Định hình “tính cách quản trị dự án”: Yếu tố quan trọng giúp dự án thành công - Ảnh 1
Định hình “tính cách quản trị dự án”: Yếu tố quan trọng giúp dự án thành công - Ảnh 2

Dự án “Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở” được đánh giá là một dự án đặc biệt mang tính đặc thù từ nội dung đến hoàn cảnh ra đời. Xin bà cho biết một vài nét cơ bản về Dự án này?

Dự án “Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở” (viết tắt là Dự án) được triển khai thực hiện từ tháng 5/2020 và sẽ kết thúc vào tháng 12/2024. Có thể nói, đây là một trong những dự án có tầm quan trọng đặc biệt với quy mô nguồn vốn lớn, can thiệp kỹ thuật toàn diện nhằm hỗ trợ nỗ lực đổi mới mạng lưới y tế cơ sở tại 13 tỉnh, gồm: Hà Giang, Bắc Kạn, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Long An, Trà Vinh, Hậu Giang, Bạc Liêu.

Về nguồn vốn, Dự án này sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới cùng vốn viện trợ không hoàn lại của một số tổ chức quốc tế khác. Cụ thể, tổng mức đầu tư của dự án là 126,25 triệu USD, trong đó vốn vay là 80 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại là 25 triệu USD, vốn đối ứng 21,25 triệu USD do Bộ Y tế và các địa phương bố trí trong ngân sách chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên.

Mục tiêu của Dự án nhằm nâng cao chất lượng và hiệu suất sử dụng dịch vụ y tế của mạng lưới y tế cơ sở tại các tỉnh tham gia dự án, phù hợp với mục tiêu chung của ngành Y tế là phải cấp bách đổi mới mạng lưới y tế cơ sở. Đây cũng là lựa chọn tối ưu giúp Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu bao phủ sức khỏe toàn dân và các mục tiêu Phát triển bền vững về sức khỏe, khi nguồn lực của chúng ta còn hạn chế, theo tinh thần của Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới.

Với mục tiêu đó, việc đầu tư dự án phải tương đối toàn diện trên các mặt: nâng cấp cơ sở hạ tầng; đổi mới trang thiết bị y tế; đào tạo phát triển nhân lực y tế; cải thiện công tác truyển thông giáo dục sức khỏe; hỗ trợ hoàn thiện khung chính sách liên quan đến y tế cơ sở và thực hiện thí điểm các mô hình cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu mang tính sáng tạo.

Định hình “tính cách quản trị dự án”: Yếu tố quan trọng giúp dự án thành công - Ảnh 3

Với nguồn vốn và mục tiêu như vậy, bà đánh giá như thế nào về thành công của dự án so với mục tiêu đề ra?

Về xây dựng nâng cấp cơ sở hạ tầng, đến nay, Dự án đã thực hiện hoàn thành 478 công trình xây dựng đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, trong đó có 464 trạm y tế (141 xây mới, 323 sửa chữa) và 14 trung tâm y tế huyện. Ngoài ra, có 1.703 trạm y tế được cung cấp trang thiết bị và hơn 11.000 nhân viên, cán bộ y tế được đào tạo, tập huấn.

Dự án đã hỗ trợ nâng cao năng lực cho cán bộ y tế tuyến cơ sở, tập trung vào các vấn đề sức khỏe ưu tiên của người dân tại địa bàn dự án như: tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư cổ tử cung, chăm sóc bà mẹ trẻ em, lao và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, y học cổ truyền, phục hồi chức năng…

Đánh giá chung về kết quả của dự án, chúng tôi có thể tự hào khẳng định dự án đã được triển khai thực hiện thành công trên 4 vấn đề.

Một, đến giờ này Dự án đã hoàn thành đúng thời hạn đề ra, tức là kết thúc vào cuối năm 2024 trong hoàn cảnh bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 mà không cần gia hạn thời gian thực hiện.

Hai, quan trọng hơn, Dự án đã hoàn thành toàn bộ những mục tiêu phát triển được xác định trong văn kiện Dự án. Có thể nói Dự án đã hoàn thành vượt mục tiêu thiết kế ban đầu, chỉ có hai chỉ số chưa đạt như mong muốn (do ảnh hưởng khách quan trên quy mô toàn quốc của đại dịch Covid-19) là tỷ lệ trẻ được tiêm chủng đầy đủ và số lượt khám chữa bệnh ở trạm y tế xã. Tuy nhiên, so với cả nước thì cả 2 chỉ số này tại các tỉnh dự án vẫn cao hơn so với mức bình quân cả nước.

Ba, toàn bộ các can thiệp cốt lõi của dự án (nâng cấp cơ sở vật chất, cung cấp trang thiết bị y tế, đào tạo cán bộ y tế, hỗ trợ chính sách, mô hình cung ứng dịch vụ y tế sáng tạo...) đều được thực hiện đạt và vượt mục tiêu mong muốn. Trong đó, nhiều can thiệp đã trở thành điểm sáng về kỹ thuật (như: mô hình Bảng kiểm chất lượng áp dụng cho các trạm y tế xã; mô hình quản lý một số bệnh không lây nhiễm, quản lý dinh dưỡng tại y tế cơ sở), được đánh giá có nhiều tiềm năng mở rộng quy mô áp dụng trong thời gian tới.

Bốn, tỷ lệ giải ngân của Dự án đạt mức cao (khoảng 90% tổng vốn toàn dự án, kinh phí kết dư vốn vay ít, chủ yếu do nguyên nhân biến động tỷ giá). Ngân hàng Thế giới đánh giá đây là dự án thực hiện tốt nhất trong số các dự án vay vốn của họ trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam, bất chấp bối cảnh thực hiện dự án đầy thách thức.

Định hình “tính cách quản trị dự án”: Yếu tố quan trọng giúp dự án thành công - Ảnh 4

Với những thành công như vậy, trên thực tế Dự án đã có những tác động tích cực đến người dân của các tỉnh tham gia dự án, đến các cơ quan quản lý về y tế cơ sở như thế nào, điều gì gây ấn tượng, thưa bà?

Trước hết, chúng tôi nhận thấy Dự án đã giúp cải thiện sự tiếp cận của người dân, đặc biệt các nhóm dân cư dễ bị tổn thương, đối với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu toàn diện, có chất lượng với chi phí thấp, qua đó góp phần cải thiện thực trạng sức khỏe người dân. Số liệu giám sát của Dự án cho thấy số lượt khám chữa bệnh tại các trạm y tế được Dự án đầu tư được cải thiện hơn so với trước kia.

Tiếp đến, Dự án đã có tác động giúp nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ cũng như chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu của mạng lưới y tế cơ sở tại 13 tỉnh dự án. Việc gia tăng số lượt khám chữa bệnh cũng như xu hướng cải thiện điểm số đánh giá chất lượng tại các trạm y tế của các tỉnh dự án là minh chứng rõ nhất cho tác động này. Có được điều này là do dự án đã góp phần quan trọng cải thiện các yếu tố nền tảng của mạng lưới y tế cơ sở về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, kiến thức và kỹ năng thực hành chăm sóc sức khỏe của cán bộ y tế… tại 13 tỉnh dự án.

Một vấn đề rất quan trọng nữa là nhờ Dự án mà năng lực quản trị hệ thống y tế của các địa phương tham gia Dự án được nâng cao, đặc biệt là tính tự chủ, khả năng điều phối và thực hiện đồng bộ các can thiệp cốt lõi nhằm đổi mới mạng lưới y tế cơ sở.

Thông qua các hoạt động hỗ trợ xây dựng chính sách, Dự án góp phần hỗ trợ Bộ Y tế xây dựng chế độ chính sách cho cán bộ y tế tuyến huyện và xã, xây dựng sửa đổi quy định về chuẩn quốc gia về y tế xã, xây dựng mô hình trung tâm CDC tuyến tỉnh, hỗ trợ các hội thảo tham vấn kỹ thuật về sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế. Dự án là nhà tài trợ chính giúp Bộ Y tế xây dựng hệ thống phần mềm quản lý nhân lực ngành y tế.

Ngoài ra, một số can thiệp mang tính sáng tạo của Dự án còn có vai trò thử nghiệm thực địa, mở đường, gợi ý cho việc hoàn thiện khung chính sách đối với y tế cơ sở trong thời gian tới. Chẳng hạn như chú trọng các hoạt động sàng lọc các bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng, đo lường chất lượng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, hay mở rộng không gian hợp tác với bên liên quan, bao gồm cả khối tư nhân nhằm cải thiện công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Trong quá trình thực hiện Dự án, điều ấn tượng nhất mà chúng tôi nhận ra là cách chúng ta nhận trách nhiệm, cách chúng ta đối mặt với thách thức trong những giai đoạn khó khăn nhất, cách hành động để tự tạo ra và theo đuổi đến cùng cơ hội cũng như hy vọng thực hiện thành công Dự án. Có thể nói, cách chúng ta tư duy, lựa chọn và hành động đã định hình “tính cách quản trị dự án”, là yếu tố cực kỳ quan trọng giúp Dự án thành công.

Định hình “tính cách quản trị dự án”: Yếu tố quan trọng giúp dự án thành công - Ảnh 5

Thưa bà, trước mắt, những tác động của Dự án là rất tích cực, rất thành công như kỳ vọng. Tuy nhiên, từ cách thức hay mô thức quản trị Dự án, chúng ta có thể rút ra những bài học kinh nghiệm gì để thực hiện những dự án sau tốt hơn?

Đây là dự án có cách thức khác hoàn toàn với những dự án sử dụng vốn ODA trước đây của ngành Y tế. Khác ở chỗ là không còn cơ chế cấp phát ngân sách nhà nước, mà các tỉnh tham gia dự án phải áp dụng cơ chế vay lại; các tỉnh được trao quyền tự chủ tối đa và là chủ đầu tư dự án thành phần trên địa bàn, thực hiện toàn bộ các hoạt động đầu tư lớn của Dự án. Cách thức quản trị này đánh dấu sự dịch chuyển quyền lực quản trị từ Trung ương sang địa phương. Với sự khác biệt đó trong quá trình thực hiện Dự án, chúng tôi đã tự rút ra nhiều bài học kinh nghiệm rất có giá trị.

Thứ nhất, sự chỉ đạo quyết liệt và sát sao của lãnh đạo Bộ Y tế, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân các tỉnh, nhất là sự đồng thuận việc triển khai dự án tại địa phương và sự hỗ trợ của các bộ, ngành liên quan trong suốt quá trình thực hiện Dự án.

Thứ hai, các ban quản lý dự án trung ương, địa phương đều cần tự điều chỉnh, tự cải thiện để thích ứng với vai trò mới. Ban quản lý Dự án trung ương thực hiện chức năng điều phối, hỗ trợ, giám sát; Ban quản lý Dự án tỉnh trực tiếp thực hiện.

Thứ ba, cần đảm bảo sự hỗ trợ trực tiếp, liên tục, hiệu quả theo nguyên tắc giải quyết vấn đề của Ban quản lý Dự án trung ương tới từng Ban quản lý Dự án tỉnh (nhận diện vấn đề, xác định các nguyên nhân gốc rễ của vấn đề, xác định giải pháp giải quyết phù hợp, xây dựng kế hoạch hành động cụ thể để thực hiện giải pháp, thực hiện và theo dõi sát quá trình thực hiện kế hoạch).

Thứ tư, sự phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Thế giới (qua nhóm Quản lý dự án của Ngân hàng Thế giới tại Hà Nội và các đoàn giám sát thường kỳ) trong quá trình triển khai dự án có ý nghĩa quan trọng.

Thứ năm, Ban quản lý Dự án trung ương cần tuân thủ chặt chẽ các cách thức quản trị đã được minh chứng có hiệu quả như quản trị dựa vào bằng chứng, quản trị căn cứ vào kết quả thực hiện. Tăng cường áp dụng các công cụ hỗ trợ quản trị mới (như bảng điểm đo lường tiến độ hoạt động, tiến độ giải ngân). Đưa các giá trị quản trị chuyên nghiệp, quản trị minh bạch, quản trị sáng tạo trờ thành một phần văn hóa tổ chức của Ban quản lý Dự án trung ương.

Định hình “tính cách quản trị dự án”: Yếu tố quan trọng giúp dự án thành công - Ảnh 6

VnEconomy 18/12/2024 11:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 51-2024 phát hành ngày 16/12/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây :

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam 

Định hình “tính cách quản trị dự án”: Yếu tố quan trọng giúp dự án thành công - Ảnh 7