Trong tháng 3 vừa qua, 52 doanh nghiệp lớn của Mỹ, trong đó có UPS đã đến Việt Nam tìm cơ hội hợp tác ở nhiều lĩnh vực. Ông nhận định như thế nào về việc vận hành kinh doanh của UPS tại Việt Nam?
Với tốc độ hiện đại hóa nhanh vượt bậc và tin cậy cao của lĩnh vực sản xuất, cùng với sự tin tưởng của nhà đầu tư và hàng loạt hiệp định tự do thương mại song phương và đa phương được ký kết, đây là thời điểm vàng để các doanh nghiệp nhìn thấy sự tích cực và tìm kiếm các cơ hội trên thị trường Việt Nam. Dữ liệu từ nghiên cứu về tiềm năng thương mại của khu vực nội Á của UPS cho thấy tỷ trọng giao thương với khu vực nội Á của Việt Nam đã tăng gấp đôi từ năm 2011 đến năm 2020.
UPS đã giúp doanh nghiệp tại Việt Nam nắm bắt cơ hội giao thương quốc tế trong suốt bốn thập kỷ. Chỉ riêng trong ba năm qua, chúng tôi đã bổ sung nhiều chuyến bay vào mạng lưới tại Việt Nam, giúp các doanh nghiệp Việt tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trên khắp thế giới.
Trong khi đó, chúng tôi tiếp tục hợp tác chặt chẽ với khách hàng của mình để đảm bảo rằng mình đang cung cấp đúng các dịch vụ, giải pháp và hướng dẫn chuyên môn mà họ cần, ví dụ như tăng cường chuỗi cung ứng, chuyển đổi số trong vận hành và ủng hộ các chính sách đơn giản hóa hoạt động thương mại.
Chúng tôi tự hào đã đóng góp một phần để hỗ trợ sự phát triển của Việt Nam trong thời gian này và chúng tôi mong muốn được đóng góp vào nhiều thành công hơn nữa trong những năm tới.
Đâu là những cơ hội và thách thức khi đầu tư tại thị trường Việt Nam, thưa ông?
Về cơ hội, các doanh nghiệp cần hướng đến số hóa, đặc biệt là dưới hình thức thương mại điện tử. Đại dịch đã thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử và thói quen mua sắm của một bộ phận khách hàng sẽ có thể thay đổi hoàn toàn so với trước đây. Vì vậy, một mặt, đây là thách thức to lớn đối với tất cả chúng ta, nhưng mặt khác nó cũng trở thành cơ hội lớn, đặc biệt là với các doanh nghiệp nhỏ. Thương mại điện tử cũng đã trải qua một chặng đường dài để tạo ra một môi trường kinh doanh bình đẳng. Giờ đây, tất cả những gì doanh nghiệp cần là kết nối internet, sản phẩm, khách hàng và một phương tiện giúp đưa sản phẩm của họ đến tay người dùng.
Chúng tôi hiểu rằng đối với nhiều doanh nghiệp nhỏ, việc vận chuyển quốc tế có thể là một bước khá khó khăn và phức tạp. Vì vậy, công việc của chúng tôi là loại bỏ mọi sự phức tạp để các khách hàng có thể hưởng lợi tối đa từ những cơ hội giao thương quốc tế, trong khi vẫn tập trung vào việc xây dựng hoạt động kinh doanh bền vững và lợi nhuận tốt.
Với những nhận định khá tích cực như vậy, kế hoạch 5 năm tới của UPS tại Việt Nam có gì đặc biệt, thưa ông?
Bên cạnh việc chỉ ra sự tăng trưởng vượt bậc của Việt Nam trong mười năm qua, nghiên cứu của UPS cũng cho thấy rằng thị trường vẫn có khả năng tăng trưởng thêm nhiều năm nữa. Trên thực tế, Việt Nam đang có những thuận lợi để có thể gia tăng giá trị giao thương với 11 thị trường trọng điểm của khu vực châu Á từ 326 tỷ USD năm 2020 lên 465 tỷ USD vào năm 2030.
Chuyển đổi số, xây dựng chuỗi cung ứng mạnh mẽ và linh hoạt cũng như tiếp tục tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ sẽ là điều cần thiết để hiện thực hóa tiềm năng này. Ngoài ra, việc gia tăng sự đồng đều của các tiêu chuẩn thương mại, giảm thuế quan và tiếp tục cải thiện cơ sở hạ tầng logistics cũng là những yếu tố cần lưu tâm.
Về phía UPS, chúng tôi sẽ xây dựng chuỗi cung ứng dựa trên sự tăng cường gần đây trong mạng lưới logistics của mình ở Việt Nam và tiếp tục đầu tư để mang lại lợi ích tốt nhất cho khách hàng. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục hợp tác với các nhà hoạch định chính sách và các đối tác để tạo nên một lĩnh vực logistics vững mạnh và linh hoạt, đem đến lợi ích cho doanh nghiệp, nền kinh tế và người tiêu dùng.
Chúng tôi cũng cam kết giúp các nhân viên của mình và các thế hệ nhân sự trẻ của ngành logistics trong tương lai phát triển, tạo ra một môi trường kinh doanh nơi mọi người đều có cơ hội nghề nghiệp bình đẳng như nhau. Đơn cử như một nghiên cứu khác của UPS thực hiện cho thấy rằng, khi nói đến việc tiếp cận các cơ hội, phụ nữ gặp phải những trở ngại riêng so với nam giới, đó là lý do tại sao chúng tôi triển khai Chương trình Phụ nữ Xuất khẩu (Women Exporters Program – WEP) vào năm 2018.
WEP được tạo ra với mục tiêu khai phá tiềm năng của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ bằng cách cung cấp kiến thức và kỹ năng cần thiết để xuất khẩu sản phẩm của mình ra thị trường toàn cầu. Chúng tôi đã tổ chức một số hội thảo trên khắp Việt Nam trong những tháng gần đây với sự hợp tác cùng chương trình SheTrades của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC). Đến nay, WEP đã giúp đỡ tổng cộng 31.000 doanh nghiệp nữ làm chủ trên toàn thế giới.
Chính phủ Việt Nam cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Hoa Kỳ mở rộng hoạt động tại Việt Nam cũng như tạo cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị của doanh nghiệp Hoa Kỳ. Ông nghĩ thế nào về cam kết này?
Thương mại quốc tế là một phần thiết yếu trong việc tạo ra một nền kinh tế toàn cầu mạnh mẽ và kiên cường. Tại UPS, chúng tôi tôn trọng mong muốn cải thiện sinh kế của các cá nhân và doanh nghiệp thông qua hoạt động thương mại, chúng tôi hoan nghênh các giải pháp giúp tạo ra những cơ hội phát triển cho doanh nghiệp trên toàn thế giới.
Mạng lưới toàn cầu của UPS trải dài qua các thị trường trên toàn khu vực Thái Bình Dương. Chúng tôi đã và đang kết nối các doanh nghiệp tại Việt Nam, Hoa Kỳ và rất nhiều thị trường khác trong suốt hàng thập kỷ qua và mong muốn được tiếp tục thực hiện điều đó thêm nhiều thập kỷ nữa.
VnEconomy 05/04/2023 10:00
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 14-2023 phát hành ngày 03-04-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam