07:00 24/02/2022

Vá “lỗ hổng” nhân sự ngành du lịch hậu đại dịch

Châu Anh

Ngày 15/3 tới đây có thể coi là ngày hội đặc biệt của ngành du lịch Việt Nam. Đây là thời gian Chính phủ ấn định sẽ mở cửa toàn bộ ngành du lịch, đồng thời mở cửa toàn bộ bầu trời, không hạn chế các chuyến bay quốc tế. Sau gần 2 năm "chết lâm sàng", ngủ đông, kiệt lực… thì cuối cùng, những người trong ngành công nghiệp không khói đã nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm...

Du lịch Việt Nam đang sẵn sàng để "bùng nổ" nếu có đủ nhân sự
Du lịch Việt Nam đang sẵn sàng để "bùng nổ" nếu có đủ nhân sự

Dịp Tết Nguyên đán Nhâm dần vừa qua, khi du lịch nội địa cơ mở cửa, rất nhiều tín hiệu lạc quan đã được ghi nhận, hàng loạt tỉnh thành đã “bội thu” du khách nội địa.

Nhưng quãng thời gian mở cửa “nháp” cũng cho thấy một thực tế đáng lo ngại, đúng như các chuyên gia kinh tế đã dự báo từ trước, đó là tình trạng khủng hoảng thiếu nhân sự trầm trọng của ngành công nghiệp không khói. Việc thiếu nhân sự và nhân sự chất lượng cao thực sự là bài toán nan giải hậu đại dịch.

MỐI LO THỪA KHÁCH THIẾU NHÂN VIÊN

Ông Trần Văn Hùng một doanh nhân kể lại trải nghiệm nhớ đời ở một khu resort có tiêu chuẩn 5 sao. Ông Hùng kể lại, khu resort được đầu tư xây dựng rất đẹp, sang trọng nên những ngày Tết lượng khách đổ về rất đông, gần như kín phòng. Tuy nhiên các nhân viên chuyên nghiệp của resort còn trụ lại rất ít vì vậy doanh nghiệp buộc phải ký hợp đồng thời vụ với sinh viên.

Nhưng sinh viên, lao động thời vụ không có kỹ năng, kinh nghiệm nên không đáp ứng được những yêu cầu sơ đẳng nhất của khách, ví dụ gọi café thì mang trà ra mời khách uống tạm; nhân viên cứu hộ ở khu bể bơi thực thà trình bày với khách, rằng mình không biết bơi, nếu có sự cố gì sẽ chủ động hô hoán để mọi người trợ giúp…

Kể lại câu chuyện dở khóc dở cười nêu trên nhưng ông Hùng không khó chịu mà bày tỏ rất chia sẻ, thấu hiểu với các doanh nghiệp cũng như người lao động trong ngành du lịch Việt Nam.

19 tháng đóng cửa là quãng thời gian quá dài, vượt xa sức tưởng tượng của bất cứ lãnh đạo doanh nghiệp nào, dù lớn, dù nhỏ. Không ai có thể đủ tài lực, nhân lực để ứng phó với đợt khủng hoảng chưa từng có tiền lệ này.

19 tháng không có doanh thu, cơ bản không có kinh phí hỗ trợ để cầm cự, rất nhiều những nhân sự giỏi, tâm huyết trong giới hướng dẫn viên, đầu bếp, buồng, phòng… đã phải nghỉ việc để chuyển sang một công việc mới, thích hợp hợp để tồn tại.

Ngành du lịch đang rất lo không "kéo" đủ nhân lực quay lại phục vụ khách sau quãng thời gian dịch bệnh
Ngành du lịch đang rất lo không "kéo" đủ nhân lực quay lại phục vụ khách sau quãng thời gian dịch bệnh

Anh Hoàng Tuấn Long, một hướng dẫn viên du lịch “lão làng”, chuyên đưa khách tới các quốc gia châu Âu, Nhật Bản đã chuyển sang đủ thứ nghề, từ bán lòng lợn, chè thập cẩm và hiện là thịt xiên nướng tại Hà Nội. Anh Long cho biết, dù vẫn yêu nghề nhưng nếu không có tiền để sống thì yêu không nổi, bây giờ nếu quay trở lại với nghề sau khi du lịch mở cửa, sẽ là một canh bạc tất tay. Vì nếu các chính sách phòng dịch thay đổi, thì hướng dẫn viên sẽ chết đói theo đúng nghĩa đen.

Hơn nữa, vốn liếng tích cóp sau bao năm dẫn đoàn đã bỏ ra để sinh hoạt và đầu tư vào công việc mới, anh Long không dám chắc mình có thể được bay thường xuyên.

Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) cho biết, hiện cả nước có hơn 15.500 hướng dẫn viên du lịch quốc tế. Đây là những người được chính thức cấp thẻ hành nghề. Nhưng trong 2 năm qua, hơn 15.500 nhân sự này đã rơi vào cảnh mất việc. Những người giỏi nghề, yêu nghề như Hoàng Tuấn Long cũng đã không còn còn nuôi hy vọng quay trở lại.

Theo tiến sĩ Cấn Văn Lực, hiện trạng thiếu nhân sự chất lượng cao của du lịch Việt Nam đã là vấn đề tồn tại từ nhiều năm trước khi đại dịch xảy ra. Mặc dù tiêu chí nguồn nhân lực và thị trường lao động có thứ hạng trung bình khá (thứ 47/140), nhưng chất lượng nhân sự du lịch còn khá thấp. Trình độ nhân sự du lịch của Việt Nam còn nhiều hạn chế. Chúng ta thiếu nhiều nhân sự quản lý có trình độ cao, am hiểu về phát triển du lịch hiện đại, có khả năng xây dựng và phát triển chính sách đồng bộ, cập nhật và có tính bền vững.

 DOANH NGHIỆP CẦN TRỢ LỰC ĐỂ GIỮ NGUỒN NHÂN LỰC

Cũng theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, hiện tỷ lệ lao động được đào tạo đúng chuyên môn du lịch còn thấp, số lao động sử dụng thành thạo từ hai ngoại ngữ trở lên còn thấp (chỉ khoảng 30%), số nhân viên sử dụng được các ngoại ngữ hiếm còn quá ít. Đội ngũ nhân lực làm việc trong lĩnh vực quản lý nhà nước còn mỏng (chỉ chiếm khoảng 1,9% so sánh với nhân lực kinh doanh du lịch là 98,1%) và đội ngũ này cũng thiếu kiến thức, kỹ năng quản lý bài bản.

Những bất cập trên đã có những ảnh hưởng, là một trong những nguyên  nhân dẫn đến hầu bao của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam mở ra rất hạn chế.

Theo UNWTO - Tổ chức du lịch thế giới, chi tiêu bình quân của 1 khách du lịch nước ngoài tại Việt Nam chỉ là 930 USD năm 2018, trong khi con số này của các nước trong khu vực cao hơn khá nhiều như tại Trung Quốc là 1.023 USD, Indonesia là 1.225 USD, Philippines là 1.252 USD, Singapore là 1.618 USD và Thái Lan là 1.695 USD.

Trước những khó khăn liên quan trực tiếp đến thành tố quan trọng nhất của ngành công nghiệp không khói – đó chính là nguồn nhân lực, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Du lịch Vietravel đưa ra kiến nghị, thời điểm này hầu hết doanh nghiệp đã cạn lực, vì thế để giữ chân người  lao động các doanh nghiệp rất cần được Chính phủ tiếp sức về tài chính đồng thời có chính  sách hỗ trợ lao động thất nghiệp để họ không bỏ ngành. Vì vậy, đề nghị hỗ trợ doanh nghiệp với gói vay lãi suất 0% trả lương cho người lao động để duy trì nguồn  nhân lực của doanh nghiệp

Ông Kỳ cũng hy vọng có chính sách hỗ trợ, đào tạo, tạo việc làm để không bị đứt gãy lao động  trong ngành công nghiệp xanh này. Đây là yêu cầu có tính chất bắt buộc vì lực lượng lao động du  lịch có tính đặc thù và chuyên biệt, được đào tạo và cấp thẻ hành nghề.

Ngoài ra, Chủ tịch HĐQT Vietravel cũng đề nghị Chính phủ cân nhắc, nghiên cứu thêm phương án hỗ trợ dựa trên chi  phí, thay vì dựa trên số thuế phải nộp (giảm thuế suất), để hỗ trợ cho cả các doanh nghiệp không có lợi nhuận.

Với tình hình kinh doanh của khu vực doanh nghiệp hiện nay, nên triển khai chính sách hỗ trợ dựa trên chi phí lao động để góp phần thu hút  lao động quay trở lại làm việc.

Chính sách này có thể thực hiện thông qua việc cho  phép doanh nghiệp trong các ngành nghề, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng, được trừ chi  phí lao động cao hơn mức chi trả thực tế. Chi phí lao động được khấu trừ cao hơn có thể là các khoản chi mang tính chất tiền lương, thưởng… Trong trường hợp doanh nghiệp có chi thêm các khoản bồi dưỡng, hỗ trợ người lao động vì dịch bệnh, thì có  thể cho phép ưu đãi khấu trừ ở mức cao hơn để giữ chân lao động trong ngành.

Cùng quan điểm với  ông Kỳ, một số đại diện doanh nghiệp du lịch khác khi tiếp  xúc, trao đổi với phóng viên VnEconomy đều bày tỏ, đây là  giai đoạn đặc biệt “nhạy cảm” của ngành công nghiệp không khói.

Chúng ta đang đặt tất cả quyết tâm để thu hút du khách quốc tế quay lại Việt Nam, nhưng nếu không quyết liệt thực thi các giải pháp hỗ  trợ người lao động thì  ngay khi mở cửa, du  lịch Việt Nam có thể mất điểm nặng nề vì nhân sự thiết hụt, không đảm bảo.