16:26 19/01/2021

Đẩy mạnh chính sách tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Nguyễn Tuấn Anh *

Với ước tính tín dụng cả năm 2020 tăng 11% so với năm 2019, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2021 khoảng 12%.

Đến cuối năm 2020, dư nợ cho vay lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt ước đạt gần 2,2 triệu tỷ đồng
Đến cuối năm 2020, dư nợ cho vay lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt ước đạt gần 2,2 triệu tỷ đồng

Với ước tính tín dụng cả năm 2020 tăng 11% so với năm 2019, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2021 khoảng 12%. Để làm được điều này, Ngân hàng Nhà nước sẽ đẩy mạnh chính sách tín dụng cho các đối tượng là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tín dụng nông nghiệp, nông thôn, tín dụng chính sách xã hội, hướng đến tài chính toàn diện.

Nửa đầu năm 2020, tín dụng tăng chậm, song từ quý II/2020, cầu tín dụng bắt đầu tăng. Cụ thể, đến cuối quý I/2020 tăng trưởng tín dụng chỉ có 1,31%, thì cuối quý II/2020 đã tăng dần lên 3,65%. Đến cuối quý III/2020 tăng 6,08% và đến 21/12 tín dụng đã tăng 10,14%. Tính đến ngày 21/12, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 10,14% so với cuối năm 2019 và tăng 11,62% so cùng kỳ 2019. Dự kiến tín dụng năm 2020 tăng khoảng 11% so với cuối năm 2019. Đây là kết quả tích cực trước bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đối mặt nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19.

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC TÀI CHÍNH TOÀN DIỆN QUỐC GIA 

Thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/1/2020, Thống đốc NHNN đã ban hành Quyết định số 1309/QĐ-NHNN ngày 24/7/2020 về Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó đặt ra yêu cầu, chỉ tiêu và các nhiệm vụ cụ thể để tổ chức triển khai chiến lược của toàn ngành ngân hàng. Theo chiến lược, mọi người dân và doanh nghiệp đều được tiếp cận và sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, do các tổ chức được cấp phép cung ứng một cách có trách nhiệm và bền vững.

Các nhóm nhiệm vụ và giải pháp được ngành ngân hàng chú trọng thực hiện bao gồm: (1) Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tạo môi trường thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu tài chính toàn diện; (2) Phát triển đa dạng các tổ chức cung ứng, kênh phân phối hỗ trợ cho mọi người dân và DN tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản một cách thuận tiện, với chi phí hợp lý; (3) Phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản, hướng đến những đối tượng mục tiêu của tài chính toàn diện; (4) Hoàn thiện và tăng hiệu quả sử dụng cơ sở hạ tầng tài chính, tạo điều kiện giảm phí giao dịch, đáp ứng yêu cầu thúc đẩy tài chính toàn diện; (5) Giáo dục tài chính, nâng cao năng lực và kiến thức tài chính; bảo vệ người tiêu dùng tài chính.

Thực hiện các mục tiêu trên, Ngân hàng Nhà nước đã và đang triển khai nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định về đại lý ngân hàng; về tiền điện tử và tài khoản tiền điện tử cũng như việc cung ứng các sản phẩm, dịch vụ tài chính, nhất là những sản phẩm, dịch vụ dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ số nhằm tạo hành lang pháp lý ổn định, đầy đủ, kịp thời cho các tổ chức cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước luôn có các cơ chế khuyến khích phát triển các dịch vụ tài chính cơ bản cung cấp qua mạng lưới bưu chính công cộng, tạo điều kiện cho mạng lưới bưu chính công cộng hợp tác với các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính, tổ chức công nghệ tài chính phát triển các dịch vụ tài chính số với chi phí thấp phục vụ người dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất kinh doanh và các đối tượng chính sách. 

Ngoài ra, để thực hiện mục tiêu hoàn thiện hạ tầng thanh toán, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo đẩy nhanh việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống thanh toán bù trừ tự động phục vụ cho giao dịch bán lẻ (hệ thống ACH) để sớm đưa vào vận hành, phục vụ cho thanh toán cá nhân và doanh nghiệp tại mọi thời điểm (24/7); cùng với đó, nghiên cứu, xây dựng cơ chế cho hoạt động chuyển mạch tài chính, bù trừ điện tử. 

Bên cạnh những giải pháp trên, Ngân hàng Nhà nước cũng đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính toàn diện, tiếp tục lồng ghép các mục tiêu tài chính toàn diện trong quá trình thực hiện cung ứng vốn vay của ngành ngân hàng cho các chương trình xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh hợp tác về tài chính toàn diện với các quốc gia và tổ chức phát triển quốc tế trong việc thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam, đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền về vai trò và ý nghĩa của tài chính toàn diện.

CHÍNH SÁCH TÍN DỤNG HƯỚNG TỚI NHỮNG ĐỐI TƯỢNG MỤC TIÊU 

"Tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, và các đối tượng chính sách" là một trong những mục tiêu quan trọng của Chiến lược tài chính toàn diện. Thực hiện mục tiêu đó, trong thời gian qua, bên cạnh việc điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, Ngân hàng Nhà nước đã tập trung triển khai nhiều chính sách tín dụng hướng đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như các đối tượng chính sách.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn được triển khai thực hiện từ năm 1999, đến nay đã không ngừng được hoàn thiện với nhiều cơ chế, phù hợp chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước và tình hình thực tiễn với nhiều cơ chế ưu đãi nổi bật như: (1) Nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với cá nhân, hộ gia đình sản xuất nông nghiệp lên tối đa 100 triệu đồng; đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tối đa 3 tỷ đồng; (2) Quy định chính sách tín dụng khuyến khích, thúc đẩy tổ chức sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao (như cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa 70-80% giá trị của dự án liên kết theo chuỗi giá trị); (3) Quy định cơ chế xử lý nợ trong trường hợp rủi ro do nguyên nhân khách quan, thiên tai, dịch bệnh trên phạm vi rộng.

Đến cuối năm 2020, dư nợ cho vay lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt ước đạt gần 2,2 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 7% so với cuối năm 2019, tăng gấp hơn 2 lần so với cuối năm 2016, chiếm tỷ trọng hơn 24% tổng dư nợ tín dụng chung với sự tham gia của gần 85 tổ chức tín dụng và hơn 1.000 Quỹ tín dụng nhân dân.

Ngoài ra, NHNN còn tổ chức triển khai nhiều chương trình tín dụng đặc thù trong lĩnh vực nông nghiệp như: cho vay hỗ trợ lãi suất để tăng cường cơ giới hóa và giảm tổn thất trong nông nghiệp, cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, cho vay phát triển thủy sản, cho vay tái canh cà phê, lúa gạo...; kịp thời thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng trong hoạt động tín dụng, nhất là khách hàng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh (dịch Covid-19, lũ lụt khu vực miền Trung và Tây Nguyên, hạn mặn Đồng bằng sông Cửu Long, dịch tả lợn châu Phi...)...

Đối với khu vực DNNVV, hiện DNNVV được bình đẳng trong tiếp cận vốn như các lĩnh vực khác trong nền kinh tế; khung khổ pháp lý về tiền tệ, ngân hàng, các cơ chế, chính sách tín dụng không ngừng hoàn thiện, tạo thuận lợi cho đối tượng này trong tiếp cận vốn vay và tạo cơ sở pháp lý để các tổ chức tín dụng phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng phù hợp với quy mô, đặc thù hoạt động của DNNVV. Đặc biệt, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng vay nhằm tăng cường khả năng cho vay không có bảo đảm bằng tài sản, đơn giản hóa thủ tục cho vay. Bên cạnh đó, để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19, NHNN đã ban hành các cơ chế như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ; giảm phí thanh toán; chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh triển khai Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp trên địa bàn cả nước, tạo thêm kênh "tiếp vốn" quan trọng, hiệu quả giúp các DN được tiếp cận vốn vay ưu đãi của ngân hàng với lãi suất hợp lý. Nhờ đó, tín dụng đối với lĩnh vực DNNVV cuối năm 2020 ước đạt gần 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 11% so với cuối năm 2019, tăng gấp 1,5 lần so với cuối năm 2016, chiếm tỷ trọng khoảng 20% tổng dư nợ đối với nền kinh tế.

Đối với người nghèo và các đối tượng chính sách, các chương trình tín dụng hướng đến các đối tượng chính sách hay các đối tượng yếu thế trong xã hội đã góp một phần rất quan trọng trong việc thực hiện chiến lược tài chính toàn diện mà Thủ tướng Chính phủ đã đề ra. 

Để thực hiện mục tiêu tách bạch tín dụng chính sách nhà nước và tín dụng thương mại, bên cạnh các chương trình tín dụng do các ngân hàng thương mại đang triển khai thực hiện, các chương trình tín dụng chính sách xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội đã chú trọng nhiệm vụ giảm nghèo nhanh và bền vững, ổn định an ninh chính trị và xây dựng nông thôn mới. Từ 3 chương trình tín dụng khi mới thành lập (năm 2002), đến nay ngân hàng chính sách xã hội đã và đang triển khai thực hiện 20 chương trình tín dụng và một số chương trình, dự án do các địa phương, các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước uỷ thác thực hiện. 

Mạng lưới hoạt động của ngân hàng đã được bao phủ trên toàn quốc với 63 chi nhánh ngân hàng chính sách xã hội tỉnh, thành phố và có tới 10.426 điểm giao dịch xã. Trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay, ngân hàng chính sách xã hội đã cho vay khoảng 10 triệu lượt khách hàng vay vốn, góp phần giúp trên 1,7 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 1,3 triệu lao động; gần 350 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập.... Ước đến cuối năm 2020, tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt hơn 226 nghìn tỷ đồng, tăng 9,4% so với cuối năm 2019, trong đó, dư nợ các chương trình tín dụng theo kế hoạch tăng trưởng được Thủ tướng Chính phủ giao đạt hơn 194 nghìn tỷ đồng, tăng 8% so với cuối năm 2019.

Nguồn vốn cho vay của ngân hàng chính sách xã hội bên cạnh việc phục vụ nhu cầu sản xuất - kinh doanh, tạo việc làm, tạo sinh kế và gia tăng thu nhập, còn phục vụ nhu cầu đời sống, sinh hoạt thiết yếu của các đối tượng chính sách; đáp ứng chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều theo Quyết định 59/2020/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ, góp phần giảm nghèo bền vững.

Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên và sự quyết tâm, nỗ lực của hệ thống tổ chức tín dụng, vốn tín dụng ngân hàng đã cơ bản đáp ứng kịp thời nhu cầu tín dụng của nền kinh tế. Cơ cấu nguồn vốn tín dụng đã chuyển dịch theo hướng tập trung vào các khu vực sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, các chương trình mục tiêu quốc gia theo đúng chủ trương của Chính phủ, góp phần mạnh mẽ thúc đẩy tài chính toàn diện. Nhờ đó, người dân và doanh nghiệp đã dễ dàng, thuận lợi hơn trong tiếp cận vốn tín dụng; cụ thể đến nay có trên 6,5 triệu khách hàng vay vốn tín dụng chính sách, 14 triệu khách hàng thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và trên 202 nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa còn dư nợ tại các tổ chức tín dụng. 

Gần đây nhất, theo báo cáo đánh giá về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới năm 2020, chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam cải thiện và nằm trong nhóm 25 quốc gia có điểm cao nhất, góp phần tích cực vào việc cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam, thể hiện Việt Nam nói chung và ngành ngân hàng nói riêng đã và đang đi đúng hướng trong phát triển tài chính toàn diện.

 DƯ NỢ TÍN DỤNG PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN ĐẠT 25%

Những kết quả tích cực trong thời gian qua là tiền đề để ngành ngân hàng phất đấu đạt các mục tiêu Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đề ra trong thời gian tới. Theo đó, đến cuối năm 2025, dư nợ tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đạt 25%, ít nhất 250.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa có dư nợ tại các tổ chức tín dụng và hoàn thành mục tiêu phục vụ người nghèo, người thu nhập thấp.

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt một số nội dung trọng tâm. Thứ nhất, điều hành tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, ưu tiên tập trung nguồn vốn cho nhu cầu sản xuất - kinh doanh của người dân. Tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.

Thứ hai, chỉ đạo các tổ chức tín dụng: (1) Tiếp tục phối hợp với các địa phương đẩy mạnh kết nối ngân hàng - doanh nghiệp dưới nhiều hình thức khác nhau để kịp thời nắm bắt và xử lý khó khăn cho khách hàng vay vốn; (2) phát triển đa dạng sản phẩm tín dụng ngân hàng đáp ứng nhu cầu vốn hợp pháp của doanh nghiệp, người dân, góp phần hạn chế "tín dụng đen"; (3) tiếp tục đơn giản hóa các quy trình, thủ tục nội bộ để tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp trong tiếp cận vốn tín dụng.

Thứ ba, tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 có thể kéo dài và tiếp tục tác động tiêu cực đến kinh tế, thương mại trong nước.

Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh cho vay nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55, 116 của Chính phủ; tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh; ban hành văn bản hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương xử lý đề nghị khoanh nợ theo quy định tại Nghị định 55 và Nghị định 116.

Thứ năm, tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ quy định tại Luật Hỗ trợ, trong đó có các chính sách hỗ trợ tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua các loại hình quỹ như Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.

Thứ sáu, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho ngân hàng chính sách xã hội trong việc triển khai cho vay các chương trình tín dụng chính sách; đẩy mạnh triển khai thí điểm đề án tín dụng tiêu dùng tại các địa phương nhằm phục vụ nhu cầu đời sống hợp pháp của hộ nghèo và các đối tượng chính sách.

Thứ bảy, tiếp tục lồng ghép các mục tiêu tài chính toàn diện trong quá trình cung ứng vốn vay của ngành ngân hàng góp phần thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Thứ tám, tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chính sách về tín dụng nông nghiệp, nông thôn, các chương trình tín dụng chính sách để chuyển tải vốn đến người dân, doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất.

(*) Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN Việt Nam