20:58 25/07/2021

Đón đọc Kinh tế Việt Nam bộ mới số 55-2021

Kinh tế Việt Nam - VnEconomy

Mời quý độc giả đón đọc Kinh tế Việt Nam bộ mới số 55 phát hành ngày 26-7-2021 với nhiều chuyên mục...

Xuất hiện tại Việt Nam khoảng 10 năm, các trung gian thanh toán ví điện tử, fintech đã nối dài cánh tay thanh toán cho hệ thống ngân hàng trong việc đáp ứng nhu cầu thanh toán hiện đại cũng như góp phần phổ cập tiếp cận tài chính toàn diện ở vùng sâu, vùng xa.

Kinh tế Việt Nam bộ mới số 55-2021
Kinh tế Việt Nam bộ mới số 55-2021

Tính đến cuối tháng 5/2021, tại Việt Nam có 43 tổ chức không phải ngân hàng đã được cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó có 40 tổ chức trung gian thanh toán có hoạt động cung ứng dịch vụ ví điện tử (công ty ví điện tử) với tổng số tài khoản ví điện tử (ví) đang hoạt động là khoảng 14,59 triệu (tăng khoảng 0,94 triệu ví so với thời điểm cuối năm 2020). 

Nhìn vào lịch sử phát triển, đặc biệt trong hai năm qua (2019-2020), thị trường ví điện tử được đánh giá là đi vào phát triển ổn định, sau thời gian nhập cuộc. Nhiều tổ chức trung gian thanh toán cung ứng dịch vụ ví điện tử tại Việt Nam đã phát triển, thu hút được lượng khách hàng lớn lên tới hàng triệu người dùng, xử lý tới hàng triệu giao dịch mỗi tháng.

Mặc dù còn khiêm tốn nhưng trong năm 2020, hoạt động ví điện tử cũng đóng góp vào dòng chảy thanh toán không dùng tiền mặt đang rất sôi động với tổng số lượng giao dịch bằng ví điện tử được xử lý thành công đạt 888,33 triệu món với tổng giá trị giao dịch hơn 328,69 nghìn tỷ đồng (tăng tương ứng 122,79% về số món và 124,87% về giá trị so với năm 2019); bình quân mỗi ví điện tử phát sinh khoảng 3,72 giao dịch/tháng và với giá trị hơn 1,38 triệu đồng/tháng.

Trong số báo phát hành vào sáng mai, thứ Hai (26-7), Kinh tế Việt Nam bộ mới số 55-2021 sẽ dành 12 trang cho chuyên mục "Tiêu  điểm" với chủ đề: "Nối dài cánh tay thanh toán: Bùng nổ ví điện tử", nhằm phác hoạ toàn cảnh về thị trường ví điện tử Việt, với những đánh giá độc lập từ các cơ quan làm chính sách, từ các tổ chức trung gian thanh toán cung cấp dịch vụ ví điện tử.           

Covid-19 thúc đẩy thị trường ví điện tử: Tác động của dịch bệnh Covid-19 khiến cho các hình thức thanh toán điện tử phát triển hơn bao giờ hết. Bên cạnh các giao dịch thực hiện qua Mobile Banking, Internet Banking, cà thẻ, quét QR Code, thanh toán bằng nhận diện gương mặt... ví điện tử cũng là phương thức được nhiều người sử dụng trong thời gian qua, đặc hiệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại Việt Nam. (Tú Uyên).

Ví điện tử, fintech đang dần phổ cập. Xuất hiện tại Việt Nam 10 năm nay, ví điện tử, fintech đã nối dài cánh tay thanh toán cho hệ thống ngân hàng. Có ý kiến cho rằng,  40 trung gian thanh toán là quá nhiều so với quy mô dân số 100 triệu người, kéo theo đó là cạnh tranh gay gắt, dẫn đến hao phí nguồn lực xã hội. Kinh tế Việt Nam/VnEconomy đã có cuộc trao đổi với ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước. (An Thơ – Mạnh Chung).

Thị trường ví điện tử: Chiếc áo đã chật hay mảnh đất màu mỡ? Với 43 ví điện tử và hơn 120 doanh nghiệp fintech, thị trường ví điện tử nói riêng và fintech nói chung ở Việt Nam có quá chật chội, đã đến lúc cần phải “thanh lọc”, hay đây vẫn là mảnh đất đầy tiềm năng tiếp tục cần được khai phá?  Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy cùng trò chuyện với lãnh đạo các ví điện tử được xem là lớn nhất hiện nay của Việt Nam, cũng như chuyên gia đầu ngành, để cùng mổ xẻ các vấn đề trên. (Thủy Diệu).

Quá dư ví điện tử Việt? Thị trường ví điện tử Việt Nam được ví như một “chảo lửa đốt tiền”. Những đơn vị đi đầu đã gây dựng được thương hiệu với hàng triệu người dùng nhưng đến nay vẫn chưa có lãi. Nhưng “sân chơi” với sự cạnh tranh khốc liệt này vẫn tiếp tục đón chào những tân binh mới. Vậy thị trường này liệu có đang quá dư? (Mạnh Chung)

Cơ hội nào cho những “gương mặt” fintech mới? Việt Nam được xem là một trong những thị trường tiềm năng nhất trong khu vực Đông Nam Á để các doanh nghiệp fintech phát triển. Hàng loạt các mô hình fintech vì thế cũng mọc lên “như nấm sau mưa” trong những năm gần đây. (Hoàng Thu).

Cùng nhiều bài viết cho các chuyên mục khác:

Quyết sách của Đảng đã được thể chế hóa. Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cộng sản Việt Nam hồi đầu năm nay, nơi hội tụ tinh hoa trí tuệ của toàn Đảng, đã định ra những quyết sách quan trọng bậc nhất của quốc gia, từ nhân sự lãnh đạo, thượng tầng kiến trúc đến kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm và chiến lược phát triển đất nước cho cả thời kỳ dài 10 năm, với tầm nhìn xa tới giữa thế kỷ này. Hướng phát triển đất nước đã được hoạch định theo trách nhiệm “cầm lái” của Đảng cầm quyền. Tuy nhiên, định hướng đó sẽ không thể đi vào thực tiễn cuộc sống, nếu không được thể chế hóa theo hành lang pháp lý của quốc gia. (Nguyễn Quốc Uy).

“Sốt ruột” với Luật Đất đai sửa đổi. Luật Đất đai (sửa đổi) là một trong những dự án Luật được mong đợi từ lâu bởi Luật Đất đai năm 2013 hiện hành bộc lộ nhiều hạn chế, có sự chồng chéo, mâu thuẫn và không thống nhất với luật chuyên ngành có liên quan, gây khó khăn cho người dân khi thực hiện quyền và các cơ quan khi thực thi pháp luật liên quan tới quản lý đất đai. Trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, kỳ họp thứ nhất - Quốc hội khóa VX, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đề nghị Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) theo quy trình 3 kỳ họp. Cụ thể, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được đề nghị cho ý kiến hai lần - tại kỳ họp thứ ba (tháng 5/2022) và thứ tư (tháng 10/2022) - và thông qua tại kỳ họp thứ năm (tháng 5/2023). (Nguyễn Tuyến).

Chọn kịch bản nào cho tăng trưởng kinh tế? Trong cả ba kịch bản dự báo của Viện Kinh tế và Chính sách (VEPR) đều khẳng định: tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2021 phụ thuộc rất lớn vào tốc độ, quy mô tiêm chủng vaccine; hiệu quả của những biện pháp phòng chống dịch bệnh; các gói hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng ở trong nước. Mặc dù kinh tế Việt Nam trong quý 2/2021 tăng trưởng 6,61% là con số khá ấn tượng, song đứng trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tăng trưởng kinh tế nửa cuối năm 2021 sẽ không được lạc quan như những dự báo đã đưa ra trước đó. (Chu Khôi).

“Bài toán” khó cho tăng trưởng. Đợt dịch Covid-19 bùng phát ở Tp.HCM và một số tỉnh phía Nam đang tiếp tục tàn phá “sức khỏe” doanh nghiệp và cản bước phục hồi của nền kinh tế. “Bài toán” tăng trưởng chưa bao giờ nan giải và đầy thách thức như lúc này! P/v PGS.TS. Tô Trung Thành, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. (Khánh Vy).

Nhóm lao động tự do chỉ thấp thoáng trong gói 26 nghìn tỷ. Điều đáng lo ngại của gói chính sách 26 nghìn tỷ trong Quyết định 23/2021/QĐ-TTg là chưa có hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động tự do. Và đó là điều rất khó để thực hiện mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”. P/v ông Phạm Quang Tú, Phó Giám đốc quốc gia, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam (Lý Hà).  

Đồng thuận giảm lãi suất: Từ lý thuyết tươi đẹp đến thực tiễn khó nhằn. Việc chủ trương đã có từ khá lâu nhưng bây giờ các ngân hàng mới công khai “đồng thuận” cho thấy rằng trong khi chủ trương là nhất quán, việc thực hiện còn nhiều rào cản, chủ yếu do không ngân hàng nào muốn “tự mình” thực hiện mà ngân hàng khác thì không. Theo một nghĩa nào đó, sự đồng thuận hiện tại thà muộn còn hơn không. (Quách Mạnh Hào – Giảng viên Ngân hàng Tài chính Đại học Lincoln, Vương quốc Anh; sáng lập CLB Đầu tư theo nhóm QMV tại Việt Nam; Võ Minh Chiến – Chiến lược gia trưởng về thị trường CLB Đầu tư theo nhóm QMV).

Cứu doanh nghiệp: Vay tín chấp thông qua tổ hợp tín dụng. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính từ 29/4/2021 đến nay toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã triển khai ba đợt cắt giảm thu nhập hỗ trợ doanh nghiệp. Các chuyên gia đề xuất nên lập tổ hợp tín dụng cho vay tín chấp để cứu doanh nghiệp vượt qua khốn khó do đại dịch. Theo đó, 4 ngân hàng thương mại nhà nước gồm Agribank, Vietcombank, Vietinbank, BIDV tiên phong cắt giảm mạnh thu nhập, với mức tổng tạm tính là 15 nghìn tỷ đồng, tính riêng thu nhập từ lãi của các khoản vay hiện hữu và vay mới trong năm nay, chưa kể phần miễn giảm các loại phí. (Đào Hưng).

Startup Việt bao giờ IPO trên sân nhà? Theo số liệu từ Eikon/Reuters, chỉ có 2,18% doanh nghiệp niêm yết là nằm trong lĩnh vực công nghệ với mức vốn hóa trung bình vào khoảng 150 triệu USD/doanh nghiệp. Đã vậy mới đây, một startup có tiếng là Tiki lập pháp nhân mới ở Singapore, được đồn đoán là chuẩn bị cho bước Phát hành chứng khoán lần đầu tiên (IPO) thông qua SPAC (Special Purpose Acquisition Company). Bao giờ thì startup Việt IPO ngay trên sân nhà? (TS. Võ Đình Trí - Đại học Kinh tế Tp.HCM, IPAG Business School Paris AVSE Global).

Thị trường bất động sản chưa thể bừng sáng. Sự bùng nổ của dịch bệnh Covid-19, nhiều vướng mắc về cơ chế chính sách chưa được tháo gỡ triệt để cùng với những bất cập của nội tại thị trường đang và sẽ còn tác động mạnh tới thị trường bất động sản. Bởi vậy, nhiều ý kiến cho rằng trong cuối năm 2021, thị trường này vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn. (Ngân Huyền).

Có nên điều chỉnh thuế thép? Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế xuất khẩu phôi thép để ổn định nguồn cung cho thị trường, đồng thời giảm thuế nhập khẩu một số sản phẩm thép nhằm hạ giá mặt hàng thép xây dựng. Tuy nhiên, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) không đồng tình, vì chính sách này không chỉ gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp, mà còn chưa phù hợp với thực trạng ngành sản xuất thép trong nước hiện nay. (Nguyễn Mạnh).

Phân định rõ kiểm dịch và kiểm tra an toàn thực phẩm. Theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn bộ thuỷ sản, bao gồm sản phẩm đã chế biến và sản phẩm chưa chế biến nếu nhập khẩu vào Việt Nam đều phải thực hiện kiểm dịch. Trong khi đó, nếu sản phẩm thuỷ sản đã chế biến, nhập khẩu với mục đích sử dụng là sản phẩm ăn uống thì chỉ cần kiểm tra an toàn thực phẩm. Còn sản phẩm thuỷ sản chưa qua chế biến, nhập khẩu nhằm mục đích làm con giống, làm nguyên liệu sản xuất thì phải thực hiện kiểm dịch. Việc “nhốt” chung các sản phẩm thuỷ sản nhập khẩu vào cùng một “chuồng” và tất cả phải thực hiện kiểm dịch đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhập khẩu thủy sản. (Linh Đan).

“Trợ thở” cho doanh nghiệp kiệt sức vì Covid. Đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ 4 tại Việt Nam dù có tạo cơ hội cho một số doanh nghiệp vươn lên làm ăn khấm khá. Song, đối với rất nhiều doanh nghiệp, dịch bệnh đã giáng những “đòn” chí tử khiến họ trở nên kiệt sức, đứng trước nguy cơ phá sản, nhất là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực vận tải hành khách, du lịch, nhà hàng khách sạn. (Nguyên Lê).

Kinh tế Mỹ bước vào giai đoạn tăng trưởng chậm hơn. Sự phục hồi kinh tế Mỹ sau cú sốc mà đại dịch Covid-19 gây ra trong năm 2020 có thể đã đạt đỉnh trong quý 2 vừa qua. Nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể đang bước vào một giai đoạn tăng trưởng chậm hơn, nhưng các chuyên gia kinh tế tin tưởng rằng đà tăng vững chắc sẽ được duy trì sang năm 2022 bất chấp biến chủng Delta hoành hành. (Kiều Oanh)