi các mạng xã hội như công cụ hỗ trợ, có một vấn đề quan trọng khác mà các báo điện tử cần đẩy mạnh. Đó là mỗi trang báo điện tử cũng chính là một nền tảng mà tòa soạn được toàn quyền kiểm soát. Nếu như coi việc cung cấp nội dung trên mạng xã hội là các đại lý phân phối, các chi nhánh thì trang chủ của báo điện tử chính là hội sở.
Cùng chiến lược chuyển đổi số về nội dung dành cho độc giả, có một lĩnh vực khác mà VTC News tin rằng phải thực hiện nhanh nhất, triệt để nhất có thể. Đó là chuyển đổi số trong quản trị nội bộ. Chúng tôi có quan điểm rằng một tờ báo điện tử hoạt động trong môi trường số thì bản thân tòa soạn cũng phải được số hóa trong khâu vận hành.
Theo tôi điều quan trọng là xác định được phải bước đi về phía nào, bước chân nào trước và bước đi ra sao”.
VnEconomy 21/06/2022 14:00