Đề xuất mọi phương tiện ngành hàng không sẽ dần chuyển sang chạy bằng điện
Hàng loạt nội dung mới được bổ sung vào dự thảo Thông tư quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động hàng không dân dụng. Đáng chú ý, doanh nghiệp ngành hàng không phải có kế hoạch chuyển đổi sang phương tiện sử dụng điện và phát triển kết cấu hạ tầng phù hợp phương tiện mới...
Cục Hàng không Việt Nam đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động hàng không dân dụng. Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động hàng không dân dụng tại Việt Nam.
Thông tư này sẽ thay thế Thông tư số 53/2012/TT-BGTVT ngày 25/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động hàng không dân dụng.
Hàng loạt nội dung mới được bổ sung vào Thông tư so với quy định hiện hành như người khai thác cảng hàng không, sân bay bắt buộc phải xây dựng hệ thống quản lý môi trường (EMS), thay vì hình thức khuyến khích nghiên cứu, đầu tư áp hệ thống này như hiện nay.
Hệ thống Quản lý Môi trường (EMS) là một tập hợp các nguyên tắc quản lý nhằm xác định, đánh giá, giám sát và giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường của các hoạt động của một tổ chức. Hệ thống EMS mang lại lợi ích cho tổ chức bằng cách đưa ra cách tiếp cận có hệ thống để đánh giá và kiểm soát các hoạt động đang diễn ra, nâng cao nhận thức về môi trường và tuân thủ các quy định có liên quan. Cùng với đó bảo vệ môi trường bằng cách ngăn ngừa hoặc giảm thiểu các tác động xấu đến môi trường, tăng cường kiểm soát môi trường.
Tại dự thảo cũng bổ sung quy định liên quan đến bảo vệ môi trường tại cảng hàng không, sân bay. Điều 6 dự thảo nêu rõ: “Doanh nghiệp cảng hàng không sân bay, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không sân bay phải thực hiện đánh giá tác động môi trường theo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường”.
Cùng với đó, "doanh nghiệp cảng hàng không sân bay, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay phải được cấp Giấy phép môi trường hoặc đăng ký môi trường theo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường", dự thảo đề cập.
Về hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường tại cảng hàng không, sân bay, dự thảo bổ sung về hệ thống thu gom, thoát nước mưa; tường cách âm giảm thiểu tiếng ồn tại khu vực thử động cơ tàu bay; diện tích cây xanh bảo đảm tỷ lệ theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Về quản lý tiếng ồn tại cảng hàng không, sân bay, dự thảo bổ sung thêm quy định về việc người khai thác tàu bay có trách nhiệm tối ưu thời gian khởi hành, thời gian cất cánh nhằm giảm thiểu thời gian tàu bay nổ máy chờ trên bãi đỗ, đường lăn, đường cất hạ cánh.
Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đảm bảo hoạt động bay có trách nhiệm tối ưu hóa đường bay, phương thức bay nhằm hạn chế thời gian bay, đặc biệt là hạn chế tối đa hoạt động của tàu bay trên khu vực đông dân cư.
Cùng với đó, dự thảo cũng bổ sung quy định mới về sử dụng nhiên liệu sạch đối với các phương tiện, thiết bị tại cảng hàng không, sân bay.
Cục Hàng không cũng cần hoàn thiện chính sách ưu tiên phát triển hạ tầng, quy hoạch hệ thống trạm sạc điện cho phương tiện mặt đất.
Cục Hàng không Việt Nam, các doanh nghiệp hoạt động tại cảng hàng không, sân bay có trách nhiệm chuyển đổi số, phục vụ quản lý phương tiện, sử dụng năng lượng, tiêu thụ nhiên liệu và phát thải ngành hàng không từ năm 2025.
Dự thảo cũng khuyến khích đầu tư mới các phương tiện hoạt động trong cảng hàng không, sân bay sử dụng năng lượng điện hoặc các năng lượng xanh, sạch khác.
Được biết, Điều 19 dự thảo Thông tư quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động hàng không dân dụng quy định: "Theo đó, tất cả các doanh nghiệp hoạt động trong ngành hàng không phải có kế hoạch chuyển đổi từ phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang phương tiện sử dụng điện. Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm rà soát, điều chỉnh các quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng hàng không phù hợp với các phương tiện sử dụng năng lượng sạch và công nghệ mới".