CPI Mỹ cao nhất 13 năm, Fed liệu có giữ được bình tĩnh?
Fed vẫn nói lạm phát cao ở Mỹ chỉ là vấn đề tạm thời. Nhưng cũng có những ý kiến nói rằng lạm phát sẽ không sớm hạ nhiệt, thách thức lập trường của Fed...
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng mạnh nhất 13 năm trong tháng 6 vừa qua, do những nút thắt nguồn cung và giá dịch vụ đi lại gia tăng trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục phục hồi mạnh từ Covid-19.
Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy mặt hàng ô tô cũ đóng góp hơn 1/3 mức tăng CPI. Theo hãng tin Reuters, vì lý do này, nhiều chuyên gia kinh tế tiếp tục tin rằng lạm phát cao chỉ là vấn đề tạm thời, phù hợp với quan điểm bấy lâu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến nói rằng lạm phát sẽ không sớm hạ nhiệt, thách thức lập trường của Fed.
So với tháng 5, CPI tháng 6 của Mỹ tăng 0,9%, mạnh nhất từ tháng 6/2008. Con số này cao hơn so với mức dự báo tăng 0,5% mà giới phân tích đưa ra trước đó và mức tăng 0,6% ghi nhận trong tháng 5.
Trong đó, giá xe ô tô đã qua sử dụng tăng 10,5%, mạnh nhất kể từ tháng 1/1953, khi Chính phủ Mỹ bắt đầu theo dõi giá cả mặt hàng này. Trong những tháng gần đây, cơn sốt giá ô tô cũ là một nguyên nhân chính đẩy các chỉ số lạm phát của Mỹ leo thang. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, giá ô tô cũ ở Mỹ trong tháng 6 tăng 45,2%.
Các dữ liệu từ ngành công nghiệp ô tô cho thấy giá xe cũ ở Mỹ có thể sớm hạ nhiệt. Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu cho thấy sự leo thang giá cả đang lan rộng trong nền kinh tế. Giá thực phẩm, xăng dầu, quần áo, tiền thuê nhà… đều tăng trong tháng 6.
“Số liệu CPI tháng 6 trông có vẻ đáng sợ, nhưng một lần nữa, chúng ta thấy rằng những mặt hàng tăng giá tạm thời đã đẩy chỉ số lên”, chuyên gia kinh tế Robert Frick thuộc Navy Federal Credit Union nhận định. “Nhìn chung, báo cáo này củng cố quan điểm rằng lạm phát sẽ hạ nhiệt trong năm nay”.
Trong vòng 1 năm tính đến tháng 6, CPI Mỹ tăng 5,4%, mạnh nhất kể từ tháng 8/2008 và cao hơn mức tăng 5% ghi nhận trong tháng 5.
Chỉ số CPI lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, tăng 0,9% trong tháng 6 so với tháng 5, sau khi tăng 0,7% trong tháng 5. So với cùng kỳ năm ngoái, CPI lõi tăng 4,5% trong tháng 6, mạnh nhất từ tháng 11/1991, sau khi tăng 3,8% trong tháng 5.
Đối với các nhà phê bình, lạm phát cao là cơ sở để tăng cường sự chỉ trích nhằm vào việc giữ nguyên chính sách tiền tệ và tài khoá cùng siêu lỏng lẻo của Mỹ. Chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19 được đánh giá là thành công, lãi suất siêu thấp, cùng gần 6 nghìn tỷ tiền kích cầu từ Chính phủ Mỹ kể từ tháng 3/2020 đã thổi bùng nhu cầu trong nền kinh tế, khiến chuỗi cung ứng không phản ứng kịp.
Với gần 160 triệu người Mỹ đã được tiêm vaccine, nhu cầu đi lại ở nước này đang tăng mạnh. Giá phòng khách sạn tăng 7,9% trong tháng 6 so với tháng 5, giá vé máy bay tăng 2,7%.
“Việc lạm phát tăng mạnh gần đây xuất phát từ một số nhóm hàng hoá-dịch vụ nhất định, nên lãnh đạo Fed có thể tiếp tục giữ quan điểm rằng lạm phát chỉ là tạm thời. Nhìn chung, thị trường đồng tình với quan điểm này của Fed”, chuyên gia kinh tế trưởng Michael Feroli của JPMorgan Chase phát biểu.
Lạm phát ở Mỹ có thể đã đạt đỉnh ở mức này, nhưng nhiều khả năng sẽ giữ ở ngưỡng cao trong thời gian còn lại của năm nay, thậm chí sang năm 2022 và 2023, vì giá các dịch vụ đi lại còn chưa trở lại mức trước đại dịch. Giá thuê nhà đã tăng mạnh trong tháng 6 và có khả năng lên cao hơn khi người lao động quay trở lại các thành phố lớn để làm việc.
Ngoài ra, tình trạng thiếu lao động – cho dù hàng triệu người Mỹ đang thất nghiệp – đang đẩy tiền lương tăng lên. Do không tìm được chỗ gửi con với chi phí phải chăng, nhiều ông bố bà mẹ chấp nhận ở nhà trông con. Đại dịch cũng khiến nhiều người phải về hưu sớm, làm suy giảm lực lượng lao động.
Khi lạm phát cao kéo dài, vượt ngưỡng mục tiêu 2% của Fed, liệu Fed có thể tiếp tục giữ được sự bình tĩnh như hiện nay?
Câu trả lời này có thể sẽ được đưa ra một phần trong cuộc điều trần về chính sách tiền tệ ngày 14-15/7 của Chủ tịch Fed Jerome Powell trước Quốc hội Mỹ.
“Rất khó để lập luận rằng mọi thứ sẽ trở lại bình thường sau vài tháng nữa”, giáo sư kinh tế Sung Won Sohn thuộc Đại học Loyola Marymount nhận định.