11:09 13/11/2024

Chuyên gia: Hai đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia không đảm bảo tăng thu ngân sách bền vững

Phan Linh

Trao đổi với VnEconomy về mức độ tối ưu của 2 phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với sản phẩm bia mà Bộ Tài chính đề xuất tại Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), TS.Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, CIEM cho biết tăng thu ngân sách nhà nước trong cả hai phương án đều chỉ trong ngắn hạn và không bù đắp được mức sụt giảm tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế….

Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khoá XV đang diễn ra và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).

Một trong những nội dung chính sách được sửa đổi tại Dự thảo là điều chỉnh tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng bia. Tại Tờ trình, cơ quan soạn thảo (Bộ Tài chính) nêu đề xuất tăng thuế nhằm mục tiêu: (i) giảm tỷ lệ sử dụng bia; (ii) phù hợp với thông lệ quốc tế; và (iii) góp phần đảm bảo thu ngân sách nhà nước bền vững.

Mức thuế suất hiện nay đối với mặt hàng bia là 65%. Dự thảo quy định thuế suất theo tỷ lệ phần trăm tăng theo lộ trình từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030 để đạt mục tiêu tăng giá bán bia ít nhất 10% theo khuyến nghị tăng thuế của WHO. Theo đó, cơ quan soạn thảo đề xuất 2 phương án.

Phương án 1: Tăng thuế từ năm 2026, tăng theo từng năm và mỗi năm tăng 5% để tới năm 2030 thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia là 90%.

Phương án 2: Tăng thuế từ năm 2026 với mức tăng 15%, sau đó từ năm 2027 tăng từng năm và mỗi năm tăng 5% để tới năm 2030 thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia là 100%.

Với 2 phương án này, Bộ Tài chính nghiêng về lựa chọn Phương án 2. Theo đó, giá bán năm 2026 sẽ tăng 20% so với năm 2025, và các năm tiếp theo mỗi năm giá bán sẽ tăng 2-3% so với năm trước.

VnEconomy đã có cuộc trao đổi với TS.Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) xung quanh 2 phương án đánh thuế mà Bộ Tài chính đề xuất.

Thưa bà, (1) điều tiết hành vi tiêu dùng nhằm giảm tỷ lệ sử dụng rượu, bia ở người trưởng thành và (2) tăng thu ngân sách một cách bền vững là hai trong những mục tiêu chính khi sửa đổi quy định pháp luật về thuế tiêu thụ đặc biệt với sản phẩm bia, Hiện nay, Bộ Tài chính đã đề xuất 2 phương án đánh thuế với bia tại Dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ được trình Quốc hội thảo luận vào Kỳ họp thứ 8 đang diễn ra. Vậy, bà đánh giá thế nào về mức độ đáp ứng các mục tiêu của 2 phương án đánh thuế được cơ quan soạn thảo đề xuất?

Điểu chỉnh hành vi tiêu dùng và tăng thu ngân sách là hai mục tiêu được đặt ra khi Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng bia. Trong báo cáo đánh giá tác động của dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), nội dung đánh giá tác động về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia còn đơn giản, chủ yếu dựa trên cảm nhận, nhận xét định tính, thiếu vắng cơ sở và luận chứng khoa học thuyết phục, và chưa toàn diện. Trong báo cáo đánh giá tác động có một phần đánh giá định lượng về giá bán khi tăng thuế, nhưng cơ quan soạn thảo chỉ đánh giá rất giản đơn về khía cạnh tăng thuế để tăng nguồn thu ngân sách nhà nước; tách ngành bia hoạt động đơn lẻ, độc lập mà không phải trong mối quan hệ liên ngành vốn có của nền kinh tế.

Trong nền kinh tế, sự tồn tại và phát triển của một ngành không phải là đơn lẻ và độc lập. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của một ngành sẽ có mối liên kết với các ngành khác.

Tôi được biết Hiệp hội Bia, rượu, nước giải khát Việt Nam (VBA) đã sử dụng công cụ phân tích đầu vào - đầu ra (input – output hay gọi tắt là IO) để đo lường các tác động kinh tế của phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng bia. Kết quả cho thấy năm đầu tiên tăng thuế (2026), giá chỉ tăng 1,123% đối với phương án 1 và 3,37% đối với phương án 2.

Mặt khác, khi phân tích tác động liên ngành cho thấy các ngành thương mại, dịch vụ ăn uống và dịch vụ khác là những ngành bị ảnh hưởng ít nhất khi tăng thuế này. Điều này có thể được lý giải là việc tăng thuế ít tác động tới hành vi tiêu dùng của người dân bởi họ vẫn lựa chọn sử dụng bia (do sở thích hoặc do yếu tố văn hóa), nhưng lựa chọn sản phẩm bia chất lượng thấp hơn với chi phí rẻ hơn hoặc lựa chọn sản phẩm bia trong khu vực phi chính thức nơi chất lượng bia không được kiểm soát chặt chẽ. Do đó, mục tiêu về điều tiết hành vi tiêu dùng dường như ít hiệu quả khi tăng thuế; thậm chí còn có thể dẫn tới những hệ lụy đi ngược sự phát triển (như doanh nghiệp mở rộng sản xuất và người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm chất lượng thấp hơn; tạo cơ hội phát triển sản phẩm bia không chính thức, không được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng…).

Về thu ngân sách nhà nước, kết quả tính toán của chúng tôi cho thấy khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia, ngân sách nhà nước từ thuế sản phẩm (gián thu) tăng trong ngắn hạn, nhưng sẽ giảm về trung và dài hạn vì chu kỳ sản xuất của ngành bia thường ngắn hạn, và theo đó, sản xuất ngành bia và các ngành trong nền kinh tế sụt giảm. Mặt khác, nguồn thu ngân sách nhà nước từ thuế gián thu tăng, nhưng nguồn thu từ thuế trực thu lại giảm. Do đó, tăng thu ngân sách nhà nước trong cả hai phương án đều chỉ trong ngắn hạn; hơn nữa không bù đắp được mức sụt giảm tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế.

Có ý kiến cho rằng việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu là cần thiết nhưng khi đánh giá tác động, cần phân biệt hai mặt hàng này thay vì gộp chung trong nhóm đồ uống có cồn để ban hành chung chính sách sẽ không hiệu quả, không giải quyết được bài toán mong muốn. Quan điểm của bà về vấn đề này thế nào?

Cần khẳng định rằng cộng đồng doanh nghiệp luôn mong muốn đồng hành cùng nhà nước trong giải quyết các vấn đề xã hội và phát triển kinh tế. Việc sửa đổi pháp luật thuế, trong đó có nội dung tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn là cần thiết để đảm bảo quản lý thuế hiệu quả hơn và hạn chế tiêu dùng mặt hàng xa xỉ hoặc có khả năng ảnh hưởng tới sức khỏe, xã hội và môi trường.

Tuy nhiên, các ý kiến đều cho rằng khi đề xuất phương án tăng thuế cần đánh giá toàn diện và tính tới các yếu tố như: (i) bối cảnh kinh tế; (ii) thực trạng doanh nghiệp; (iii) yêu cầu về phát triển các ngành sản xuất, dịch vụ trong nước; (iv) các công cụ điều tiết khác sẵn có; (v)các hệ lụy kinh tế, xã hội; (vi) tính chất mặt hàng và mức độ ảnh hưởng của việc tiêu thụ sản phẩm;… để xác định đối tượng chịu thuế, mức thuế suất và lộ trình áp dụng. Vì thế, việc phân biệt mặt hàng chịu thuế theo tính chất, đặc tính sản phẩm hoặc theo mức độ tác động tới sức khỏe, môi trường để xác định mức thuế suất tương ứng là cần thiết. Đối với đồ uống có cồn, cũng cần có chính sách riêng biệt đối với bia và rượu.

 
TS. Nguyễn Minh Thảo
TS. Nguyễn Minh Thảo

"Kết quả tính toán của chúng tôi cho thấy khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia, ngân sách nhà nước từ thuế sản phẩm (gián thu) tăng trong ngắn hạn, nhưng sẽ giảm về trung và dài hạn vì chu kỳ sản xuất của ngành bia thường ngắn hạn, và theo đó, sản xuất ngành bia và các ngành trong nền kinh tế sụt giảm. Mặt khác, nguồn thu ngân sách nhà nước từ thuế gián thu tăng, nhưng nguồn thu từ thuế trực thu lại giảm. Do đó, tăng thu ngân sách nhà nước trong cả hai phương án đều chỉ trong ngắn hạn; hơn nữa không bù đắp được mức sụt giảm tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế".

Như bà vừa phân tích thì rõ ràng khi ban hành một sắc thuế, cơ quan soạn thảo cần tính toán kỹ lưỡng bài toán tổng thể chứ không chỉ nhìn vào từng cấu phần. Được biết, bà và các cộng sự đã thực hiện một nghiên cứu độc lập về tác động tổng thể của việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với ngành bia tới toàn bộ nền kinh tế. Vậy xin bà chia sẻ khái quát về một số kết quả nghiên cứu ban đầu?

Qua nghiên cứu định lượng chúng tôi nhận thấy khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia thì nguồn thu ngân sách nhà nước từ thuế sản phẩm (thuế gián thu) tăng. Nhưng xét chung về tác động kinh tế, khi tăng thuế sẽ ảnh hưởng tới sản xuất của ngành bia, từ đó làm giảm sản xuất của các ngành trong quan hệ liên ngành. Điều này dẫn tới khấu hao tài sản cố định của doanh nghiệp giảm, kéo theo lợi nhuận giảm sút, làm giảm thu nhập của người lao động và do đó thuế trực thu giảm.

Đối với hai phương án đề xuất của Bộ Tài chính, nguồn thu ngân sách nhà nước (gồm thuế gián thu và thuế trực thu) không bù đắp được mức độ sụt giảm về giá trị tăng thêm của ngành bia, và càng không bù đắp được mức độ sụt giảm tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế. Hệ quả là làm suy giảm GDP, từ đó tác động tiêu cực đến tăng trưởng GDP của nền kinh tế.