09:00 12/07/2022

Phát triển thị trường hàng không bền vững

Jacqueline Lam (*) và Michael Nguyen (**)

Việc trở lại cuộc sống bình thường đặt ra nhu cầu cấp thiết phải phát triển ngành hàng không vũ trụ bền vững cho tương lai của tất cả các bên...

Năm 2050 thế giới sẽ chứng kiến ngành du lịch hàng không đạt hơn 10 tỷ lượt khách mỗi năm, tạo ra khoảng 180 triệu việc làm và thu về gần 9.000 tỷ USD từ các hoạt động kinh tế.
Năm 2050 thế giới sẽ chứng kiến ngành du lịch hàng không đạt hơn 10 tỷ lượt khách mỗi năm, tạo ra khoảng 180 triệu việc làm và thu về gần 9.000 tỷ USD từ các hoạt động kinh tế.

Mới đây, Việt Nam đã bắt đầu khôi phục lại các hoạt động đón khách du lịch quốc tế và khôi phục đường bay như giai đoạn trước đại dịch. Việt Nam cũng đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng và thách thức cho ngành du lịch, trước mắt dự kiến đạt được 65 triệu lượt du khách nội địa và 5 triệu lượt du khách quốc tế cho đến cuối năm 2022.

TỐC ĐỘ PHỤC HỒI THỊ TRƯỜNG NỘI ĐỊA NHANH NHẤT THẾ GIỚI

Thị trường hàng không Việt Nam đang trên đà phát triển vượt trội trong khu vực Đông Nam Á với cơ sở hạ tầng du lịch vững chắc. Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội sở hữu vị trí đắc địa, cách 17 quốc gia khác chỉ khoảng 4-5 giờ bay.

Trong vòng 10 năm gần đây, ngành hàng không Việt Nam có sự tăng trưởng vượt trội so với các ngành khác và xuất hiện thêm nhiều hãng bay mới. Lợi thế dân số đông cùng với sự bùng nổ của tầng lớp trung lưu, xu hướng hội nhập giao thương quốc tế và cơ sở sản xuất lớn mạnh là những yếu tố then chốt đảm bảo sự phát triển vững chắc của ngành hàng không Việt Nam. Theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phục hồi thị trường hàng không nội địa nhanh nhất thế giới.

Những năm gần đây, việc phổ biến, nâng cao nhận thức của cộng đồng và xã hội Việt Nam về tính bền vững, điển hình là sự phát triển bền vững, đã trở thành một phần trong chương trình nghị sự quản lý nhà nước. Đáng biểu dương là kế hoạch Hành động quốc gia của Chính phủ nhằm phủ sóng chương trình nghị sự phát triển bền vững ở Việt Nam với các mục tiêu đã được hoạch định rõ ràng cho giai đoạn 2021-2030.

Gần đây, Việt Nam đã chính thức phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh - tầm nhìn đến 2050 đạt mức phát thải ròng bằng 0. Những nỗ lực này đã được ghi nhận. Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) xếp Việt Nam vào một trong ba quốc gia có tốc độ thực thi các mục tiêu phát triển bền vững nhanh nhất thế giới. Điều đáng lưu ý là Việt Nam cũng đưa ra cam kết khắc phục biến đổi khí hậu tại Hội nghị về biến đổi khí hậu Liên hợp quốc (COP26).

Đến năm 2050 thế giới sẽ chứng kiến ngành du lịch hàng không đạt hơn 10 tỷ lượt khách mỗi năm, tạo ra khoảng 180 triệu việc làm và thu về gần 9.000 tỷ USD từ các hoạt động kinh tế, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực đến con người và Trái Đất (nguồn: Nhóm Hành động vận tải hàng không). Châu Á - Thái Bình Dương và Đông Nam Á cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng này.

Đối với Boeing, cốt lõi của sự bền vững là việc đáp ứng nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai. Làm thế nào để vẫn phát triển bền vững ngành hàng không trong khi giảm thiểu tác động đến Trái Đất?

PHƯƠNG THỨC TIẾP CẬN MỚI

Điều này đòi hỏi một phương thức tiếp cận đa khía cạnh và hợp tác trên toàn cầu nhằm giúp ngành hàng không khử carbon trong khi vẫn đảm bảo lợi ích kinh tế và xã hội của hàng không vũ trụ cho mọi người. Hàng không vũ trụ an toàn và bền vững có ý nghĩa quan trọng đối với mỗi khách hàng, cộng đồng và toàn thể nhân viên của Boeing tại Việt Nam và trên khắp thế giới. Với mong muốn bảo vệ, kết nối và khám phá thế giới một cách an toàn và bền vững, Boeing đang chú trọng hợp tác trên toàn ngành để đạt được mức phát thải ròng về 0 của thị trường du lịch hàng không thương mại đến năm 2050.

Boeing đã đưa ra chiến lược khử carbon phù hợp với cách tiếp cận của ngành, tập trung vào việc đổi mới đội bay, nâng cao hiệu suất hoạt động, chuyển đổi sử dụng năng lượng tái tạo, đặc biệt là nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) và áp dụng công nghệ tiên tiến.

Tiết kiệm nhiên liệu là lĩnh vực được áp dụng chuyên môn kỹ thuật hàng đầu của Boeing và đang tạo ra những tác động đáng kể. Mỗi thế hệ máy bay mới giảm từ 15% đến 25% lượng nhiên liệu tiêu thụ cũng như khí thải. Trong 10 năm qua, Boeing cũng đã đầu tư hơn 60 tỷ USD vào các lĩnh vực chiến lược trọng yếu, bao gồm các công nghệ đổi mới như luồng kỹ thuật số, vật liệu composite carbon, thiết kế động cơ tỷ suất đốt cao, và các cải tiến khí động học khác nhằm cải thiện hiệu quả môi trường. Trong thời gian đại dịch, nhằm tối ưu hóa đội bay, nhiều khách hàng của chúng tôi đã nhanh chóng thải hồi các máy bay đời cũ và thay bằng những mẫu máy bay mới và hiệu quả nhất.

Đa dạng hóa quan hệ đối tác là trọng tâm của nhiều lĩnh vực đầy triển vọng góp phần cho sự bền vững của ngành hàng không. Ví dụ, sự hợp tác trong toàn ngành để tăng hiệu suất khai thác mạng lưới có thể làm giảm đến 10% lượng phát thải chung (nguồn: Eurocontrol). Do đó, Boeing đã và đang tiếp tục hợp tác cùng các hãng hàng không, cơ quan chính phủ, các nhà cung cấp dịch vụ điều hướng hàng không và cảng hàng không nhằm cải thiện hiệu suất hoạt động. Chúng tôi cũng phát triển các dịch vụ có thể tận dụng dữ liệu để tiết kiệm nhiên liệu, giúp khách hàng tối ưu hóa kế hoạch bay và cung cấp thông tin thời tiết và không lưu theo thời gian thực cho phi công.

Chúng tôi cũng đã thiết lập các quan hệ đối tác trọng yếu trên toàn thế giới để hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Sản phẩm của Boeing có thể sử dụng năng lượng tái tạo bao gồm SAF, hydro xanh hoặc pin. Pin điện và hydro xanh đều có tiềm năng lớn trong tương lai nhưng vẫn cần đầu tư và phát triển hơn nữa, do vậy chúng tôi coi đó là những giải pháp trung và dài hạn. Boeing cũng tham gia vào các cuộc trình diễn và hợp tác phát triển công nghệ hydro và điện để định hình lại tương lai của ngành hàng không.

Kế hoạch trước mắt của chúng tôi là đặt trọng tâm vào SAF. Ngày nay, SAF được chấp nhận rộng rãi như nhiên liệu thay thế cho nhiên liệu máy bay thông thường nhưng lượng khí carbon thải ra lại thấp hơn đáng kể. Hiện SAF đang được sử dụng thường xuyên và hứa hẹn mang lại tiềm năng tức thời và lớn nhất nhằm giảm thiểu carbon ở mọi phân khúc hàng không trong vòng từ 20 đến 30 năm tới.

ĐẨY MẠNH HỢP TÁC VỚI VIỆT NAM

Việt Nam là quốc gia nhập khẩu tịnh năng lượng, do vậy nhiên liệu hàng không bền vững có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Boeing là công ty tiên phong hiện thực hóa nhiên liệu hàng không bền vững thông qua hợp tác toàn cầu với các hãng hàng không, các ngành công nghiệp, chính phủ và các tổ chức nghiên cứu giúp mở rộng nguồn cung hạn chế và giảm chi phí nhiên liệu. Năm ngoái, Boeing cũng công bố rằng các máy bay thương mại của hãng sẽ có khả năng cũng như được chứng nhận bay bằng 100% SAF vào năm 2030.

Chúng tôi đã công bố hợp tác với Sky NRG để mở rộng phạm vi cung cấp và sử dụng SAF trên toàn cầu, đồng thời đầu tư vào dự án sản xuất SAF của SkyNRG Americas. Chúng tôi cũng là thành viên sáng lập của Liên minh First Movers Coalition, hợp tác với các công ty hàng đầu trong nhiều lĩnh vực khác để đẩy nhanh sự phát triển của các công nghệ mới có khả năng giảm lượng khí thải, trong đó Boeing tập trung mở rộng quy mô và sử dụng SAF. Đồng thời, chúng tôi cũng hỗ trợ Liên minh người mua năng lượng hàng không bền vững (SABA) ra mắt Aviators Group và tuyên bố đầy tham vọng Clean Skies for Tomorrow 2030 của WEF về SAF.

Trọng tâm của chúng tôi là tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, thông qua việc “gieo trồng hạt giống” từ nhiều thập kỷ trước, khi máy bay Boeing lần đầu tiên được đưa vào hoạt động trên bầu trời Việt Nam. Kể từ đó, chúng tôi không ngừng nỗ lực phát triển và củng cố năng lực hàng không vũ trụ của Việt Nam. Các khoản đầu tư của Boeing tại Việt Nam đã giúp phát triển ngành hàng không vũ trụ bản địa, tạo công ăn việc làm và thúc đẩy sự đổi mới. Cũng như các lĩnh vực khác, Boeing cam kết đổi mới và hợp tác vì sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Gần đây, chúng tôi đã hợp tác với Tổ chức Nghiên cứu khoa học và công nghiệp Liên bang Úc (CSIRO) và Trung tâm Vũ trụ quốc gia Việt Nam (VNSC) để giúp xây dựng nền tảng kỹ thuật phân tích dữ liệu vệ tinh phục vụ công tác giám sát môi trường và nông nghiệp bền vững. Đây là bước đầu tiên và vẫn còn nhiều việc phải làm. Chỉ có thông qua hợp tác chúng ta mới có thể đảm bảo một tương lai bền vững cho ngành hàng không Việt Nam và thế giới.

-------

(*) Trưởng khu vực Đông Nam Á, Chính sách Bền vững toàn cầu và quan hệ đối tác, Boeing International.

(**) Giám đốc Quốc gia Boeing Việt Nam.