15:20 06/09/2011

Chuyên gia nước ngoài mong Chính phủ thúc đẩy cải cách

Anh Minh

Ghi nhận từ cuộc gặp mặt giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các thành viên Chính phủ và 17 chuyên gia nước ngoài sáng 6/9

Nhiều chuyên gia nước ngoài cho rằng Việt Nam cần thúc đẩy tái cơ cấu khối ngân hàng và doanh nghiệp - Ảnh: Lê Tất Tiên.
Nhiều chuyên gia nước ngoài cho rằng Việt Nam cần thúc đẩy tái cơ cấu khối ngân hàng và doanh nghiệp - Ảnh: Lê Tất Tiên.
Phần lớn các chuyên gia quốc tế tham dự cuộc gặp mặt với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sáng 6/9 tại Hà Nội có chung nhận định rằng Việt Nam cần thúc đẩy tái cơ cấu khối ngân hàng và doanh nghiệp, nhằm khắc phục những yếu kém nội tại trong nền kinh tế và tạo đà cho giai đoạn phát triển mới.

Trước đó, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đã có cuộc gặp mặt với 30 chuyên gia kinh tế trong nước vào ngày 20/8 vừa qua.

Tại cuộc gặp sáng 6/9, ngoài Thủ tướng, có tới gần 10 vị lãnh đạo cấp bộ trưởng, thứ trưởng. Ở phía đối diện, 17 vị chuyên gia nước ngoài, trong đó có những người từng làm việc nhiều năm ở Việt Nam, đã chuẩn bị các bản tham luận khá công phu.
 
Tham vấn ý kiến các chuyên gia, trong đó chủ yếu đến từ các nhà tài trợ cho Việt Nam, là công việc từng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiến hành hàng năm, nhưng điểm mới của năm nay là Thủ tướng Chính phủ đích thân sang Bộ để chủ trì cuộc gặp.

Theo bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, những kết quả mà Việt Nam đạt được trong phát triển kinh tế-xã hội như tốc độ tăng trưởng đạt khá (5,4% trong quý 1 và 5,7% trong quý 2), xuất khẩu tăng mạnh, tỷ giá hối đoái ổn định; dự trữ ngoại tệ tăng; công tác an sinh xã hội đạt được những kết quả tích cực… sẽ là tiền đề để Việt Nam tiếp tục phát và đạt tăng trưởng cao hơn trong năm 2012 và những năm tiếp theo.

Tuy nhiên, vị đại diện của WB cũng cho rằng bên cạnh những “tin tốt”, còn có nhiều “tin xấu” như lạm phát cao; xuất khẩu chưa tốt; lãi suất cho vay còn cao; cam kết FDI giảm… là những vấn đề mà Việt Nam cần giải quyết.

Nói về tình hình kinh tế Việt Nam hiện nay, bà Victoria Kwakwa đưa ra một số so sánh, chẳng hạn mức lạm phát 23% so với cùng kỳ là cao nhất châu Á hiện tại.

Đồng nội tệ cũng dao động mạnh trong bốn năm qua và là đồng tiền duy nhất ở châu Á giảm giá so với USD; trong khi dự trữ ngoại tệ tính theo tuần nhập khẩu hiện chỉ ở mức 8 tuần, mức thấp nhất kể từ năm 1994, trong bối cảnh hầu hết các nước châu Á khác đều tăng dự trữ ngoại tệ.

Hiện trạng này đòi hỏi Chính phủ phải quyết tâm hơn nữa trong việc tiếp tục các giải pháp nhằm cấu trúc lại khối ngân hàng và doanh nghiệp để lành mạnh hóa nền kinh tế, từng bước phục hồi.

Trong khi đó, ông Benedict Bingham, đại diện thường trú cao cấp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam và Lào nói rằng trong thời gian tới, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa việc tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng hiệu quả và bền vững.

Theo ông, Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt với những vấn đề kế thừa từ quá khứ, chẳng hạn như lạm phát, nợ công, nợ của khu vực doanh nghiệp. Không chỉ vậy, một vấn đề khác là dường như sự quan tâm đến cải cách cơ cấu đang ít đi.

Việc tái cơ cấu khối ngân hàng và doanh nghiệp cần được thực hiện ngay và Chính phủ cần thể hiện điều đó thông qua việc đưa ra các tiêu chuẩn mới, chẳng hạn phải áp dụng ngay một Chương trình đánh giá ổn định tài chính.

Vị đại diện của IMF nói, sự chậm lại của cải cách cơ cấu trong hai năm qua là dễ hiểu, nhưng đã đến lúc Chính phủ cần có tín hiệu cụ thể rằng sẽ lấy lại động lực cải cách, qua đó mang lại hy vọng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Trong phần phát biểu của mình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói rằng trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục kiên trì thực hiện Nghị quyết 11, trong đó ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội.

Hiện, lạm phát của Việt Nam đang có xu hướng giảm và sẽ kiềm chế trong năm 2011 ở mức 18%, và mục tiêu trong năm 2012 là sẽ đưa lạm phát xuống còn một con số; tăng trưởng GDP năm 2011 được kỳ vọng ở mức khoảng 6%.

Thủ tướng cũng cho biết trong năm 2011, Việt Nam sẽ tiếp tục các giải pháp nhằm đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ tín dụng dưới 20%, tổng phương tiện thanh toán ở mức tăng dưới 15%; kiểm soát tỷ giá và giữ được ổn định về tỷ giá; giảm lãi suất theo hướng đi liền với giảm lạm phát.

“Việt Nam thấy rõ những mặt đã đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế và sẽ quyết tâm bằng nội lực, phát huy sức mạnh của của cả hệ thống chính trị và toàn dân tộc trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, hợp tác nhiều hơn nữa của các chuyên gia, các nhà tài trợ, cộng đồng quốc tế…, nhất là trong tư vấn về chính sách, hỗ trợ nguồn lực để Việt Nam thực hiện thành công các mục tiêu đề ra”, Thủ tướng nói.