06:00 17/08/2022

Qua những ngày “u ám”, lợi nhuận ngành hàng không hứa hẹn hồi phục hoàn toàn cuối năm 2023

Ánh Tuyết

Những mảng sáng – tối, may – rủi đan xen nửa đầu năm thể hiện ở sự phục hồi không đồng đều trong chuỗi cung ứng ngành hàng không. Dù vậy, nối tiếp đà phục hồi, sản lượng khách nội địa được dự báo tăng vượt kỳ vọng cuối năm 2022 và lượng khách quốc tế phục hồi hoàn toàn cuối năm 2023, giúp cho lợi nhuận toàn ngành sẽ bật tăng...

 Nửa cuối năm, tăng trưởng lợi nhuận của ngành hàng không dự báo sẽ cao hơn nửa đầu năm.
Nửa cuối năm, tăng trưởng lợi nhuận của ngành hàng không dự báo sẽ cao hơn nửa đầu năm.

7 tháng đầu năm 2022, tổng thị trường hành khách đạt 35,3 triệu khách, tăng mạnh mẽ so với cùng kỳ. Tính riêng tháng 7 vừa qua, theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không của Việt Nam đạt gần 12 triệu lượt hành khách.

Trong đó, sản lượng khách trên các chuyến bay nội địa đạt hơn 10,5 triệu lượt hành khách, tăng bùng nổ 40,3% so với cao điểm tháng hè thời điểm trước dịch, thế nhưng hai trong ba hãng hàng không lớn nhất Việt Nam vẫn ngập sâu trong thua lỗ.

KHÓ KHĂN VẪN HIỂN HIỆN, HÃNG BAY "TRẦY TRẬT" GIẢM LỖ

Báo cáo mới công bố cho thấy, nửa đầu năm 2022, Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO) đạt gần 9,5 triệu lượt khách, tăng 24,6% so với kế hoạch báo cáo Đại hội cổ đông năm 2022. Lượng khách tăng cao là tác nhân chính giúp Tổng công ty đạt doanh thu thuần hơn 18.300 tỷ đồng vào quý 2, gấp 2,8 lần cùng kỳ. Lỗ gộp được cải thiện và giảm gần 9 lần so với cùng kỳ, tương ứng lỗ 377 tỷ.

Tuy nhiên, do chi phí tài chính tăng mạnh 172% lên 1.100 tỷ đồng, phần lớn lỗ do chênh lệch tỷ giá (841 tỷ) và lãi tiền vay (262 tỷ). Đồng thời, chi phí bán hàng tăng gấp đôi lên 659 tỷ đồng. Do đó, Vietnam Airlines lỗ ròng gần 2.600 tỷ đồng trong quý 2, giảm lỗ gần 2.000 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Kết quả, 6 tháng đầu năm, “anh cả” ngành hàng không ghi nhận doanh thu thuần gần 30.000 tỷ đồng, tăng mạnh 114% nhưng báo lỗ gần 5.200 tỷ đồng, giảm lỗ 3.400 tỷ đồng so với cùng kỳ.

 

Đây cũng là quý thứ 10 liên tiếp Vietnam Airlines chìm trong thua lỗ kể từ khi đại dịch bùng phát, nâng mức lỗ lũy kế lên gần 29.000 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm hơn 4.900 tỷ đồng. Trong khi đó, các công ty con như Skypec, Vaeco, Viags… đều kinh doanh có lãi.

Theo Vietnam Airlines, kết quả giảm lỗ nhờ thị trường hàng không nội địa phục hồi mạnh sau khi Chính phủ thực hiện chính sách mở cửa.

Tuy nhiên, loạt khó khăn khiến Vietnam Airlines chưa thể thoát lỗ do giá nhiên liệu bay tăng cao đột biến do mức giá nhiên liệu bình quân cao gấp đôi cùng kỳ, khiến tổng chi phí quý 2 công ty mẹ tăng gần 75%, tương đương tăng 6.400 tỷ đồng. Cùng với đó, thị trường quốc tế phục hồi chưa đạt kỳ vọng.

Còn tại hãng hàng không Tre Việt, trong Đại hội cổ đông bất thường của Tập đoàn FLC đầu tháng 7 vừa qua, lãnh đạo Bamboo Airways, cho biết tín hiệu đáng mừng là doanh thu quý 2 của hãng tăng 50% so với quý 1 và vượt 30% so với kế hoạch đầu năm. Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính hợp nhất của Tập đoàn FLC ghi nhận khoản lỗ từ Bamboo Airways gần 955 tỷ đồng, lỗ đậm thêm 454 tỷ đồng trong nửa đầu năm.

Vượt lên nghịch cảnh, Vietjet Air vận chuyển 6 triệu lượt khách, tăng 200% so với cùng kỳ nhờ hàng không nội địa phục hồi mạnh, giúp doanh thu cốt lõi tăng 292,6%.

Hãng tiếp tục ghi nhận lợi nhuận ròng hơn 180 tỷ đồng trong quý 2, tăng cao so với lợi nhuận vỏn vẹn 6 tỷ cùng kỳ nhưng thấp hơn kỳ vọng do đà hồi phục bị kìm hãm bởi chi phí nhiên liệu tăng cao. Khoản doanh thu gần 2.500 tỷ đồng từ hoạt động bán và thuê lại máy bay (S&LB) cũng hỗ trợ hoạt động kinh doanh cốt lõi. Tựu trung, lợi nhuận ròng 6 tháng đầu năm tăng 242,1% so với cùng kỳ, đạt 424 tỷ đồng.

SÁNG - TỐI ĐAN XEN

Chia sẻ tại hội nghị về “Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững” cuối tuần qua, ông Phạm Việt Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam, nhìn nhận thị trường hàng không hiện phục hồi trở lại, đặc biệt các đường bay có tần suất cao như tại Cảng hàng không Phú Quốc đạt 100 chuyến bay/ngày.

Ông Dũng thừa nhận thị trường hàng không Việt trên đà phục hồi nhưng chưa đồng đều ở các phân khúc. Theo đó, thị trường nội địa phục hồi hoàn toàn so với trước khi dịch bệnh bùng phát nhưng thị trường quốc tế phục hồi rất chậm. Còn vận chuyển hàng hóa quốc tế tăng nhưng nội địa giảm.

Do đó, lợi nhuận các doanh nghiệp thu không tương ứng với doanh thu, cộng thêm gánh nặng từ giá nhiên liệu và một số giá đầu vào tăng lên, các hãng hàng không vẫn bị lỗ và tính thanh khoản không được cải thiện nhiều.

Cùng với đó, “sự phục hồi không đồng đều ở các doanh nghiệp trong ngành hàng không, trong các chuỗi cung ứng ngành hàng không. Trong khi các doanh nghiệp kinh doanh trong vận chuyển hạ tầng có sự phục hồi mạnh mẽ nhưng các hãng hàng không, các doanh nghiệp cung ứng vận chuyển hành khách vẫn gặp khó khăn, phải giải quyết những vấn đề bất lợi do dịch bệnh để lại, đặc biệt là sự mất cân đối của dòng tiền trong 2 năm dịch bệnh bùng phát”, ông Dũng nêu rõ khó khăn.

 

Bày tỏ lo lắng về chỉ tiêu 5 triệu khách quốc tế năm nay khó khả thi, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietravel chỉ rõ khó khăn hiện nay do thị trường Đông Bắc Á chiếm trên 50% du khách đến Việt Nam hiện nay là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… chưa sẵn sàng mở cửa.

Mặt khác, Vietravel có đặc thù vừa là doanh nghiệp du lịch, vừa là doanh nghiệp lữ hành, lại kinh doanh về vận chuyển hàng không nên kiệt quệ về lao động và sức ép tài chính rất lớn.

“Vietravel vừa phải trả nợ cũ đến hạn, vừa phải chuẩn bị vốn đầu tư mới cho tái cấu trúc doanh nghiệp và xây dựng chuỗi cung ứng dịch vụ”, ông Kỳ giãi bày.

Hơn nữa, vận chuyển hàng không gặp khó do giá nhiên liệu cao, nhiều thời điểm “ngốn” tới 60% chi phí. Cơ cấu giá vé áp dụng về xăng dầu thường chậm sau 1 tháng, vì vậy các hãng bay, khi giá xăng dầu điều chỉnh, cũng không được hưởng ngay lập tức.

LỢI NHUẬN SẼ PHỤC HỒI HOÀN TOÀN NĂM 2023?

Đánh giá về tiềm năng ngành hàng không nửa cuối năm 2022, giới phân tích cho rằng tăng trưởng lợi nhuận của ngành sẽ cao hơn nửa đầu năm, dựa trên ba nguyên nhân chính.

Thứ nhất, nhu cầu đi lại trong nước có xu hướng hồi phục mạnh.

Tháng 7 vừa qua, theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, lượng hành khách thông qua các cảng hàng không của Việt Nam đạt gần 12 triệu lượt. Trong đó, lượng khách trên các chuyến bay nội địa đạt hơn 10,5 triệu lượt hành khách, tăng bùng nổ 40,3% so với cao điểm hè tháng thời điểm trước đại dịch (tháng 7/2019) và tăng gần 6% so với tháng trước.

Năm 2022, lượng hành khách trong nước ước tính đạt 89 triệu lượt khách, tăng mạnh mẽ 200% so với cùng kỳ và tăng 20% so với thời điểm trước dịch vào năm 2019.

Thứ hai, khách quốc tế ước tính tăng dần đến cuối năm. Những tháng đầu năm, khách quốc tế chỉ đạt trên 10% trước dịch do Việt Nam nới lỏng các quy định, không còn kiểm soát biên giới hay cách ly, xét nghiệm Covid-19.

Thứ ba, nhu cầu tăng giúp các hãng hàng không chuyển chi phí nhiên liệu cho khách hàng, đặc biệt trong dịp nghỉ lễ. Nếu giá dầu bình thường hóa có thể giúp giảm áp lực lên biên lợi nhuận của các hãng hàng không trong năm nay.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tăng trưởng lợi nhuận chưa mạnh do khách quốc tế là nguồn lợi nhuận chính của tất cả các công ty trong ngành như sân bay, dịch vụ hàng không, hãng hàng không.

Việc nối lại các đường bay quốc tế ước tính diễn ra chậm trong năm, do các thị trường chính như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn chưa mở cửa lại ở nhiều mức độ khác nhau. Do đó, lợi nhuận của cả ngành ước tính tăng mạnh hơn từ năm 2023 trở đi.

Bước sang năm 2023, ngành hàng không tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ hơn so với năm 2022 nhưng chưa quay về mức trước Covid-19 cho tới cuối năm 2023.

Theo dự báo, sản lượng khách trong nước tiếp đà tăng, đạt 98 triệu lượt khách, tăng 10%. Còn khách quốc tế tiếp tục tăng mạnh với giả định Trung Quốc sẽ dần thực hiện chính sách “Zero Covid” linh hoạt, mở cửa hoàn toàn vào năm 2023. Khi đó, lượng khách quốc tế cuối năm 2023 sẽ hồi phục hoàn toàn so với năm 2019.

Tuy nhiên, vẫn tiềm ẩn rủi ro trong năm 2023 khi những lo ngại về việc các hãng hàng không tái khởi động các tuyến bay đến thị trường quốc tế trong bối cảnh giá dầu cao, thị trường cạnh tranh gay gắt và khả năng nhu cầu giảm do tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng không thiết yếu.

Một vấn đề khác là cơ sở hạ tầng tại các sân bay lớn, trong đó, sản lượng khách trong nước đã vượt mức trước Covid và cảng hàng không nội địa chính tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất vượt công suất thiết kế, trong khi các dự án mở rộng chưa bắt đầu.

 
Ông Phạm Việt Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam.
Ông Phạm Việt Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam.

"Hiệp hội đưa ra 5 kiến nghị để tạo đà phát triển ngành hàng không thời gian tới. Cụ thể, thứ nhất, việc phối hợp hoạt động của các cơ quan nhà nước, giải quyết triệt để tắc nghẽn ở các sân bay lớn.

Thứ hai, đẩy nhanh tốc độ phát triển hạ tầng hàng không.

Thứ ba, cần thiết phải sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chính sách của ngành hàng không, kể cả xã hội hóa nguồn vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng.

Thứ tư, đẩy mạnh giao thông hàng không với các quốc gia có lượng khách lớn vào Việt Nam. Mở rộng thêm những đường bay quốc tế, tích cực triển khai các chương trình quảng bá, cải thiện hình ảnh quốc gia và thu hút khách đến Việt Nam.

Thứ năm, nghiên cứu và điều chỉnh khung giá trần nội địa cho các hãng hàng không và kiểm soát các hãng mới. Tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ, liên quan đến miễn giảm thuế đất”.