Đi tìm giải pháp cho sức khỏe tâm lý mùa cách ly
Đại dịch với các biện pháp phong tỏa cục bộ hay diện rộng, đều làm con người trở nên bị cô lập, rơi vào trạng thái cô đơn. Về mặt xã hội, nó làm gián đoạn đời sống kinh tế và xã hội. Chính đại dịch Covid-19 đã gây ra những cảm xúc tiêu cực cho mỗi người…
Mới đây, Giáo sư tâm thần học tại Trường Y thuộc Đại học Aristotle ở Hy Lạp Konstantinos Fountoulakis đã trình bày kết quả của một nghiên cứu toàn cầu, cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Nghiên cứu có sự hợp tác của Hiệp hội Tâm thần Thế giới.
Cụ thể, 30% trong số 55.589 người được hỏi từ 40 quốc gia tham gia cuộc khảo sát cho biết họ bị căng thẳng, hoặc trầm cảm nặng trong thời kỳ đại dịch. Sau nhiều tháng bị cô lập trong bối cảnh phong tỏa, 38% số người được khảo sát cho biết, họ có nhu cầu được giao tiếp với người khác và 26% số người được hỏi mong muốn được hỗ trợ tinh thần.
NHỮNG DẤU HIỆU THƯỜNG GẶP
Đã có nhiều nghiên cứu tìm hiểu về ảnh hưởng của các biện pháp cách ly, phong tỏa phòng Covid-19 với sức khỏe tâm thần con người. Nghiên cứu của một nhóm tác giả đăng trên tạp chí Diagnosis số tháng 7/2021 là một tài liệu đánh giá khái quát các nghiên cứu đã công bố thời gian qua về vấn đề này. Họ cũng chỉ ra mức độ chịu ảnh hưởng tâm lý khác nhau.
Theo đó, nghiên cứu nhận thấy đã có tình trạng gia tăng số ca bệnh trầm cảm và rối loạn lo âu, nguy cơ tự tử, hội chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) và mất ngủ trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua. Trong số này, ngoài việc bị ảnh hưởng trực tiếp vì giãn cách, phong tỏa, còn có nguyên nhân vì nhiều người lo sợ bản thân họ nhiễm bệnh hoặc lây bệnh cho những người thân.
Đài ABC (Úc) cũng dẫn dữ liệu từ Hiệp hội các nhà tâm lý học Úc cho biết 83% các chuyên gia tâm lý học tham gia khảo sát cho biết khách hàng của họ đều lo lắng, trầm cảm và buồn bã hơn trong các đợt phong tỏa. Nghiên cứu ở các nước như Bỉ, Pháp, Mỹ cho thấy 30 - 80% người trẻ từ 15 - 24 tuổi có thể bị trầm cảm sau dịch bệnh. Mức gia tăng thất nghiệp và các khoản nợ cũng góp phần không nhỏ vào tâm lý lo âu.
Theo BS Phạm Ngọc Thanh - nguyên trưởng khoa tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 1, cố vấn tâm lý cho đơn vị nghiên cứu lâm sàng của Đại học Oxford (OUCRU), đại dịch Covid-19 đã gây ra một số vấn đề về sức khỏe tinh thần tùy theo hoàn cảnh sống, tùy tình trạng bệnh F0, F1, F2 hoặc không có F nào.
Tình trạng căng thẳng tinh thần có thể được biểu hiện ở những dấu hiệu như: cảm giác bất an, sợ sệt, cáu giận, buồn rầu, lo âu; ăn không ngon, chán ăn; khó tập trung và khó quyết định; khó ngủ hoặc gặp ác mộng; cùng một số phản ứng thể chất như đau đầu, đau cơ, đau bụng và ngứa da; gia tăng sử dụng thuốc lá, bia rượu và các chất gây nghiện...
Bác sĩ Vivian Pender, chủ tịch Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ (American Psychiatric Association – APA) và là giáo sư tâm thần học lâm sàng tại Trung tâm Y tế Weill Cornell, thành phố New York trả lời với tạp chí y khoa Medscape rằng việc giãn cách xã hội có thể ảnh hưởng to lớn đến những người sống phụ thuộc nhiều vào các mối liên kết và quan hệ xã hội.
“Chúng tôi thậm chí đã nhận thấy các triệu chứng trầm cảm, lo âu, stress trên lâm sàng ở những người nhiễm Covid thể nhẹ, BS Pender nói. Chẩn đoán tâm lý thường gặp nhất là các rối loạn lo âu, rối loạn khí sắc, và mất ngủ.
GIẢI PHÁP LÀ SÁCH HAY MẠNG XÃ HỘI?
Đối với nhiều người, mạng xã hội đã trở thành một cứu cánh cho thế giới bên ngoài, đặc biệt là khi mọi người tìm cách duy trì kết nối và giải trí. Vậy, với các biện pháp giãn cách xã hội đang được áp dụng trên toàn cầu, liệu Instagram, Facebook, Tiktok… có ảnh hưởng gì đến sức khỏe tinh thần của chúng ta? Câu trả lời là: Có.
Mặc dù phương tiện truyền thông xã hội có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giữ kết nối của mọi người với bạn bè và gia đình trong thời gian buộc phải giãn cách, nhưng người dùng nên lưu ý rằng thời gian sử dụng mạng xã hội lâu hơn có thể có tác động bất lợi đến sức khỏe tâm thần. Một lượng lớn thông tin sai lệch trên các phương tiện truyền thông xã hội là một trong những nguyên nhân chính gây ra lo lắng và căng thẳng.
Giãn cách xã hội gây ra một vòng luẩn quẩn: mọi người lướt internet nhiều vì họ bị căng thẳng, nhưng họ cũng có thể căng thẳng do xem internet quá nhiều.
Trong khi đó, bản thân việc đọc sách có thể giúp giảm căng thẳng bởi trong quá trình đọc, bạn cần hoạt động bộ não của mình, không giống như cách tiếp thu thụ động khi xem các chương trình trực tuyến. Do đó, hãy cam kết tắt điện thoại vào một vài thời điểm trong ngày. Thay vào đó, đọc sách như một phương pháp điều trị cho sức khỏe tâm thần vì nó giúp cho não bộ hoạt động tích cực. Ngay cả những cuốn sách lịch sử đưa bạn đến một thời đại khác cũng là một cách tốt để giảm bớt lo lắng.
Bác sĩ Nguyễn Văn Hòa, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 cho biết để chăm sóc tốt sức khỏe tâm lý của chính mình, người dân nên tránh đọc, bình luận những thông tin chưa được xác thực, tiêu cực trên mạng xã hội. "Hãy dành thời gian này để nghỉ ngơi, nhận định lại các giá trị tích cực của bản thân mà trước giờ ta chưa nghĩ đến. Dành thời gian cho người thân yêu như cha mẹ, con cái, chồng hoặc vợ. Khi dành thời gian thích đáng và sự thấu hiểu, yêu thương chúng ta sẽ cảm nhận sự hạnh phúc," bác sĩ Hòa tư vấn.
ThS Nguyễn Công Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Tâm lý học ứng dụng Hoàng Đức, cũng đưa ra những khuyến cáo: trong bối cảnh đại dịch khó dự đoán, chúng ta cần học cách thích nghi, chấp nhận “sống chung” với dịch bệnh và thực hiện cách ly đúng thời hạn với tâm lý thoải mái. Dành thời gian tập thể dục tại nhà, vận động nhẹ nhàng giúp giảm hormone căng thẳng của cơ thể, đọc một cuốn sách hay, nói chuyện với bạn bè trực tuyến… Nếu không thể chống đỡ được các khủng hoảng thì hãy nhờ sự hỗ trợ của các bác sĩ, chuyên gia.
Đặc biệt, khi cách ly tại nhà, nên duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, cân đối, trong đó chú ý các thực phẩm có hàm lượng đạm dễ hấp thụ như thịt, cá, trứng, sữa. Bổ sung các loại hoa quả, rau xanh, củ như: quả mâm xôi, khoai tây, chuối, quả bơ, cam, quýt, kiwi. Những loại quả này giàu vitamin C, vitamin B, kali, axit amino... có thể giúp làm dịu hệ thần kinh.