15:33 02/11/2023

Đẩy mạnh hợp tác đào tạo nhân lực chất lượng cao giữa Việt Nam và Nhật Bản

Nhật Dương

Theo đại diện các địa phương, hiện nay dư địa hợp tác đào tạo lao động, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao với các địa phương Nhật Bản còn rất hớn, trong thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động này…

Đào tạo cho người lao động đi làm việc tại Nhật Bản. Ảnh - MOLISA.
Đào tạo cho người lao động đi làm việc tại Nhật Bản. Ảnh - MOLISA.

Phiên chuyên đề Giáo dục - đào tạo và hợp tác nguồn nhân lực, trong khuôn khổ Chương trình Gặp gỡ Nhật Bản 2023, sáng 2/11, đã ghi nhận nhiều góp ý từ các địa phương trong đẩy mạnh hợp tác nguồn nhân lực với các đối tác Nhật Bản.

DƯ ĐỊA HỢP TÁC VỚI CÁC ĐỊA PHƯƠNG TRONG ĐÀO TẠO NHÂN LỰC CÒN RẤT LỚN 

Là một trong những địa phương có hợp tác về lao động với phía Nhật Bản, ông Lê Thành Đô, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên, cho biết trong định hướng phát triển của tỉnh, Điện Biên luôn xác định nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nghề, giải quyết việc làm là một trong những lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu.

Hiện trên địa bàn tỉnh Điện Biên có 13 cơ sở giáo dục nghề nghiệp với quy mô tuyển sinh từ 8.500 – 9.000 người mỗi năm; tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp các trường nghề có việc làm đạt trên 80%.

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của tỉnh hiện khoảng 30.000 người, là nguồn lao động dồi dào cho các hoạt động kinh tế trong nước, cũng như đã cung ứng cho các đối tác Nhật Bản trong một số ngành nghề như nông nghiệp, xây dựng, điều dưỡng…

“Phần lớn lao động địa phương được các thị trường tiếp nhận đánh giá cần cù, thông minh, khéo tay, nắm bắt công việc nhanh, làm việc có năng suất và chất lượng. Giai đoạn từ năm 2020 đến nay, tỉnh đã có khoảng 230 lượt lao động đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài tại thị trường Nhật Bản theo chương trình thực tập sinh”, ông Lê Thành Đô thông tin.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên, hiện nay nhu cầu hợp tác và phát triển nguồn nhân lực của tỉnh với Nhật Bản còn rất lớn, song chất lượng nguồn lao động vẫn chưa đáp ứng được.

Vì vậy, để có nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu của thị trường, đặc biệt cho các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư cũng như hướng đến xuất khẩu lao động trong thời gian tới, lãnh đạo tỉnh Điện Biên đề xuất các doanh nghiệp hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường lao động; phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để đào tạo nhân lực trong một số ngành (y tế) theo yêu cầu của thị trường Nhật Bản.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh hợp tác với các cơ sở giáo dục của Nhật Bản trong đào tạo các ngành trọng điểm, kinh tế số; chuyển giao công nghệ…

Về phía tỉnh, Điện Biên cam kết sẽ có các chính sách thuận lợi về phát triển nguồn nhân lực, quan tâm đào tạo nghề, chuyển dịch cơ cấu lao động, từng bước xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao.

CƠ HỘI ĐƯA LAO ĐỘNG SANG NHẬT BẢN RẤT LỚN 

Cũng là một trong những tỉnh có hợp tác nhân lực với địa phương của Nhật Bản, ông Đào Mỹ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên cũng nhấn mạnh, tỉnh xác định tạo đột phá về phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực chất lượng cao, với mục tiêu đến năm 2025 có 80% lao động qua đào tạo (hiện tỷ lệ này là 74%). Toàn tỉnh hiện có hơn 470.000 lao động, song khó khăn vẫn là thiếu lao động kỹ năng.

Tỉnh cũng đẩy mạnh đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, với thị trường Nhật Bản, bước đầu tỉnh đã có hợp tác với một số địa phương về phái cử lao động. Trong thời gian tới, các địa phương sẽ đẩy mạnh hơn nữa trong đào tạo, nhân lực, phát triển kinh tế - xã hội.

Phiên thảo luận chuyên đề thu hút sự tham gia của nhiều dịa phương Việt Nam - Nhật Bản. Ảnh - N.Dương.
Phiên thảo luận chuyên đề thu hút sự tham gia của nhiều dịa phương Việt Nam - Nhật Bản. Ảnh - N.Dương.

Với Long An, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Tấn Hòa cũng cho biết, trong gần 2.000 lao động của tỉnh đi làm việc ở nước ngoài thì có đến 80% là ở thị trường Nhật Bản, chủ yếu qua doanh nghiệp phái cử.

Tuy nhiên, việc hợp tác đào tạo nhân lực giữa tỉnh và phía Nhật Bản vẫn còn có những điểm nghẽn như sinh viên các trường nghề của Việt Nam còn yếu về kỹ năng, ngoại ngữ, chưa am hiểu văn hóa bản địa…

Với những thực tế như vậy, Phó Chủ tịch tỉnh Long An cho rằng hai bên cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn trong đào tạo lao động có tay nghề, kỹ năng.

Ông cũng khẳng định, hiện dư địa hợp tác nhân lực giữa tỉnh với Nhật Bản còn rất nhiều, bởi trên địa bàn tỉnh có nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tỉnh cũng mong muốn nhận được hỗ trợ từ phía Nhật Bản trong đào tạo ở các ngành nghề công nghệ cao; hỗ trợ máy móc thiết bị, mô hình thực hành cho sinh viên ngay tại doanh nghiệp…

Về phía Nhật Bản, ông Yasuhiro Mori, Giám đốc Văn phòng Xúc tiến Phát triển Nguồn nhân lực Công nghiệp, Sở Thương mại-Công nghiệp-Du lịch và Lao động tỉnh Shiga (Nhật Bản), cho biết đến năm 2022, tỉnh Shiga có 23.000 lao động nước ngoài đang làm việc thì có 6.000 lao động Việt Nam.

“Hiện lao động nước ngoài đông nhất tại tỉnh Shiga là đến từ Brazil, nhưng trong một thời gian nữa thôi, lao động Việt Nam sẽ vượt lên và dẫn đầu về số lao động nước ngoài tại đây”, ông Yasuhiro Mori nói và cho rằng cơ hội để đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại tỉnh còn rất lớn.

Theo ông, tỉnh Shiga hiện có thế mạnh về công nghiệp chế tạo, vì vậy, tỉnh cũng đang tích cực hợp tác với các trường đại học (hiện với Đại học Bách Khoa Hà Nội), cũng như tiếp tục mở rộng hợp tác với các địa phương của Việt Nam để đào tạo nguồn nhân lực.

Đề cập đến định hướng hợp tác trong đào tạo nhân lực chất lượng cao giữa Việt Nam – Nhật Bản trong thời gian tới, bà Nguyễn Thị Thanh Bình, chuyên gia Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cho biết phía Tổng cục sẽ tiếp tục triển khai các dự án ODA với Nhật Bản cũng như mô hình KOSEN (là một hệ thống giáo dục đặc trưng của Nhật Bản trong việc đào tạo ra những kỹ sư thực hành xuất sắc). 

Cùng với đó, đẩy mạnh mạng lưới kết nối giữa doanh nghiệp Nhật Bản với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam; hợp tác nâng cao kỹ năng cho người lao động, tiến tới công nhận kỹ năng nghề giữa hai nước.

“Chúng tôi cũng đề xuất nhanh với Chính phủ Việt Nam tiếp tục tăng cường hợp tác với Chính phủ Nhật Bản trong đào tạo nhân lực chất lượng cao, tiếp tục quan tâm các dự án ODA trong lĩnh vực này; hỗ trợ kết nối cung cầu nhân lực”, bà Thanh kiến nghị.