12:47 24/02/2022

Doanh nghiệp địa ốc Trung Quốc “rơi xuống vực”, doanh thu sụt chóng mặt

Ngọc Trang

Yango Group, một nhà phát triển bất động sản cỡ trung tại Trung Quốc, đã dùng cụm từ “rơi xuống vực” để mô tả về cuộc khủng hoảng mà các doanh nghiệp địa ốc tư nhân ở nước này đang trải qua...

Ngập trong nợ, doanh nghiệp địa ốc Trung Quốc đang phải vật lộn bán nhà trong bối cảnh nhu cầu suy yếu do các biện pháp siết quản lý của Chính phủ - Ảnh: Reuters
Ngập trong nợ, doanh nghiệp địa ốc Trung Quốc đang phải vật lộn bán nhà trong bối cảnh nhu cầu suy yếu do các biện pháp siết quản lý của Chính phủ - Ảnh: Reuters

Trong tháng 1 vừa qua, Yango chứng kiến doanh thu giảm gần 52% xuống còn 6,71 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 1,06 tỷ USD), nối tiếp đà giảm 15,7% trong năm 2021.

“Tình hình thị trường chung và các yếu tố cơ bản của công ty trong năm 2021 giống như rơi xuống vực vậy”, Yango, có trụ sở tại thành phố Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, cho biết trong một báo cáo gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Thâm Quyến thứ Sáu tuần trước.

CƠN ĐỊA CHẤN CỦA THỊ TRƯỜNG ĐỊA ỐC

Đây là cảnh ngộ chung của nhiều nhà phát triển địa ốc ngập trong nợ nần tại Trung Quốc khi đang “ngấm đòn” cuộc khủng hoảng vỡ trợ trái phiếu, bị hạ xếp hạng tín nhiệm, kiện tụng, giá cổ phiếu lao dốc, thị trường suy yếu, trong bối cảnh Bắc Kinh có nhiều động thái nhằm kiểm soát giá nhà đất.

Việc Chính phủ siết quy định cho vay để hạn chế tình trạng vay nợ tràn lan của doanh nghiệp bất động sản và nâng ngưỡng vay thế chấp mua nhà với người tiêu dùng đã giáng một đòn mạnh đối với nhiều công ty. Vì lý do này, "đế chế" China Evergrande Group với hơn 300 tỷ USD nghĩa vụ nợ, đã chìm vào một cuộc khủng hoảng đến nay chưa có lối thoát.

Theo khảo sát của Nikkei Asia với 43 doanh nghiệp bất động sản niêm yết và có doanh thu trên 100 tỷ Nhân dân tệ năm 2020, tất cả 31 công ty có công bố dữ liệu hàng tháng đều chứng kiến doanh thu sụt giảm ở mức hai con số trong tháng 1. Dù hầu hết đều tăng doanh thu trong nửa đầu năm ngoái, chỉ có 25 doanh nghiệp ghi nhận tăng trưởng doanh thu dương trong cả năm 2021.

Nguồn: Nikkei Asia
Nguồn: Nikkei Asia

Chứng kiến mức giảm doanh thu tháng lớn nhất là Sinic Holdings, có trụ sở tại Thượng Hải, với doanh thu tháng 1 sụt tới 96,7% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 267 triệu Nhân dân tệ. Tháng 10 năm ngoái, công ty này đã không trả được lãi và gốc cho 250 triệu USD trái phiếu quốc tế. Hồi tháng 9, cổ phiếu Sinic, niêm yết tại Hồng Kông, đã bị tạm ngừng giao dịch sau khi lao dốc mạnh, mất tới 87% giá trị chỉ sau một phiên.

Trong khi đó, China Aoyuan cũng ghi nhận doanh thu tháng 1 giảm 81% so với cùng kỳ năm trước. Đặt trụ sở tại Quảng Đông và có các dự án tại Australia và Canada, China Aoyuan Group rơi vào cảnh vỡ nợ sau khi cảnh báo rằng công ty không thể thực hiện nghĩa vụ trả nợ với khối nợ khổng lồ, trong đó có loạt trái phiếu quốc tế đáo hạn trong tháng 1.

LO NGẠI VẤN ĐỀ MINH BẠCH

Theo khảo sát của Nikkei Asia, có 4 trong số hàng chục doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc đã dừng công bố doanh thu hàng tháng kể từ cuối năm ngoái, trong đó đáng chú ý nhất là China Evergrande và Kaisa Group Holdings.

Hiện tại, ngày càng nhiều người lo ngại về vấn đề minh bạch và công bố thông tin trong lĩnh vực bất động sản tại Trung Quốc. Tuần trước, Moody's Investors Service đã hạ xếp hạng đối với Risesun Real Estate Development - công ty chưa công bố số liệu bán hàng tháng 1 - với lý do "không đủ thông tin để hỗ trợ việc duy trì xếp hạng”.

 

Chỉ riêng trong tuần trước, Moody's đã hạ xếp hạng với 4 công ty bất động sản Trung Quốc và hủy xếp hạng với 3 công ty do kết quả kinh doanh yếu kém và không công bố thông tin.

Đây cũng là nguyên nhân khiến Moody's hạ xếp hạng của China Aoyuan và Dafa Properties Group – hai công ty đầu tuần này cho biết các chủ nợ của họ đã đệ đơn lên tòa án Hồng Kông đề nghị giải thể để thanh toán trái phiếu quốc tế đáo hạn.

Trong khi đó, cả ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm lớn trên thế giới mới đây đều hạ xếp hạng với Logan Group sau khi công ty này tiết lộ một khoản đảm bảo cho 1 tỷ USD trái phiếu riêng lẻ mà trước đó không được công bố trong các báo cáo tài chính.

"Việc hạ xếp hạng này phản ánh khả năng tiếp cận nguồn vốn yếu kém và việc kiểm soát nội bộ kém hiệu quả với các khoản nợ tiềm tàng của Logan, và điều này làm dấy lên lo ngại về các thông lệ quản trị của công ty”, nhà phân tích Cedric Lai của Moody's cho biết trong một báo cáo tuần trước.

Hãng xếp hạng S&P cũng tỏ ra quan ngại về vấn đề minh bạch tại các doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc. Hãng này cho biết gần đây xảy ra làn sóng nghỉ việc của nhân viên kiểm toán tại nhiều công ty địa ốc Trung Quốc, trong đó có China Aoyuan và Shanghai Shimao – công ty con của “đại gia” Shimao Group Holdings.

"Việc thay đổi kiểm soát viên ngay trước khi công bố kết quả kinh doanh năm mà không có giải thích rõ ràng cho thấy sự thiếu sót trong kiểm soát nội bộ. Việc này củng cố quan điểm của chúng tôi rằng các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc cần tăng cường minh bạch trong vấn đề tài chính”, nhà phân tích Fan Gao của S&P nói.

Chỉ riêng trong tuần trước, Moody's đã hạ xếp hạng với 4 công ty bất động sản Trung Quốc và hủy xếp hạng với 3 công ty do kết quả kinh doanh yếu kém và không công bố thông tin, trong đó có Zhenro Properties Group.

Đầu tháng này, Zhenro khẳng định rằng vẫn hoạt động kinh doanh “như bình thường” sau khi cổ phiếu mất 66% giá trị một phiên khi các nhà đầu tư lo lắng về khối nợ lớn của công ty. Tuy nhiên, một tuần sau đó, Zhenro thừa nhận có thể không trả được các khoản nợ đáo hạn vào tháng sau, trong đó có 200 triệu USD trái phiếu vĩnh viễn ở nước ngoài sẽ đáo hạn vào ngày 5/3 tới.

Ngày càng nhiều người lo ngại về vấn đề minh bạch và công bố thông tin trong lĩnh vực bất động sản tại Trung Quốc - Ảnh: Reuters
Ngày càng nhiều người lo ngại về vấn đề minh bạch và công bố thông tin trong lĩnh vực bất động sản tại Trung Quốc - Ảnh: Reuters

Trong khi giới bất động sản tư nhân rơi vào cảnh hỗn loạn, các công ty có yếu tố nhà nước lại tránh được "cơn bão" này và liên tiếp đưa ra các thông báo lạc quan thời gian gần đây. Dù cũng bị ảnh hưởng bởi nhu cầu suy yếu và doanh thu giảm, các công ty này có khả năng tiếp cận vốn tốt hơn nhiều, cùng với đó nhận được sự hỗ trợ chính sách mà doanh nghiệp tư nhân hầu như không có.

Ngày 24/2, Moody’s tiếp tục duy trì xếp hạng Baa1 cho China Resource Land, đồng thời cho biết xếp hạng này phản ánh “thành tích khả quan về tăng trưởng kinh doanh, quản trị tài chính tốt, thanh khoản cao và có khả năng tiếp cận vốn tốt nhờ thuộc sở hữu của nhà nước”.

China Resource Land tuần trước thông báo đã thỏa thuận được một khoản vay 1 tỷ Đôla Hồng Kông (128 triệu USD) trong 5 năm. Trong khi đó, Greentown China Holdings, được Tập đoàn xây dựng truyền thông Trung Quốc đầu tư, cũng thông báo huy động được 150 triệu USD qua phát hành trái phiếu cao cấp.

Hai công ty có vốn đầu tư nhà nước gồm Poly Development & Holdings Group và China Merchants Shekou Industrial Holdings tháng trước đều thông báo đã thực hiện nhiều thương vụ mua đất mới.

Chính phủ Trung Quốc, với mối lo thị trường bất động sản sụp đổ, đã dựa vào các công ty quốc doanh để “giải cứu” một số doanh nghiệp tư nhân gặp khó khăn. Trong đó, China Orient Asset Management đã được “bật đèn xanh” để huy động tới 10 tỷ Nhân dân tệ trái phiếu liên ngân hàng nội địa để giảm rủi ro xung quanh “các dự án bất động sản chất lượng cao” của mình, hãng thông tấn Tân Hoa Xã cho biết. 

Đây là động thái mà China Orient Asset Management nhận xét là “vì bức tranh tổng thể nhằm duy trì sự ổn định tài chính của đất nước”.