20:14 29/05/2010

Tái cấu trúc kinh tế và chuyện “đòi nợ” tại nghị trường

Minh Thúy

Chính phủ đã thông qua, nhưng “Quốc hội không đặt vấn đề, nên chúng tôi cũng không báo cáo với Quốc hội”

Tại kỳ họp Quốc hội thứ sáu, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho biết: Sẽ trình Quốc hội đề án tái cấu trúc nền kinh tế, sau khi Chính phủ thông qua.
Tại kỳ họp Quốc hội thứ sáu, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho biết: Sẽ trình Quốc hội đề án tái cấu trúc nền kinh tế, sau khi Chính phủ thông qua.
Chính phủ đã thông qua, nhưng “Quốc hội không đặt vấn đề, nên chúng tôi cũng không báo cáo với Quốc hội”.

Đó là phát biểu liên quan đến đề án tái cấu trúc nền kinh tế của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc tại phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, được truyền hình trực tiếp tới đông đảo công chúng chiều 27/5.

Tái cấu trúc nền kinh tế là vấn đề được một số vị đại biểu Quốc hội đặt ra từ kỳ họp thứ tư, vào cuối năm 2008. Và, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn, vấn đề này càng được đặc biệt quan tâm tại kỳ họp thứ sáu, diễn ra cuối năm ngoái.

Trước khi diễn ra kỳ họp thứ sáu, ngày 8/10/2009, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phân công Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị trình Quốc hội đề án tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng cạnh tranh trong giai đoạn hậu suy giảm kinh tế, ngay tại kỳ họp này.

Theo lời giới thiệu tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ, thì đề án này "sẽ tập trung đánh giá tác động của khủng hoảng và dự báo những biến đổi của kinh tế toàn cầu, mối quan hệ giữa nhà nước với thị trường để qua đó xác định mô hình phát triển và các nội dung tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam".

Kỳ họp Quốc hội thứ sáu được khai mạc vào ngày 20/10/2009, hai ngày sau bắt đầu các phiên thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế, xã hội. Nhiều đại biểu đã đề nghị cần bắt tay tái cấu trúc nền kinh tế ngay trong năm 2010 và tỏ ra sốt ruột khi chưa có trong tay đề án về vấn đề này của Chính phủ.

Và đến ngày 27/10/2009, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại hội trường của Quốc hội (được truyền hình trực tiếp), có vị đại biểu đã nêu vấn đề: đề án tái cấu trúc nền kinh tế đang ở đâu, và cần được gửi sớm để đại biểu có đủ cơ sở, xem xét, góp ý cho kế hoạch năm 2010.

Câu trả lời của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc vào đầu phiên thảo luận hôm sau là: “Đây là vấn đề lớn nên Chính phủ cần có thời gian xem xét thêm, tháng 11, 12 sẽ trình Chính phủ thông qua, sau đó mới trình Quốc hội”.

Theo giải thích của Bộ trưởng thì “vấn đề này thực ra vẫn đang được thực hiện nhưng mức độ thế nào, cách thức ra sao thì cần hệ thống lại toàn bộ tại đề án này. Hiện đề án đang được hoàn tất, đang lấy ý kiến các nhà quản lý, nhà khoa học để trình ra Chính phủ”.

Tuy nhiên, ngay trong thời gian diễn ra kỳ họp thứ sáu, các vị đại biểu Quốc hội cũng đã nhận được bản đề án sơ thảo với yêu cầu không đăng báo, không đưa lên mạng. Và vì vậy, nội dung của tài liệu này cũng chưa được thông tin rộng rãi.

Gần 6 tháng trôi qua, kỳ họp Quốc hội thứ bảy đã đến, trong lúc nền kinh tế vẫn còn đó những bất ổn tiềm ẩn. Thảo luận tổ về tình hình kinh tế xã hội, không ít đại biểu nóng lòng. Rằng, lúc khó khăn thì “nóng” lên việc tái cơ cấu nền kinh tế, Chính phủ cũng giao làm cả một đề án, nhưng nay thì có vẻ đã rơi vào quên lãng.

Bản tập hợp nội dung  thảo luận tại tổ cũng nêu rõ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về nội dung này. Rất nhiều thành viên Chính phủ cũng đã tham dự thảo luận tại các tổ, đã đọc bản tập hợp ý kiến này. Nhưng bản đề án mà đại biểu quan tâm đang ở đâu thì vẫn chỉ là câu hỏi.

Vì vậy, dù đã phát biểu ở tổ, song đến chiều 27/5/2010, khi thảo luận tại hội trường, đại biểu Trần Du Lịch vẫn tiếp tục nhắc: “Nhiều lần Quốc hội đã đề cập vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế, nhất là giai đoạn hậu khủng hoảng. Kỳ họp thứ sáu vừa qua Chính phủ cũng đưa ra một dự thảo cho Quốc hội xem nhưng tới kỳ này thì không thấy đề án đâu nữa, tôi nghĩ Chính phủ vẫn nợ Quốc hội”.

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc trả lời: “Trong phiên họp tháng 3, Chính phủ đã thảo luận và cho ý kiến về vấn đề này. Trong kỳ họp này, Quốc hội không đặt vấn đề, nên chúng tôi cũng không báo cáo với Quốc hội về báo cáo chính thức mà Chính phủ đã thông qua”.

Cũng theo Bộ trưởng Phúc thì vừa rồi Thủ tướng Chính phủ đã kết luận vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế là một quá trình, cho nên những vấn đề đặt ra trong báo cáo tái cấu trúc nền kinh tế sẽ được thể hiện trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm và trong kế hoạch 5 năm, thể hiện ở trong ba đột phá của chiến lược. Đó là phát triển nguồn nhân lực, phát triển cơ sở hạ tầng và thứ ba là vấn đề thể chế.

“Nếu Quốc hội đặt vấn đề, chúng tôi sẵn sàng gửi báo cáo mà đã được Chính phủ thông qua tới các vị đại biểu Quốc hội”, Bộ trưởng Phúc nói. Song theo ông, “có lẽ hiệu quả nhất” là do sau này Quốc hội còn thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm mà chắc chắn kỳ họp tới đây Chính phủ sẽ trình Quốc hội thông qua, nên nội dung mà tái cấu trúc nền kinh tế sẽ lồng ghép và thể hiện ở trong đó.

Bộ trưởng Phúc kết thúc phần phát biểu của thì thời gian của một ngày thảo luận cũng đã hết, dù còn tới 23 vị đại biểu đã đăng ký nhưng chưa được thể hiện chính kiến. Và vì thế, cũng không có vị đại biểu nào có cơ hội trao đổi lại ngay những vấn đề ông đã đề cập như với một số vị bộ trưởng khác.

Song, những ghi nhận sau đó cho thấy không ít băn khoăn của đại biểu và của cả cử tri từ câu trả lời của Bộ trưởng. Vì như đã nói, tại kỳ họp thứ sáu, chính Bộ trưởng Phúc đã khẳng định “sẽ chờ Chính phủ thông qua sau đó sẽ trình Quốc hội”.

Như vậy, theo thông tin từ Bộ trưởng Phúc, bản đề án chính thức mà Quốc hội mong chờ đã được Chính phủ thông qua hai tháng trước khi kỳ họp thứ bảy diễn ra. Nói như nhiều đại biểu thì Chính phủ còn đang “nợ” Quốc hội đề án này. Vậy nhưng khi đại biểu hơn một lần “đòi nợ” thì Bộ trưởng nêu lý do “Quốc hội không đặt vấn đề”.

Tuy nhiên, có thể hiểu sự sốt ruột “đòi nợ” của nhiều vị đại biểu Quốc hội thực ra cũng không hẳn xuất phát từ lời hứa của người đứng đầu cơ quan được Thủ tướng giao chuẩn bị đề án trình Quốc hội.

Mà chính là vì, tái cấu trúc nền kinh tế “là vấn đề quan trọng, cấp thiết từ thực tiễn nền kinh tế nước ta trong giai đoạn khắc phục hậu quả của khủng hoảng kinh tế hiện nay”, như bản tập hợp ý kiến thảo luận tổ mà đoàn thư ký kỳ họp gửi đến tận tay từng vị đại biểu Quốc hội đã nhấn mạnh.