17:32 23/04/2022

Doanh nghiệp taxi chật vật để duy trì hoạt động

Lưu Hà

Nhiều tài xế taxi truyền thống, xe công nghệ đã tạm ngưng chạy xe từ khi giá xăng dầu tăng mạnh. Các chuyên gia cho rằng, hoạt động taxi bị đình trệ sẽ làm chậm phục hồi của ngành này sau đại dịch…

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, loại hình vận tải hành khách đã “đóng băng” trong nhiều tháng. Sau khi thực hiện những biện pháp hoạt động trong trạng thái bình thường mới, taxi dần hoạt động trở lại và bắt đầu tăng tần suất hoạt động của các đầu xe. Tuy nhiên, do dư chấn quá lớn, cộng thêm giá xăng, dầu tăng cao khiến cho các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vận tải hành khách này vẫn đang đi theo chiều hướng xấu.

DOANH NGHIỆP LAO ĐAO, TÀI XẾ BỎ VIỆC

Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM, đồng thời là thành viên HĐQT Công ty cổ phần Ánh Dương VN (Vinasun), cho biết lượng xe của Hãng Vinasun đến nay đã chạy được 2.300 xe, trong khi trước dịch Covid-19 bùng phát, hãng này có 4.000 xe chạy. Dù vậy, ông Tạ Long Hỷ cũng thừa nhận giá xăng đang “ăn mòn” vào lợi nhuận của doanh nghiệp. Phải tăng tỷ lệ chiết khấu cao hơn để bù giá xăng cho tài xế khiến lợi nhuận của công ty giảm mạnh.

Tương tự, đại diện hãng taxi Mai Linh cho biết, doanh nghiệp đang phải gồng mình khi gánh chịu các loại chi phí. Giá nhiêu liệu cộng hưởng với những chi phí khác trong mùa dịch thực sự khiến doanh nghiệp điêu đứng. Theo tính toán, tỷ lệ 30 - 35% cấu thành chi phí hoạt động đến nay đã không còn phù hợp, thay vào đó, tỷ lệ này đã tăng thêm trên 13%.

Ông Lê Ngọc An, Giám đốc Taxi Hoàn Kiếm, cho biết do ảnh hưởng của dịch bệnh, hành khách rất hạn chế đi lại và giá nhiên liệu tăng cao khiến các lái xe đều không muốn chạy vì trước dịch mỗi ngày chạy được khoảng 700.000 -1.000.000 đồng, nhưng hiện mỗi ngày chỉ được khoảng 200.000 - 300.000 đồng, không đủ tiền ăn. Cũng theo ông An, năm 2019, doanh nghiệp có trên 300 xe nhưng đến nay chỉ còn 100 xe, nếu không có chính sách hỗ trợ, hoặc các giải pháp hữu hiệu thì sẽ làm chậm phục hồi của ngành này sau đại dịch.

Chung tình cảnh trên, Tổng đài của Công ty CP quản lý G7 Taxi cũng chẳng còn nhận được nhiều cuộc gọi đặt xe như trước khi dịch bệnh. Không có mấy khách, thời điểm này ngày thu nhập cao nhất của lái xe cũng chỉ được 200.000 - 300.000 đồng. Thu nhập sụt giảm, nhiều người bỏ việc, giờ chỉ còn khoảng một nửa lái xe đang làm việc. Thiếu nhân lực lúc này là bài toán đau đầu của các hãng taxi.

Giá nhiêu liệu cộng hưởng với những chi phí khác trong mùa dịch thực sự khiến doanh nghiệp taxi điêu đứng.
Giá nhiêu liệu cộng hưởng với những chi phí khác trong mùa dịch thực sự khiến doanh nghiệp taxi điêu đứng.

Những ngày gần đây, số xe dừng hoạt động đã lên tới con số từ 40 - 50% trên phạm vi cả nước, đặc biệt là tại Hà Nội. Theo thống kê, hiện hơn 7.000 taxi, tương đương gần 50% số taxi Hà Nội dừng hoạt động, chưa bao giờ tình trạng thiếu lái xe trầm trọng như thế. Lo ngại về tương lai bấp bênh của nghề lái xe dịch vụ là một trong những lý do chính, điều này cũng khiến các hãng vận tải gặp không ít khó khăn trong việc tuyển dụng tài xế khi bình thường mới trở lại.

Ông Nguyễn Anh Quân, Giám đốc Công ty CP quản lý G7 Taxi, cho rằng thời gian qua, các giải pháp hỗ trợ tài chính qua hệ thống bảo hiểm xã hội phần nào giúp người lao động giảm được áp lực. Song về lâu dài, các phương án hỗ trợ cần mang phải tính chất cơ bản, có giá trị lâu dài và bền vững hơn mới tạo cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải cơ hội phục hồi sau khi chịu quá nhiều tác động của yếu tố khách quan. Cũng theo ông Quân, hiện các chính sách hỗ trợ chưa được rõ ràng, cụ thể.

CẦN MỞ RỘNG CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ

Chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp taxi, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, cho hay hiện nay, nhu cầu của người dân vẫn thấp nhưng doanh nghiệp vẫn phải cho xe hoạt động trở lại để giữ thị trường. Tuy nhiên, việc gắng gượng có lẽ không thể kéo dài khi giá xăng, dầu tăng cao, trong khi doanh thu của doanh nghiệp vận tải chỉ đạt khoảng 15 - 20% thời điểm trước dịch.

 
Hiện cả nước có 1.000 doanh nghiệp taxi, với số taxi giảm dần đều kể từ thời điểm trước dịch đến nay. Cụ thể, năm 2019 là hơn 79 nghìn xe, năm 2020 là 75 nghìn xe, năm 2021 là 68 nghìn xe và năm 2022 chỉ còn 67 nghìn xe.

Do đó, để hạn chế số lượng doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường, kéo theo vấn đề việc làm của hàng ngàn người lao động, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội kiến nghị, các cơ quan có trách nhiệm cần xem xét, mở rộng chính sách hỗ trợ, kéo dài thời hạn nộp thuế, bảo hiểm xã hội năm 2021. Bên cạnh đó, cơ cấu trả nợ cần chia dần trong 6 tháng, để doanh nghiệp vừa trả nợ định kỳ và trả nợ cơ cấu (2 lần). Thời gian cơ cấu và hình thức trả nợ do 2 bên thỏa thuận nhưng thời gian trả nợ cơ cấu không quá 31/12/2022, Ngân hàng Nhà nước nên cho phép các ngân hàng, tổ chức tín dụng kéo dài thời gian cơ cấu lại nợ, giãn hoãn nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thêm 2 năm.

Ngoài ra, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cũng cho rằng, trong thời gian vừa qua, giá xăng, dầu liên tục tăng, vì vậy, cần xem xét tạm dừng thu 3.800 đồng vào Quỹ bảo vệ môi trường, để góp phần ổn định lại chỉ giá cước vận tải trên thị trường. Đồng thời, tạm dừng thu phí bảo trì đường bộ, các quỹ công đoàn... xem xét và cân nhắc giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, lùi thời điểm áp dụng tăng lương tối thiểu vùng, áp dụng từ 01/01/2023, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị tốt nhất.

“Dịch Covid-19 diễn biến khó lường thời gian qua đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt khiến doanh nghiệp khó khăn và kiệt quệ, tăng lương thời điểm này sẽ khiến nhiều doanh nghiệp phải hủy bỏ ngang hợp đồng vì chi phí không đảm bảo, ảnh hưởng đến công việc và thu nhập của người lao động. Nếu doanh nghiệp không thể lo nổi chi phí nhân công, khả năng hàng chục nghìn người lao động sẽ không có việc làm,” Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội chia sẻ.

Thiếu nhân lực lúc này là bài toán đau đầu của các hãng taxi.
Thiếu nhân lực lúc này là bài toán đau đầu của các hãng taxi.

Theo ông Đỗ Xuân Hoa, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải ô tô, kết quả khảo sát 87 doanh nghiệp vận tải hành khách, hàng hóa và bến xe cho thấy, sau hơn 2 năm chịu tác động của đại dịch Covid-19, vận tải bị đứt gãy, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, giảm tới 80%.

Dù Chính phủ đã có các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, song ông Hoa cho biết hầu hết các doanh nghiệp vận tải chỉ tiếp cận được với chính sách giảm phí bảo trì đường bộ. Các chính sách hỗ trợ có tác động lớn đến doanh nghiệp như vốn, giảm thuế, phí, lãi vay ngân hàng vẫn chưa đến được với họ. Nguyên nhân do các thủ tục để được nhận hỗ trợ phức tạp, mất nhiều thời gian nên doanh nghiệp khó tiếp cận. Nhiều doanh nghiệp đã cắt giảm quy mô sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp đã giải thể, phá sản.

“Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, Chính phủ cần miễn phí bảo trì đường bộ đến hết năm 2022 thay vì giảm 30% để kích cầu cho doanh nghiệp vận tải. Liên bộ Công Thương Tài chính cần phải vào cuộc tích cực mới mong phục hồi được sản xuất, kinh tế. Các bộ, ngành cũng phải tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh vận tải,” ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhận định.