17:39 21/05/2024

Chuyên gia hiến kế đẩy mạnh thẻ tín dụng nội địa

Tùng Thư

Trong 3 năm trở lại đây, thẻ tín dụng nội địa tăng trưởng nhanh cả về số lượng và giá trị giao dịch. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá doanh số hiện nay vẫn rất thấp so với dung lượng thị trường, nặng về doanh số thay vì trải nghiệm của khách hàng...

Các chuyên gia thảo luận giải pháp phát triển thẻ tín dụng nội địa.
Các chuyên gia thảo luận giải pháp phát triển thẻ tín dụng nội địa.

Chiều 21/5, Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) và Báo Lao Động phối hợp với tổ chức hội thảo “Phát huy tiềm năng thẻ tín dụng nội địa hướng tới xã hội không tiền mặt”.

THẺ TÍN DỤNG NỘI ĐỊA CHỈ CHIẾM CHƯA ĐẾN 1% DOANH SỐ THANH TOÁN TOÀN THỊ TRƯỜNG

Tại hội thảo, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng, Vụ Thanh toán, cho biết đến hết tháng 3/2024, có 15 tổ chức phát hành thẻ tín dụng nội địa. Số lượng thẻ tín dụng nội địa đang lưu hành đến tháng 3/2024 đạt trên 904,7 nghìn thẻ (tăng 18,37% so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn mức tăng thẻ tín dụng quốc tế là 9,53%). Giao dịch thẻ tín dụng nội địa trong 3 tháng đầu năm 2024 đạt 1,3 triệu giao dịch với giá trị 10 nghìn tỷ đồng (tăng 75,43% về số lượng và 89,85% về giá trị, cao hơn mức tăng tương ứng của thẻ tín dụng quốc tế là 27,26% và 25,1%).

“Với 900 nghìn thẻ tín dụng nội địa trong khi quy mô dân số lên tới 100 triệu người thì đây là tiềm năng lớn để các tổ chức tín dụng có thể khai thác, đẩy mạnh phát hành thẻ tín dụng nội địa", ông Dũng nói.

Theo  ông, cơ cấu dân số trẻ, thu nhập người dân ngày càng tăng, xu hướng thương mại điện tử, hoạt động kinh tế số thịnh hành thì thị trường thẻ tín dụng nội địa còn nhiều tiềm năng phát triển nữa. Bên cạnh tiềm năng lớn từ thị trường thẻ tín dụng, sản phẩm thẻ tín dụng nội địa còn nhiều tính năng, tiện ích, ưu đãi hấp dẫn không kém gì thẻ tín dụng quốc tế.

Ông Nguyễn Quang Minh, Tổng Giám đốc NAPAS, cho biết thẻ tín dụng nội địa có các tính năng của thẻ tín dụng thông thường (như khách hàng chi tiêu trước trả tiền sau, thời gian miễn lãi dài từ 45 đến 55 ngày...), không chỉ thanh toán rộng rãi ở các điểm chấp nhận thanh toán trong nước mà còn sử dụng thanh toán/rút tiền ở một số quốc gia.

Ngoài ra, một số tiện ích, tính năng của thẻ tín dụng nội địa có thể là điểm hấp dẫn nhóm khách hàng phổ thông hoặc lần đầu tiếp cận sản phẩm, dịch vụ ngân hàng như: thủ tục mở thẻ đơn giản, chi phí phát hành và thanh toán thấp.

Ông Nguyễn Quang Minh, Tổng giám đốc NAPAS, chia sẻ về dư địa phát triển thẻ tín dụng nội địa.
Ông Nguyễn Quang Minh, Tổng giám đốc NAPAS, chia sẻ về dư địa phát triển thẻ tín dụng nội địa.

"Thẻ tín dụng nội địa còn là phương thức hiệu quả giúp người dân có thể tiếp cận nguồn vốn vay chính thức từ các ngân hàng và công ty tài chính, nhất là trong trường hợp khách hàng có phát sinh nhu cầu tài chính đột xuất thì không phải tìm đến hình thức cho vay tín dụng "đen" với lãi suất cao", ông Nguyễn Quang Minh nói.

Tuy nhiên, Tổng giám đốc NAPAS cho biết số lượng thẻ tín dụng nội địa hiện nay còn quá thấp khi chỉ bằng 8% thẻ tín dụng quốc tế và 0,6% thẻ toàn thị trường. Doanh số thanh toán hiện nay mới chỉ đạt 0,5% - 0,9% doanh số thanh toán thẻ toàn thị trường. Doanh số này vẫn rất thấp so với tiềm năng của thẻ tín dụng nội địa.

BỐN NHÓM GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN THẺ TÍN DỤNG NỘI ĐỊA

Từ góc độ của người tiêu dùng, ông Ngô Thành Huấn, Giám đốc điều hành CTCP Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT, đề xuất 4 nhóm giải pháp để phát triển thị phần thẻ tín dụng nội địa.

Thứ nhất, thị phần tại các tỉnh thành nhỏ, khu công nghiệp, với đa số người dân kinh doanh tự do, lao động phổ thông, công nhân và giới văn phòng thu nhập tầm trung vẫn còn rất nhiều tiềm năng. Đây cũng là nhóm đối tượng dễ bị tín dụng "đen" thao túng, tỷ lệ tiếp cận sản phẩm tài chính thấp, cũng như là đối tượng chính cho chương trình tài chính toàn diện. Nên có những chương trình phổ cập về kiến thức tài chính cơ bản, thay vì chỉ tập trung nói về chức năng của thẻ thông qua các tổ chức đoàn thể Đoàn Thanh niên, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Thứ hai, để triển khai việc nâng cao dân trí tài chính, lực lượng cán bộ ngân hàng cũng phải được cập nhật kiến thức về tài chính cá nhân, bởi lẽ, một khi lực lượng “tiền tuyến” vẫn còn khá yếu, không đồng bộ trên diện rộng về bộ khung năng lực thì rất khó thay đổi thị trường và hỗ trợ người dân.

Thứ ba, thiết kế các nhóm phí thu, các chương trình ưu đãi linh hoạt hơn theo từng phân khúc về hành vi tiêu dùng, về thu nhập và địa bàn để tối ưu mức độ phủ khi triển khai thực tế.

Thứ tư, chuyên nghiệp và minh bạch trong các tư vấn về cách tính lãi, các điểm nên tránh khi dùng thẻ. Xu hướng của thị trường tài chính thế giới từ lâu đã chuyển đổi sang hướng khách hàng là trọng tâm (Client-centric). Dù vậy, thị trường tài chính Việt Nam vẫn chú trọng đến sản phẩm là chủ đạo (Product-push) với các áp lực về doanh số mà ít chú trọng đến giá trị và trải nghiệm của khách hàng.

Bên cạnh đó, các chuyên gia khuyến nghị Ngân hàng Nhà nước cùng các bộ/ngành tiếp tục phổ cập tài chính cá nhân - quản lý chi tiêu, phổ cập kiến thức tài chính bên cạnh các hoạt động thúc đẩy sử dụng thẻ; hiểu đúng và đủ chức năng của thẻ tín dụng; minh bạch các điều khoản sử dụng thẻ…