Định giá kém hấp dẫn là lí do chính khiến dòng vốn chủ động bị rút ròng gần 1 tỷ USD?
Lũy kế 11 tháng năm 2023, giá trị rút ròng của khối ngoại đạt 15,1 nghìn tỷ đồng, trong đó dòng vốn chủ động bị rút ròng 20,7 nghìn tỷ đồng. Dòng tiền ngoại vào qua các ETFs ở trạng thái dương 5,6 nghìn tỷ đồng.
Dòng vốn nước ngoài bao gồm quỹ ETF và chủ động nước ngoài đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục rút ròng hơn 3,8 nghìn tỷ đồng trong tháng 11/2023, chủ yếu ghi nhận ở các quỹ chủ động nước ngoài. Đây là tháng rút ròng thứ 5 liên tiếp của khối ngoại tính từ đầu năm 2023.
Cụ thể, xu hướng rút ròng tập trung chủ yếu ở dòng tiền chủ động nước ngoài với giá trị rút ròng hơn 4,3 nghìn tỷ đồng trong tháng 11/2023. Ngược lại, các quỹ ETF ngoại ghi nhận vào ròng nhẹ hơn 484 tỷ đồng.
Lũy kế 11 tháng năm 2023, giá trị rút ròng của khối ngoại đạt 15,1 nghìn tỷ đồng, trong đó dòng vốn chủ động bị rút ròng 20,7 nghìn tỷ đồng. Dòng tiền ngoại vào qua các ETFs ở trạng thái dương 5,6 nghìn tỷ đồng.
Xu hướng rút ròng của khối ngoại diễn ra trong bối cảnh mặt bằng lãi suất ở bên ngoài đang ở mức cao và định giá thị trường chứng khoán Việt Nam không còn quá hấp dẫn. Vn-Index đã tăng 11,65% từ đầu năm 2023, khiến thị trường chứng khoán Việt Nam không còn ở vùng định giá hấp dẫn trong khi các thách thức vĩ mô vẫn hiện hữu.
Sau các đợt tăng lãi suất vừa qua, lãi suất chuẩn của Mỹ hiện trong khoảng 5,25 – 5,50%, mức cao nhất kể từ năm 2001. Do đó, động thái rút ròng của khối ngoại là điều có thể hiểu được khi hiệu suất của nhiều quỹ ngoại kém xa so với mức tăng của Vn-Index lý do là danh mục các quỹ ngoại phần nhiều là nhóm vốn hóa lớn VN30 – có hiệu suất kém hơn VNMID và VNSML.
Các quỹ ETF ngoại tiếp tục hút dòng tiền nhưng quy mô vào ròng giảm mạnh
Dòng vốn ở các quỹ ETF nước ngoài tiếp tục vào ròng hơn 484 tỷ đồng trong tháng 11/2023 nhưng giảm mạnh (-63%) so với tháng 10/2023 (hơn 1,3 nghìn tỷ đồng) . Lũy kế 11 tháng đầu năm, các quỹ ETF nước ngoài đã hút ròng hơn 5,6 nghìn tỷ đồng. Cụ thể, diễn biến dòng tiền các quỹ ETF ngoại vào/rút ròng như sau:
Đóng góp chủ yếu đến từ quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF với giá trị vào ròng hơn 292 tỷ đồng. Tuy nhiên, đồng pha với động thái của nhà đầu tư nước ngoài nói chung, dòng tiền quỹ này bị rút ròng nửa cuối tháng 11 trong bối cảnh thị trường có những dấu hiệu phục hồi. Động thái rút ròng đến từ những lo ngại về định giá thị trường đã tăng đáng kể trong ngắn hạn và bị ảnh hưởng bởi dòng tiền từ thị trường Đài Loan. Bên cạnh đó, xu hướng đầu tư của quỹ này có sự thay đổi khi gần đây đã có hoạt động đầu cơ ngắn hạn mua bán liên tục.
Ngoài ra, quỹ KIM KINDEX Vietnam VN30 ETF cũng ghi nhận hút dòng tiền trở lại tháng thứ 3 liên tiếp với hơn 188 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, quỹ VanEck Vietnam ETF bị rút ròng với giá trị hơn 127 tỷ đồng. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp dòng tiền quỹ này âm với tổng giá trị đạt hơn 392 tỷ đồng.
Với các quỹ ETF nội, diễn biến dòng tiền ngược chiều với các ETF ngoại khi bị rút ròng 359 tỷ đồng. Nổi bật nhất là động thái rút ròng hơn 829 tỷ đồng ở quỹ SSIAM VNFIN LEAD ETF. Xu hướng rút ròng này có thể là động thái chốt lời của NĐT để bảo vệ thành quả khi hiệu suất của quỹ SSIAM VNFIN LEAD ETF đạt 29,97% (vs. VNINDEX +10,81%). Đáng chú ý, phần lớn danh mục của quỹ là cổ phiếu ngân hàng – vốn có triển vọng kém tích cực trong bối cảnh áp lực nợ xấu gia tăng và tín dụng tăng thấp.
Dòng vốn chủ động nước ngoài bị rút ròng mạnh nhất từ đầu năm 2023.
Áp lực bán ở dòng vốn chủ động nước ngoài gia tăng trong tháng 11/2023 khi giá trị rút ròng ở dòng vốn chủ động ngoại đạt hơn 4,3 nghìn tỷ đồng. Đây là tháng ghi nhận dòng tiền chủ động rút ròng mạnh nhất từ đầu năm 2023. Lũy kế 11 tháng đầu năm 2023, quy mô rút ròng ở dòng tiền chủ động ở mức rất cao (hơn 20,7 nghìn tỷ đồng).
Xem xét chi tiết hơn, dòng tiền ở 2 quỹ chủ động (bao gồm VEIL và PYN Elite) mà FiinTrade theo dõi duy trì trạng thái âm trong những tháng qua. Riêng trong tháng 11, VEIL và PYN Elite ghi nhận rút ròng lần lượt là hơn 155 tỷ đồng và 20 tỷ đồng.