Đề nghị ngân sách Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho người cao tuổi
Đại biểu Thạch Phước Bình, đoàn tỉnh Trà Vinh cho biết cả nước hiện còn khoảng 2,4 triệu người cao tuổi chưa có bảo hiểm y tế. Nhiều người có thu nhập thấp. Do đó, việc hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho nhóm này sẽ giúp giảm áp lực tài chính cho họ, và đảm bảo an sinh xã hội...
Thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế chiều 31/10, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị mở rộng thêm các đối tượng được hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế để đảm bảo an sinh xã hội.
CÒN KHOẢNG 2,4 TRIỆU NGƯỜI CAO TUỔI CHƯA CÓ BẢO HIỂM Y TẾ
Quan tâm đến việc mở rộng đối tượng được ngân sách Nhà nước đóng và hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế, đại biểu Thạch Phước Bình, đoàn tỉnh Trà Vinh, dẫn chứng theo kinh nghiệm của các nước như: Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, và nhiều quốc gia khác trên thế giới, cho thấy việc ngân sách Nhà nước đóng, hoặc hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế là hết sức cần thiết để mở rộng diện bao phủ, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân, đặc biệt với nhóm dân cư có thu nhập thấp và khu vực phi chính thức.
Từ đó, ngoài các đối tượng đã được quy định tại Nghị định 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, đại biểu đề xuất bổ sung thêm 3 nhóm đối tượng được hỗ trợ mức đóng.
Nhóm thứ nhất là nhóm người cao tuổi từ đủ 60 tuổi đến dưới 80 tuổi; từ đủ 60 đến dưới 75 tuổi theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2024.
Đại biểu Thạch Phước Bình cho biết toàn quốc hiện có khoảng 17 triệu người cao tuổi, trong đó khoảng 14,6 triệu người đã tham gia bảo hiểm y tế thuộc các đối tượng theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế. Như vậy, còn 2,4 triệu người cao tuổi trong nhóm này chưa tham gia bảo hiểm y tế.
“Nhiều người có thu nhập thấp, thậm chí rất thấp và rất cần sự hỗ trợ y tế. Do đó, việc hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế cho nhóm này sẽ giúp giảm áp lực tài chính cho họ, đảm bảo an sinh xã hội”, đại biểu Thạch Phước Bình cho hay.
Nhóm thứ hai là người thoát nghèo. Theo đại biểu, hằng năm cả nước có khoảng 300 nghìn người thoát nghèo, song khoảng một nửa trong số này còn gặp khó khăn về tài chính.
“Vì vậy, việc đề xuất ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế ít nhất từ 50 – 70% cho họ trong 3 – 5 năm đầu sau khi thoát nghèo là hết sức phù hợp, nhằm tránh tái nghèo do chi phí y tế quá cao”, đại biểu tỉnh Trà Vinh nhận định.
Nhóm thứ ba là người đạt danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú. Theo đại biểu, thực tế cho thấy cả nước hiện có khoảng 2.500 người thuộc các đối tượng này, đa phần họ còn gặp khó khăn trong việc duy trì thu nhập ổn định và chi phí y tế cao khi tuổi già, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
CÂN ĐỐI NGUỒN LỰC QUỸ BẢO HIỂM Y TẾ ĐỂ HỖ TRỢ CHO CÁC ĐỐI TƯỢNG
Nhất trí với dự thảo Luật đã bổ sung nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế để phù hợp với các Luật vừa ban hành, và bảo đảm an sinh xã hội, song đại biểu Chu Thị Hồng Thái, đoàn tỉnh Lạng Sơn, đề nghị nghiên cứu, xem xét bổ sung thêm đối tượng là người cư trú tại các xã biên giới.
Theo đại biểu Chu Thị Hồng Thái, người dân khu vực biên giới cần có chính sách bền vững, mang tính đặc thù, mặc dù được lồng ghép với các chính sách khác nhưng khi những chính sách đó không còn nữa, thì người dân khu vực biên giới cũng không còn được hưởng.
Đại biểu tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh muốn phát triển kinh tế - xã hội, khu vực biên giới cần phải có người dân sinh sống và cùng phát triển. Tuy nhiên, để thu hút người dân tự nguyện đến định cư, sinh sống tại các khu biên giới đất liền, thì ngoài việc bố trí nơi ở, nơi sản xuất, cần có chính sách an sinh xã hội lâu dài, ổn định, tác động trực tiếp đến lợi ích của người dân để họ yên tâm công tác, lao động, sản xuất.
Trong đó, chính sách về bảo hiểm y tế là thiết thực, tác động trực tiếp đến đời sống của người dân, cũng là mong muốn của người dân khu vực biên giới nhiều năm qua.
“Tôi cho rằng đây là nguyện vọng chính đáng mà mỗi người dân biên giới, cũng chính là “một cột mốc sống” xứng đáng được hưởng. Không chỉ hộ nghèo, hộ làm nông nghiệp, không chỉ hộ đồng bào dân tộc thiểu số, mà rất cần thu hút được các hộ sản xuất kinh doanh, thương nhân đến phát triển khu vực biên giới. Như vậy các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về khu vực biên giới đất liền mới có thể đạt được các mục tiêu đã đề ra”, nữ đại biểu tỉnh Lạng Sơn cho hay.
Cũng quan tâm về nội dung này, đại biểu Trần Quang Minh, đoàn tỉnh Quảng Bình đề nghị bổ sung đối tượng cựu thanh niên xung phong tham gia khắc phục chiến tranh xây dựng kinh tế sau năm 1975, vào nhóm đối tượng được ngân sách Nhà nước đóng bảo hiểm y tế.
Đại biểu Trần Quang Minh cho biết hiện nay Luật Bảo hiểm y tế quy định đối tượng cựu thanh niên xung phong trước năm 1975 và cựu thanh niên xung phong sau năm 1975 tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào được ngân sách Nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế.
Tuy nhiên, đối với cựu thanh niên xung phong sau năm 1975 tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng kinh tế vùng khó khăn, chưa được ngân sách Nhà nước đóng, hoặc hỗ trợ mức đóng.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị bổ sung đối tượng là hộ gia đình ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 70% mức đóng bảo hiểm y tế.
Lý do người dân tại các xã này vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong đời sống kinh tế. Trong khi giai đoạn 2020 - 2022 bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid - 19, các chính sách, quy định về chuẩn hộ nghèo thay đổi và tăng lương cơ sở dẫn đến tăng mức đóng bảo hiểm y tế.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn tỉnh Hải Dương, cũng đánh giá việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế như dự thảo Luật cơ bản phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của cử tri, là một trong những chính sách an sinh cơ bản mang tính nhân văn sâu sắc.
Vì vậy, đại biểu cho rằng Nhà nước luôn cần hỗ trợ cho nhân dân ở mức tối đa có thể. Tuy nhiên, cần có sự cân đối nguồn lực của ngân sách và Quỹ Bảo hiểm y tế.