06:00 21/04/2022

Doanh nghiệp hứng khởi trở lại thị trường

An An

Sự cộng hưởng tích cực từ các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế thời gian qua đã cho thấy niềm tin của doanh nghiệp dần trở lại sau hai năm “sóng gió” vì những ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19...

Khách du lịch tới Quảng Ninh tăng kỷ lục.
Khách du lịch tới Quảng Ninh tăng kỷ lục.

Ông Trịnh Duy Điềm, Phó Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH Phát triển thương mại và du lịch Ngọc Anh tại Hà Nội (Wild Lotus Travel), cho biết sau hai năm “ngủ đông” vì đại dịch, quyết định mở cửa du lịch quốc tế từ ngày 15/3/2022 đã đem đến cho doanh nghiệp những hy vọng mới.

DOANH NGHIỆP KHÔNG BỊ “BỎ RƠI”

“Sau quyết định mở cửa, lượng khách du lịch quốc tế đặt tour đi Hạ Long, Ninh Bình… tăng vọt. Dù chưa đạt mức cao điểm như thời kỳ trước dịch, nhưng đây là tín hiệu tích cực cho sự phục hồi của các doanh nghiệp du lịch sau hai năm phải hoạt động cầm chừng vì Covid-19”, ông Điềm chia sẻ.

Điều đáng nói, không chỉ lượng khách quốc tế, lượng khách du lịch nội địa cũng có sự gia tăng đáng kể. “Có thời điểm, cháy phòng khách sạn, doanh nghiệp phải xoay sở nhiều cách mới có thể đáp ứng được nhu cầu của du khách”, ông Điềm nói.

Số liệu của Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh ngày 9/4/2022 cho thấy, có 235 chuyến tàu được cấp lệnh ra vịnh; trong đó có 217 chuyến tàu tham quan ban ngày với 4.324 khách (4.004 khách trong nước và 320 khách nước ngoài) và 18 chuyến tàu tham quan qua đêm (666 khách trong nước và 92 khách nước ngoài).

Như vậy, tổng cộng lượng khách tham quan ban ngày và ngủ đêm trên vịnh Hạ Long ngày 9/4 là 5.082 người. Đây là mức cao kỷ lục kể từ khi vịnh Hạ Long được đón khách trở lại sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và tương đương với ngày bình thường vào dịp hè trước khi xuất hiện Covid-19.

Doanh nghiệp hứng khởi trở lại thị trường - Ảnh 1

Cũng giống như Wild Lotus Travel, doanh nghiệp tư nhân của ông Nguyễn Ngọc Long chuyên kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ nhà hàng, khách sạn, karaoke… tại phố Nguyễn Khang, Cầu Giấy, Hà Nội cũng từng bước hoạt động trở lại sau quyết định cho phép mở lại các loại hình kinh doanh có điều kiện gồm karaoke, quán bar, vũ trường, quán game... từ 0 giờ ngày 8/4/2022 của Hà Nội.

Dù mới chỉ kinh doanh được hơn một tuần và còn rất nhiều khó khăn, thách thức mà doanh nghiệp phải xử lý để trở về trạng thái trước đây, song theo ông Long, “doanh nghiệp cảm thấy không bị bỏ rơi, đứng ngoài guồng quay phục hồi của cả nền kinh tế”.

“Khó khăn sẽ vẫn còn nhưng chắc chắn không thể nào tồi tệ hơn việc phải đóng cửa, dừng hoạt động hàng năm trời vì dịch dã”, ông Long chia sẻ.

DOANH NGHIỆP GIA NHẬP VÀ TÁI GIA NHẬP THỊ TRƯỜNG CAO KỶ LỤC

Theo ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), với việc khẩn trương triển khai các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và từng bước mở cửa nền kinh tế, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp đã dần trở lại sau hai năm dịch bệnh Covid-19 bùng phát.

“Minh chứng rõ nét nhất là số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong quý 1/2022 đạt mức cao nhất trong các quý 1 từ trước đến nay”, ông Tuấn cho biết.

Doanh nghiệp hứng khởi trở lại thị trường - Ảnh 2

Cụ thể, trong quý 1/2022 có 60.178 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, gấp 1,5 lần so với trung bình quý 1 giai đoạn 2017-2021, tăng 36,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Nếu tách con số kỷ lục trên thì số doanh nghiệp gia nhập thị trường trong quý 1/2022 cũng khá ấn tượng. Số doanh nghiệp thành lập mới trong quý 1/2022 là 34.590 doanh nghiệp, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2021 và là mức cao nhất trong quý 1 từ trước đến nay.

“Sự gia tăng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới thể hiện nỗ lực và tinh thần khởi nghiệp của cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời cho thấy, nhiều cơ hội kinh doanh mới đã và sẽ xuất hiện”, ông Tuấn nhận định.

Đáng chú ý, tại một số địa phương, tình hình đăng ký doanh nghiệp cũng có sự khởi sắc rõ nét như: tại Thành phố Hồ Chí Minh, số doanh nghiệp đăng ký thành lập tăng 24,1% so với cùng kỳ năm 2021. Hà Nội tuy là địa phương hiện đang có số ca nhiễm Covid-19 cao nhất cả nước, nhưng số doanh nghiệp đăng ký thành lập cũng tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Trái ngược với đà tăng của số doanh nghiệp tái gia nhập thị trường và số doanh nghiệp thành lập mới, số doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại trong quý 1/2022 đã giảm 16,7% so với cùng kỳ năm 2021 (4.335 doanh nghiệp).

Đặc biệt, 17/17 ngành kinh doanh chính có số lượng doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại giảm cho thấy sức chống đỡ của doanh nghiệp đã tăng lên rất nhiều.

“Tôi thấy rằng doanh nghiệp của chúng ta đã lấy lại được trạng thái kinh doanh theo hướng thích ứng linh hoạt và chủ động với tình hình mới, dựa trên khả năng sáng tạo, đổi mới và nhìn thấy những cơ hội kinh doanh đã và đang đặt ra trước mắt”, ông Tuấn nhận định.

VẪN CẦN NHỮNG TRỢ LỰC

Mặc dù khu vực doanh nghiệp đã có những tín hiệu phục hồi trở lại song theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, năm 2022 tiếp tục là một năm đầy thách thức với nền kinh tế, do đó cần có những giải pháp căn cơ, sát thực tiễn nhằm hiện thực hóa những mục tiêu đã đặt ra trong năm 2022 với chỉ tiêu tăng trưởng GDP từ 6% đến 6,5%.

Theo đó, để đạt được mục tiêu nêu trên, việc cải cách phải thể chế, môi trường kinh doanh cần đi vào thực chất hơn nhằm bảo đảm yêu cầu cạnh tranh quốc tế.

Doanh nghiệp hứng khởi trở lại thị trường - Ảnh 3

“Nhưng để các chính sách đi vào thực tiễn, có hiệu quả hơn thì Chính phủ, các cơ quan liên quan cần chủ động và thường xuyên tham vấn cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức hiệp hội ngành nghề trong quá trình thực hiện”, bà Hương cho biết.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản, vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp các doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh, góp phần đưa nền kinh tế quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao và bền vững.

Theo nhiều chuyên gia, bên cạnh việc cải cách thể chế và môi trường kinh doanh, Chính phủ cần đẩy nhanh tiến độ các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp như vay với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam trong mọi lĩnh vực, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số thiết thực, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp…

Còn theo chuyên gia kinh tế ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), hơn lúc nào hết, trong bối cảnh bình thường mới, đòi hỏi cấp bách việc nâng cao hiệu quả thực thi của bộ máy chính quyền, đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu trong việc điều chỉnh chỉ đạo linh hoạt, thích ứng phù hợp tình hình thực tế, tạo hành lang thông thoáng cho doanh nghiệp hoạt động.

“Đặc biệt, phải có sự chỉ đạo thường xuyên, liên tục của Chính phủ nhằm xóa bỏ hoàn toàn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, tránh tình trạng “cát cứ” mỗi địa phương đưa ra và hiểu một cách khác nhau gây khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp”, ông Cung nhấn mạnh.