Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi)
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội rà soát, nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ hơn, đặc biệt là với những nội dung mới chưa có quy định pháp luật điều chỉnh, bảo đảm không mâu thuẫn, chồng chéo với các quy định pháp luật liên quan; hướng tới phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, nâng cao chất lượng lao động có kỹ năng nghề...
Liên quan đến Luật Việc làm (sửa đổi), tại Nghị quyết số 16 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 1/2023, Chính phủ thống nhất sự cần thiết lập Đề nghị xây dựng Luật Việc làm.
Việc này nhằm thể chế hóa cụ thể hơn đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, hỗ trợ phát triển thị trường lao động, cải cách chính sách bảo hiểm thất nghiệp phù hợp với điều kiện, yêu cầu của thời kỳ mới. Cùng với đó để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các quy định tại các luật liên quan, cũng như hướng tới giải quyết hiệu quả các vướng mắc của thực tiễn.
Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trên cơ sở tổng kết việc thi hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực việc làm, cần đánh giá, nghiên cứu toàn diện, kỹ lưỡng hơn về kết quả đạt được, các hạn chế, bất cập, nguyên nhân và phân tích đầy đủ các căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn để bảo đảm sự hợp pháp, khả thi của những giải pháp được đề xuất tại các nhóm chính sách.
Chính phủ cơ bản thống nhất với mục tiêu của 4 nhóm chính sách thể hiện tại Đề nghị xây dựng Luật. Tuy nhiên, cần rà soát, nghiên cứu tập trung và đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn đối với một số giải pháp trọng tâm, thực sự cần thiết, đặc biệt là nội dung mới mà chưa có quy định pháp luật điều chỉnh để giải quyết vướng mắc thực tiễn, bảo đảm không mâu thuẫn, chồng chéo với các quy định pháp luật liên quan.
Đồng thời, để phù hợp với các quy định, tiêu chuẩn quốc tế, hướng tới phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, nâng cao chất lượng lao động có kỹ năng nghề, đáp ứng yêu cầu thực tiễn về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đất nước trong tình hình mới.
Đối với các quy định về các loại quỹ cần phân tích, đánh giá kỹ lưỡng sự cần thiết thành lập mỗi loại quỹ, làm rõ hơn mô hình hoạt động và cơ chế huy động nguồn vốn là quỹ tài chính ngoài ngân sách có sự hỗ trợ của Nhà nước, hay quỹ ngoài ngân sách thực hiện cơ chế xã hội hóa; tác động của các quỹ này với các cơ chế tài chính hiện hành, đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan, bảo đảm tính linh hoạt trong việc điều hành chính sách của Chính phủ.
Chính phủ cũng yêu trong quá trình hoàn thiện các chính sách của Đề nghị xây dựng Luật, cơ quan chủ trì soạn thảo cần tập trung thời gian, nguồn lực để tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng liên quan, nhà khoa học, chuyên gia, các cơ quan, tổ chức có liên quan, thực hiện tốt công tác truyền thông, lấy ý kiến nhân dân để tạo sự đồng thuận.
Trước đó, tại phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng chính sách, pháp luật tháng 1/2023 ngày 2/2, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Luật Việc làm (sửa đổi) sẽ tập trung vào 4 nhóm chính sách lớn.
Trong đó, nhóm chính sách về quản trị thị trường lao động, Luật sửa đổi sẽ tập trung vào các nội dung về phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động đồng bộ, thống nhất; nâng cao năng lực thu thập, phân tích, dự báo thị trường lao động; nâng cao chất lượng dịch vụ việc làm (công và tư)…
Với nhóm chính sách về hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp là công cụ quản trị thị trường lao động, Luật sẽ bổ sung, mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp; hỗ trợ người sử dụng lao động để duy trì việc làm cho người lao động, phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp…
Bên cạnh đó, Luật cũng sẽ tập trung vào nhóm chính sách về phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững.
Theo lãnh đạo Bộ, Luật việc làm (sửa đổi) sẽ điều chỉnh các chính sách lao động, việc làm đến toàn bộ lực lượng lao động, bao gồm đối tượng lao động có giao kết hợp đồng lao động và không có hợp đồng lao động. Luật cũng sẽ là cơ sở quan trọng để xây dựng các chính sách hỗ trợ người lao động, giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ học nghề và thúc đẩy việc làm theo hướng bền vững.
Bộ sẽ phối hợp với Ủy ban Xã hội, Ủy ban Pháp luật hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi) và xây dựng Hồ sơ dự án Luật Việc làm (sửa đổi) sau khi được Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.