Đầu tư bất động sản: Bế tắc vì thủ tục
Thủ tục triển khai đầu tư dự án bất động sản đang ngày càng khó khăn
Trong 6 tháng đầu năm nay, số lượng dự án nhà ở thương mại được cấp phép đầu tư mới tại Tp.HCM chỉ có 3 dự án, Hà Nội có 6 dự án, giảm mạnh so với cùng kỳ 2018. Điều này cho thấy thủ tục triển khai đầu tư dự án bất động sản đang ngày càng khó khăn.
Theo đánh giá của Hiệp hội bất động sản Việt Nam, thị trường bất động sản đang diễn biến không được thuận lợi và có phần trầm lắng, nguyên nhân chủ yếu là do các địa phương đẩy mạnh rà soát dự án và chính sách thắt chặt tín dụng bất động sản.
Làm mất cơ hội của các nhà đầu tư
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP Invest, khâu thủ tục hành chính, luật pháp mới là nguyên nhân chủ yếu nhất dẫn tới bế tắc của thị trường.
"Chúng tôi có dự án, thủ tục xong rồi mà giờ khái niệm Luật Đất đai 2014 thay đổi nên coi như phải làm lại từ con số 0. Trong khi thời gian cấp chứng nhận thủ tục đầu tư đến 3 năm mới xong, thủ tục hành chính thì phức tạp vô cùng. Những thủ tục này hiện nay đang rối như một mớ bòng bong khiến doanh nghiệp mệt mỏi. Trong 6 tháng đầu năm, Hà Nội chỉ phê duyệt 6 dự án, cho thấy tình hình căng thẳng như thế nào. Có lúc, chúng tôi chỉ muốn bỏ dự án cho khỏe", ông Hiệp chia sẻ.
Đồng cảnh ngộ, ông Nguyễn Ngọc Thành, Chủ tịch Hội bất động sản Hải Phòng cho biết: "Tôi cũng đã phải làm thủ tục xin điều chỉnh quy hoạch dự án mất 3 năm mới hoàn thành. Lúc nộp hồ sơ, người được giao phụ trách lại phải đi học chứng chỉ, công việc không thể bàn giao cho người khác.
Cán bộ đi học xong lại có đợt thanh kiểm tra, vậy là thời gian điều chỉnh quy hoạch lại kéo dài. Điều đó cho thấy phần nào sự quá tải trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính. Ngoài ra, giữa các bộ luật chưa có sự thống nhất, khi giải quyết thủ tục bị ách tắc, cản trở.
Ví như để xác định chủ đầu tư, trong Luật Đầu tư quy định, chủ đầu tư phải có dự án được chấp thuận đầu tư. Nhưng ngược lại, muốn có dự án thì chủ đầu tư phải có quy hoạch được duyệt. Nhiều chủ đầu tư lập dự án nhưng lại chưa được phê duyệt quy hoạch. Những quy định đan xen, chồng chéo, không phù hợp với thực tế đã làm mất đi cơ hội của các nhà đầu tư".
Chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định
Phân tích rõ hơn về ách tắc thủ tục phê duyệt quy hoạch chi tiết dự án nhà ở thương mại, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Tp.HCM trích dẫn, mặc dù đã có quyết định chủ trương đầu tư của UBND thành phố, nhưng doanh nghiệp không được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, do khoản 7 Điều 19 Luật Quy hoạch đô thị quy định "chủ đầu tư tổ chức lập quy hoạch chi tiết khu vực được giao đầu tư", trong khi khoản (8.a) Điều 33 Luật Đầu tư quy định ghi tên nhà đầu tư trong "Quyết định chủ trương đầu tư" dự án nhà ở đã được giải phóng mặt bằng.
Hay như khoản 4 Điều 30, khoản 1 Điều 31 Luật Quy hoạch đô thị, quy định "Đồ án quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt là cơ sở để cấp giấy phép xây dựng và lập dự án đầu tư xây dựng" và căn cứ khoản (2.d) Điều 28 Luật Xây dựng quy định "Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng được phê duyệt là cơ sở để cấp giấy phép xây dựng và lập dự án đầu tư xây dựng".
Có thể hiểu là, sau khi đã tạo lập được quỹ đất đầu tư và đã có "Quyết định chủ trương đầu tư", thì nhà đầu tư lập và trình duyệt "quy hoạch chi tiết" trước. Nếu không có "quy hoạch chi tiết" được duyệt thì không thể "lập dự án đầu tư xây dựng" và thực hiện thủ tục "công nhận chủ đầu tư" dự án.
Ông Châu cho biết thêm, trong 6 tháng đầu năm 2019, Tp.HCM chỉ có 3 dự án nhà ở thương mại (mới) được Sở Xây dựng đề xuất UBND thành phố công nhận chủ đầu tư, giảm 16 dự án (giảm 84,2%). Sở Xây dựng cũng chỉ đề xuất chấp thuận đầu tư 10 dự án nhà ở thương mại (mới), giảm 46 dự án (giảm 82,2%); chỉ có 24 dự án đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai, giảm 10 dự án (giảm 29,4 so với cùng kỳ năm 2018.
Điều đáng quan tâm là quý 2/2019, không có dự án nhà ở bình dân, vừa túi tiền đưa ra thị trường. "Về tổng thể, thị trường bất động sản thành phố 7 tháng đầu năm 2019 đã sụt giảm mạnh, tác động đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn, rủi ro rất lớn, thậm chí có doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản. Hệ quả là nguồn thu ngân sách nhà nước từ thị trường bất động sản, từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế cũng bị sụt giảm lớn.
Đối với phần lớn người dân thành phố là người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp đô thị, người nhập cư ngày càng khó mua nhà, khó thuê nhà ảnh hưởng đến an sinh xã hội" – ông Châu nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản nhìn nhận: hiện nay, thủ tục phức tạp đang làm cho tiến trình chậm lại, khiến cho cung và cầu bị lệch lạc. Với chủ đầu tư, vướng mắc từ thủ tục hành chính sẽ làm tăng thời gian và chi phí, khiến họ mệt mỏi và nản lòng.
Đáng lo ngại hơn, thủ tục hành chính còn khiến các doanh nghiệp quay lưng với địa phương, làm mất cơ hội phát triển của địa phương. Trong khi đó, với chính quyền địa phương, vướng mắc sẽ làm chậm tiến trình phát triển kinh tế, phát triển đô thị, làm giảm niềm tin của doanh nghiệp.
Ông Đính kiến nghị: "Các quy định của pháp luật phải xây dựng thế nào để đảm bảo tính thông thoáng, tính tự chủ, đặc biệt tạo ra môi trường đầu tư, hành chính tốt nhất cho các doanh nghiệp. Thủ tục hành chính phải rõ ràng, tránh tình trạng nhũng nhiễu hạch sách.
Các văn bản quy phạm pháp luật không nên chồng chéo, mâu thuẫn bởi ngay cả cơ quan nhà nước xử lý cũng rất lúng túng. Ngoài việc chấn chỉnh bộ máy thực thi, phải nâng cao ý thức văn hóa hướng tới việc phục vụ cho cái chung cũng như phải chỉnh sửa cho phù hợp với sự phát triển với nhu cầu hiện nay".