Danh sách doanh nghiệp địa ốc Trung Quốc vỡ nợ ngày càng dài
Tin Shimao vỡ nợ là một diễn biến gây nhiều lo ngại cho các nhà đầu tư, bởi cho tới gần đây, công ty này vẫn được cho là thuộc nhóm có “sức khoẻ” tài chính tốt hơn...
Shimao Group, một trong những doanh nghiệp bất động sản vốn được xem là có tình hình tài chính ổn nhất của Trung Quốc, có thể đã vỡ nợ. Đây là một dấu hiệu nữa về những điều tồi tệ hơn có thể xảy ra trong ngành địa ốc nặng nợ của nước này.
Hôm thứ Sáu tuần trước, hãng tin Reuters nói rằng Shimao đã vỡ nợ một khoản vay 645 triệu Nhân dân tệ (101 triệu USD), và thông tin này ngay lập lức khiến giá cổ phiếu công ty “bốc hơi” 17% trước khi đóng cửa với mức giảm 5%. Một công ty con của Shimao ra tuyên bố nói rằng đang đàm phán để giải quyết khoản nợ này.
Trong phiên ngày thứ Hai (10/1), giá cổ phiếu Shimao tăng 19% sau khi tờ báo Trung Quốc Caixin đưa tin Shimao sẽ bán lại tất cả các dự án, bao gồm cả bất động sản nhà ở và thương mại.
Ngành bất động sản với quy mô khổng lồ của Trung Quốc đang đương đầu với áp lực lớn do chiến dịch của Bắc Kinh nhằm kiềm chế hoạt động vay nợ của các doanh nghiệp địa ốc trong hai năm qua. Ngoài một số doanh nghiệp nhỏ hơn, hiện đã có hai “ông lớn” bất động sản Trung Quốc là China Evergrande Group và Kaisa Group bị các tổ chức đánh giá tín nhiệm “dán nhãn” vỡ nợ.
Tin Shimao vỡ nợ là một diễn biến gây nhiều lo ngại cho các nhà đầu tư, bởi cho tới gần đây, công ty này vẫn được cho là thuộc nhóm có “sức khoẻ” tài chính tốt hơn.
“Lý do khiến thị trường lo lắng hơn trong trường hợp này là so với các công ty bất động sản khác gặp khó về tài chính, Shimao vốn được là là một công ty tương đối ổn”, chuyên gia Gary Ng thuộc Natixis nhận xét. Ông Ng nhấn mạnh rằng Shimao đáp ứng cả 3 yêu cầu chính của Chính phủ Trung Quốc về mức nợ của các doanh nghiệp bất động sản, hay còn gọi là chính sách “ba giới hạn đỏ” được thiết lập đối với mức nợ trong tương quan với dòng tiền, tài sản và vốn của doanh nghiệp.
Cũng trong tuần trước, một công ty địa ốc khác của Trung Quốc là Guangzhou R&F Properties cho biết không có đủ tiền để mua lại một trái phiếu do không bán được tài sản.
Phân tích của Natixis cho thấy trong mấy tháng gần đây, tâm lý của thị trường về các doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc ngày càng trở nên bi quan. Hồi tháng 6, thị trường chỉ có cái nhìn tiêu cực đối với 15% số doanh nghiệp địa ốc Trung Quốc. Đến tháng 12, con số này là 35%.
Vụ vỡ nợ của Evergrande vào đầu tháng 12 không gây ra một cú sốc lớn cho thị trường như các nhà đầu tư lo ngại trước đó. Tuy nhiên, tình hình chung của ngành địa ốc Trung Quốc lại trở nên khó khăn hơn.
“Cho dù chính phủ trung ương và chính quyền một số địa phương đã triển khai các biện pháp nới lỏng, thị trường địa ốc Trung Quốc không có sự cải thiện đáng kể nào trong tháng 12, nhất là ở những thành phố cấp địa phương”, một báo cáo của Nomura viết.
Nomura ước tính các doanh nghiệp địa ốc Trung Quốc có 19,8 tỷ USD nợ trái phiếu USD phát hành quốc tế đáo hạn trong quý 1 năm nay, tăng gần gấp đôi so với con số 10,2 tỷ USD trong quý 4/2021, và con số của quý 2 năm nay sẽ là 10,2 tỷ USD.
Một báo cáo ngày 10/1 của tổ chức đánh giá tín nhiệm S&P Global nói rằng rủi ro vỡ nợ trong ngành địa ốc Trung Quốc sẽ tăng mạnh trong quý 1 năm nay, đặc biệt nếu chính sách không có sự nới lỏng thực sự. “Một số lượng lớn doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc vẫn đang đối mặt với sức ép lớn và tình trạng thanh khoản thắt chặt”, nhà phân tích Ricky Tsang của S&P nhận định.