10:00 28/02/2022

Doanh nghiệp phía Bắc thiếu hụt lao động do Covid-19

Lưu Hà

Sau Tết Nguyên đán, dịch bệnh Covid-19 với những diễn biến phức tạp đã gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp và công nhân lao động tại các tỉnh phía Bắc…

Từ đầu tháng 2, rất nhiều doanh nghiệp chuyên về may mặc, giày da, điện tử, cơ khí... tại Hà Nội và các tỉnh lân cận đã sử dụng nhiều cách thức khác nhau để tuyển dụng lao động. Ngoài việc treo băng-rôn tuyển dụng, dán thông báo tại bảng tin trong khu công nghiệp, trước cổng công ty, các doanh nghiệp còn đẩy mạnh tuyển dụng qua mạng xã hội, thông qua các công ty môi giới việc làm và công nhân đang làm việc tại doanh nghiệp...

LAO ĐỘNG ĐÃ THIẾU, F0 LẠI NHIỀU

Từ trước Tết, ngoài lương tháng 13, nhiều doanh nghiệp phía Bắc đã cô gắng duy trì như thường niên là những khoản thưởng Tết và quà cho người lao động. Nhờ vậy sau Tết, nhân công ít bỏ việc; doanh nghiệp có cơ hội mở rộng nhà xưởng để phát triển. Mặc dù có nhiều đãi ngộ, tuy nhiên việc tuyển thêm lao động có chuyên môn cao không phải là chuyện dễ trong thời điểm này. Thực tế, ngay từ đầu năm, Công ty Cổ phần Sữa Hà Lan (Hải Dương) đã phải cắt cử 2 nhân sự chỉ chuyên phục vụ cho công tác tuyển dụng. Tuy nhiên đến nay, số lượng mới chỉ đáp ứng được khoảng 50%.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Chiển, Chủ tịch công đoàn Công ty may Maxcore (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) cho hay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết, công ty phát hiện nhiều trường hợp F0. Hiện, số ca mắc Covid-19 chiếm tới 10% tổng số công nhân. Chị Chiển cho hay đặc thù của ngành may mặc là một người nghỉ, cả dây chuyền bị ảnh hưởng. Do đó, nhiều người phải kiêm nhiệm, dẫn tới giảm năng suất. "Hiện công ty đang có nhu cầu tuyển thêm công nhân mới. Sau khi thử việc một tháng, người lao động sẽ được ký hợp đồng dài hạn, đóng bảo hiểm xã hội," chị Chiển chia sẻ.

Chị Đào Thùy L, Trưởng phòng hành chính một Công ty FDI sản xuất hàng điện tử của Nhật Bản (KCN Quang Minh, Hà Nội), chia sẻ số ca mắc Covid-19 ở nhà máy những ngày gần đây tăng lên nhiều, cứ trở thành F0 thì công nhân phải nghỉ, kéo theo là một vài F1. "Lao động đang rất thiếu, chúng tôi phải chia ca ra để làm việc và tuyển thêm lao động để bù vào số lượng F0, F1 phải nghỉ," chị L. cho hay.  

Chỉ tính riêng tại Hà Nội, đã có hơn 200 doanh nghiệp, tương ứng với 10.000 chỉ tiêu tuyển dụng qua sàn giao dịch việc làm từ đầu năm đến nay.
Chỉ tính riêng tại Hà Nội, đã có hơn 200 doanh nghiệp, tương ứng với 10.000 chỉ tiêu tuyển dụng qua sàn giao dịch việc làm từ đầu năm đến nay.

Còn theo ông Nguyễn Văn Tân, Chủ tịch công đoàn Công ty Hosiden (KCN Quang Châu, Bắc Giang), khoảng 90% công nhân trong số hơn 5.200 công nhân của công ty đã quay lại làm việc sau Tết 2022. Tuy vậy, số ca mắc Covid-19 tăng khoảng 20 - 30 người/ngày khiến hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng, một số đơn vị giảm 10% so với kế hoạch. Hiện công ty phải tuyển thêm công nhân mới, mức lương dành cho người mới là 5,3 - 5,5 triệu đồng/người/tháng. Công ty hỗ trợ thêm bữa giữa ca và tăng ca (nếu có).

Trong khi đó, ông Lâm Thanh Sơn, Trưởng phòng quản lý lao động Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh - cho hay, tỉnh có khoảng 1.170 doanh nghiệp, lao động nội tỉnh chỉ đạt 25% nhu cầu... nên nhu cầu tuyển dụng công nhân vẫn rất lớn, ước tính cả chục nghìn người. Để thuận tiện, người lao động có nhu cầu tìm việc có thể đến Bắc Ninh phỏng vấn hoặc doanh nghiệp tới tận nơi để tiếp xúc ứng viên tại Cao Bằng, Tuyên Quang, Hà Giang, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An, Ninh Bình, Lạng Sơn...

BÙ ĐẮP NGUỒN LAO ĐỘNG THIẾU HỤT

Không ít chuỗi sản xuất đã bị đứt gãy, gián đoạn vì doanh nghiệp chưa thể lấp đầy khoảng trống nhân công chưa thể quay trở lại làm việc sau Tết, do tính địa lý và dịch bệnh. Để góp phần bù đắp nguồn lực lao động thiếu hụt, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh thành đã bắt tay triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy thị trường lao động, hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất.

Theo lãnh đạo ban quản lý khu công nghiệp các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, những lao động chưa tiêm đủ mũi vaccine ngừa Covid-19 sẽ được hỗ trợ tiêm ngay. Đồng thời, doanh nghiệp bổ sung chính sách phúc lợi xã hội, xe đưa đón đi làm, hỗ trợ thêm bữa ăn tại công ty để thu hút lao động mới, đặc biệt là người trẻ, học sinh sinh viên mới ra trường. Bên cạnh đó, Bắc Ninh có kế hoạch bố trí chỗ ở cho người lao động, không phân biệt người trong tỉnh hay ngoại tỉnh; con công nhân đi học cấp I, cấp II, cấp III bình đẳng với các bạn khác; thụ hưởng dịch vụ công như giá điện, giá nước sinh hoạt…

Bên cạnh đó, hầu như tỉnh nào cũng mở những sàn giao dịch việc làm để kết nối người lao động với doanh nghiệp, nhà máy. Tuy nhiên, sàn đã mở, còn lao động vẫn chưa thực sự mặn mà. Dù doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng, nhưng người lao động đến tìm việc khá thưa thớt do vẫn trông chờ vào khoản trợ cấp thất nghiệp.

Chỉ tính riêng tại Hà Nội, đã có hơn 200 doanh nghiệp, tương ứng với 10.000 chỉ tiêu tuyển dụng qua sàn giao dịch việc làm từ đầu năm đến nay. Điều này cho thấy cơ hội việc làm là có, nhưng nghịch lý là doanh nghiệp vẫn "khát" nhân lực, còn người lao động vẫn lao đao tìm việc. Như vậy, khoảng cách để cân bằng nguồn cung cầu lao động vẫn còn bỏ ngỏ.

Việc tuyển thêm lao động có chuyên môn cao không phải là chuyện dễ trong thời điểm này.
Việc tuyển thêm lao động có chuyên môn cao không phải là chuyện dễ trong thời điểm này.

Ngày 24/2, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã phối hợp với Trung tâm dịch  việc làm các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Bắc Giang, tổ chức phiên giáo dục việc làm trực tuyến kết nối 7 tỉnh, thành phố. Tham gia phiên giáo dục việc làm trực tuyến kết nối 7 tỉnh, thành phố có 90 đơn vị, doanh nghiệp, với 19.345 chỉ tiêu tuyển dụng.

Riêng tại hệ thống sàn giáo dục việc làm Hà Nội, có sự tham gia của 34 doanh nghiệp với 1.030 chỉ tiêu. Các vị trí việc làm đa dạng ngành nghề như: Công nhân may, nhân viên bán hàng, nhân viên thu ngân, nhân viên y tế, nhân viên kinh doanh, kỹ sư, kế toán, công nhân sản xuất, kỹ thuật viên, lao động phổ thông… Mức lương cho người lao động dao động từ 5 đến 20 triệu đồng/tháng.

Theo ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, đây là cơ hội thuận lợi cho doanh nghiệp bị thiếu hụt lao động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, có thể tuyển chọn được các ứng viên phù hợp đảm bảo nguồn nhân lực sản xuất kinh doanh dần từng bước phục hồi các hoạt động của doanh nghiệp. Phiên giáo dục việc làm online kết nối 7 tỉnh, thành phố cung cấp thông tin thị trường lao động, kết nối cho người lao động bị mất việc làm, thay đổi việc làm sớm tìm được việc làm phù hợp với nguyện vọng của bản thân tạo ra thu thập, ổn định cuộc sống góp phần đảm bảo công tác an sinh xã hội.

“Dự báo trong quý 1/2022, nhu cầu tuyển dụng tăng mạnh trong khối sản xuất, dịch vụ thương mại, nhà hàng, khách sạn, công nghệ thông tin. Do tình hình dịch bệnh nên hình thức giao dịch trực tuyến sẽ tiếp tục được đơn vị triển khai trong thời gian tới”, ông Vũ Quang Thành cho biết.