17:53 04/07/2021

Đón đọc Kinh tế Việt Nam bộ mới số 52-2021

Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy

Từ ngày 5/7/2021, Tạp chí Kinh tế Việt Nam bộ mới khổ 21x29,7cm, phát hành mỗi tuần/kỳ vào thứ Hai với 60 trang nội dung sẽ chính thức ra mắt bạn đọc...

Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 52-2021
Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 52-2021

Cùng với phiên bản VnEconomy cải tiến đã ra mắt từ 1/4/2021, Tạp chí Kinh tế Việt Nam có thêm phần nội dung tiếng Anh, nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu bạn đọc là các chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài và các đối tượng bạn đọc khác có nhu cầu.

Chuyển đổi từ Thời báo Kinh tế Việt Nam, cho đến nay Tạp chí Kinh tế Việt Nam vẫn không ngừng nỗ lực, được độc giả đánh giá là tờ báo có nét riêng. Thay đổi để phát triển, đây cũng là lúc Ban Biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam quyết định có bước cải tiến quan trọng trong hướng đi của ấn phẩm Tạp chí Kinh tế Việt Nam.

Với sự cải tiến lần này, Tạp chí Kinh tế Việt Nam mong muốn sẽ luôn nhận được sự quan tâm và đồng hành của tất cả bạn đọc yêu quý!

Đón đọc Kinh tế Việt Nam bộ mới số 52-2021  - Ảnh 1
Đón đọc Kinh tế Việt Nam bộ mới số 52-2021  - Ảnh 2

Trong ấn phẩm Kinh tế Việt Nam số đầu tiên của bộ mới ra ngày 5/7/2021, quý vị độc giả sẽ tìm thấy những thông tin mới nhất, nổi bật nhất của kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm 2021 và dự báo cho 6 tháng cuối năm 2021, thông qua các câu chuyện được ghi nhận từ thực tế và góc nhìn đa chiều của chuyên gia...

Hai trang nội dung tiếng Anh - Summary: Tóm tắt các bài viết nổi bật, nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu bạn đọc là các chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài và các đối tượng bạn đọc khác có nhu cầu.

GDP 6 tháng tăng 5,64%, vẫn còn băn khoăn: Trong bối cảnh đợt dịch Covid-19 lần này “nặng hơn” so với năm 2020, mức tăng trưởng GDP 5,64% trong nửa đầu năm được xem là mức tăng đáng khích lệ. Tuy nhiên, vẫn còn những băn khoăn đằng sau con số tăng trưởng này. (Anh Nhi)

Giá tiêu dùng tăng thấp nhất trong 6 năm: Bình quân 6 tháng đầu năm 2021, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,47% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016; lạm phát cơ bản 6 tháng tăng 0,87%. (Hương Loan).

Không thể chủ quan với nhập siêu: Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2021 tiếp tục được ghi nhận là điểm sáng của nền kinh tế. Dẫu vậy, niềm vui này chưa thể trọn vẹn khi nhập siêu đã quay trở lại. Cho dù đã được “trấn an” rằng điều này không có gì bất thường, song không vì thế mà chủ quan. (Nguyễn Mạnh).

Xuất nhập khẩu 2021: Nhìn từ hậu cần và vận tải quốc tế: Mức tăng trưởng sản lượng vận chuyển bằng container có vẻ “bất thường” và vị trí “đáng nể” của Việt Nam trong chuỗi cung ứng, trên thực tế, lại rất hợp lý nếu như xem xét trong một giai đoạn dài hơn. (Xuân Hà, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần VOX Global).

GDP có thể tăng trưởng đột phá với kinh tế số: Trong kinh tế số, GDP có thể tăng trưởng đột phá chứ không phải tuần tự như kinh tế thực. Không ít sản phẩm, ý tưởng công nghệ trên thế giới đã khiến nền kinh tế bùng nổ. Bởi vậy, GDP trong nền kinh tế số có những con số nhiều khi giật mình, không theo quy luật thông thường. Ông Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, chia sẻ với Kinh tế Việt Nam/VnEconomy về vai trò của kinh tế số trên hành trình thực hiện mục tiêu thành nước phát triển của Việt Nam vào năm 2045. (Mạnh Chung).

Cuối năm thị trường lao động khó “nóng” ngay: Đợt dịch Covid lần thứ 4 đang tác động mạnh đến doanh nghiệp, người lao động trong các khu công nghiệp, tiếp tục chặn đà phục hồi của thị trường lao động. Kịch bản cho thị trường lao động 6 tháng cuối năm 2021 thế nào cho phù hợp? (Thu Hằng).

Sàn mua bán nợ xấu: Vẫn vướng hành lang pháp lý: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) vừa có thông báo sắp khai trương Sàn giao dịch nợ VAMC nhưng những rào cản về quyền lợi của người tham gia cùng cơ chế xử lý nợ xấu vẫn khiến nhà đầu tư chưa mặn mà. (Đào Hưng).

Đất đai ngổn ngang sai phạm: Đất đai là lĩnh vực hội tụ nhiều cái nhất: phức tạp nhất, nhiều khiếu nại, tố cáo nhất và tham nhũng lớn nhất. Mặc dù có giảm nhưng từ năm 2013 đến nay, đơn thư khiếu nại, tố cáo có liên quan đến đất đai vẫn chiếm trên 60% trong tổng số các đơn thư. (Phan Dương).

Khi nhà đầu tư trong nước làm chủ “cuộc chơi”: Thị trường chứng khoán chính thức trải qua một nửa chặng đường của năm 2021 trong sự thăng hoa  của các chỉ số. Tuy nhiên, sau thời gian phấn khích, sự điều chỉnh giảm có thể sẽ sớm xảy ra. (Ngọc Hân).

Hạ tầng tạo sức bật cho cảng biển: Trong bức tranh tụt dốc của ngành vận tải nói chung, ngành cảng biển phục hồi mạnh nhờ “neo” vào nhịp tăng trưởng hoạt động xuất nhập khẩu. Tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển tại Việt Nam trong năm 2021 dự báo đạt 771 triệu tấn, tăng 11,9% so với cùng kỳ. (Ánh Tuyết).

Ô tô vượt “đèo” đại dịch: Nửa đầu năm 2021 được xem là chặng đường thành công của thị trường ô tô Việt Nam trước những khó khăn do tình hình dịch bệnh Covid-19 gây ra. Mặc dù vẫn chưa có những con số thống kê chính thức về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ô tô hay tình hình sức mua trên thị trường của giai đoạn nửa đầu năm nay, song theo tiết lộ của đại diện một số hãng xe lớn, tổng sức mua trên toàn thị trường cộng dồn 6 tháng đầu năm 2021 tăng trưởng rất tốt so với cùng kỳ năm ngoái. (Đức Thọ).

Băn khoăn về Thông tư 40 thu thuế sàn thương mại điện tử: Nhiều doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử bất an trước Thông tư 40 hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế, thu thuế hộ đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. (Hồng Vinh).

Thương vụ 100 triệu USD KKR-EQuest: Định giá quá đà hay khơi trúng “mạch” thị trường?: Tập đoàn giáo dục EQuest Group vừa nhận khoản vốn đầu tư kỷ lục 100 triệu USD từ Công ty đầu tư hàng đầu thế giới KKR. Trước đó, cuối năm 2018, đơn vị đào tạo trực tuyến Topica Edtech Group thuộc Topica Group đã công bố nhận được khoản đầu tư Series D trị giá 50 triệu USD từ Quỹ đầu tư Northstar Group, mở đầu cho trào lưu đầu tư quốc tế vào thị trường giáo dục Việt Nam. Hai thương vụ “đình đám” này khiến một số chuyên gia kinh tế đặt câu hỏi: Liệu định giá doanh nghiệp giáo dục trong nước có bị “lạm phát” hay thương vụ tiêu biểu này là tín hiệu đáng mừng về tiềm năng tăng trưởng của các doanh nghiệp và thị trường giáo dục Việt Nam? (Thành Trung).

Doanh nghiệp cần được “trợ thở”: Lần đầu tiên trong một thập kỷ qua, số lượng doanh nghiệp bị “khai tử” cao hơn số doanh nghiệp mới được “khai sinh”. Đây là điều rất đáng lo ngại mà nguyên nhân chính là do tác động của đại dịch Covid-19. (Song Hoàng).

Du lịch tìm cách chung sống với Covid: Trải qua bốn đợt bùng phát dịch Covid, hành vi và nhu cầu của khách du lịch đã thay đổi. Thay vì ưu tiên về giá cả, yêu cầu đầu tiên của khách hàng là đảm bảo an toàn và lựa chọn sản phẩm du lịch có chất lượng cao. (Phương Thảo).

Đại hội trực tuyến giới kinh tế học toàn cầu: Chủ đề Covid-19 “chiếm sóng”: Ngày 2/7, Đại hội toàn cầu (World Congress) của Hiệp hội Kinh tế thế giới (IEA) đã chính thức khởi động dưới hình thức trực tuyến. Các nhà kinh tế học từ khắp các quốc gia trên thế giới bước vào 5 ngày hội thảo online, trao đổi các công trình nghiên cứu mới nhất và đưa ra các đánh giá và dự báo về nền kinh tế các quốc gia, khu vực và toàn cầu. (Kiều Oanh).