15:24 27/02/2023

Đề xuất bổ sung đối tượng chịu thuế VAT, tránh thiệt hại cho doanh nghiệp và người dùng

Hoàng Lan

Luật thuế giá trị gia tăng hiện hành quy định một số nhóm dịch vụ công ích và ngoài công ích thuộc đối tượng không chịu thuế suất VAT nhưng chi phí đầu vào lại bị khấu trừ VAT. Bộ Tài chính cho rằng cần phải sửa đổi quy định này...

Bộ Tài chính cho biết nhiều doanh nghiệp chịu thiệt vì không thuộc đối tượng chịu VAT.
Bộ Tài chính cho biết nhiều doanh nghiệp chịu thiệt vì không thuộc đối tượng chịu VAT.

Theo đề nghị xây dựng dự án Luật thuế giá trị gia tăng sửa đổi, Bộ Tài chính đề xuất nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 5 Luật thuế giá trị gia tăng để thu hẹp đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (chuyển một số hàng hóa, dịch vụ sang đối tượng chịu thuế 5% hoặc 10%); nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Điều 8 Luật thuế giá trị gia tăng (để thu hẹp đối tượng chịu thuế 5% (chuyển một số dịch vụ sang đối tượng chịu thuế 10%).

Luật thuế giá trị gia tăng hiện hành quy định một số nhóm dịch vụ công ích (như: dịch vụ bưu chính, viễn thông công ích và internet phổ cập, dịch vụ duy trì vườn thú, vườn hoa, công viên, cây xanh đường phố, chiếu sáng công cộng;…) thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.

Tuy nhiên, quá trình toàn cầu hoá và xã hội hoá đang diễn ra phổ biến và nhiều lĩnh vực dịch vụ công ích đang có xu hướng chuyển sang xã hội hóa ngày càng nhiều. Các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đều đã tham gia cung cấp các nhóm dịch vụ công nêu trên.

Bộ Tài chính cho biết, việc quy định các dịch vụ công đã được xã hội hóa thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng không còn phù hợp. Vì thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng nên thuế giá trị gia tăng đầu vào của số vốn đầu tư đưa vào kinh doanh dịch vụ sẽ không được khấu trừ, hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào.

Theo đó, để khắc phục bất cập này, Bộ Tài chính thấy cần thiết nghiên cứu, sửa đổi để thu hẹp đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với các dịch vụ công đã được xã hội hóa.

Về đối tượng chịu thuế 5%, Bộ Tài chính thông tin: Qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế (số liệu thống kê của IMF), đa số các nước (47,6%) áp dụng thuế giá trị gia tăng có biểu thuế suất gồm một mức (không tính mức thuế suất 0% cho hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu); 31,7% số nước áp dụng biểu thuế suất thuế giá trị gia tăng với hai mức thuế suất và số còn lại là nhiều hơn hai mức. Phần lớn các nước châu Á, đặc biệt là các nước ASEAN, chỉ áp dụng một mức thuế suất ngoài mức thuế suất 0%.

Theo đó, để phù hợp với xu hướng phát triển của quốc tế và nhằm thực hiện mục tiêu tiến tới áp dụng một mức thuế suất thuế VAT theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế, cần thiết rà soát để thu hẹp đối tượng chịu thuế VAT với mức thuế suất 5%.

Luật thuế giá trị gia tăng hiện hành quy định một số nhóm dịch vụ công (như hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao; biểu diễn nghệ thuật; sản xuất phim; nhập khẩu, phát hành và chiếu phim;…) thuộc đối tượng chịu VAT 5% (ưu đãi hơn mức thuế suất phổ biến 10%). Tuy nhiên, các dịch vụ công này đã và đang tiếp tục được xã hội hóa mạnh mẽ.

Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất nghiên cứu sửa đổi quy định áp dụng thuế suất ưu đãi 5% đối với các dịch vụ công đã được xã hội hóa.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp (như: phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng cho nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ;...) thuộc đối tượng không chịu thuế VAT gặp khó khăn do không được kê khai, khấu trừ thuế VAT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ (bao gồm cả hoạt động đầu tư, mua sắm tài sản cố định phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh) mà phải tính vào chi phí sản phẩm, khiến giá thành tăng và lợi nhuận giảm; bất lợi trong cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu cùng loại.

Do không được khấu trừ thuế VAT đầu vào nên không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, mua sắm, sửa chữa, nâng cấp tài sản cố định để tạo ra sản phẩm chất lượng cao.

Vì vậy, Bộ Tài chính cũng đề xuất điều chỉnh bổ sung đối tượng chịu thuế VAT thuộc lĩnh vực nông nghiệp.