Điều hành chính sách linh hoạt, sát với thực tế - Ảnh 1
Điều hành chính sách linh hoạt, sát với thực tế - Ảnh 2

Nền kinh tế phục hồi nhanh trong năm 2022, đặc biệt là GDP quý 3/2022 tăng trưởng với tốc độ hai con số. Ông nhìn nhận như thế nào về sự phục hồi của nền kinh tế?

Kinh tế 9 tháng bật tăng mạnh, đặc biệt là quý 3/2022 với mức tăng trưởng 13,67%, mạnh nhất ở khu vực châu Á và cao hơn so với mức tăng ấn tượng 13,5% của Ấn Độ.

Sở dĩ quý 3/2022 tăng trưởng GDP đạt mức hai con số là do so với nền tăng trưởng âm của quý 3/2021 khi nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19. Song, không thể phủ nhận đây là kết quả từ việc kiểm soát tốt đại dịch, mở cửa trở lại nền kinh tế và ban hành Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, linh hoạt. Nhờ đó, các hoạt động kinh tế, xã hội trong nước dần bình thường hóa và đây là động lực chính để thúc đẩy phục hồi nhanh.

Dù vậy, tăng trưởng GDP quý 4/2022 chậm lại do cầu thị trường thế giới giảm sâu, Trung Quốc vẫn tiếp tục thực hiện các đợt giãn cách xã hội, nhiều quốc gia thắt chặt chính sách tiền tệ và tài khóa để chống lạm phát cao chưa từng thấy và cuộc chiến Nga – Ukraine chưa có dấu hiệu chấm dứt… Nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh thiếu đơn hàng xuất khẩu, buộc phải cho lao động làm việc luân phiên; chi phí sản xuất leo thang do nguyên vật liệu đầu vào bị “đội giá”; tiếp cận vốn càng trở nên khó khăn khi lãi suất tăng và chính sách thắt chặt để kiểm soát lạm phát; niềm tin thị trường giảm sút và việc huy động vốn từ kênh trái phiếu, chứng khoán khó khăn…

Nhưng với nền tăng trưởng cao đạt được trong 9 tháng, GDP cả năm 2022 của Việt Nam theo nhiều tổ chức quốc tế vẫn tăng khoảng 8%.

Tuy nhiên, tôi muốn lưu ý rằng sự phục hồi trong năm qua chỉ là hiện tượng nhất thời, bởi những yếu tố tạo nên sự phục hồi mạnh mẽ như xuất khẩu, du lịch, tiêu dùng, sản xuất… sẽ không tăng như những tháng trước và cũng khó kéo dài. Sang năm 2023, những lĩnh vực này sẽ không còn tăng trưởng mạnh như những tháng qua.

Điều hành chính sách linh hoạt, sát với thực tế - Ảnh 3

Với bối cảnh như vậy, theo ông, triển vọng tăng trưởng năm 2023 sẽ như thế nào?

Như tôi đã nói, sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế năm 2022, đặc biệt là quý 3/2022 khó có thể kéo dài đến năm 2023 hay năm 2024. Bởi những động lực tăng trưởng đến từ gia tăng tiêu dùng và du lịch chỉ là những yếu tố nhất thời. Chính vì vậy, chúng ta phải đánh giá năm 2022 này thật sự khách quan và bình tĩnh; tránh lạc quan quá mức sẽ không phù hợp với thực tế diễn biến khi các điều kiện thị trường đã xấu đi kể từ quý 3/2022. Tôi muốn nhấn mạnh điều này để chúng ta có những chính sách phù hợp cho năm 2023.

Nhiều dự báo cho thấy, các yếu tố bên ngoài tiếp tục diễn biến khó lường, sẽ tác động bất lợi tới nền kinh tế trong nước. Đó là kinh tế toàn cầu đi xuống khiến tổng cầu suy giảm. Nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam của các đối tác nước ngoài giảm xuống, thậm chí giảm xuống rất mạnh, qua đó đã, đang và sẽ tác động trực tiếp đến các đơn hàng xuất khẩu và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Cùng với đó, giá năng lượng, nguyên vật liệu nhiều khả năng vẫn ở mức cao.

Chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ của các nước sẽ tiếp tục thắt chặt, vừa gây áp lực dai dẳng đến chi phí sản xuất kinh doanh (khi chi phí tăng lên, lợi nhuận bị ảnh hưởng thì doanh nghiệp cũng sẽ phải điều chỉnh thu hẹp quy mô sản xuất), vừa tác động đến thị trường tiền tệ, tỷ giá trong nước.

Trong khi đó các kênh huy động vốn của doanh nghiệp vẫn khó khăn. Niềm tin của nhà đầu tư suy giảm khiến thanh khoản của thị trường thu hẹp; sức cầu trong nước có thể cũng suy giảm mạnh.

Trong bối cảnh này, điều hành chính sách cần kịp thời, linh hoạt với biến động của tình hình thực tế theo các nguyên tắc thị trường và không nên cứng nhắc vào mục tiêu đặt ra trước đó.

Chẳng hạn, khi áp lực lạm phát bên ngoài lên tới hai con số, ngân hàng trung ương các nước đồng loạt nâng lãi suất thì Việt Nam – một nền kinh tế có độ mở lên tới 200% GDP, cần phải có sự điều chỉnh hợp lý để vừa kiểm soát tình hình, vừa hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Thông điệp chính sách đưa ra phải có tính dự đoán trước, tránh gây ra “cú sốc” đột ngột cho doanh nghiệp. Đặc biệt, không để xảy ra hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp và để thanh tra, kiểm tra “lên ngôi”…

Năm 2023 là năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Do vậy, chính sách đưa ra phải có những thay đổi mang tính đột phá để giúp nền kinh tế tăng tốc và bứt phá trong giai đoạn tới.

Điều hành chính sách linh hoạt, sát với thực tế - Ảnh 4

Như ông vừa nói, không để thanh tra, kiểm tra “lên ngôi” là như thế nào?

Vài năm trở lại đây, việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thông qua cải cách môi trường đầu tư – kinh doanh không còn mạnh mẽ như trước. Tinh thần “Chính phủ kiến tạo” không còn đi sâu vào các bộ, ban, ngành. Nhiều bộ ngành tăng cường các biện pháp can thiệp hành chính và hoạt động thanh tra, kiểm tra “lên ngôi”.

Trong bối cảnh sức khỏe doanh nghiệp còn yếu sau cơn “bạo bệnh” vì Covid-19, cách điều hành, quản lý như thế này càng khiến doanh nghiệp suy kiệt, khó phục hồi nhanh chóng. Chúng ta phải nhanh chóng trở lại với tinh thần “Chính phủ kiến tạo”, với những quy định một năm không được quá một đoàn thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp từng được đưa ra trước đây và khơi lại tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ dám làm trong một bộ phận công chức để thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh.

Điều hành chính sách linh hoạt, sát với thực tế - Ảnh 5

Còn những giải pháp đột phá, theo ông, cụ thể sẽ là gì?

Mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2023 là đầy tham vọng. Muốn điều hành chính sách linh hoạt trong bối cảnh nền kinh tế nhiều khó khăn như hiện nay thì không nên đặt mục tiêu quá cứng nhắc.

Về cơ bản, Chính phủ cần tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, đặc biệt là ưu tiên kiềm chế lạm phát ở mức hợp lý tùy thuộc vào diễn biến thị trường và các yếu tố khách quan. Để thúc đẩy tăng trưởng, bên cạnh việc thực hiện tốt Chương trình phục hồi thì trước mắt cần tập trung thúc đẩy đầu tư công, thu hút khách du lịch quốc tế và hỗ trợ, tạo thuận lợi thương mại.

Cùng với đó, cần có các giải pháp để giải tỏa các tâm lý có phần bất an của các nhà đầu tư, từng bước khôi phục niềm tin của thị trường. Đặc biệt, cần củng cố lòng tin và động lực cho công chức, các cơ quan nhà nước để xóa bỏ tâm lý sợ làm sai đang là rào cản, thách thức lớn trong việc đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội.

Tôi cho rằng, không gian cho tăng trưởng, phát triển còn bao la. Vì vậy, như tôi đã nói ở trên, cần đẩy mạnh cải cách vĩ mô từ phía cung; nhất là cải cách thể chế, tháo bỏ rào cản, tạo thuận lợi đối với đầu tư kinh doanh… là cần thiết và cấp bách hơn bao giờ hết để có thể thúc đẩy tăng trưởng.

Điều hành chính sách linh hoạt, sát với thực tế - Ảnh 6

Động lực tăng trưởng của năm tới trông vào đâu, và làm gì để đạt mục tiêu tăng trưởng, thưa ông?

Động lực tăng trưởng của năm tới trông vào đầu tư công, thị trường nội địa và doanh nghiệp nội địa. Theo đó, chúng ta phải thúc đẩy đầu tư công và tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, đặc biệt là để khu vực kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỷ trọng đóng góp trong GDP.

Gắn với quá trình này là phải xóa bỏ rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh và đúng định hướng. Kinh tế tư nhân phải được phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để các hộ kinh doanh tự nguyện liên kết hình thành các hình thức tổ chức hợp tác hoặc hoạt động theo mô hình doanh nghiệp.

Phải gỡ được nút thắt về thể chế làm cho doanh nghiệp tư nhân sợ lớn, không muốn lớn; cũng như những nút thắt đang kìm hãm, làm cho doanh nghiệp tư nhân muốn lớn cũng không lớn được. Đồng thời, khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu; và để tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước, có đủ khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu. Nhiệm vụ cải cách thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân thực sự là khó khăn, lâu dài, nhưng phát triển kinh tế tư nhân là con đường tất yếu để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững; độc lập, tự chủ và có sức chống chịu tốt.

Vì vậy, như nhiều lần tôi đã nêu quan điểm, chúng ta rất cần một tư duy phát triển mới để tạo ra một làn sóng cải cách mới. Thực ra, làn sóng cải cách mới cũng không có gì là xa lạ, mà trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021- 2030 đã nêu đầy đủ. Chỉ cần làm theo đó, nhưng phải có một tư duy phát triển mới thì mới làm được.

Điều hành chính sách linh hoạt, sát với thực tế - Ảnh 7

VnEconomy 22/01/2023 09:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số đặc biệt Xuân Quý Mão phát hành ngày 23-01-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Điều hành chính sách linh hoạt, sát với thực tế - Ảnh 8