18:42 07/12/2023

Hướng về kỷ nguyên mới, API chính là "linh hồn" của ngân hàng mở

Ánh Tuyết

Linh hồn của ngân hàng mở chính là công nghệ API. Hiện các dịch vụ ngân hàng ngày càng trở nên "vô hình" với khách hàng, gia tăng lợi ích và tạo nhiều trải nghiệm hơn cho khách hàng...

Ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc Trung tâm Ngân hàng số BIDV chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Trí Dũng.
Ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc Trung tâm Ngân hàng số BIDV chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Trí Dũng.

Chia sẻ tại hội thảo "Ngân hàng mở/Open Banking 2023: Chuyển dịch mô hình kinh doanh từ đóng sang mở” chiều ngày 7/12/2023 do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy phối hợp với Cục Công nghệ thông tin, Vụ Thanh toán và Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) thuộc Ngân hàng Nhà nước đồng tổ chức, ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc Trung tâm Ngân hàng số BIDV, điểm lại các kỷ nguyên ngân hàng số trên chặng đường phát triển.

Theo đó, khi internet ra đời là kỷ nguyên của internet banking. Tiếp đó là kỷ nguyên mobile banking bắt đầu từ năm 2007 khi chiếc iphone đầu tiên xuất hiện trên thế giới. Kỷ nguyên omni chanel nối tiếp khi các kênh giao dịch với khách hàng, các điểm chạm với khách hàng được đồng nhất, xuyên suốt, tạo ra trải nghiệm liền mạch. 

"Hiện nay chúng ta đang nằm trong kỷ nguyên open banking (ngân hàng mở), xu hướng mới nhất trong lĩnh vực tài chính ngân hàng hiện nay", ông Thắng nhấn mạnh.

 

"Gần đây, các dịch vụ ngân hàng trở nên "vô hình" với khách hàng, đây là một khái niệm rất hay nhưng đằng sau đó hàm chứa lượng công nghệ rất lớn để đáp ứng các chiến lược".

Giám đốc Trung tâm Ngân hàng số BIDV.

Tuy nhiên, khái niệm và các dạng công nghệ liên quan đến open banking rất phức tạp. Do đó, quan trọng nhất hiện nay là khái niệm và mô hình này được truyền bá và thống nhất xuyên suốt từ ban lãnh đạo trong ngân hàng đến tất cả những người triển khai, để chúng ta có một ngôn ngữ chung, hướng tới mục tiêu chung là phát triển mô hình open banking thành công tại ngân hàng. 

Với kinh nghiệm hơn 20 năm làm việc trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, Giám đốc trung tâm phát triển ngân hàng số BIDV bày tỏ sự choáng ngợp trước tốc độ phát triển công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng những năm gần đây. Dịch vụ ngân hàng cũng ngày càng thú vị hơn, tăng trải nghiệm của khách hàng.

Cũng theo ông Thắng, dịch vụ ngân hàng cũng ngày càng thú vị hơn khi ngay trên nền tảng ngân hàng hiện tích hợp với hệ sinh thái số hàng trăm sản phẩm, dịch vụ liên kết với đối tác thứ ba, từ đó, đem lại lợi ích tối đa và tăng trải nghiệm cho người dùng.

"Tuy nhiên, khách hàng không cảm nhận được đằng sau đó chính là ngân hàng cung cấp dịch vụ", lãnh đạo BIDV chia sẻ.

Các diễn giả trao đổi sôi nổi tại phiên thảo luận. Ảnh: Trí Dũng.
Các diễn giả trao đổi sôi nổi tại phiên thảo luận. Ảnh: Trí Dũng.

Để có được những thành quả trên, linh hồn chính là công nghệ API (Application Programming Interface), kết nối các hệ sinh thái với nhau, giữa ngân hàng và các đối tác thứ 3 và ngược lại. Nhờ đó, khách hàng có thể sử dụng các vụ ngân hàng rất đa dạng.

Chính ngân hàng tiêu thụ API của các đối tác thứ 3 và ngược lại, các dịch vụ ngân hàng được "nhúng" vào trong các hành trình, trong cộng đồng của các đối tác thứ 3. Khi đó, ngân hàng đang "chìa" các dịch vụ của mình thông qua API để khách hàng sử dụng.

API thậm chí có thể nâng lên thành nền kinh tế API, được chuẩn hóa và được chia sẻ một cách rộng rãi trở thành những chuẩn open API. Khi open API được ứng dụng mạnh mẽ trong lĩnh vực ngân hàng và hình thành mô hình open banking.

Lãnh đạo BIDV cũng bày tỏ sự vui mừng khi nhân viên ngân hàng mang hồ sơ ngân hàng (portfolio) đi giới thiệu với các doanh nghiệp, với các đối tác thứ 3, ngoài sản phẩm truyền thống là cho vay, huy động hay các sản phẩm khác, có một dòng sản phẩm mới được bổ sung là API.

"API không đơn giản chỉ là ngôn ngữ hay công cụ cho lập trình viên mà là một sản phẩm có thể chia sẻ, bán hàng và tạo thành một mô hình kinh doanh mới", ông Thắng nêu bật.

Nắm bắt được xu thế này, BIDV và Công ty IBM Việt Nam nghiên cứu, xây dựng và phát triển hệ thống BIDV open API, hệ sinh thái dẫn đầu xu thế ngân hàng mở của tương lai, với mong muốn sẽ tiếp tục mở rộng và lan tỏa hệ sinh thái số trên các nền tảng mới, đón đầu xu thế thị trường và định hình dịch vụ tài chính trong tương lai. 

Trước đây, khi open API chưa được phát triển mạnh mẽ thì dịch vụ ngân hàng chỉ được thực hiện tại các nền tảng, ứng dụng thuộc sở hữu của ngân hàng. Tuy nhiên, với sự ra đời của open API, tất cả các dịch vụ của ngân hàng sẽ được chia sẻ rộng rãi trên nền tảng của bất kỳ đối tác nào kết nối với ngân hàng, tại bất kỳ điểm chạm hay bối cảnh nào phát sinh nhu cầu tài chính của người dùng.

Theo thông tin từ hội thảo, mô hình ngân hàng và bên thứ ba kết nối thông qua một nền tảng trung tâm (Open API Common Platform) hiện đã và đang triển khai tại các khu vực trên thế giới như tại Châu Âu: NexyGenPSD2 của The Berlin Group, Open Bank Project của công ty phần mềm TESOBE, STET của Pháp; tại Nhật Bản có Open Canvas của NTT Data; tại Hàn Quốc là Common Open Platform for Banks in Korea; các dự án tương tự của các ngân hàng: MayBank, DBS, BNP Paribas…

Tuy nhiên, tại Việt Nam, mô hình ngân hàng mở hay open API tại Việt Nam còn mang tính riêng lẻ, phần lớn do ngân hàng và đối tác tự xây dựng dựa trên nhu cầu của nhau và chưa có tiêu chuẩn chung. Do đó, chi phí xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin trong dịch vụ tài chính khá lớn.

Vì vậy, theo một khảo sát nhanh tại hội thảo, trên 95% khách mời đồng tình rằng cần hình thành một API hub để lấp vào khoảng trống và kết nối trực tiếp giữa ngân hàng và bên thứ ba, giúp cho quan hệ đối tác giữa hai bên trở nên đơn giản hơn, giảm thiểu nguồn lực.

Chia sẻ dưới góc nhìn của một chuyên gia có 25 năm kinh nghiệm tư vấn cho các tổ chức tài chính, ông Akira Yamagami, Chuyên gia Tư vấn Công ty NTT Data Nhật Bản, cho rằng điều quan trọng là tương lai của ngân hàng mở, cơ cấu tổ chức để hiện thực hoá điều này... thay vì vội vàng tìm kiếm giải pháp là lựa chọn phương tiện, công nghệ API hay mô hình API hub.