13:25 09/07/2021

Vì sao Mỹ lên cơn sốt giá ô tô cũ?

An Huy

Trang CNN Business nói rằng có lẽ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) – một thước đo lạm phát – của Mỹ nên được đổi tên thành chỉ số giá ô tô...

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Trong tháng 5, CPI của Mỹ tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, việc giá ô tô cũ tăng mạnh đóng góp 1/3 mức tăng của chỉ số. Trong vòng 12 tháng tính đến tháng 5, giá ô tô đã qua sử dụng ở Mỹ tăng 30%, chỉ thua mức tăng kỷ lục ghi nhận vào năm 1975.

Theo trang dữ liệu ô tô Edmunds, giá bình quân của một chiếc ô tô cũ ở Mỹ trong tháng 6 là 26.500 USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, giá bình quân của một chiếc ô tô mới được bán là 41.000 USD, chỉ tăng 5% so với tháng 6/2020 và gần như ngang bằng với mức bình quân 41.500 USD của giá niêm yết.

CUNG KHÔNG ĐỦ CẦU

Giá ô tô cả cũ và mới đều tăng là một gánh nặng đối với ngân sách của các gia đình ở Mỹ. Khoảng 40% số hộ gia đình ở nước này mua ô tô mỗi năm, có thể là xe mới hoặc xe đã qua sử dụng. Tỷ lệ này có thể cao hơn trong năm nay do nhu cầu bị dồn nén vì kế hoạch mua xe bị trì hoãn trong năm 2020 do đại dịch Covid-19 hoành hành.

Có một số nguyên nhân khiến giá xe cũ ở Mỹ tăng mạnh, nhưng tựu chung ở hai yếu tố: nhu cầu cao và nguồn cung hạn chế.

Khi đại dịch Covid-19 mới bắt đầu trong năm ngoái, các công ty cho thuê ô tô ở Mỹ chứng kiến nhu cầu thuê xe gần như sụt giảm về 0. Do đó, các công ty này phải bán đổ bán tháo ô tô để huy động tiền mặt nhằm sống sót qua thời gian đại dịch. Một lượng xe lớn bị đẩy ra thị trường khiến giá ô tô cũ giảm trong nửa đầu năm ngoái, và cơ sở so sánh thấp là một nguyên nhân dẫn tới mức tăng phần trăm lớn của giá xe cũ ở thời điểm hiện nay.

Năm nay, khi kinh tế hồi phục mạnh và nhu cầu đi lại khởi sắc nhờ tiêm chủng, các công ty cho thuê xe ở Mỹ rơi vào tình trạng không có đủ xe để cho thuê. Và tất nhiên, những công ty này cũng không còn xe để bán ra cho dù nhu cầu mua xe tăng vọt. Hàng triệu người Mỹ mất việc trong năm ngoái đã tìm được việc trong năm nay, hàng triệu người khác chuyển từ làm việc ở nhà sang trở lại công sở. Nhu cầu sắm xe vì thế tăng mạnh.

Chưa kể, nhiều người Mỹ có kế hoạch mua xe trong năm ngoái nhưng chưa mua vì cảm thấy bấp bênh do Covid. Năm nay, họ thực hiện kế hoạch này. Theo dữ liệu của JD Power, doanh số bán ô tô mới ở Mỹ đạt 7 triệu xe trong nửa đầu năm nay, một con số cao kỷ lục.

Dù tăng không mạnh như giá xe cũ, giá ô tô mới ở Mỹ cũng đang cao kỷ lục. Vì thế, nhiều người đã chuyển sang mua xe cũ để tiết kiệm một khoản.

Về phần mình, giá ô tô mới ở Mỹ tăng là do cuộc khủng hoảng thiếu con chip. Chưa kể, lượng xe tồn kho tại các đại lý đã giảm xuống ngưỡng thấp lịch sử.

Lượng xe mới tồn kho ít ỏi là một lý do khác khiến các công ty cho thuê xe không thể mua xe mới để thay thế đội xe cũ, buộc họ phải tiếp tục dùng thay vì bán xe cũ.

Ngoài ra, giá bình quân của ô tô mới ở Mỹ còn do một nguyên nhân khác: người tiêu dùng nước này ngày càng chuộng xe bán tải và xe SUV – những dòng xe đắt đỏ hơn so với xe sedan. Họ cũng chuộng những tính năng đắt tiền hơn, như phanh tự động, cảnh báo chuyển làn… tất cả đều đẩy giá xe lên.

ẢNH HƯỞNG ĐẾN LẠM PHÁT

Giá ô tô, cả cũ và mới, thường đóng góp khoảng 7% vào CPI của Mỹ. Tuy nhiên, mặt hàng này thường không gây biến động chỉ số vì hiếm khi có sự thay đổi lớn về giá cả - theo chuyên gia kinh tế trưởng Jonathan Smoke của Cox Automotive.

“Bình thường, giá xe cũ chỉ tăng khoảng 1% mỗi năm. Nhưng bây giờ, chắc chắn là giá xe cũ gây lạm phát nhiều hơn”, ông Smoke nói với CNN Business.

Theo vị chuyên gia, giá xe cũ và xe mới đều tăng là một phần quan trọng trong tốc độ lạm phát ở Mỹ hiện nay, xét đến lượng tiền khổng lồ - hơn 600 tỷ USD mỗi năm – mà người dân nước này tiêu vào ô tô.

Tuy nhiên, ông Smoke và các chuyên gia kinh tế khác cho rằng sự tăng giá này chỉ là tạm thời và giá xe cũ sẽ hạ nhiệt trong thời gian còn lại của năm. “Tôi không nói sẽ có một đợt điều chỉnh mạnh. Nhưng có vẻ như chúng ta đang vượt qua sự mất cân đối đã gây nên cơn sốt giá xe cũ”, ông nói.

Đó là lý do vì sao Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) không nên sớm thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm mục đích chống lạm phát: lạm phát sẽ tự giảm mà thôi – theo chuyên gia kinh tế trưởng Mark Zandi của Moody’s Analytics.

“Sẽ là một sai lầm chính sách nếu Fed cắt giảm các biện pháp hỗ trợ bằng chính sách tiền tệ chỉ vì những con số lạm phát này”, ông Zandi nói. “Lạm phát chỉ là tạm thời, sẽ không kéo dài mà sẽ nhanh chóng giảm thôi”.