14:03 04/11/2024

Đại biểu Quốc hội hiến kế cho phát triển nhân lực chất lượng cao

Nhật Dương

Trong quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển nền kinh tế tri thức, kinh tế số, tăng cường đổi mới sáng tạo, không thể thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao…

Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Ảnh minh họa.
Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Ảnh minh họa.

Thảo luận tình hình kinh tế - xã hội sáng 4/11, đại biểu Quốc hội cho rằng nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn là thách thức đối với Việt Nam trong quá trình tăng trưởng, từ đó gợi mở nhiều giải pháp để tháo gỡ điểm nghẽn này.

NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO LÀ THÁCH THỨC KHI ĐỔI MỚI MÔ HÌNH TĂNG TRƯỞNG

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, đoàn tỉnh Ninh Bình, cho rằng mặc dù hiện nay chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam đã có sự cải thiện, song nguồn nhân lực có chất lượng cao vẫn là thách thức trong quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển nền kinh tế tri thức, kinh tế số, tăng cường đổi mới sáng tạo của nước ta hiện nay.

Do vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Trước hết là việc thực hiện có hiệu quả Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030 theo Quyết định số 176/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Xây dựng chiến lược tổng thể phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ mới. Hoàn thiện hệ thống chính sách xây dựng, phát triển, và quản lý nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, như xây dựng một nguồn nhân lực với cơ cấu và số lượng hợp lý qua từng giai đoạn phát triển của đất nước.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị cần quan tâm đào tạo và nâng cao kỹ năng số cho người lao động; xây dựng và phát huy có hiệu quả nguồn nhân lực tại chỗ để phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ nước ngoài.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, đoàn tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Quochoi.vn.
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, đoàn tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Quochoi.vn.

Mặt khác, cần tập trung các giải pháp về giáo dục và đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Cụ thể, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học thuộc lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ. Triển khai các hoạt động đào tạo kiến thức, kỹ năng về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong các trường trung học phổ thông. Mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo của các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp…

“Cần xây dựng chiến lược đào tạo phục vụ trực tiếp cho sự phát triển của nền kinh tế hiện đại. Cung cấp các chương trình đào tạo chất lượng cao từ cấp đại học đến sau đại học về các lĩnh vực liên quan đến khoa học, công nghệ, môi trường, năng lượng tái tạo, quản lý tài nguyên thiên nhiên và kinh tế xanh”, nữ đại biểu đoàn Ninh Bình góp ý.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị nêu cao trách nhiệm của doanh nghiệp và người lao động trong việc tự đào tạo, bồi dưỡng; đẩy mạnh xã hội hóa công tác phát triển nguồn nhân lực theo hướng Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động học nghề thông qua định hướng thông tin, cơ chế, chính sách. Khuyến khích các thành phần kinh tế, các tổ chức cá nhân tham tham gia phát triển thị trường lao động, tạo nên sự liên kết chặt chẽ giữa đào tạo và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực.

ĐÀO TẠO GẮN VỚI NHU CẦU THỰC TẾ

Cũng quan tâm đến vấn đề đào tạo nhân lực chất lượng cao, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân, đoàn tỉnh Bình Dương, cho biết theo báo cáo, chỉ tiêu về tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2024 đạt 69%, có bằng cấp, chứng chỉ ước đạt trên 28% là tín hiệu khả quan, song qua giám sát, quy định về công tác đào tạo nghề còn không ít bất cập.

Đại biểu nêu dẫn chứng về việc quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động hằng năm trong việc xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí cho việc đào tạo, bồi dưỡng, phát triển kỹ năng nghề cho người lao động. Theo đó, doanh nghiệp ở Việt Nam phần lớn là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, trình độ năng lực cạnh tranh còn thấp, tiềm lực tài chính hạn chế. Lao động chủ yếu là lao động phổ thông, xuất thân từ nông thôn.

Trong thời gian qua, tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện đào tạo nghề cho người lao động chỉ khoảng 36%. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nghề cho lao động hiện nay còn phức tạp về thủ tục và mức hỗ trợ.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân, đoàn tỉnh Bình Dương. Ảnh: Quochoi.vn.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân, đoàn tỉnh Bình Dương. Ảnh: Quochoi.vn.

Theo Nghị quyết số 68 năm 2021 của Chính phủ, điều kiện để doanh nghiệp được nhận hỗ trợ kinh phí đào tạo lao động là phải đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động từ 12 tháng trở lên; có phương án phối hợp với cơ sở đào tạo nghề để đào tạo. Mức bồi dưỡng là 1,5 triệu đồng/người/tháng, tối đa là 6 tháng chi trực tiếp cho cơ sở đào tạo.

Tuy nhiên, thống kê của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho thấy những năm gần đây, cả nước mới có hơn 200.000 doanh nghiệp có yêu cầu thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

“Đây là con số quá thấp so với toàn bộ quy mô doanh nghiệp ở nước ta hiện nay. Theo quy định doanh nghiệp được giảm thuế khi tham gia đào tạo nghề, song thực tế việc bóc tách các khoản chi phí liên quan đến đào tạo là rất phức tạp, số tiền được giảm cũng không nhiều”, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân nêu thực tế.

Mặt khác, việc đặt hàng đào tạo chưa thu hút được doanh nghiệp khi còn có những rào cản về chi phí, trang thiết bị giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp; chưa có cơ chế phối hợp giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trong quản lý, phát triển chương trình đào tạo…

Trước những bất cập trên, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân đề nghị nghiên cứu có chính sách cụ thể trong đào tạo nghề gắn với thực tiễn chất lượng nguồn lao động, cũng như đặc thù kinh tế - xã hội của từng địa phương. Bên cạnh đó, cần đầu tư thiết bị máy móc hiện đại phục vụ cho giảng dạy ở các trường nghề. Ngoài ra, đại biểu đề nghị tăng mức hỗ trợ học nghề đối với đối tượng lao động thất nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh, đoàn tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Quochoi.vn.
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh, đoàn tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Quochoi.vn.

Cho rằng chất lượng cung lao động vẫn còn bất cập, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh, đoàn tỉnh Vĩnh Phúc, đề nghị đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với nhu cầu việc làm của doanh nghiệp. Chú trọng xã hội hóa công tác dạy nghề, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề; đổi mới nội dung, chương trình đào tạo.

Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ tổ chức sơ kết đánh giá việc thực hiện Quyết định 522/QĐ-TTg năm 2018 phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”; có giải pháp phân luồng triệt để 45% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông đi đào tạo nghề.