08:16 18/04/2022

Đừng nghĩ chuyển đổi số là việc của "ông hàng xóm"

Song Hà

Lãnh đạo doanh nghiệp thường nghĩ: chuyển đổi số là của ai đó, của hàng xóm, của doanh nghiệp lớn, còn mình nhỏ thì chưa cần, trong khi kinh doanh của mình lại đang kinh doanh rất tốt nên chả có lý do gì để chuyển đổi số...

Chuyển đổi số là việc phải làm ngay.
Chuyển đổi số là việc phải làm ngay.

Khảo sát mới nhất của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy: 3/4 các doanh nghiệp được khảo sát đã quan tâm ứng dụng các công nghệ số trước tác động của đại dịch Covid-19. Nhưng nhận thức của các doanh nghiệp về chuyển đổi số chưa có nhiều chuyển biến.

Có đến 36,1% các doanh nghiệp đã nghe qua về chuyển đổi số, nhưng không biết bắt đầu thực hiện từ đâu; 9,4% doanh nghiệp cho rằng chỉ có doanh nghiệp quy mô vừa và lớn mới cần chuyển đổi số.

Hơn 17% doanh nghiệp tỏ ra chưa quan tâm hoặc chưa chú trọng đến chuyển đổi số; 21,9% doanh nghiệp tin rằng doanh nghiệp nhỏ ít chịu tác động từ chuyển đổi số. 23,8% doanh nghiệp biết về chuyển đổi số nhưng thiếu nguồn lực tài chính và nhân lực để thực hiện...

SỢ NHẤT LÀ TÂM LÝ NGẠI CHUYỂN ĐỔI

Là chuyên gia tư vấn về chuyển đổi số, ông Nguyễn Quang Minh, Chủ tịch – Tổng giám đốc (CEO) của Bizen Việt Nam, thừa nhận hầu hết người đứng đầu doanh nghiệp đều mắc hai sai lầm trong chuyển đổi số, đó là sai lầm trong suy nghĩ, quan niệm, nhận thức và hành động. Sai lầm trong tư duy dẫn đến sai lầm trong hành động khiến doanh nghiệp thất bại trong chuyển đổi số.

Phân tích sâu hơn, ông Minh cho rằng lãnh đạo doanh nghiệp thường nghĩ: chuyển đổi số là của ai đó, của hàng xóm, của doanh nghiệp lớn, còn mình nhỏ thì chưa cần, trong khi kinh doanh của mình đang rất tốt nên chả có lý do gì để chuyển đổi số.

Nhưng doanh nghiệp cần hiểu rằng thời đại ngày nay không như thế, nếu chúng ta không nhanh, không linh hoạt, khi nhận ra chúng ta đã thua rồi. “Giờ là thời đại của đường đua F1. Vào đường đua F1 nếu không trang bị ô tô đủ tính năng như F1 mà mang xe thường vào đua thì chúng ta chỉ có chết. Nên chuyển đổi số là việc chúng ta phải làm và làm ngay”, ông Minh nhấn mạnh.

“Chuyển đổi số không nhanh cũng không chậm, nó không phải là mốc đến mà là một quá trình. Doanh nghiệp chuyển đổi số cho đến khi thành doanh nghiệp số thì vẫn tiếp tục chuyển đổi và ứng dụng. Chuyển đổi số giống như một ngôi nhà từ thiết kế, hoạch định, xây móng, xây từng căn phòng, hoàn thành ngôi nhà thì đưa vào vận hành, sử dụng rồi lại trang hoàng, nâng cấp tiếp”, ông Minh bổ sung.

Cũng có quan điểm cho rằng chuyển đổi số phức tạp, không làm được do doanh nghiệp không đủ tiềm lực. Nhưng nhóm khác lại nói chuyển đổi số quá đơn giản, chỉ mua phần mềm về ứng dụng. Ông Minh cho rằng cả hai nhận định trên đều sai. Chuyển đổi số không đơn giản cũng không quá phức tạp, doanh nghiệp nhỏ cũng làm được nếu họ có quyết tâm cao nhất.

Một sai lầm nữa cho rằng chuyển đổi số chỉ là của một nhóm người, của nhân viên công nghệ, song cần hiểu công nghệ chỉ là công cụ. Cần hiểu trong cuộc đua, xe là công cụ còn người lái xe mới là chính. Chuyển đổi số là câu chuyện của con người, của văn hóa, thói quen, phong cách lãnh đạo, quan điểm tư duy của toàn hệ thống doanh nghiệp.

Câu chuyện tiền bạc cũng được đặt ra trong chuyển đổi số. Nhiều chủ doanh nghiệp nghĩ chỉ doanh nghiệp lớn mới làm được hay chuyển đổi số không cần nhiều tiền… cũng là những quan điểm không đúng.

Bởi chúng ta có thể chuyển đổi số bắt đầu từ bộ phận nhỏ nhất trong doanh nghiệp, chỉ bỏ ra vài triệu mỗi tháng chúng ta đã bắt đầu làm được. Chuyển đổi số không cần nhiều tiền cũng không đúng, vì để chuyển đổi toàn diện, cần xây dựng văn hóa, quy trình tổng thể.

“Đây là cả quãng thời gian dài nên chắc chắn ai cũng làm được. Sợ nhất là doanh nghiệp chuyển đổi số nửa vời rồi dừng lại”, ông Minh e ngại.

Vấn đề nữa là sợ và ngại chuyển đổi số. Điều này vô cùng nguy hiểm vì không thể làm gì nếu không có khả năng thay đổi và ngại thay đổi. Thứ nữa là sợ học, làm gì cũng sợ sai. Tâm lý đa số cho rằng đang yên đang lành, đang đông khách thì cần gì phải thay đổi hoặc đợi người khác làm trước mình làm sau rút kinh nghiệm...

“Trong cạnh tranh mà đợi người khác đi trước mình nửa bước là mình thua. Thua ngay từ điểm xuất phát. Nên cần rút kinh nghiệm trên chính doanh nghiệp của mình”, đại diện Bizen phân tích.

Tiếp nữa là theo “Trend”. Chính phủ nói, các bộ, ngành nói nhiều về kinh tế số, chính phủ số, doanh nghiệp số... Rồi các lớp đào tạo về chuyển đổi số được mở ra, lãnh đạo doanh nghiệp cũng cho nhân viên đi làm chuyển đổi số luôn, gọi bên cung cấp phần mềm đến làm chuyển đổi số, bởi người khác làm mình cũng làm...

Theo ông Minh, chính sự nóng vội trong hành động cũng khiến doanh nghiệp gặp sai lầm. Doanh nghiệp không đánh giá được mình cần gì, mình đang ở đâu từ đó không có chiến lược chuyển đổi cụ thể. Doanh nghiệp cần chuyển đổi theo đúng nhu cầu của mình, phát hiện ra vấn đề doanh nghiệp cần phải làm và làm bằng sự quyết tâm.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ CHUYỂN ĐỔI SỐ HIỆU QUẢ?

Giáo sư Hà Tôn Vinh, Chủ tịch Tổ hợp Giáo dục và Tư vấn quốc tế Stellar Management (Hoa Kỳ) chia sẻ: chuyển đổi số được hiểu ở một khía cạnh khác là “khởi nghiệp lại”. Tức là trên nền tảng doanh nghiệp đã có, tiếp tục kinh doanh theo phương thức mới bằng việc áp dụng công nghệ. Khởi nghiệp không phải bắt đầu kinh doanh mà là tiếp tục kinh doanh theo phương thức mới để phù hợp với sự thay đổi của Cách mạng công nghiệp 4.0.

Tại Hoa Kỳ tất cả các công ty khởi nghiệp đều dựa vào chuyển đổi số. 92% các công ty đã có chiến lược chuyển đổi số. 95% doanh nghiệp dịch vụ đã chuyển đổi số. 93% doanh nghiệp tài chính ngân hàng, 89% doanh nghiệp giáo dục, bán lẻ, sản xuất... chuyển đổi số.

Ông Vinh đồng tình, rào cản lớn nhất trong chuyển đổi số của doanh nghiệp xuất phát từ bản thân các doanh nghiệp hay cụ thể hơn là người làm chủ các doanh nghiệp. Để chuyển đổi số, doanh nghiệp cần cam kết thực hiện chuyển đổi số. “Cơ hội là rất nhiều, thách thức là chính mình, giải pháp là do chính mình”, ông Vinh nhấn mạnh.

Giáo sư Hà Tôn Vinh dẫn chứng bài học đắt giá về sự biến mất của một số thương hiệu lớn như hãng phim Kodak do chậm trễ trong chuyển đổi số. Hay đối lập với Kodak là sự phát triển nhanh khủng khiếp của các tập đoàn như Amazon do nhanh chóng nắm bắt được cơ hội chuyển đổi số.

Cũng theo vị Giáo sư này, làm chuyển đổi số trong doanh nghiệp là quyết định đôi khi rất cô đơn, nhưng cần lòng can đảm. Chuyển đổi số giống như xe lửa không thể dừng mãi ở ga. Không khởi nghiệp lại doanh nghiệp sẽ không thay đổi, chúng ta sẽ bị bỏ lại đằng sau. Trước khi chuyển đổi số phải cam kết, hiểu, nắm vững công nghệ, có chiến lược, lộ trình chuyển đổi rõ ràng.

Ông Lê Văn Khương, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phía Bắc, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bổ sung rằng chuyển đổi số mang lại lợi ích rất nhiều cho doanh nghiệp, chi phí có phát sinh, nguy cơ cũng có nhiều. Áp lực cạnh tranh bắt buộc doanh nghiệp phải chuyển đổi, đi nhanh hơn. Nhưng sự quyết tâm của lãnh đạo doanh nghiệp quyết định đến sự thành công của doanh nghiệp.

Khẳng định doanh nghiệp phải chuyển đổi số thì mới sống sót, song CEO Bizen Việt Nam cho rằng để thành công, doanh nghiệp vừa chuyển đổi số nhưng vẫn phải quản trị, điều hành hoạt động kinh doanh theo chiến lược, mục tiêu đã xác định.

Điều này không làm độc lập mà làm trong bối cảnh quản trị sự thay đổi trong doanh nghiệp, đổi mới từ văn hóa, con người, tới nhận thức, thói quen, quy trình làm việc... Đặc biệt phải có lộ trình áp dụng giải pháp và công nghệ chuyển đổi số.

Ông Minh cũng khuyến cáo, chuyển đổi số không phải là một điểm đến mà là một quá trình kéo dài trong suốt chu trình tồn tại doanh nghiệp. Do đó, cần đánh giá, khảo sát theo mô hình “Ngôi nhà” chuyển đổi số và các nội dung, điều kiện, mục tiêu chuyển đổi số.

Thành lập đội tiên phong chỉ đạo chuyển đổi số; xác định - xây dựng chiến lược chuyển đổi số (mục tiêu, công nghệ, phương thức, nguồn lực...). Cùng với đó truyền thông nội bộ, tập huấn, xác lập các điều kiện cần thiết (con người, công cụ...).

Bắt tay vào chuyển đổi số từng bộ phận, từng giai đoạn theo chiến lược đã xác định, chọn lựa nhà cung cấp – đồng hành...; từng bước hoàn thiện; xác lập trạng thái doanh nghiệp số.