Giá xăng tăng cao, doanh nghiệp vận tải “đau đầu” ứng phó
Với giá xăng hiện đã vượt 25.000 đồng/lít - mức cao nhất trong 8 năm qua, các doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ, nhất là doanh nghiệp vận tải, “khó chồng khó” khi chưa kịp khôi phục lại hết công suất hoạt động do dịch bệnh Covid-19...
Trong kỳ điều chỉnh mới nhất, giá mỗi lít xăng A95 đã chạm 25.320 đồng, xăng E5 cao nhất là 24.570 đồng, giá các loại dầu cũng tăng mạnh. Việc giá nguyên liệu đầu vào như xăng dầu tiếp tục leo thang, trong khi thị trường vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục gây áp lực khủng khiếp đối với doanh nghiệp vận tải.
BUỘC PHẢI TĂNG CƯỚC VẬN TẢI
Không giấu nổi sự lo lắng trước việc giá xăng dầu tăng cao kỷ lục, ông Tô Quang Học, Giám đốc Công ty TNHH Phiệt Học, đơn vị có nhiều đầu xe chuyên chạy tuyến Hà Nội - Thái Bình, cho hay doanh nghiệp đang vật lộn tìm phương án kinh doanh khi giá nhiên liệu liên tục tăng chóng mặt. “Hai năm nay, doanh nghiệp vận tải đang cố cầm cự vì dịch Covid-19 kéo dài. Nay giá xăng dầu tăng cao chẳng khác nào cú đánh bồi đẩy chúng tôi đến bờ vực phá sản”, ông Học nói.
Tương tự, ông Lê Đình Dũng, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Vận tải Hà Sơn - Hải Vân, doanh nghiệp chuyên chạy tuyến cố định Hà Nội - Lào Cai, chia sẻ: “Giai đoạn bình thường chi phí nhiên liệu của đoàn xe khoảng hơn 4 tỷ đồng/tháng. Đến nay, khi tăng giá xăng dầu, mỗi tháng doanh nghiệp sẽ mất thêm khoảng 400 triệu đồng, khó khăn thêm chồng chất. Lượng khách hiện chưa nhiều, nếu phải tính đến phương án tăng giá vé e rằng lại càng ít khách”.
Tại bến xe Mỹ Đình (Hà Nội), một đại diện nhà xe tuyến Hà Nội – Yên Bái cho biết hiện doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều bài toán, không chỉ về vấn đề xăng dầu tăng giá mà còn cả việc duy trì kinh phí cho nhân viên test nhanh Covid-19 thường xuyên. Chủ nhà xe này cho hay, thời gian tới, nhiều khả năng các doanh nghiệp sẽ điều chỉnh lại giá cước, có thể tăng từ 10 - 20% nhằm mục đích cân đối doanh thu. Dù vậy, họ cũng sẽ rơi vào thế khó do khách hàng không dễ chấp nhận việc tăng giá vé.
Không riêng mảng vận tải hành khách, vận tải hàng hóa dự kiến cũng sẽ phải tăng chi phí vận chuyển để bù vào chi phí nhiên liệu. Đại diện Công ty giao nhận vận tải T.M.A (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết giá cước vận tải đã được nhiều công ty thông báo tăng 10% từ sau Tết đến nay. Cụ thể, giá cước xe chở một container từ cảng Cát Lái (TP.HCM) về Khu công nghiệp Tam Phước (Long Thành, Đồng Nai) từ 2,8 - 2,9 triệu đồng/container nay tăng lên 3,2 triệu đồng. Vị này cho hay ngoài giá xăng dầu tăng, các chi phí về tài xế, chi phí đi đường… đều tăng, buộc các chủ xe phải tăng cước ngay sau Tết.
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Đạt, Giám đốc Công ty CP Vận tải và Thương mại Vạn Xuân, cho biết dịch bệnh đã làm cho các doanh nghiệp taxi cạn kiệt nguồn lực, không còn đủ sức để hỗ trợ người lao động. “Giá xăng dầu tăng, khách đi xe ít, người lao động không có việc làm. Hiện, chỉ có 50% số lượng phương tiện của doanh nghiệp hoạt động, nếu giờ mà tăng giá cước, khách sẽ càng ít đi. Nhưng doanh nghiệp lúc này là vẫn phải oằn mình gánh các loại chi phí, nếu không tăng giá cước sẽ không cáng đáng được”, ông Đạt nói.
Ông Trần Đức Nghĩa, Giám đốc Công ty quốc tế Delta, dự đoán trong thời gian tới cước phí vận tải đường bộ nói chung sẽ tăng khoảng 4 - 5%. Lý giải mức tăng, ông Nghĩa cho hay tổng hai lần tăng trong năm 2022 này của giá xăng dầu trong nước là khoảng 12,8% so với cuối năm 2021. Trong khi đó, chi phí xăng dầu chiếm 30 - 40% trong tổng chi phí của doanh nghiệp vận tải, nên mức tăng 4 - 5% là hợp lý.
Theo ông Nghĩa, trước đó giá cước vận tải không dám “nhúc nhích” từ sau dịch Covid-19 bùng phát đợt 4. Đa số các doanh nghiệp chấp nhận gồng mình lỗ trong ngắn hạn để mong khách quay trở lại. Tuy nhiên, khi giá xăng dầu tăng liên tục thì tính toán để điều chỉnh tăng giá cước chính là cách ứng phó mà doanh nghiệp bắt buộc phải lựa chọn.
GIẢI PHÁP CẤP THIẾT HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, chi phí nhiên liệu hiện chiếm khoảng 35% cơ cấu giá thành vận tải. Nhà nước hiện không quản lý giá cước vận tải mà để doanh nghiệp tự quyết định, vì thế không loại trừ khả năng khi tăng giá nhiên liệu, doanh nghiệp sẽ tăng giá cước.
Tổng hai lần tăng trong năm 2022 này của giá xăng dầu trong nước là khoảng 12,8% so với cuối năm 2021. Trong khi đó, chi phí xăng dầu chiếm 30 - 40% trong tổng chi phí của doanh nghiệp vận tải, nên dự đoán doanh nghiệp sẽ tăng giá cước khoảng 4 - 5%.
“Vận tải hành khách đang trong giai đoạn khó khăn, nhu cầu đi lại rất thấp. Giá xăng dầu lại tăng, nên để cân đối thu chi, doanh nghiệp vận tải sẽ phải điều chỉnh, tính toán mặt bằng giá cước mới. Điều này sẽ tác động tiêu cực, làm chậm thêm quá trình phục hồi thị trường vận tải và nhu cầu đi lại của hành khách sau đại dịch”, ông Quyền nói. “Giá cước tăng cao cũng sẽ tác động đến giá cả hàng hóa, dịch vụ vì doanh nghiệp sản xuất sẽ phải tính vào cơ cấu giá thành. Cuối cùng, người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu hậu quả của việc tăng giá này”.
Còn theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long, doanh nghiệp và người dân hiện có hai mối lo thường trực, đó là dịch Covid-19 và giá nhiều loại nguyên liệu đầu vào tăng cao. Trong khi dịch bệnh đã tạm thời được kiểm soát, nền kinh tế trên đà hồi phục, việc giá xăng dầu lại liên tục tăng, gây áp lực rất lớn lên đà phục hồi kinh tế.
Ông Long phân tích, hiện mỗi lít xăng dầu bán ra thị trường phải gánh 4 loại thuế gồm: thuế giá trị gia tăng 10%, thuế nhập khẩu 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10% và thuế bảo vệ môi trường từ 3.800 - 4.000 đồng/lít. Trong số này, chỉ có thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt là có thể giảm. Hiện thuế nhập khẩu đã ở mức thấp trong khi nghị quyết mới đây của Quốc hội về giảm thuế VAT cho các hàng hóa, dịch vụ thì mặt hàng xăng dầu không được đề cập đến.
Ông Long đề xuất để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch Covid-19, Nhà nước có thể có chính sách tạm thời, điều chỉnh giảm các khoản thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt lên mặt hàng xăng dầu để giúp doanh nghiệp bớt áp lực. “Giá xăng dầu thế giới đang được dự báo sẽ tiếp tục tăng. Với tình hình thế giới tăng, chúng ta tăng theo thì doanh nghiệp rất khó khăn. Giảm được loại thuế, phí gì hỗ trợ doanh nghiệp lúc này mà trong khả năng làm được, nên làm ngay”, TS. Ngô Trí Long nhận định. “Nay doanh nghiệp cứ nghe tăng giá thứ gì đều thấy lo lắng. Phải tạo tâm lý an lòng dân mới phục hồi kinh tế đường dài được”.
Bên cạnh đó, liên quan đến vấn đề xăng dầu, một “nút thắt” nữa được đặt ra với thời điểm này là thời gian của các kỳ điều hành giá xăng dầu. Theo Nghị định 95, mặc dù thời gian này đã được rút ngắn xuống còn 10 ngày (thay vì 15 ngày như trước đây) song nhiều doanh nghiệp kiến nghị đó vẫn là khoảng thời gian dài, chưa theo kịp với so với diễn biến giá xăng dầu thế giới. Nhiều ý kiến cho rằng hiện vẫn còn nhiều bất cập trong công tác điều chỉnh giá xăng dầu và cách tính toán chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu, vì vậy cần xem xét lại cách thức điều chỉnh hiện nay.