Cơ hội tăng trưởng từ sự lựa chọn tất yếu - Ảnh 1
Cơ hội tăng trưởng từ sự lựa chọn tất yếu - Ảnh 2

“Đối với Thừa Thiên - Huế, định hướng xây dựng đô thị di sản sinh thái cảnh quan, thân thiện với môi trường và phát triển xanh là định hướng xuyên suốt, đã được đặt ra ít nhất khoảng 2 nhiệm kỳ trước. Đặc biệt từ khi có Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng Thừa Thiên - Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045. Trong đó đặt ra mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, đặc trưng di sản văn hóa cảnh quan thân thiện môi trường và thông minh.

Tỉnh đã ban hành kế hoạch 110 từ năm 2015, nghĩa là trước khi Nghị quyết 54 ra đời về hành động thành phố xanh Huế đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Kế hoạch đã nêu mục đích, nhiệm vụ, nội dung và giải pháp để thực hiện kế hoạch thông qua 3 sáng kiến và 16 hành động cụ thể. Mục đích của kế hoạch nhằm hiện thực hóa tầm nhìn thành phố xanh trong khuôn khổ thực hiện sự hợp tác giữa Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, xây dựng Huế thành đô thị xanh, phát triển bền vững, đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, đặc biệt là trùng tu di tích kinh thành Huế.

UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định 894 về việc xây dựng dự án đầu tư xây dựng chương trình phát triển các đô thị xanh với tổng mức đầu tư là 1.200 tỷ đồng; từng bước mở rộng hạ tầng đô thị xanh, tạo động lực cho phát triển đô thị, thúc đẩy phát triển kinh doanh thương mại và khai thác tiềm năng du lịch, cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường… Huế bây giờ khác ngày trước rất nhiều, đô thị đã sạch, xanh, gần như không có nhà chọc trời.

Đối với công tác chuyển đổi số, Thừa Thiên - Huế đã tập trung xây dựng chính quyền điện tử, với các sáng kiến phát triển đô thị thông minh, hướng các hoạt động quản lý và điều hành địa phương trở nên phù hợp và thích ứng với Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong năm 2021, Thừa Thiên - Huế đã đứng thứ 8/63 tỉnh, thành về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và đứng đầu cả nước về chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công, đứng thứ tư cả nước về chỉ số cải cách hành chính và giữ vị trí thứ hai về chuyển đổi số.

Đặc biệt là Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh 4 năm liền (2019-2022) với ứng dụng Huế S đã đạt giải thưởng Sao Khuê – giải thưởng uy tín nhất của ngành phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam và giành giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam năm 2022, đặc biệt là được vinh danh ở hạng mục Chính phủ số của Tổ chức Công nghiệp điện toán châu Á – Thái Bình Dương”.

Cơ hội tăng trưởng từ sự lựa chọn tất yếu - Ảnh 3

“Phát triển kinh tế đã và đang đặt ra những vấn đề về môi trường, bảo vệ thiên nhiên. Biến đổi khí hậu dường như là một hiện tượng rất nổi bật những trở ngại hiện tại đang rất lớn cần được giải quyết để có thể đạt được sự thích ứng và giảm nhẹ về biến đổi khí hậu. Chúng tôi thấy Việt Nam cũng đang nỗ lực để giải quyết những bài toán này.

Tính cấp bách về cuộc cách mạng kinh tế để làm sao tránh khỏi những mô hình phát triển về phát thải carbon luôn là vấn đề được quan tâm. Hiện cuộc cách mạng này đang triển khai trên cấp độ toàn cầu và Việt Nam cũng cần cố gắng tham gia vào chuỗi hoạt động này.

Chúng ta cũng cần làm rõ tăng trưởng nhanh, phát triển nhanh không có nghĩa là phát thải nhiều. Việt Nam cũng đang xem xét việc thay đổi cũng như cải cách, đặc biệt là nguồn tài chính mới, thị trường mới. Chúng ta cần phải xem xét trên bình diện mô hình kinh doanh, phía Chính phủ hỗ trợ cho các doanh nghiệp như thế nào,  đặc biệt là ở miền Trung thông qua việc hỗ trợ kỹ thuật, nguồn tài chính mới cũng như thị trường mới.

Việt Nam, cụ thể là miền Trung, vấn đề giáo dục, về tiếp cận các cảng biển rất nhanh, nguồn tài nguyên thiên nhiên rất nhiều, nhất là cam kết của Chính phủ phát thải ròng bằng không. Một điểm cũng cần xem xét ở cấp độ toàn cầu như ngân hàng, doanh nghiệp, các tổ chức cứu trợ hỗ trợ cũng đang cố gắng tham gia và đóng góp mảnh ghép trong bức tranh đó. Việt Nam phải cạnh tranh để có nguồn lực này và cố gắng sử dụng nó một cách hiệu quả. Hiện nhiều chính phủ và các doanh nghiệp trên thế giới muốn hợp tác với Việt Nam, điều quan trọng là làm thế nào để có cơ hội hợp tác.

Chẳng hạn như EuroCham, các giám đốc điều hành của ngân hàng,… tại Diễn đàn Vietnam Connect 2023 này, theo tôi, mọi người cùng tham gia sớm nhất có thể, làm sao đề xuất ra những giải pháp để tham gia vào những lĩnh vực như nông nghiệp, gỗ, cafe, du lịch, giáo dục,… Cộng đồng quốc tế sẵn sàng đứng bên cạnh Việt Nam để cùng hợp tác, chúng tôi luôn cởi mở và cần có tầm nhìn chiến lược, sự hỗ trợ của Chính phủ để “mở khóa” những trở ngại, vượt qua những hàng rào để có thể hợp tác toàn bộ với Việt Nam trong tiến trình này”.

Cơ hội tăng trưởng từ sự lựa chọn tất yếu - Ảnh 4

“Việt Nam đã có những bước đi rất quan trọng tại COP26 để chuyển đổi nền kinh tế Việt Nam sang nền kinh tế không phát thải vào năm 2050. Hiện tại tất cả các thành phần của nền kinh tế bao gồm kinh tế công, kinh tế tư nhân cùng tham gia, ủng hộ và hỗ trợ cho Nhà nước để thực hiện mục tiêu này.

Các doanh nghiệp chuyển đổi sang nền kinh tế xanh rất quan trọng bởi: người tiêu dùng đòi hỏi sử dụng những sản phẩm bảo vệ môi trường; những nhà đầu tư cũng mong muốn đầu tư vào những lĩnh vực đem lại lợi ích cho môi trường, ích lợi dài lâu, người lao động cũng muốn làm việc cho những công ty có những định hướng tốt như vậy.

Việt Nam đã thành công trong việc thu hút FDI và là một điển hình trong khu vực về thu hút FDI trong nhiều năm. Bây giờ là lúc Việt Nam cần phải thu hút nguồn đầu tư nước ngoài xanh cho đất nước. Các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam mong muốn Việt Nam cần tạo điều kiện hỗ trợ và giúp cho các doanh nghiệp FDI được tham gia vào chiến lược chuyển đổi xanh tại Việt Nam. Ngày càng nhiều người tiêu dùng tại Việt Nam và trên thế giới mong muốn được sử dụng những sản phẩm xanh, nên khi thu hút thêm nhiều doanh nghiệp FDI xanh thì đồng thời cũng sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam đã bắt đầu rất tốt cho hành trình chuyển đổi xanh trong thời gian qua, theo tôi Chính phủ nên có thêm những chính sách khuyến khích những doanh nghiệp lựa chọn phát triển xanh, tăng trưởng xanh; đồng thời, nên có một số chính sách nhằm hạn chế với những doanh nghiệp không đi theo chủ trương xanh của Chính phủ.

HSBC có một kế hoạch rất rõ ràng trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện chiến lược chuyển đổi xanh của họ và chúng tôi cũng ưu tiên những doanh nghiệp nào có chiến lược chuyển đổi xanh rõ ràng. Trong năm 2022, chúng tôi có cam kết hỗ trợ thu xếp đến 12 tỷ USD cho các dự án phát triển bền vững của các doanh nghiệp tại Việt Nam cho tới năm 2030, đến thời điểm hiện tại đã được khoảng 10% chặng đường”.

Cơ hội tăng trưởng từ sự lựa chọn tất yếu - Ảnh 5

“Phát triển kinh tế số và tăng trưởng xanh tạo ra không gian phát triển mới, mở ra cơ hội tăng trưởng với tốc độ cao và bền vững. Với vị thế một thương hiệu toàn cầu về sức khỏe và sắc đẹp, Amway tiên phong trong việc đầu tư cho công nghệ mới nhằm đáp ứng cho yêu cầu chuyển đổi xanh, tích cực ứng dụng công nghệ số vào các khâu như quản trị doanh nghiệp, logistics, sản xuất, marketing, bán hàng và thanh toán để gia tăng hiệu quả kinh doanh, khai thác tốt các lợi thế và tiềm năng đang có.

Để thực hiện và thúc đẩy quá trình tăng trưởng xanh và kinh tế số, Amway không chỉ kiên định với mục tiêu phát triển bền vững, mà còn định hướng nâng tầm trải nghiệm khách hàng như là một chiến lược dài hạn trong 15 năm có mặt tại Việt Nam.

Amway liên tục thay đổi, đầu tư mạnh vào các trải nghiệm mua sắm để tạo ra không gian tiêu dùng hiện đại, thân thiện với nhu cầu của khách hàng bằng việc khai trương các khu phức hợp kinh doanh và trải nghiệm mới, cải tạo các cơ sở vật chất hiện tại với các hoạt động trải nghiệm đa dạng và máy móc hiện đại với mong muốn mang đến cho nhà phân phối và khách hàng những trải nghiệm hoàn toàn mới cùng nhiều dịch vụ tiện ích hơn.

Công ty cũng tập trung đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu phát triển R&D để mang đến cho người tiêu dùng Việt những dòng thực phẩm bổ sung dinh dưỡng cùng các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.

Không chỉ nhạy bén tích hợp và chuyển đổi số, Amway Việt Nam còn ứng dụng công nghệ trong việc tăng cường các giải pháp đa kênh trực tuyến và trực tiếp cho phép Amway hỗ trợ khách hàng mọi lúc, mọi nơi.

Chúng tôi đặc biệt chú trọng vào đào tạo và phát triển kiến thức, kỹ năng của nhà phân phối thông qua lộ trình huấn luyện cụ thể từ cơ bản đến nâng cao, giúp người mới dễ dàng bắt đầu kinh doanh cùng Amway từ ngày đầu tiên.

Bên cạnh các khóa đào tạo về kiến thức sản phẩm, kỹ năng kinh doanh, Amway còn đầu tư và phát triển lộ trình đào tạo năng lực mạng xã hội toàn diện, nhằm giúp nhà phân phối sẵn sàng bắt kịp xu thế trong kỷ nguyên 4.0”.

Cơ hội tăng trưởng từ sự lựa chọn tất yếu - Ảnh 6

“Tăng trưởng xanh và chuyển đổi số đang trở thành xu thế được nhiều doanh nghiệp trên thế giới lựa chọn. Tại Việt Nam, xu thế này ngày càng diễn ra mạnh mẽ với sự vào cuộc của Chính phủ, cơ quan bộ, ngành, các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Là doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam ở lĩnh vực sản xuất thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, sinh học, logistics và văn hóa,… CJ hiểu rằng tăng trưởng xanh và chuyển đổi số là “chìa khóa” để nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng trưởng bền vững. Vì thế, tại CJ, chúng tôi đang cố gắng từng bước xây dựng và thực hiện chiến lược chuyển đổi số và tăng trưởng xanh.

Tuy nhiên, như chúng ta biết, chuyển đổi số không phải có sẵn một bộ giải pháp để doanh nghiệp lựa chọn áp dụng mà là một quá trình vô cùng vất vả, thách thức về trí tuệ.

Khi bắt đầu thực hiện chuyển đổi số, doanh nghiệp phải lựa chọn phương án mua công nghệ mới hoàn toàn hay cải tạo công nghệ cũ. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào nguồn tài chính của doanh nghiệp. Cùng với đó là hàng loạt những chi phí phát sinh đi kèm như đào tạo nâng cao nhận thức cho người lao động, nghiên cứu cách thức ứng dụng, áp dụng công nghệ hợp lý…

Về kinh tế xanh và việc thực hiện Báo cáo Môi trường – Xã hội – Quản trị (ESG), CJ nhận thức được tầm quan trọng của việc thực hiện ESG đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp trong tương lai. Những nguồn năng lượng, nguyên vật liệu mà doanh nghiệp sử dụng có thể là nguồn gây phát thải khí nhà kính lớn. Do đó, thay đổi nhận thức về môi trường cũng như tư duy kinh doanh xanh sẽ mang lại giá trị lớn cho chính các doanh nghiệp và cộng đồng xã hội.

Ví dụ, hiện nay chuỗi bánh ngọt Tous les Jours đang sử dụng túi giấy, ống hút giấy nhằm giảm rác thải nhựa. Dựa trên nguyên lý kinh doanh ESG và những kỹ thuật sinh học vốn là thế mạnh, chúng tôi cũng đang thực hiện các dự án như phân bón hữu cơ, thân thiện môi trường, và không gây hại cho môi trường…”.

Cơ hội tăng trưởng từ sự lựa chọn tất yếu - Ảnh 7

“Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu nhiều hơn các quốc gia khác trong khu vực, nhưng cũng là quốc gia có nhiều cơ hội cho phát triển trong một số lĩnh vực hơn các quốc gia khác. Đây là điểm mấu chốt để giúp Việt Nam tiến về phía trước, trở thành đầu tàu về phát triển năng lượng. Thông qua sự hợp tác chặt chẽ với các quốc gia, đối tác trong vấn đề này trong nhiều năm qua, Việt Nam có thể đạt tăng trưởng ngoạn mục.

Câu hỏi đặt ra ở đây là phải làm như thế nào? Trước hết và cũng là quan trọng nhất đó chính là vấn đề công nghệ. Làm thế nào để thúc đẩy công nghệ, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ nay tới năm 2050 để đạt mục tiêu đề ra trong khi vẫn đảm bảo ổn định tài chính, nguồn vốn để đầu tư cho các hoạt động khác là vấn đề các quốc gia đang đặt ra.

Trong các mô hình kinh tế hướng tới hành trình carbon bằng 0, năng lượng tái tạo luôn được ưu tiên và Việt Nam cũng có chiến lược thực hiện mục tiêu này. Những công nghệ được đưa vào thị trường hiện nay như điện mặt trời, điện gió, xe điện, hay giảm phát thải carbon trong quá trình vận chuyển… đều đang được các nước áp dụng.

Vấn đề là làm thế nào có thể phân bổ đầu tư để tối ưu nguồn vốn khi đầu tư vào những công nghệ trên đều đắt đỏ trong khi Việt Nam và nhiều quốc gia khác cần hỗ trợ phát triển cho nhiều lĩnh vực. Nhiều phương án “đi tắt, đón đầu” được đưa ra thông qua những thảo luận về tài chính xanh, cụm công nghệ xanh… nhưng quan trọng nhất Chính phủ cần phải có quyết sách phù hợp cho những vấn đề này. Chẳng hạn như tham gia các thỏa thuận quốc tế nhằm tạo ra những cơ hội cho tiếp cận năng lượng, hình thành chuỗi cung ứng hiệu quả, cho phép sự tham gia của doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, hình thành tài chính xanh thông qua trái phiếu xanh, đầu tư xanh… Điều này đòi hỏi phải có cách nhìn khác từ phía Chính phủ để tạo niềm tin cho nhà đầu tư, bởi đầu tư xanh đều rất tốn kém và lâu dài”.

Cơ hội tăng trưởng từ sự lựa chọn tất yếu - Ảnh 8

“Zamil Steel luôn luôn tin tưởng vào việc xây dựng các nhà thép tiền chế theo hướng bền vững, vì vậy, cho dù đó là nhà máy của chúng tôi hay các tòa nhà của khách hàng, chúng tôi luôn luôn cung cấp các giải pháp xây dựng bền vững, ví dụ lắp đặt các giải pháp năng lượng mặt trời trên mái nhà và lắp đặt các giải pháp tương tự mà không phải trả thêm phí.

Bên cạnh việc phát triển bền vững, chuyển đổi kỹ thuật số chắc chắn là một trong những sáng kiến quan trọng nhất mà chúng tôi đang đầu tư trong vài năm qua và thậm chí là trong tương lai. Chúng tôi đang vận hành các hoạt động của nhà máy hoàn toàn tự động thông qua việc kết nối các thiết bị máy móc cũng như luôn luôn đảm bảo rằng các đầu ra kỹ thuật và các nhà máy của chúng tôi được kết nối hoàn toàn.

Bằng cách này, chúng tôi có thể cung cấp sản phẩm mới một cách nhanh chóng hơn cho khách hàng của mình. Hy vọng rằng chúng tôi sẽ là người tiên phong về các sáng kiến chuyển đổi số trong ngành.

Chính phủ Việt Nam đã làm rất tốt việc thúc đẩy các sáng kiến xanh, nhất là trong việc phát triển năng lượng mặt trời. Về phía Công ty Zamil Steel, chúng tôi chắc chắn sẽ tìm kiếm nhiều hỗ trợ hơn và đưa ra nhiều sáng kiến hơn. Việc hỗ trợ tài chính hoặc bất kỳ hỗ trợ nào khác sẽ giúp công ty đầu tư nhiều hơn vào các sáng kiến xanh và chuyển đổi số, những hỗ trợ như thế sẽ giúp cho công ty chúng tôi rất nhiều.

Chúng tôi đã khởi xướng một sáng kiến quan trọng để đầu tư vào các cơ sở tại Việt Nam của chúng tôi. Vì vậy, chúng tôi sẽ mở rộng các cơ sở của mình bằng cách tăng công suất thông qua chuyển đổi kỹ thuật số, tự động hóa các cơ sở của mình. Chúng tôi sẽ sớm thông báo điều đó.

Tôi nghĩ chương trình Rồng Vàng là một sáng kiến tuyệt vời. Việc các lãnh đạo Chính phủ, các nhà ngoại giao cấp cao và các đại diện từ các tỉnh miền Trung đến Đà Nẵng cho thấy Việt Nam có rất nhiều sáng kiến, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nước ngoài. Điều đó thúc đẩy chúng tôi đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng rất vinh hạnh khi được nhận giải thưởng quan trọng như vậy”.

Cơ hội tăng trưởng từ sự lựa chọn tất yếu - Ảnh 9

VnEconomy 21/03/2023 10:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 12-2023 phát hành ngày 20-03-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Cơ hội tăng trưởng từ sự lựa chọn tất yếu - Ảnh 10